Nguồn: Theo GDVN
Ngọc Quang
(GDVN)- Những người dân nghèo hàng ngày chạy chợ kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con ăn học đã bị chèn ép bắt đầu từ quyết định Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm - ông Lê Văn Thư.
Mới đây, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư của nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ tại chợ Cầu Diễn phản ánh việc UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho doanh nghiệp vào quản lý chợ, thu tiền vượt quá quy định 826 triệu đồng, cho đến nay vẫn trây ì không chịu trả cho dân.
Những người dân nghèo khổ, hàng ngày chạy chợ kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con ăn học đã bị "bóp nghẹt", và mặc dù sau đó có cả phán quyết của TAND TP Hà Nội, rồi thông báo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhưng 6 tháng trôi qua, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn "đắp chiếu" vụ việc.
Quyết định bất thường của ông Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm
Ngày 29/12/2009, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm khi ấy là ông Lê Văn Thư (nay là Bí thư Quận ủy Quận Bắc Từ Liêm) đã ký quyết định số 12185/QĐ-UBND để “bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác".
Bắt đầu từ quyết định bất thường này, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội được quyền quản lý và thu phí tại chợ Cầu Diễn. Tuy nhiên, tính từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2012, công ty này đã tự ý nâng mức thu phí vị trí chỗ ngồi kinh doanh và đã thu của 193 hộ với tổng số tiền thừa lên tới 826 triệu đồng. Đơn trường hợp của ba hộ là chị Loan (sạp số 22), chị Hồng (sạp số 28) và chị Hoa (sạp số 26), trong thời gian 28 tháng đã bị thu vượt tổng số tiền là 9,6 triệu đồng.
Khi phát hiện ra sự mập mờ trong việc giao quyền quản lý chợ, một số hộ kinh doanh không nộp tiền và yêu cầu chính quyền huyện Từ Liêm làm rõ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chính quyền huyện Từ Liêm lại đưa ra nhiều văn bản trả lời vòng vèo, không giải quyết thỏa đáng cho các hộ kinh doanh.
Những người dân nghèo hàng ngày ngồi trong những tấm lán lụp xụp, kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi con ăn học đã bị chèn ép bắt đầu từ quyết định của ông Lê Văn Thư. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ngay trong thông báo số 582/TB-CT, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội Về việc: Cân đối công nợ, thanh toán phí sử dụng ki-ốt, sạp hàng và ký hợp đồng sử dụng chỗ ngồi kinh doanh tại chợ Cầu Diễn cho cử tri. Trong thông báo Công ty đã thừa nhận việc có thu sai quy định về phí chợ khi chưa có sự phê duyệt của Thành phố đối với các cử tri buôn bán tại chợ Cầu Diễn trong thời gian dài từ ngày 01/01/2010 đến ngày 30/5/2012.
Ngày 12/8/2014, trong văn bản gửi ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Kiên - Đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ: Huyện Từ Liêm cũ hoàn toàn biết sự việc thể hiện qua các biên bản làm việc giữa bà Nguyễn Thị Huệ (nguyên phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm) với các bà con cử tri.
Tuy nhiên huyện Từ Liêm đã mặc nhiên công nhận sự thỏa thuận trái với quy định mà không có bất kỳ một hành động nào khôi phục trật tự pháp luật bởi một điều sơ đẳng rằng không ai được quyền và được phép thỏa thuận trái với quy định đã ban hành. Nhưng điều nguy hiểm này đã mặc nhiên được thừa nhận bởi một cơ quan chính quyền, quản lý nhà nước dựa trên luật pháp và những quy định.
Ông Kiên cho biết thêm, việc đấu thầu chợ Cầu Diễn là tìm kiếm nhà thầu thực hiện công việc là đầu tư xây dựng dựng chợ Cầu Diễn (tức là đầu tư xây dựng xong mới được kinh doanh khai thác) nhưng không hiểu vì lý do gì ngày 29/12/2009, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm là ông Lê Văn Thư đã ký quyết định số 12185/QĐ-UBND để “bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác".
Việc đấu thầu dự án chợ Cầu Diễn không phải là cuộc đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Vì vậy, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội không có tư cách và thẩm quyền quản lý, khai thác chợ Cầu Diễn từ ngày 01/01/2010 đến nay. Vì vậy việc Công ty trong thông báo số 582/TB-CT ngày 12/8/2014 yêu cầu cử tri đến để cân đối công nợ, ký lại hợp đồng sử dụng ki-ốt, sạp kinh doanh là hết sức lố bịch và khiến sai phạm chồng lên sai phạm.
Phớt lờ chỉ đạo của lãnh đạo thành phố?
Trong văn bản gửi ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm - ông Nguyễn Hữu Kiên đề nghị 5 vấn đề:
1.Hủy bỏ quyết định số 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 là thực hiện đúng như nội dung kết luận tại thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 đã nêu: "Nội dung công dân nêu việc UBND huyện Từ Liêm ban hành Quyết định 12185/QĐ-UBND ngày 29/12/2009 về bàn giao quản lý chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác không đúng quy định là có cơ sở";
2.Yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội hoàn trả ngay tất cả các khoản tiền đã thu của các hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn từ ngày 01/01/2010 đến nay;
3. Khôi phục đơn vị quản lý đúng thẩm quyền trước đây để các cử tri nộp các loại phí theo đúng quy định kể từ ngày 01/01/2010 đến nay cho đơn vị này;
4. Kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân, tập thể làm sai và để việc sai phạm kéo dài gây hậu quả cho cử tri, nhà nước và đơn vị liên quan. Yêu cầu các cá nhân và tập thể liên quan đó bồi thường thiệt hại cho nhà nước, cử tri và Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội (nếu có);
5.Thực hiện đúng quy định của luật đấu thầu và các văn bản liên quan.
Việc ông Lê Văn Thư ký quyết định giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội được quyền quản lý và thu phí tại chợ Cầu Diễn là trái hoàn toàn với nội dung đấu thầu và Quyết định 1770/QĐ-UBND ngày 13/4/2009 về việc "phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Chợ Cầu Diễn”.
Điều này đã được thể hiện rõ trong bản án phúc thẩm số 69/2013/KDTM-PT ngày 25 và 27/11/2013, TAND TP Hà Nội đã không công nhận tư cách của Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội trong việc kiện các hộ kinh doanh tại Chợ Cầu Diễn. Sự thật pháp lý và sự thật thực tiễn đều không công nhận tư cách của Công ty trong việc quản lý, kinh doanh khai thác chợ Cầu Diễn khi chưa đầu tư xây dựng. Nên việc bàn giao sai trái này đã làm thiệt hại lớn đến quyền lợi của cử tri và các đơn vị có liên quan cũng như của Nhà nước.
Việc bàn giao sai trái này cũng đã được thông báo số 39/TB-UBND ngày 13/3/2014 về việc kết luận đơn tố cáo của đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Cầu Diễn, huyện Từ Liêm do UBND Thành phố ban hành xác nhận là tố cáo của cử tri là có cơ sở.
Thông báo nói rõ, từ tháng 1/2010, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thu phí vượt mức cũ (với hộ kinh doanh trong chợ chính và trần bê tông cốt thép 70.000đ/m2 và sạp hàng ngoài trời lớp mái tôn là 60.000đ/m2), nhưng tới tận 1/6/2012 UBND huyện Từ Liêm về việc thu phí ở mức trên.
Theo thông báo, UBND huyện Từ Liêm các trách nhiệm kiểm điểm cá nhân và tập thể liên quan đến các tồn tại kể trên. Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội phải xin ý kiến các hộ kinh doanh tại chợ để xử lý số tiền 826 triệu đồng thu tăng phí.
Tuy nhiên, kể từ khi có thông báo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào tháng 3/2014 đến nay, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa trả lại số tiền 826 triệu đồng cho các hộ kinh doanh.
Cần phải nhắc lại rằng, TAND Hà Nội đã có phán quyết không công nhận tư cách pháp nhân của doanh nghiệp này trong việc quản lý, kinh doanh khai thác chợ Cầu Diễn, nhưng tính từ phiên xét xử tới nay đã 10 tháng trôi qua, UBND quận Bắc Từ Liêm chưa hề có một biện pháp cụ thể nào để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.
Vì sao ông Lê Văn Thư - cựu Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (nay là Bí thư Quận ủy Quận Bắc Từ Liêm) lại ký quyết định số 12185/QĐ-UBND để “bàn giao chợ Cầu Diễn cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội quản lý, kinh doanh khai thác? Vì sao cho tới nay công ty này vẫn chây ì không chịu trả lại tiền cho dân? Ai đang chống lưng cho những sai phạm của những cá nhân, tập thể trong vụ việc này? Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.