Ngọc Thu
9-4-2016
Defenders’ Day (Ngày của Những Người Bảo vệ Nhân quyền) là ngày họp mặt của những nhà hoạt động nhân quyền, do Civil Rights Defenders tổ chức. Civil Rights Defenders (Tổ chức Những người Bảo vệ Nhân quyền) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 1982, nhằm mục đích cải thiện nhân quyền ở các nước mà quyền con người không được tôn trọng. Từ năm 2013, Civil Rights Defenders có tổ chức Ngày của Những Người Bảo vệ Nhân quyền (Defenders’ Day) vào tháng 4 hàng năm, tại Stockholm, Thụy Điển
.Vào ngày này, có khoảng 160 người đến từ nhiều nước trên thế giới. Họ là những người tranh đấu cho quyền con người ở những nước độc tài, nơi mà quyền con người bị hạn chế. Ngoài ra còn có hàng chục diễn giả khác, họ là những người thuộc Cao ủy Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), các chuyên an ninh mạng của Google, các nhà báo…
Trong Ngày của Những Người Bảo vệ Nhân quyền, Civil Rights Defenders tổ chức những buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, những buổi huấn luyện nhằm trang bị những kiến thức cần thiết trong việc tranh đấu cho quyền con người của những nhà hoạt động. Ngoài ra, Civil Rights Defenders còn trao Giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền cho một cá nhân nổi bật, người này đã bất chấp nguy hiểm, không sợ tù đày, tranh đấu cho quyền con người của người dân trên đất nước họ và trên thế giới. Giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền năm nay đã được trao cho Luật sư Intigam Aliyev, người Azerbaijan.
Ngoài giải thưởng trên, Ban Tổ chức còn có Góc Truyền thông Xã hội (Social Media Corner) là nơi dành để vinh danh những nhà hoạt động trên toàn thế giới. Có 7 nhà hoạt động được vinh danh ở Góc Truyền thông Xã hội năm nay, những người này đại diện cho rất nhiều người đang bị cầm tù hoặc bị mất tích ở khắp nơi trên thế giới. Anh Nguyễn Hữu Vinh là một trong 7 người này, đại diện cho những nhà hoạt động đang bị cầm tù ở Việt Nam. Năm ngoái, anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được vinh danh tại Social Media Corner.
Đây là danh sách những người được vinh danh ở Góc Truyền thông Xã hội năm nay:
1- Cô Khadija Ismayilova là người Azerbaijan, đại diện cho những nhà hoạt động ở Đông Âu. Cô Khadija sinh năm 1976, là một nhà báo điều tra, làm việc cho Đài Âu châu Tự do (Radio Free Europe). Cô đã bị bắt năm 2014 và bị đưa ra tòa 9 tháng sau đó, bị kết án 7 năm rưỡi tù giam vì tội “trốn thuế”. Tại phiên tòa, cô đã nói rằng, chính phủ “sẽ không thể buộc tôi im tiếng, ngay cả khi họ kết án tôi 15 hay 25 năm“.
2- Anh Eskinder Nega là người Ethiopia, đại diện cho những nhà hoạt động nhân quyền ở Đông Phi và Sừng châu Phi. Anh Eskinder là nhà báo, sinh năm 1968, đã bị chính quyền Ethiopia bắt giam nhiều lần về tội “phản quốc” và tội “khủng bố”. Anh là người thành lập tờ báo Ethiopishồi năm 1993, nhưng đã bị chính phủ Ethiopia buộc phải đóng cửa không lâu sau đó.
Năm 2005, khi đang làm biên tập viên cho tờ báo Satenaw, anh đã bị bắt và bị giam 17 tháng, đến cuối năm 2007 anh được phóng thích do lệnh ân xá của tổng thống Ethiopia. Anh đã bị tịch thu thẻ nhà báo và tờ báo này cũng đã bị chính quyền buộc đóng cửa. Năm 2011, sau khi đăng bài báo chỉ trích chính quyền, anh đã bị bắt và bị buộc tội “làm gián điệp cho các thế lực nước ngoài”. Anh đã bị kết án 18 năm tù về “tội khủng bố” trong một phiên tòa hồi năm 2012.
Anh Eskinder Nega. Ảnh: Ngọc Thu
3- Anh Joel Ogada, là người Kenya, đại diện cho những nhà hoạt động nhân quyền ở Đông Phi và Sừng châu Phi. Anh Joel là nhà hoạt động môi trường ở Kenya, đã bị bắt nhiều lần. Năm 2014, anh đã bị bắt và bị kết án 7 năm tù giam. Sau khi ở tù được 16 tháng, anh đã được phóng thích ngày 16-9-2015. Ngày 14-3-2016, anh đã bị cảnh sát Kenya bắt giữ cho đến nay.
4- Ông Azimzhan (Azimjan) Askarov, người Kyrgyzstan, đại diện cho những nhà hoạt động ở Đông Á. Ông Azimzhan là nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, đã bị tù chung thân vì những hoạt động chính trị. Ông bắt đầu tham gia các hoạt động nhân quyền từ giữa thập niên 1990. Năm 2002, ông thành lập nhóm Vozduh, quan sát điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Kyrgyzstan. Từ kết quả điều tra của ông, nhiều viên chức cảnh sát đã bị mất việc, và do đó ông là mục tiêu của các nhà chức trách tấn công. Tháng 6-2010 ông đã bị bắt, bị kết án ám sát một cảnh sát và bị kết án tù chung thân.
5- Anh Nguyễn Hữu Vinh, người Việt Nam, đại diện cho những nhà hoạt động ở Đông Nam Á. Anh Vinh là người thành lập blog Anh Ba Sàm, còn được gọi là “Thông tấn xã Vỉa hè”. Anh cũng là một trong 72 người tham gia ký tên ngày 19-1-2013 trong Nhóm Kiến nghị 72, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992. Anh Vinh bị bắt ngày 5-5-2014, bị giam giữ gần 2 năm trước khi bị đưa ra xét xử ngày 23-3-2016 và bị kết án 5 năm tù.
Bà Brittis Edman (trái), Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Civil Rights Defenders và Ngọc Thu. Ảnh: Ngọc Thu
6- Ông Sombath Somphone, người Lào, đại diện cho những nhà hoạt động ở Đông Nam Á. Ông Sombath là nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng, đã được trao giải thưởng Magsasay năm 2005 (còn được gọi là giải Nobel Đông Nam Á). Ngày 15-12-2012, trên đường lái xe về nhà ở thủ đô Viêng Chăn, ông Sombath đã bị chặn lại và bị bắt cóc, cách Recreation Club của Đại sứ quán Úc chỉ vài chục mét. Ông đã bị biến mất kết từ hôm đó. Vợ ông, bà Shui-Meng Ng, người Singapore, gốc Lào, là tiến sĩ xã hội học, tốt nghiệp trường ĐH Hawaii, đã sát cánh cùng ông trong các hoạt động nhân quyền từ thập niên 1980. Bà Shui-Meng Ng cũng đã đến tham dự Defenders’ Day và đã làm diễn giả trong một buổi nói chuyện về tình trạng mất tích của chồng bà.
7- Anh Rosmit Mantilla, là chính trị gia người Venezuela, đại diện cho những nhà hoạt động ở châu Mỹ Latin. Anh sinh năm 1982, là một chính trị gia đồng tính đầu tiên được trúng cử vào Quốc hội Venezuela năm 2015 và là 1 trong 3 người được trúng cử vào quốc hội Venezuela khi đang ở tù. Anh đã bị bắt ngày 2-5-2014, do tham gia vào các cuộc xuống đường biểu tình chống chính phủ Nicolás Maduro.
Nguồn : ABS