Đào Tuấn
Dự án gang thép ngàn tỉ đang kêu cần thêm ngót ngàn tỉ để cứu cảnh "trùm mền" (ảnh: TTO) |
Chết nỗi, trách nhiệm lại thuộc về...nhân dân
Ngàn tỷ là bao nhiêu con số?
Thú thật, khi nói đến con số ngàn tỉ này, tôi đã phải
sử dụng máy tính. Và dù nhân dân đã nghe rất quen những con số ngàn tỉ, nhưng
nhắc lại cũng không thừa. Ngàn tỷ là 13 chữ số: 1.000.000.000.000.
Nó là rất, rất nhiều mồ hôi nước mắt. Nó là rất nhiều
trạm xá, trường học, cầu khỉ...
Trên báo chí hôm qua, lại tiếp tục dày đặc những con
số ngàn tỉ.
Nhà máy bio ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng
vốn lên tới 80 triệu USD, công suất 100.000 m3/năm
- hiện đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm
Nhà máy ethanol Bình Phước, tổng vốn 84 triệu USD,
chưa kịp xong vận hành thử nghiệm đã... đóng cửa.
Trước đó một ngày, “nhà máy ngàn tỉ” của Công ty cổ
phần Gang thép Thái Nguyên vừa kêu cứu, rằng: Cần thêm gần ngàn tỉ đồng (chính
xác là 927 tỉ) để cứu dự án đang “trùm mền” suốt nhiều năm.
Và không thể không nhắc lại cái ụ nổi trứ danh 82M.
Từng được Vinashin mua với giá 462 tỉ. Nay xin bán với giá sắt vụn 24,8 tỉ và
được các đại gia đồng nát định giá...1 tỉ đồng.
Và không thể không mở ngoặc một con số 9.813 tỉ đồng
dự kiến cho 3 cảng hàng không ở khu
vực Tây Bắc tại Sơn La, Lai Châu và đặc biệt là Lào Cai nhiều khả năng sẽ lại
là sự lặp lại của “hội chứng cảng biển”.
Chao ôi, toàn những trăm tỉ, ngàn tỉ
Chao ôi, toàn mồ hôi nước mắt của dân.
Các dự án ethanol- là để đảm bảo nguồn cung xăng sinh
học E5. Quá cần thiết và cấp bách.
Dự án nhà máy thép: Ồ, nhu cầu phát triển hạ tầng cũng
như công cộng
Còn ụ nổi. Đó là chiến lược hướng ra biển chứ đâu có
đùa.
Điểm chung của những cái ngàn tỉ này là “cần thiết và
cấp bách”, khi người ta làm dự án thì cứ như thể “cháy nhà chết người” đến nơi
rồi.
Nhưng sau đó thì cả ngàn lý do, cái nào cũng “khách
quan”, “bất khả kháng”, những dự án ngàn tỉ đó hoặc “đắp chiếu, trùm mền” triền
miên, hoặc được bán lại với giá mà ngay cả đồng nát còn trề môi chê đắt.
Trên diễn đàn QH, có lần các vị ĐBQH đòi truy cứu
trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư sai như một cách cứu vãn cho việc
hoang phí trong đầu tư từ NSNN.
Chỉ chết nỗi, cái cần thiết cấp bách trong “ý nghĩa,
mục đích” ấy lại rất đúng quy trình để không thể quy trách nhiệm cho bất cứ chữ
ký nào.
Chỉ chết nỗi những lãng phí sờ sờ ra đó mà rút cục,
trách nhiệm là tại “khách quan”, tại “bất khả kháng”.
Và chết nỗi, chưa biết đến bao giờ với những tiền lệ
về lãng phí, thiếu hiệu quả và trách nhiệm thuộc về...nhân dân” này, căn bệnh
lãng phí trong đầu tư công mới có thể chấm dứt.
Nguồn: Theo Lao Động