-Nguyễn Đăng Quang-
Nguyễn Đăng Quang: "Ông Trọng không chỉ là người đứng đầu Đảng, ông còn là ĐBQH, hơn nữa ông lại là người tiến cử 3 vị kia ,nên hơn ai hết, ông có đủ tư cách để đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội. Tôi gợi ý ông Trọng nên sớm tiến hành nghi thức này trong Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khoá XIV tới, bởi nếu ông để muộn, tôi e rằng cơ hội sẽ không còn, bởi 5 năm nữa, tức vào đầu năm 2021, Quốc hội Khoá XV mới tổ chức Lễ Tuyên thệ, lúc đó có quá lâu không, thưa ông? Sức khoẻ có cho phép ông đợi đến khi đó không? Ấy là chưa nói đến việc ông giữ lời hứa là chỉ làm TBT thêm 1-2 năm nữa rồi sẽ chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn, thì chỉ còn cơ hội duy nhất là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khoá XIV vào tháng 7/2016 này thôi! "
Kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối
cùng của Quốc hội Khoá XIII vừa kết thúc. Các ông bà nghị bịn rịn từ
biệt nhau giữa kẻ ở người về, vì Quốc hội Khoá XIV tới sẽ chỉ có
khoảng 200 trong tổng số 497 Đại biểu đương nhiệm được phép ứng cử
tiếp, số còn lại sẽ về làm dân lành theo sự phân công của Đảng. Kỳ
họp thứ 11 là một kỳ họp “lạ thường”, kỳ họp ngắn nhất nhưng lại
được lệnh thông qua nhiều vấn đề “đột xuất nhất” từ trước đến nay
mà nhiều ý kiến cho rằng có một số việc “vi hiến”! Người viết mong
sẽ có dịp bàn về một vài “điều lạ thường và đột xuất”, kể cả
việc ”vi hiến” nếu có, vào một dịp thuận lợi khác. Bài viết ngắn
dưới đây chỉ xin đề cập đến một hiện tượng phi lý diễn ra trong kỳ
họp cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII vừa qua.
Trong tuần lễ đầu của tháng 4/2016, từ
phòng họp Diên Hồng, nhân dân Việt Nam đã chứng kiến dàn lãnh đạo mới
của Nhà nước và Chính phủ ra mắt Quốc hội Khoá XIII! Ekíp lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ
vừa được bầu lên này sẽ chỉ tồn tại trong vòng 3 tháng, tức khoảng 13
tuần lễ mà thôi! Vì vào giữa tháng
7/2016, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khoá XIV sẽ tiến hành các thủ
tục theo luật định để bầu và phê chuẩn bộ máy lãnh đạo Nhà nước
mới cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2016-2021), bao gồm Chủ tịch và 4 Phó
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng và 5
Phó Thủ tướng cùng toàn thể 21 thành viên Chính phủ,v.v... Do vậy,
ekíp lãnh đạo vừa được kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII bầu lên
chỉ là bộ máy Nhà nước lâm thời, vì nó tồn tại và vận hành chỉ
trong có 3 tháng, nói một cách khác, “tuổi thọ” của nó rất ngắn
ngủi, chỉ vỏn vẹn trên dưới 90 ngày mà thôi! Nhưng đây không phải là
chủ đề của bài viết này, mong sẽ có dịp bàn thêm cùng bạn đọc!
Người viết xin đề cập về nghi lễ
Tuyên thệ mà 3 trong 4 vị của “Tứ trụ Triều đình” gồm Chủ tịch Quốc
hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện trước Quốc
hội Khoá XIII. Ba vị trên đã trịnh trọng tuyên thệ tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, với Nhân dân và với Hiến pháp! Đây là điều mới mẻ
trong sinh hoạt chính trị ở nước ta, lần đầu tiên được tiến hành trên
chính trường Việt Nam. Thực ra, nghi thức này đã một lần thực hiện
ở nước ta cách đây 70 năm khi Chủ tich Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trước
quốc dân đồng bào ở đình Tân Trào đầu năm 1946! Tuy là điều mới mẻ đối với nước ta,
nhưng đối với thế giới thì không. Các quốc gia theo thể chế dân chủ và
áp dụng mô hình nhà nước pháp quyền đều đã thực hiện nghi thức này
từ hàng trăm năm trước! Nay nghi thức này được tiến hành ở nước ta, dù
có muộn song ít nhiều nó cũng thể hiện sự hội nhập quốc tế, được
đông đảo người dân đồng tình và ủng hộ. Nghi thức này, như người dân đã
chứng kiến trên diễn đàn Quốc hội, mang tính hình thức và biểu
tượng là chính, bởi lễ tuyên thệ cũng như lời thề của 3 vị trong
“bộ tứ quyền lực” không có sự ghi nhận và chứng giám của Toà án
Hiến pháp (Toà Bảo hiến) nên nó bị hạn chế rất nhiều, bởi một khi
người dân thấy những lời hứa của 1 hoặc của cả 3 vị trên không được thực
thi hoặc thực thi sai trái, không đúng như lời tuyên thệ thì cũng đành
bó tay, không thể làm gì được, bởi nước ta không có cơ chế xét xử
cá nhân và tổ chức khi họ vi phạm Hiến pháp! Trên thế giới, mọi
quốc gia theo thể chế dân chủ, áp dụng mô hình nhà nước pháp quyền,
thì Toà án Hiến pháp là một cơ chế bắt buộc, không thể không có! Một
khi Toà Bảo hiến được thiết lập, nó sẽ không cho phép bất cứ một
cá nhân hay tổ chức chính trị nào đứng trên Hiến pháp. Không hiểu khi
nào nhân dân và đất nước ta mới có Toà án Hiến pháp? Đây có thể là
một chặng đường dài! Nhân dân Việt Nam đã muốn có nó trong suốt 70
năm qua, song chắc cũng phải đợi thêm vài năm nữa!
Sau khi chứng kiến qua màn ảnh nhỏ 3
vị lãnh đạo Nhà nước đọc lời tuyên thệ, nhiều người dân không khỏi thắc
mắc và nêu ra câu hỏi: Vì sao chỉ có 3 trong 4 vị của “Tứ trụ Triều
đình” đọc lời tuyên thệ thôi? Vị
thứ tư đâu, vì sao không thấy tuyên thệ như 3 vị kia? Tuy là thứ tư
nhưng lại là người đứng đầu của “Tứ trụ Triều đình”, dù không do
người dân trực tiếp bầu lên qua phổ thông đầu phiếu, nhưng lại được Đảng
mặc định là lãnh tụ tối cao của quốc gia, đứng trên cả 3 vị kia, sao
không phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với Dân tộc và với
Hiến pháp! Sao lại có chuyện chéo ngoeo như vậy? Phải chăng đây là
điều phi lý trong sinh hoạt chính trị ở nước ta? Việc Tổng Bí thư ĐCSVN không phải tuyên thệ
trước Quốc hội như 3 vị kia là sai hay đúng? Trong các buổi lễ tuyên thệ của 3 vị
lãnh đạo Nhà nước, rõ ràng mọi người đều thấy ông Nguyễn Phú Trọng
ngồi ngay trên hàng ghế đầu trong Hôị trường Quốc Hội không chỉ để
chứng kiến mà còn giám sát 3 vị lãnh đạo Nhà nước đọc Lời Tuyên
thệ mà! Trả lời câu hỏi này tưởng như đơn giản, song cũng không hề
đơn giản.
Đối
với thắc mắc này, đương nhiên phải dựa vào Hiến pháp và các quy
định của pháp luật mới có thể lý giải thoả đáng được. Trước hết ta
phải căn cứ vào Hiến pháp và và các bộ luật khác để xem xét. Trong
bản Hiến pháp hiện hành - Hiến pháp 2013 - không có điều khoản nào
quy định Tổng Bí thư ĐCSVN phải tuyên thệ cả, mà chỉ quy định Chủ
tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ phải tuyên thệ
mà thôi! Ngay cả Điều lệ Đảng cũng
như Cương lĩnh hiện hành của ĐCSVN cũng không có điều khoản nào buộc người
đứng đầu Đảng phải tuyên thệ trước quốc dân đồng bào phải trung
thành với Dân tộc, với Đất nước cả! Do vậy ông Nguyễn Phú Trọng
không thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội là chuyện bình thường,
không có gì sai trái. Hơn nữa, không một ai có quyền bắt ông Trọng
làm cái điều mà ông ấy không muốn hoặc không thích một khi Đảng và
Nhà nước không yêu cầu ông ấy phải làm cả! Nhưng đấy mới chỉ xét về
LÝ đơn thuần để biện minh việc ông Trọng không phải tuyên thệ trước
Quốc hội. Nay lấy điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp 2013 là
Điều 4 để xét, thì ta lại thấy khác! Điều 4 Hiến pháp ghi: “ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các tổ
chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong
khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Điều 4 này chính là điều đã mặc định
ĐCSVN là người lãnh đạo toàn quyền và độc nhất đối với Nhà nước
và xã hội Việt Nam. Quyền lợi bao giờ cũng phải gắn liền với trách
nhiệm. Người đứng đầu Đảng là người có quyền lợi lớn nhất nên đương
nhiên phải là người có trách nhiệm lớn nhất. Hơn nữa vế hai của
Điều 4 Hiến pháp cũng đã nói rõ đảng
viên ĐCSVN, trong trường hợp này là ông TBT Nguyễn Phú Trọng, phải “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp
và pháp luật”! Vì vậy, trong khi 3 đảng viên cấp thấp hơn ông
Trọng, lại do chính ông Trọng đề cử là Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều đã tuyên thệ trước Quốc hội,
thì không có lý do gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không thể không tuyên
thệ trước Quốc hội!
Do
vậy, để phù hợp với thực tiễn sinh hoạt chính trị của nhà nước và
xã hội ta, và đặc biệt để hợp với ĐẠO LÝ và truyền thống của dân
tộc Việt Nam, tôi đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp
thứ nhất của Quốc hội Khoá XIV vào tháng 7/2015 tới đây, NÊN là
người đầu tiên trong “Tứ trụ Triều đình” đọc lời tuyên thệ trước
Quốc hội. Sau đó sẽ là 3 vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ
tướng Chính phủ sẽ lần lượt đọc lời tuyên thệ tiếp theo. Nội dung
lời tuyên thệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất thiết phải có
tầm cao hơn lời tuyên thệ mà 3 vị trên đã đọc trước Quốc hội hồi
đầu tháng 4/2016. Vì ông Trọng không chỉ là người đứng đầu Đảng, ông
còn là ĐBQH, hơn nữa ông lại là người tiến cử 3 vị kia ,nên hơn ai
hết, ông có đủ tư cách để đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội. Tôi gợi
ý ông Trọng nên sớm tiến hành nghi thức này trong Kỳ họp đầu tiên
của Quốc hội Khoá XIV tới, bởi nếu ông để muộn, tôi e rằng cơ hội
sẽ không còn, bởi 5 năm nữa, tức vào đầu năm 2021, Quốc hội Khoá XV
mới tổ chức Lễ Tuyên thệ, lúc đó có quá lâu không, thưa ông? Sức
khoẻ có cho phép ông đợi đến khi đó không? Ấy là chưa nói đến việc
ông giữ lời hứa là chỉ làm TBT thêm 1-2 năm nữa rồi sẽ chuyển giao
cho thế hệ trẻ hơn, thì chỉ còn cơ hội duy nhất là kỳ họp đầu tiên
của Quốc hội Khoá XIV vào tháng 7/2016 này thôi! Nếu ông quyết định đăng đàn để đọc Lời
Tuyên thệ vào tháng 7 tới, thì nội dung Lời Tuyên thệ, tôi xin phép
được gợi ý như sau: “ Trước quốc kỳ
nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, tôi Nguyễn Phú Trọng,Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam, một tổ chức chính trị đã được xác định tại Điều 4 Hiến
pháp 2013 là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”, xin
thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN và toàn thể đảng viên ĐCSVN, tôi
trịnh trọng tuyên thệ trước Quốc hội và toàn thể nhân dân Việt Nam
là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Dân tộc và với Hiến pháp
nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Ngoài ra, với tư cách là Bí thư Quân uỷ
Trung ương và Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi
nguyện làm hết sức mình để giữ vững chủ quyền quốc gia và kiên
quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc Việt Nam,
kiên quyết không để một tấc đất của Tổ quốc thân yêu rơi vào tay quân
thù! Xin Quốc hội và Nhân dân Việt Nam chứng giám!”
Trên đây là những mong muốn và suy
nghĩ cùng một vài gợi ý cá nhân, có thể đúng cũng như có thể chưa
đúng, với mục đích sao cho xã hội ta ngày một tiến bộ và tốt đẹp
hơn, ngoài ra không có mục đích nào
khác. Mong các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và thực thi một khi có
thể.
Hà
Nội, ngày 13/4/2016.
N.Đ.Q.