10 janvier 2018

Tín hiệu ‘bắt’ dành cho cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng?


 Thiền Lâm
Vũ Huy Hoàng có lẽ còn được hưởng cái tết nguyên đán sắp tới và là cuối cùng theo cách “thân thể ở ngoài lao, tinh thần ở trong lao”.

Cali Today News – Ngay vào đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ “bất ngờ” công bố kết luận thanh tra về gần 15.000 tỉ đồng sai phạm và thất thoát tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, chuyển kết luận này cho Bộ Công an để điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và một số doanh nghiệp trực thuộc vào thời kỳ từ năm 2010 đến ngày 30-6-2015, kiến nghị xử lý trách nhiệm Bộ Công Thương và UBND 4 tỉnh liên quan là Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Công thương, và thời kỳ từ năm 2010 đến 2015 lại thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng.



Gần 15 ngàn tỷ đồng sai phạm và thất thoát là một con số khủng khiếp, đủ đưa lên giá treo cổ đến vài ba lần đối với bất cứ quan chức nào.

Cần nhắc lại, Trịnh Xuân Thanh phải ra tòa vì tội tham ô 14 tỷ đồng, còn Đinh La Thăng phải ra tòa do đã chỉ đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi tiền cho Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm, và số tiền bị thất thoát không thể quay trở lại “chỉ có” 800 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2017, vị xử phúc thẩm “Hà Văn Thắm và đồng bọn” đã kết thúc bằng án chung thân đối với Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương, án tử nình đối với Nguyễn Xuân Sơn của Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, và Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi vào Ngân hàng Đại Dương mà từ đó đã không cánh mà bay.

Khi đó, chính là tín hiệu “bắt” đầu tiên dành cho người vừa thôi chức ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng.

Hai tháng sau, Đinh La Thăng chính thức bị khởi tố và tống giam. Không một can thiệp nào, dù có từ “thái thượng hoàng” nào đó, tỏ ra có kết quả.

Còn giờ đây, đến lượt vận mệnh Vũ Huy Hoàng đang nguy cấp. Khi ngay cả một (cựu) ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng mà còn bị bắt và do đó đã phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam”, cấp cựu ủy viên trung ương đảng như Vũ Huy Hoàng thật chẳng còn giá trị gì có thể mang ra đổi chác.

Không chỉ phải chịu trác nhiệm về những sai phạm và thất thoát gần 15.000 tỷ đồng ở Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Vũ Huy Hoàng còn bị báo chí nhà nước “đấu tố” vào quý 2 năm 2017 về vụ ký luân chuyển Trịnh Xuân Thanh về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch như một cách thức để Thanh thoát nạn vụ gây lỗ hơn 3.200 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC); “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc để ít nhất 7 dự án ngàn tỷ thuộc ngành công thương bị thua lỗ và phải trùm mền; bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco khi mới 28 tuổi.

Những dẫn chứng điển hình về nạn lãng phí chỉ có ở Việt Nam là nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu” và dự án nhà máy lên đến 8.104 tỷ đồng đang phơi mưa nắng của công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Đó là chưa kể đến một trục rất đặc biệt trong đại án PVN: Trịnh Xuân Thanh – Vũ Huy Hoàng – Đinh La Thăng. Điểm cuối của trục này có thể là Nguyễn Tấn Dũng.

Trong suốt một thời gian dài dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Huy Hoàng phụ trách Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của PVN. Cũng vào thời gian này, Đinh La Thăng phụ trách PVN, còn Trịnh Xuân Thanh là tổng giám đốc một công ty thành viên của PVN là PVC.

Vào tháng 5/2017, dư luận chợt ồn ào vì vụ cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng “xin vào khu cách ly sân bay quốc tế Nội Bài” nhưng không được. Khi đó, rất nhiều dư luận cho rằng ông Hoàng có kế hoạch tiếp bước Trịnh Xuân Thanh “ra đi tìm đường cứu nước”.

Chắc hẳn sau vụ ồn ào trên, ông Vũ Huy Hoàng đã bị áp dụng “biện pháp ngăn chặn”, mà trong thực tế ở Việt Nam, ai cũng biết đó là “giam lỏng”. Nhiều thông tin hành lang cho biết ông Hoàng đã bị “giám sát đặc biệt”. Nhiều người tiếc cho ông: “lúc còn “chạy” được thì không chịu “chạy”. Chứ bây giờ chỉ còn bó gối ngồi chờ chết”.

Phiên tòa xử vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã được tổ chức nhanh kỷ lục. Riêng với Đinh La Thăng, toàn bộ quá trình hoàn tất kết luận điều tra của Bộ Công an chỉ có 11 ngày, còn cáo trạng của Việt Kiểm sát tối cao còn kỷ lục hơn cả thế – 6 ngày.

Với Vũ Huy Hoàng cũng có thể sẽ đồng điệu về tố tụng hình sự như vậy. Nếu “quy luật” đối với Đinh La Thăng từ lúc xuất hiện tín hiệu “bắt” đến khi bắt thật là khoảng 2 tháng được lặp lại đối với Vũ Huy Hoàng, ông Hoàng có lẽ còn được hưởng cái tết nguyên đán sắp tới và là cuối cùng theo cách “thân thể ở ngoài lao, tinh thần ở trong lao”.