Luật sư: Lê Công Định
Từ lâu tôi luôn tự hỏi phải chăng ngày 2 tháng 9 năm 1945 thật sự là ngày
độc lập của nước Việt Nam mới sau gần một thế kỷ làm thuộc địa của Pháp? Trước
khi trả lời câu hỏi nghiêm túc này, cần lần giở lại các trang sử hiện đại của
nước nhà, để ghi nhận một số sự kiện quan trọng sau đây:
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ sự ủng hộ của người Việt,
cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng, Nhật trao trả độc lập cho
Việt Nam.
Nội các Trần Trọng Kim (báo Trung Bắc Chủ Nhật 20/5/1945, Thư viện Quốc gia Pháp) |
Ngay sau đó, vào ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt
Nam độc lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng
các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất
nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đây là thời điểm đáng lưu ý.
Ngày 7/4/1945, vua Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các mới, trong đó học giả
Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập.
Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam.
Đến khi Nhật đầu hàng phe Đồng minh, Thủ tướng Trần Trọng Kim vào ngày
16/8/1945 khẳng định bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Sau đó, vào ngày
18/8/1945, vua Bảo Đại tái xác nhận nền độc lập của Việt Nam đã công bố vào
ngày 11/3/1945.
Cần lưu ý, tuy là một chính quyền thực tế và chính danh từ tháng 3/1945,
nhưng Đế quốc Việt Nam không đủ lực lượng quân sự để kiểm soát tình hình. Đất
nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị.
'Chớp thời cơ'
Nhiều tổ chức và đảng phái hình thành trước đó đã tranh thủ thế đứng chính
trị riêng trước vận hội mới của Việt Nam, trong đó Việt Minh dường như là lực
lượng được tổ chức hoàn bị nhất, khả dĩ tranh giành quyền lực vượt trội.
Từ ngày 19/8/1945 tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh tiến hành đảo
chính cướp chính quyền, buộc nhà nước Đế quốc Việt Nam chuyển giao quyền lực,
một sự kiện mà sau đó được gọi là “Cách mạng tháng Tám”.
Trước tình thế đó, vua Bảo Đại quyết định thoái vị và giải tán chính phủ
Trần Trọng Kim. Dù tồn tại không bao lâu và phải dung hòa ảnh hưởng của các thế
lực quốc tế cùng chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật, nội các Trần Trọng Kim đã cố
gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế chính trị độc lập và mang đến niềm hy
vọng về nền tự chủ đầu tiên cho Việt Nam sau ngần ấy năm lệ thuộc Pháp.
Ngày 2/9/1945, chớp thời cơ về một khoảng trống quyền lực và sự yếu kém của
các đảng phái chính trị khác tại Việt Nam khi ấy, đại diện Việt Minh là ông Hồ
Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong một buổi lễ long trọng tại Hà Nội,
và sau đó tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sơ lược lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động như trên để thấy rằng nhiều
điều bấy lâu nay bộ máy tuyên truyền và giới sử nô mặc định là đương nhiên đúng
rất cần xem xét lại một cách công tâm, chẳng hạn nội các Trần Trọng Kim có thật
là “bù nhìn” không, và ngày 2/9/1945 phải chăng là ngày độc lập trên phương
diện thực tế và pháp lý?
Như đã nói trên, sau khi bị quân đội Nhật đảo chính tại Đông Dương, nước
Pháp trên thực tế đã đánh mất quyền kiểm soát về chính trị và quân sự ở các
nước này, dù họ chưa bao giờ muốn từ bỏ thuộc địa béo bở như thế.
'Chân lý thuộc kẻ mạnh'
Với tư cách là một đại diện chính danh và hợp pháp của một chính quyền đã và đang cai trị đất nước liên tục từ năm 1802, vua Bảo Đại ngay lập tức tuyên cáo Việt Nam độc lập.
Với tư cách là một đại diện chính danh và hợp pháp của một chính quyền đã và đang cai trị đất nước liên tục từ năm 1802, vua Bảo Đại ngay lập tức tuyên cáo Việt Nam độc lập.
Ông đã thủ giữ vai trò đại diện đương nhiên của quốc dân và quốc gia trong
sự chuyển tiếp từ thể chế chính trị cũ sang thể chế mới, mà không một nhân vật
chính trị nào đương thời hội đủ tư cách thay thế được. Do đó, xét về phương
diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11/3/1945.
Vậy không lý gì đến ngày 2/9/1945 người ta lại cần tuyên bố độc lập một lần
nữa, mà người tuyên bố đơn thuần chỉ là thủ lĩnh của một phong trào chính trị,
dù là mạnh nhất trong số nhiều tổ chức và đảng phái khác nhau cùng tồn tại khi
ấy, và người đó cũng chưa bao giờ được quốc dân lựa chọn hoặc công nhận, dù mặc
nhiên hay bằng một thủ tục hợp pháp, là đại diện chính danh của quốc gia tính
đến thời điểm ấy.
Cần lưu ý, trước thời điểm 2/9/1945 danh tính Hồ Chí Minh chưa từng được
biết đến rộng rãi như một nhân vật chính trị có uy tín, còn Nguyễn Ái Quốc chỉ
nổi danh như một trong các nhà cách mạng đương thời tranh đấu cho nền độc lập
của Việt Nam mà thôi.
Hai tên ấy của một con người vốn luôn thích bí ẩn, dù về sau rất nổi tiếng,
vẫn chưa đủ mang đến cho ông tư cách chính danh và hợp pháp vào lúc đó để có
thể đứng ra đại diện tuyên bố độc lập cho quốc gia.
Tất nhiên, chân lý thuộc về kẻ mạnh, nên khi thắng cuộc người ta có thể
diễn giải mọi sự kiện lịch sử theo ý riêng của mình, rằng ngày 2/9/1945, chứ
không phải ngày 11/3/1945, trở thành ngày độc lập của nước Việt Nam mới.
Tuy nhiên, với cách đọc sử không lệ thuộc vào ý thức hệ, từ lâu tôi đã bác
bỏ lối tường thuật và nhận định lịch sử theo hướng bóp méo vì mục đích chính
trị như vậy.
Cho nên, nếu gọi đó là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
còn có thể đồng ý, nhưng nếu áp đặt đấy là ngày độc lập thì dứt khoát không
đúng, bởi với tôi chỉ có thể là ngày 11/3/1945 khi vua Bảo Đại tuyên cáo Việt
Nam độc lập mà thôi.
Bài thể hiện quan điểm và lối hành văn của tác giả, cựu tù nhân chính trị
hiện đang sống ở Sài Gòn. Bài đã được đăng trên trang Facebook cá nhân của tác
giả.
Nguồn https://goo.gl/TN4mKL