10 juin 2019

Suy nghĩ cùng ông Nhị Lê về hai chữ 'liêm sỉ'


Siêu thị Auchan bị khách hàng càn quét
Ông Nhị Lê, một cán bộ cao cấp của đảng trên mặt trận lý luận, tuyên giáo, nói: “Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỉ” (TuanVienamnet, 23.3.2019). Từng theo dõi các bài viết và trả lời phỏng vấn của ông Nhị Lê, tôi tin rằng đây là điều ông thực sự trăn trở. Bài viết này xin được tiếp dòng suy nghĩ đó của ông.
Liêm sỉ là hai trong bảy đức tính căn bản của con người. Liêm là đạo đức trong sạch, không tham; Sỉ là lòng biết xấu hổ. Người không có liêm sỉ là người tham lam, không biết xấu hổ. Trong thực tế khi nói một người vô liêm sỉ thì ý chính là nói người đó không biết xấu hổ khi thực hiện những hành vi vô đạo đức.


Đọc những dòng ông Nhị Lê trả lời phỏng vấn về đề tài này, tôi hiểu ông muốn nói hiện trạng thiếu liêm sỉ trong các đảng viên đang ở mức đáng lo. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người Việt chia sẻ trăn trở này của ông. Trước sự suy thoái của xã hội và đất nước hiện nay, sự suy thoái mà cho dù chưa định lượng được hết thì cũng dễ định tính vì rất dễ thấy, suy thoái nghiêm trọng và trên nhiều mặt hoạt động của xã hội, suy thoái đi sâu cả vào văn hóa, giáo dục... thì có người Việt nào quan tâm tới sự phát triển và vận mệnh tổ quốc không trăn trở?

Xin được tiếp dòng suy nghĩ của ông trong ba điều sau:


1. Tầm vóc của vấn đề

Ông Nhị Lê đặt vấn đề: “Vì sao... đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?”.

Ông nghĩ vì “họ nhìn thấy những đảng viên hằng ngày hằng giờ sống quanh họ chưa thực sự nêu gương, ảnh hưởng đến niềm tin của họ về Đảng. Thậm chí có những đảng viên đi ngược đạo lý, ngược lại lợi ích của nhân dân”.

Thưa ông Nhị Lê, tôi đồng ý với vấn đề ông đặt ra, nhưng lại cho rằng vấn đề đặt ra chưa đúng với tầm vóc của nó. Nào phải “thậm chí có những đảng viên đi ngược đạo lý, ngược lại lợi ích của nhân dân”, mà là đã có rất nhiều đảng viên thành “một bầy sâu lúc nhúc” lợi dụng chức quyền “ăn không từ một thứ gì”, ăn rất hỗn tạp, ăn không cần chùi mép, ngang nhiên trước bàn dân thiên hạ! Có mấy huyện không có biệt phủ của quan chức? Có mấy quan chức không có “sân sau” trong lĩnh vực mình có ảnh hưởng hay có quyền thế trực tiếp? Vì không nắm số liệu cụ thể, tôi không dám nói bao nhiêu phần trăm đảng viên như thế, nhưng tôi cho rằng số vụ việc diễn ra trước mắt dân chúng đã là một tỷ lệ lớn, vượt quá mức cho phép với bất kỳ bộ máy công quyền nào! Liêm sỉ còn thể hiện ở chỗ không biết cũng nói, biết điều mình nói ra ai cũng biết là không đúng, không trung thực mà cũng nói. Bản thân biệt phủ nguy nga mà mở miệng giảng cần kiệm liêm chính. Gia đình, họ hàng, hàng chục người kéo nhau chiếm vị trí cao của tỉnh trong lúc mình là quan đầu tỉnh, có con ruột và cháu dính líu vào gian lận thi cử mà vẫn nhơn nhơn điều nhân nghĩa... Liêm sỉ cũng thể hiện ở việc không biết từ chức khi không hoàn thành trách nhiệm, gây nhiều sai sót khiến đất nước thiệt hại nặng nề, dân chúng bất mãn, khinh khi...

Do đó, trong khi thông cảm với phát biểu dè dặt của ông Nhị Lê, tôi cho rằng vấn đề thiếu liêm sỉ trong các đảng viên đang là vấn đề trầm trọng!


2. Quốc pháp cao hơn đảng cương, hay ngược lại?

Trong các lý do, lý do ông Nhị Lê nghĩ tới trước nhất là do kỷ luật lỏng lẻo. Ông nói: “gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương”. Tôi nghĩ nếu ông sắp xếp “gia có gia phong, đảng có đảng cương, nước có quốc pháp”, theo thứ tự từ thấp tới cao, thì hợp hơn vì nó nêu lên rằng quốc pháp là quan trọng nhất, quan trọng hơn đảng cương, đảng cương phải phục tùng quốc pháp. Nói quốc pháp quan trọng nhất thì phù hợp với tinh thần mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, cũng phù hợp với quan điểm nhân dân là chủ đất nước, đảng chỉ là một thành phần trong nhân dân. Nếu không có tinh thần này, không thể huy động sức toàn dân, trái lại ngày càng khắc sâu chia rẽ xã hội với nguy cơ phân rã quốc gia! Trong thực tế, có chăng quốc pháp bị qua mặt bởi đảng cương, do đó phép nước không nghiêm, tội phạm bị bỏ qua, hay được dung dưỡng lâu dài tới mức trở thành tội rất lớn? Có phải điều đó khiến “Thực tiễn (tham nhũng) đã đi rất xa”, tới mức “Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu” như ông Nhị Lê nói?

Vậy thì, đảng cương phục tùng quốc pháp phải chăng là một trong những giải pháp cho vấn đề liêm sỉ? Câu hỏi này xin được trân trọng đặt với ông Nhị Lê.


3. Chữ liêm sỉ ở cấp độ tập thể và quốc gia

Chữ LIÊM SỈ không chỉ nên đặt ra ở mức độ cá nhân, mà quan trọng hơn là ở mức độ tập thể: một cơ quan, một ngành, một chính quyền, một quốc gia. Trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo đại vương đã nhắc tới quốc sỉ chính là để nói điều này.

Chuỗi siêu thị Auchan tại Việt Nam đóng cửa, mở chương trình khuyến mãi để thanh lý. Khách hàng người Việt đã trình bày một bộ mặt xấu xí mà nhiều người Việt Nam từng được đào tạo trong nền giáo dục trước đây không thể tưởng tượng nổi (đại diện Auchan Việt Nam: "Chúng tôi quá xấu hổ"- trích trên cafef)! Người dân có liêm sỉ xấu hổ đã đành, ngành giáo dục, ngành văn hóa có biết xấu hổ không? Các vị bộ trưởng có thấy xấu hổ không? Có thấy trách nhiệm của mình đến mức cần từ chức không?

Bằng cấp được rao bán, điểm thi được mua bán gần như cùng khắp, đến mức có người nhận định ngành giáo dục đã thành cái CHỢ ĐEN! Nạn “chạy chức” mà Bộ Chính trị phải lên tiếng và dân chúng gọi thẳng là “buôn quan bán tước”, có phải là một cái chợ đen khác không? Có ai xấu hổ không?

Vị trí Việt Nam ngày càng sút kém so với lân bang, thứ hạng Việt Nam trên các bảng xếp hạng nằm ở vị trí cuối bảng về nhiều mặt. Có ai xấu hổ không?

Cho nên, không chỉ người dân cần biết xấu hổ, mà quốc gia cũng phải biết xấu hổ khi dân tộc thua kém, có như vậy vận nước mới có ngày trùng hưng.

Làm sao để quốc gia có những tập thể chịu trách nhiệm biết xấu hổ? Và khi những tập thể đó trở nên không biết xấu hổ thì làm sao để người dân có thể chọn tập thể xứng đáng hơn? Đề tài này cần được thảo luận riêng, nhưng cũng đủ thấy đất nước thực còn quá nhiều việc phải làm cho hai chữ LIÊM SỈ cả ở tầm mức cá nhân lẫn ở tầm mức quốc gia. Có phải không, thưa ông Nhị Lê?


Lê Học Lãnh Vân