Đỗ Ngà
Doanh nghiệp FDI : Đình công đòi tăng lương |
Trừ những quốc gia tiên phong luôn dẫn đầu thế giới phát triển thì không bàn làm chi, nhưng những quốc gia nào muốn đi lên từ đói nghèo thì bao giờ họ cũng bắt đầu bằng mở cửa rồi nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ. Mở cửa thì dễ, nhưng nắm bắt quá trình chuyển giao thì khó. Trên thế giới, không mấy quốc gia chuyển hóa thành công quá trình này.
Khi quốc gia nắm bắt tốt quá trình chuyển giao thì tất nền kinh tế sẽ biến đổi cả chất lẫn lượng. Nội lực nền kinh tế tăng lên và dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào FDI. Điều này nó tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước.
Còn nếu không nắm bắt quá trình chuyển giao, khi ấy, nền kinh tế sẽ rất mong manh dễ vỡ. Với một nước nghèo khi mở cửa, thế nào chất lượng đời sống toàn dân cũng được nâng lên, điều đó kéo theo giá cả sinh hoạt đắt đỏ và giá lao động cũng leo thang theo năm tháng. Khi giá lao động leo thang thì lợi thế nhân công giá rẻ dần dần bị biến mất, điều đó kéo theo lợi nhuận kiếm được của các doanh nghiệp FDI cũng không còn nhiều như trước. Và tới một ngưỡng nào đó, các FDI sẽ rút đi để tìm môi trường đầu tư mới mang lại cho họ lợi nhuận nhiều hơn. Ngưỡng đó, người ta gọi là bẫy thu nhập trung bình. Thường những nước có thu nhập bình quân đầu người sấp xỉ mức trung bình thế giới là tiệm cận bẫy thu nhập trung bình.
Hiện nay nền kinh tế Trung Cộng đang tiến rất sát với bẫy thu nhập Trung Bình. Những nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn trước đây đến ồ ạt và đã từng biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới, nay họ đang cảm thấy ngột ngạt khó thở vì 3 nguyên nhân cơ bản: nguyên nhân thứ nhất là giá nhân công của người Trung Quốc không còn thấp nữa làm cho lợi thế cạnh tranh của họ giảm; thứ nhì là những doanh nghiệp trong nước của Trung Cộng đã lớn mạnh và chính họ cũng rút rỉa dần nhân công chất lượng người Trung Quốc từ các FDI; và thứ 3 là chính sách ưu đãi không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI của chính quyền CS Trung Quốc. Chính vì thế mà lúc này là lúc mà các doanh nghiệp FDI bắt đầu tính bài rút dần khỏi thị trường Trung Quốc để chuyển hướng đầu tư sang khu vực khác nghèo hơn. Dịch COVID-19 chỉ làm cho tiến trình nhanh hơn thôi chức thực chất, các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc cũng đã tính bài rút từ trước đó mấy năm rồi.
Nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn chững lại từ năm 2020, và qua dịch họ cũng không thể nào hồi phục lại tốc độ tăng trưởng khoảng 6% năm 2019 được. Bởi vì đã đến lúc các doanh nghiệp FDI tính đường rút, trong khi đó chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt thì càng đẩy nhanh quá trình rút mạnh hơn. Vậy đứng trước khó khăn này, Trung Cộng sẽ đối phó ra sao?
Như ta biết một nền kinh tế mạnh là nền kinh tế có GNP lớn hơn GDP. Nghĩa là nước nào có đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn là nước ngoài đầu tư vào họ chứng tỏ nền kinh tế đó mạnh, còn ngược lại là nền kinh tế yếu. Lấy Việt Nam làm ví dụ. Được biết cho đến nay tổng giá trị đầu tư của Việt nam ra nước ngoài chỉ là 22 tỷ đô la, còn tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam lên đến 211,78 tỷ đô, gấp gần 10 lần. Vậy nếu giả sử khi FDI rút thì sao? Thì khi đó nền kinh tế Việt Nam sẽ ngã nhào vì nội lực quá yếu. Khi FDI rút đi nó sẽ làm GDP giảm nghiêm trọng và đồng thời nó để lại một lực lượng lao động đông đảo phải thất nghiệp. Đó mới là điều đáng lo ngại. Và trên thực tế, ngay lúc hàng loạt các FDI rút đi, nhiều quốc gia đã không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và từ đó họ không còn cơ hội bứt phá nữa. Các quốc gia như Argentina, Brazil, và Nam Phi là ví dụ. Tương tự như vậy khi các FDI rút đi, Trung Cộng cũng phải gặp cảnh khó khăn này. Trung Cộng sẽ dính bẫy nếu họ không thể vượt qua cú sốc này.
Bài học thành công của Hàn-Đài-Sing khi vượt qua bẫy thu nhập trung bình còn đó. Như vậy để không bị cú sốc do FDI rút đi, thì những quốc gia này đã làm gì? Thứ nhất họ phải chuẩn bị nội lực kinh tế đủ mạnh khi đó những doanh nghiệp quốc nội đủ sức để tiếp nhận hết lực lượng lao động do FDI để lại; thứ nhì tăng đầu tư ra hải ngoại (Tiếng Anh là Outward Direct Investment-ODI) nhằm khai thác lợi nhuận từ các nước nghèo hơn để bù đắp lại phần thiệt hại do FDI rút đi; thứ 3 là cải tổ chính trị, để tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng cho các FDI. Khi FDI mất lợi thế nhân công giá rẻ và họ không được đối sử công bằng với các doanh nghiệp trong nước, thêm vào đó chính quyền thiếu minh bạch thì tất họ không thiết tha ở lại làm gì nữa.
Theo một bài báo trên tờ China Briefing thống kê thì từ năm 2003 đến 2014 thì tổng vốn đầu tư ra hải ngoại - ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn thấp hơn nguồn vốn FDI từ nước ngoài đầu tư vào nội địa Đại Lục. Chỉ có năm 2015 thì ODI vượt qua FDI nhưng sau đó từ năm 2017 đến thì ngược lại, ODI lại thấp hơn so với FDI. Đến năm 2019, FDI của Trung Quốc là 136,7 tỷ đô còn ODI chỉ có 110,6 tỷ đô. Mà như ta biết, kể từ năm 2019, các doanh nghiệp FDI của Trung quốc bắt đầu rút mạnh vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, ấy vậy mà ODI của vẫn không thể vượt qua FDI. Từ con số này, chúng ta có thể thấy rằng, nội lực của nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Vậy với nội lực đang xuống như vậy, liệu Trung quốc có chống đỡ được khủng hoảng tất yếu này không? Câu tả lời là “Khó!”.
Hiện nay để chuẩn bị đối phó khó khăn lâu dài, Trung Quốc chắc chắn không cải tổ chính trị, mà thay vào đó họ đẩy mạnh nguồn ODI để khai thác mạnh các thị trường ngoài Trung Quốc. Và tất nhiên, nền kinh tế dễ nào dễ khai thác nhất sẽ được Trung Quốc nhắm đến. Chắc chắn Việt Nam là mục đích đầu tiên. Ngày 30 tháng 4 năm 2020 tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đã đăng bài “Nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng 'thâu tóm' doanh nghiệp Việt giữa Covid-19”. Trong bài cho biết các nhà đầu tư Trung Cộng đã chọn thâu tóm doanh nghiệp Việt thay vì đầu tư theo dạng FDI, vì sao? Bởi đơn giản, Trung Quốc muốn bắn 1 mũi tên trúng 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là loại bỏ cơ hội phát triển doanh nghiệp Việt; thứ nhì là muốn mượn đường xuất khẩu sang các thị trường khác để hưởng lợi. Việc làm này giống như, Trung Cộng đang bị mất máu thì họ sẽ chọc vòi sang cơ thể ông Việt Nam để hút máu về mình vậy, thật là nguy hiểm.
Khi Trung Quốc khủng hoảng, chắc chắn Việt Nam sẽ lao đao chứ không có cơ hội đón bắt dòng đầu tư từ Trung Quốc dời sang như nhiều người tưởng. Bởi đơn giản tầm Việt nam không đủ tận dụng lợi thế đó. Để đón bắt cơ hội, chỉ có những nước khác ở Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indo, hay Mã Lai mà thôi. Còn Việt Nam? Chỉ có thể chết chùm theo nó. Đó là hậu quả của việc để nền kinh tế đất nước quá phụ thuộc vào Trung Cộng.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=44963&idcm=208
http://tapchitaichinh.vn/…/hoat-dong-dau-tu-cua-viet-nam-ra…
https://www.cnbc.com/…/china-says-its-foreign-direct-invest…
https://www.china-briefing.com/…/chasing-chinas-outbound-d…/
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/…/nhat-ban-khuyen-khich-do…
https://www.thesaigontimes.vn/…/nha-dau-tu-trung-quoc-gia-t…