06 octobre 2020

NGƯỜI VIỆT NAM, MẶC ĐỒ VIỆT NAM, SAO CÒN PHẢI TRANH CÃI?

Hoàng Quốc Hải

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đang nghiên cứu xây dựng đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”. Và ngày 7 tháng 9 vừa qua, Sở VHTT&DL Huế đã làm một thử nghiệm hết sức nghiêm túc. Tức là thứ hai tuần đầu của mỗi tháng, cơ quan làm lễ chào cờ, trong đó tất cả cán bộ trong cơ quan (gồm cả nam và nữ) đều mặc áo dài truyền thống. Thực chất đây là quốc phục truyền thống của nước ta đã tồn tại qua nhiều đời.


 (Miễn tranh cãi. Và cũng không nên đắp điếm những thứ đạo đức xã hội khác mà bản thân chiếc áo không hề có, dễ gây phản cảm. Áo dài nam là áo dài nam. Đó là chức năng thật của chiếc áo.Thế là đủ ). Tuy nhiên, tấm biểu tượng cán bộ đeo trên góc áo, nom giống hình chiếc thẻ bài ngà của các viên quan huyện thời trước, lại có bốn chữ “Nguyên phong chấp sự”; xem ra không thích hợp.

Bẵng qua nhiều năm, loại trang phục này không lưu dụng nơi công sở, nhưng nó vẫn tồn tại trong nhân dân, mức đậm nhạt từng vùng có khác nhau, và không hề có hiện tượng đứt gẫy.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trương làm mới Huế, để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước bằng yếu tố văn hóa trở về nguồn cội, là một chủ trương đúng, cần được sự ủng hộ rộng rãi của giới văn hóa và công chúng cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và lãnh đạo Sở văn hóa tỉnh này đều nhận thức rằng, việc mặc lại y phục truyền thống nhằm nhắc nhở mọi người về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc. Và nữa, để những người trong độ tuổi mới lớn, nhận diện y phục truyền thống của dân tộc mình.

Lãnh đạo tỉnh này chưa hề có ý định áp đặt mọi người trong tỉnh phải đồng phục y phục cổ truyền. Thật ra, bây giờ có ai đó lấy quyền uy bắt toàn dân phải trở về mặchoàn toàn theo kiểu y phục truyền thống, chắc chắn chủ trương đó sẽ nhận thất bại đúng 100 %. Nhưng nếu ai đó lại chủ trương đoạn tuyệt với quá khứ, bằng cách không cho dân chúng mặc lại y phục truyền thống trong các dịp tết lễ hội hè, với ý thức nhắc nhở về nguồn cội dân tộc, hẳn là trong người đó không mang dòng máu Việt tộc, trong ý thức họ không mảy may chút hồn Việt. Và việc này, ngoài tầm với của mọi quyền uy và luật lệ .

Âu phục, là loại y phục đạt tới tính khoa học và thẩm mỹ cao, nó đã trở thành quốc tế phục. Nhưng sao ta vẫn thấy, ngay các nước Châu Âu, trong các ngày lễ cổ truyền của dân tộc họ, ngoài dân chúng, thì bất cứ người ở cương vị nào trong bộ máy cầm quyền, khi đã xuất hiện trước công chúng, đều vận một thứ y phục cổ truyền của chính dân tộc họ.

Lại nữa quan sát các đời Thủ tướng Ấn Độ, mỗi khi xuất hiện trong cuộc họp nội các, hoặc tiếp khách nước ngoài, ta đều thấy ông đội một chiếc khăn theo kiểu Ân Độ, và mặc chiếc áo dài trắng, dài quá đầu gối, phía ngoài khoác thêm chiếc áo gilet. Mỗi khi ta thấy ông xuất hiện, dường như mẫu trang phục đó không thay đổi. Điều đó có thể hiểu, Thủ tướng Ấn Độ đang vận quốc phục của nước ông.

Còn như Tổng thống Indonesia, mỗi khi hình ảnh ông xuất hiện, ta nhận ngay ra chiếc mũ calot trên đỉnh đầu ông. Và nguyên thủ các nước Trung Đông đều y phục mầu trắng, mũ trắng có thắt một dải dây màu đen nom như dải ruban.V. v …

Tại sao nhiều nguyên thủ các nước luôn vận y phục cổ truyền của dân tộc mình trước công chúng? Bởi y phục của mỗi dân tộc, là đặc trưng văn hóa của chính dân tộc đó, là linh hồn của chính dân tộc đó. Người đứng đầu bộ máy cầm quyền phải nêu gương gìn giữ văn hóa dân tộc mình trước công chúng. Đó không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia, mà còn là nghĩa vụ công dân nữa.

Vả lại, trong giao tiếp quốc tế, để nhận biết người này thuộc quốc gia nào, trước hết ta nhìn trang phục họ mặc, và nếu còn nghi ngờ thì nghe thêm tiếng nói của họ. Vậy y phục và ngôn ngữ của mỗi người, là tiêu biểu cho quốc tịch của chính người đó. Nó chính là dấu hiệu để người các dân tộc khác nhau tìm đến nhau được dễ dàng.

Từ năm 2018 tới nay, có nhiều vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta, trình Uỷ nhiệm thư hoặc Quốc thư của Chủ tịch nước CHXHCNVN lên Quốc vương, Nữ hoàng hoặc Tổng thống các nước, đều vận Quốc phục, tiêu biểu là chiếc áo dài nam, nữ truyền thống cùng chiếc khăn xếp đội đầu.

Người khai mở đầu tiên là đại sứ Trần Ngọc An, trình Quốc thư lên Nữ hoàng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Elizabeth ll vào ngày 3-5-2018. Chính phủ Anh đem xe song mã và lính tháp tùng theo phong cách cổ truyền của Anh quốc, đến tận nhà riêng Đại sứ Việt Nam để đón vợ chồng Đại sứ tới điện Buckingham.

Sở dĩ có nghi lễ này, là do ngài đại sứ Trần Ngọc An thông báo với phía Anh quốc rằng, trong lễ trình Quốc thư, ông vận Quốc phục cổ truyền của Việt Nam.

Tiếp đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm quản đại sứ Việt Nam tại vương quốc Nepal và vương quốc Bhutan, ngài Phạm Sanh Châu, cũng vận quốc phục trình quốc thư, vận quốc phục tiếp khách nhân lễ Quốc khánh nước CHXHCNVN.

Bà Phạm Thị Kim Hoa, trình Quốc thư lên tổng thống Brazil.

Ông Phạm Việt Anh, trình Quốc thư lên nhà vua Hà Lan…

Tất cả các vị Đại sứ này, nam cũng như nữ, đều vận Quốc phục truyền thống của Việt Nam. Tất cả các vị Đại sứ trên, đều được nước chủ nhà đón tiếp trong niềm hân hoan và trọng thị .

Trong một phỏng vấn gần đây của báo Thanh Niên, ông Phạm Sanh Châu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm quản đại sứ tại Vương quốc Nepal và Bhutan trả lời: “Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam truyền thống trong các hoạt động đối ngoại. Điều đó xuất phát từ nhu cầu công tác, và vì chúng ta muốn xây dựng một bản sắc Việt Nam. Có nhiều yếu tố để tạo nên bản sắc, và đối với nhà ngoại giao, bản sắc đầu tiên để người ta nhận diện được chính là trang phục”.

Dựa vào văn hóa truyền thống để làm phương tiện đối ngoại, đó là một chọn lựa thông minh.

Vậy chúng ta có quyền tự hào về quốc phục truyền thống, trong tài sản văn hóa chung của dân tộc ta lắm chứ. Và dù muốn hay không, trong con mắt bạn bè ta khắp Năm châu, những y phục mà các vị Đại sứ của ta đã mặc trình Quốc thư lên các quốc gia mà ta có quan hệ ngoại giao, đương nhiên các nước đó đã nhận dạng được hình ảnh bộ Quốc phục truyền thống của Việt Nam. Qua đó toàn nhân loại đã bước đầu nhận dạng và có ấn tượng về quốc phục truyền thống của chúng ta.

Đây là sự mặc định về một dòng y phục cổ truyền của nước ta đối với toàn thế giới, tựa như ta đăng ký bản quyền về quyền sở hữu trí tuệ rất sang trọng trên toàn cầu, mà ta hoàn toàn không mất phí đăng ký.

Vậy là cả áo dài nam và áo dài nữ truyền thống của Việt Nam, bây giờ không còn lo ngại việc đánh cắp bản quyền như một hãng Thời trang China nào đó, dám trình diễn áo dài nữ Việt Nam và nhận xằng đó là áo dài China.

Việc hãng thời trang Ne Tiger China trình diễn áo dài nữ truyền thống của Việt Nam tại Bắc Kinh, khiến người Việt Nam bức xúc và phẫn nộ. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 21/ 11 / 2019 đã phải lên tiếng: “Trong tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018, Ne Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có nhiều mẫu áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại nói là sự sáng tạo của nhà thiết kế.

Nhiều người Việt Nam đã bức xúc gọi vụ “ đạo “ quốc phục Việt Nam, chẳng khác nào một âm mưu “đường lưỡi bò “ thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang .“

Sao lại thế nhỉ, khi có kẻ định lấy cắp thì phẫn nộ, phản đối. Đó là thể hiện ý thức dân tộc, đáng hoan nghênh. Nhưng khi bàn đến việc sử dụng nó sao cho hợp lý ở trong nước, lại cũng không ít người phản đối. Thiết tưởng việc này, mọi người nên xem lại quan điểm của mình.

Trở lại việc tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo về áo dài nam truyền thống, hình ảnh ông Chủ tịch Phan Ngọc Thọ vận áo dài truyền thống. Rồi ông còn mặc áo dài truyền thống tiếp khách quốc tế, rồi lại có cả một chương trình thử nghiệm để đưa Huế thành Kinh đô áo dài truyền thống. Và từng bước, ông cho Sở VHTT&DL làm thử nghiệm trước. Sở Văn Hóa đã làm, vừa thận trọng vừa trang trọng.

Hình ảnh các cán bộ văn hóa Huế mặc áo dài truyền thống lan tỏa trên mạng xã hội, được nhiều người hoan nghênh hưởng ứng, và cũng không it người chê bai, thậm chí bài xích. Đó là việc rất bình thường mối khi có hiện tượng gì mới hoặc lạ xuất hiện trong xã hội. Rất mong các bạn Huế bình tĩnh tiếp nhận. Điều đáng sợ nhất là khi ta tung một vấn đề gì đó ra mà xã hội dửng dung, không quan tâm, điều đó có nghĩa là vấn đề được đặt ra đó, nó vô bổ. Nhưng điều đáng sợ hơn nữa là, đồng thuận 100%. Đồng thuận 100%, cũng đồng nghĩa với việc công chúng tẩy chay trong im lặng.

Cổ xưa đánh giá việc làm đúng, sai bằng cách thăm dò: Nếu việc đó được người thiện yêu, kẻ ác ghét, là việc đúng. Còn việc đó được kẻ ác ra sức cổ vũ, còn người thiện xa lánh, thì công việc đó là công việc của những kẻ bất lương.

Thiết nghĩ việc thử nghiệm để làm mới Huế bằng một hành vi trở về cội nguồn văn hóa dân tộc, là một tư duy nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, cần được nâng đỡ và tiếp sức. Chắc chắn trong một thời gian không xa nữa, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ chen chân tới Huế.

Thật ra, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác từ tiềm năng văn hóa của chính dân tộc mình, đang là xu thế của thời đại. Một khi kinh tế có hàm lượng văn hóa cao, thì đó là dấu hiệu của sự phát triển bền vững.

Nhìn chung dư luận, các báo chính thống phần đông ủng hộ sáng kiến của Huế, có báo còn thăm dò công chúng; cũng có báo không đồng tình.

Một số người chưa đọc kỹ, nên lo sợ việc này sẽ dẫn tới toàn dân đồng phục theo y phục cổ truyền. Như phần trên đã nói, việc làm này nhằm khẳng định vốn liếng văn hóa truyền thống của ta, để biết mà giữ gìn. Nếu không, khi có kẻ cướp bản quyền, chẳng biết mô tê nào mà bảo vệ. Vả lại vốn liếng văn hóa dân tộc đã thất thoát quá nhiều rồi, đừng để mất thêm nữa mà mang tội với tiền nhân.

Có người thắc mắc, tai sao không thấy có quốc gia nào quy định quốc phục. Vậy quốc phục là gì? Xin thưa, nó là một thứ y phục của cả dân tộc, được hình thành từ trí tuệ và tập tục của chính dân tộc đó qua nhiều đời, được toàn dân chấp nhận và sử dụng ổn định trong trường kỳ lịch sử. Do đó nó thuộc dòng văn hóa dân gian, nó thuộc dạng phong tục, tập quán. Tác giả của nó là NHÂN DÂN. Vì vậy nó không thuộc về bất kỳ một người tài giỏi nào, một người quyền uy nào, kể cả vua chúa. Nó vận hành theo quy luật của văn hóa. Nó tồn tại hay không tồn tại thuộc về chính nó. Không một nhà nước nào, trong một thời gian nào đó, sáng tạo ra được cả một nền y phục, vì vậy các nhà nước đều nương vào nó để điều hành chứ không cưỡng chế. Trên thế giới, không có một thứ luật pháp nào cưỡng chế nổi phong tục, tập quán. Vì vậy, các quốc gia không có quy định này.

Sau rốt có thể quy về mấy điểm:

1/ Dự án Huế trở thanh Kinh đô áo dài truyền thống, là việc trở về với văn hóa dân tộc. Đó là một chủ trương Văn hóa - Kinh tế nghiêm túc, cần được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ; và cần được triển khai sớm. Bởi ngoài lợi ích về kinh tế, nó còn nhắc nhở ý thức dân tộc để mọi người biết và có nghĩa vụ giữ gìn.

2/ Sau này có trở thành quy chế, cũng chỉ là nơi công sở, tựa như Sở VHTT&DL Huế đã thử nghiệm. Và trên phương diện quốc gia, y phục truyền thống mang ý nghĩa giao tế là chính.

3/ Đối với nhân dân thì khuyến khích mặc vào các dịp lễ tết hội hè, mừng thọ, cưới hỏi, sinh nhật v. v… Tuyệt nhiên không có sự cưỡng chế.

4/ Về màu sắc, kích thước, độ dài ngắn, chất liệu vải đều có thể nghiên cứu sao cho phù hợp nhất, đẹp nhất và thoải mái nhất đối với người mặc. Mẫu truyền thống là để tham khảo một cách nghiêm túc trong khi chế tác quốc phục, chứ không thể coi là một định chế bất biến. Tuy nhiên, phải nghiêm cấm mọi nhân danh cách tân mà xuyên tạc tới mất gốc.

5/ Bộ Ngoại giao nên nhân rộng các kết quả mang tính thử nghiệm này, và nên coi y phục truyền thống cũng là một công cụ văn hóa đối ngoại

6/ Việc một số Đại sứ trình Quốc thư mặc Quốc phục, nên coi đây là bước thử nghiệm. Có thể có người chưa hài lòng về mặt này hay mặt khác. Ví dụ, mầu sắc như vậy đã chuẩn chưa, kiểu dáng như vậy đã đúng chưa? V.v… Bởi còn đang trong bước thử nghiệm, xin chớ vội phê phán.

Thiết nghĩ, việc này Bộ Ngoại giao nên phối hợp với Bộ VHTT&DL mở hội thảo, tham khảo ý kiến các nhà văn hóa tiến tới một quy chế quốc gia cho bộ lễ phục chuẩn, để sử dụng thống nhất trong việc giao tế.

Láng Thượng, ngày 12 / 9 / 2020

H Q H,

http://trannhuong.net/tin-tuc-55077/nguoi-viet-nam-mac-do-viet-nam--sao-con-phai-tranh-cai.vhtm