“Bộ trưởng Nông nghiệp giải thích rừng tự nhiên bị thu hẹp do đế quốc Mỹ rải hoá chất. Sẽ thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng đề cập cả nguyên nhân từ bất cập trong quản lý rừng”…
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu bình luận với phần phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 4/11.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chưa đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường về nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên suy giảm. |
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhận tranh luận của đại biểu khi nói về thành tích trồng, giữ rừng. |
Trong nội dung thảo luận hôm qua, 3/11, trao đổi lại với các đại biểu đề cập nguyên nhân thiên tai nặng nề vừa qua do mất rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin tổng diện tích rừng hiện nay là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta.
Kết quả này, Bộ trưởng khẳng định là sự cố gắng vượt bậc. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm, hệ số che phủ đã đạt gần 42% (cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới là 29%).
Về việc giữ rừng tự nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận định, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng của miền Trung.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chưa đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường về nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên suy giảm.
Chiều 4/11, tiếp tục phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng nêu nhiều con số khác. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép cũng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên như thế.
“Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương nơi có rừng”.
Đại biểu Lưu Mai lập luận, việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100ha rừng trồng mới.
Bà Mai nhắc lại những hậu quả nặng nề của đợt thiên tai vừa qua: “Thời gian qua, tất cả chúng ta đều bàng hoàng, đau xót vì sự ra đi của nhiều cán bộ, chiến sỹ và người dân vì sự giận dữ của tự nhiên. Trong rất nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả thực sự quá đắt. Trong thiên tai, chúng ta thấy được tình người, tình nghĩa quân dân nhưng cũng thấy được những lỗ hổng cần kịp thời chỉnh sửa trong chủ trương, chính sách phát triển”.
Chung mạch vấn đề, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng có những kiến giải xung quanh chuyện mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất liên tiếp gây thiệt hại khủng khiếp cho các tỉnh miền Trung vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thông tin, sau đợt ngập lụt diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra dồn dập vừa qua, hiện tại trên địa bàn, tại huyện Hướng Hoá tiếp tục xảy ra hiện tượng sạt lở núi làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang, gây chia cắt đường giao thông từ xã Hướng Phùng về Hướng Sơn. Người dân cũng phát hiện trên núi tại Hướng Sơn có nhiều vết nứt có chiều dài từ 150- 200m, độ rộng từ 40-50cm, có nguy cơ sạt lở rất cao ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào.
Đại biểu lo lắng, nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.
Phương án ứng phó, ông Đồng cho biết, Quảng Trị đã tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn. Trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên tai đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều. Để người dân ổn định đời sống lâu dài cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung.
Phương Thảo
https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-bieu-binh-luan-ve-kien-giai-mat-rung-do-my-rai-hoa-chat-cua-bo-truong-20201104155521120.htm