11 novembre 2020

Quy trình luôn đúng chỉ có … trời sai

Xuân Dương: "Rừng Việt Nam nhiều như thế nên phải hiểu thế nào về những hình ảnh từ bắc vào nam mà báo chí công bố?"

Thông tin trên báo Nld.com.vn cho biết:

Tổng diện tích rừng cả nước được ghi nhận vào năm 1945 là 14,3 triệu ha, độ che phủ của rừng chiếm 43% diện tích đất tự nhiên. 30 năm chiến tranh (1945-1975) là giai đoạn rừng Việt Nam bị thu hẹp lại khá nhanh. Sau chiến tranh, diện tích rừng chỉ còn lại khoảng 9,5 triệu ha, chiếm 29% diện tích đất tự nhiên.


Đặc biệt nghiêm trọng ở một số vùng như Tây Nguyên giai đoạn 1975-1995 mất 440.000 ha rừng, vùng Đông Nam Bộ mất 308.000 ha, vùng Bắc Khu IV cũ mất 243.000 ha, vùng Bắc Bộ mất 242.500 ha. [1]

Như vậy trong vòng 20 năm, từ 1975 đến 1995 Việt Nam mất 1.233.000 ha rừng.

Một vài số liệu về chuyển đổi đất đồi, đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp:

- Số liệu của Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, đến năm 2017 cả nước có 950.000 ha rừng cao su. [2]

- Tính đến năm 2019, theo số liệu của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê Việt Nam đạt trên 664.000 ha. [3]

- Hiện diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha. [4]

- Tính đến hết năm 2019 diện tích chè toàn quốc đạt khoảng 123 nghìn ha. [5]

Tổng diện tích chuyển đổi chỉ riêng cho bốn loại cây công nghiệp cao su, cà phê, hồ tiêu, chè là gần 1,9 triệu ha.

Thông tin do một vị bộ trưởng trình bày tại hội trường Quốc hội cho biết trong 30 năm, chúng ta đã tăng diện tích rừng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, hệ số che phủ rừng gần 42% trong khi thế giới bình quân gần 29%.

Số liệu công bố trên Baotintuc.vn (trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam) cho biết những con số cụ thể, theo đó tính đến ngày 31/12/2019, diện tích đất có rừng toàn quốc là 14.609.220 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên là 10.292.434 ha, rừng trồng là 4.316.786 ha. [6]

Nếu số liệu trên báo Nld.com.vn là đúng thì diện tích rừng của Việt Nam năm 2019 nhiều hơn diện tích rừng năm 1945.

Diện tích 1,9 triệu ha chè, cao su, cà phê, hồ tiêu có được tính gộp vào rừng hay là đất thuộc các vùng châu thổ?

Thông tin mới nhất cho thấy trong 250.000ha rừng trồng tại Quảng Ngãi có đến 190.000 ha bị bão số 9 cày nát. Trong 190.000 ha rừng này, đa số là cây keo.

Một nhà khoa học trao đổi với báo Tuoitre.vn: “Chủ trương trồng keo không sai, nhưng cái tệ của ngành lâm nghiệp chúng ta là coi keo là rừng. Người ta ngộ nhận đồi keo là rừng chứ cây keo cũng y hệt cây cao su, thực chất nó là cây công nghiệp, tối ưu về hiệu quả kinh tế chứ không có nhiều đóng góp cho môi sinh, môi trường, thổ nhưỡng”. [7]

Ông Phạm Văn Điển - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá: “Trong số diện tích rừng được trồng lại hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 có khoảng 85% là rừng trồng thuần loài keo, bạch đàn”. [7]

Rừng Việt Nam nhiều như thế nên phải hiểu thế nào về những hình ảnh từ bắc vào nam mà báo chí công bố.

Rừng keo bị báo tàn phá ở Quảng Ngãi (Ảnh: T.M/Tuoitre.vn)

Rừng phòng hộ tại Đông Triều – Quảng Ninh (Ảnh: Tiến Thắng)

Rừng tại tiểu khu 261B, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Rừng cây trên núi Cô Tiên – Nha Trang (Ảnh mạng xã hội)

Rừng trên bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng (Ảnh: Vtc.vn)

Độ che phủ của khu rừng này là bao nhiêu phần trăm? (Ảnh: Dantri.com.vn)


Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/thoi-su/tan-pha-thien-nhien-va-cai-gia-phai-tra-mat-rung-nguyen-sinh-thien-tai-kho-luong-20201023213743696.htm

[2]https://vnrubbergroup.com/tin-tuc/9844

[3]http://www.cuctrongtrot.gov.vn/TinTuc/Index/4325

[4]http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Dien-tich-ho-tieu-da-gap-3-lan-quy-hoach/353724.vgp#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20Hi%E1%BB%87n,s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20l%C3%A0%2047.000%20ha.

[5]http://www.cuctrongtrot.gov.vn/TinTuc/Index/4481

[6] https://baotintuc.vn/infographics/hien-trang-rung-viet-nam-20200510072411736.htm

[7] https://tuoitre.vn/rung-keo-lam-tang-nguy-co-sat-lo-20201108082556409.htm

09/11/2020 06:14

Xuân Dương

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quy-trinh-luon-dung-chi-co-troi-sai-post213504.gd