21 novembre 2020

Đôi lời nhân phát biểu của ông Vũ Đức Đam

Nguyễn Đình Cống: "Biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự xuống cấp và nâng dần nền đạo đức  như ông Đam đã trình bày là kết hợp giữa giáo dục và luật pháp. Cả hai lĩnh vực này đang bị thể chế chi phối. Việc kết hợp không phải chỉ là ban hành các văn bản, việc này chính quyền cộng sản làm quá thành thạo, mà phải tổ chức thực hiện. Nhưng để thực hiện thì có lẽ việc đầu tiên là cải cách thể chế để lập ra được một chính quyền liêm chính, vững mạnh mới đủ sức xoay chuyển tình thế, phục hưng được đạo đức nhân bản."


Vừa rồi, tại cuộc họp Quốc hội (tháng 11/ 2020), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có phát biểu về đạo đức xã hội, được nhiều người quan tâm, tạo nên một vài xúc động.  

Ông Đam công nhận đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, cần báo động. Rồi  ông cho rằng sẽ không công bằng khi chỉ nhìn về phía tiêu cực và đề nghị  nhìn  thêm những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân, thể hiện chủ yếu ở 5 điều sau : 1- Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. 2- Lòng yêu thương đồng loại. 3- Tinh thần hòa ái, thân thiện, cởi mở  4- Yêu lao động, chịu  thương chịu khó. 5- Tinh thần hiếu học, vươn lên.

Ông cho rằng sẽ thiếu sót khi bỏ qua những hoạt động khắc phục rất tốt, trong đó có việc học tập và làm theo Hồ Chí Minh.

Về nguyên nhân, ông kể ra ba thứ quan trọng. Một là sự đấu tranh giữa hai mặt tốt xấu, thiện ác. Hai là sự bất cập của cả hệ thống xã hội. Ba là mặt trái của kinh tế thị trường và Internet.

Để nâng cao đạo đức ông Đam nêu ra 4 biện pháp sau : A- Làm cho mọi người biết phân biệt tốt xấu. B- Kết hợp giữa giáo dục và luật pháp. C- Sự nêu gương của các bậc bề trên. D- Đề cao các hoạt động nghệ thuật, tôn giáo.

Cuối cùng ông Đam hy vọng rằng  khi đời sống kinh tế khá lên thì chúng ta có điều kiện, chú trọng thực chất hơn đến đạo đức.

Vì thời gian có hạn nên ông chỉ trình bày sơ lược, mong các đại biểu quốc hội chia sẻ và chỉ bảo thêm. Tôi không  dám chỉ bảo gì cả, chỉ nhân dịp, viết đôi lời, thể hiện vài suy nghĩ hơi khác với một vài ý kiến của  ông Đam. Đó là một cách “tát nước theo mưa”.  Viết ra với mong ước làm rộng đường dư luận.

Đầu tiên bàn về nguyên nhân. Ba nguyên nhân được kể ra tuy không sai, nhưng chưa thật đúng, chưa nêu được bản chất và không thể quy trách nhiệm.. Để  khắc phục, tìm nguyên nhân là cần, nhưng quy được trách nhiệm  cần hơn, quan trọng hơn.

 Sự xuống cấp về đạo đức rộng khắp xã hội do hai thế lực cùng tác động, là con người  (gồm dân thường và người trong bộ máy quyền lực) và chính quyền (Sự lãnh đạo, quản lý đất nước, bao gồm các luật lệ, chính sách, người đề ra và đặc biệt là người thi hành).

Con người dân Việt có nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng có một số yếu kém, như tham lam, ích kỷ, dối trá, thích khoe khoang v.v….Chính quyền qua các thời kỳ có những việc làm hợp đạo nghĩa và lòng dân, nhưng cũng vấp phải nhiều nhầm lẫn, sai lạc. Trong lịch sử bốn ngàn năm, đạo đức xã hội có lúc thịnh lúc suy, nhưng sự xuống cấp của nó trong thời gian vài chục năm gần đây, dưới chính quyền cộng sản là rất trầm trọng.

Một hành động làm băng hoại đạo đức có thể bắt đầu từ chính sách sai rồi bị loại người cơ hội lợi dụng phát triển ra, cũng thường bắt đầu từ một vài người xấu, tham lam ích kỷ, làm việc lợi mình hại người. Những việc như thế sẽ bị ngăn ngừa, phát hiện kip thời, bị dẹp bỏ, trừng phạt kiên quyết khi có chính quyền mạnh, trong sáng, liêm chính. Chính quyền thiếu năng lực, tham những, bị mua chuộc  đã không ngăn ngừa và phát hiện, lại còn dung túng để chia lợi, thế thì việc xấu  sẽ phát triển rộng và nhanh.

Chính quyền thiếu năng lực, tham nhũng là hiện tượng rõ ràng, nguyên nhân từ chế độ chuyên chính vô sản, độc tài đảng trị. Lãnh đạo tuy có đề ra phong trào này nọ, ban hành vài nghị quyết, tổ chức học tập Hồ Chí Minh, nhưng những việc đó chỉ nặng về hình thức mà hiệu quả rất thấp. Việc học tập Hồ Chí Minh có một số trường hợp còn phản tác dụng. Chính quyền thừa biết đạo đức xuống cấp nhưng không làm gì được bao nhiêu để cứu vãn vì đang tập trung sức lực vào hai nhiệm vụ quan trong đối với họ. Một là lo củng cố vai trò thống trị, hai là chạy theo sự phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào.

Về hình thức ĐCSVN tuyên bố là lãnh đạo và cầm quyền, nhưng thực ra là thống trị  với  công an và tuyên giáo. Công an chủ yếu dùng đàn áp để bắt dân sợ, tuyên giáo dùng tuyên truyền để ép dân tin, mà một phần không nhỏ trong tuyên truyền là dối trá. Sự đàn áp và tuyên truyền như vậy làm phát sinh nhiều thói hư tật xấu, bắt đầu làm xuống cấp đạo đức. Sau sự sụp đổ của phe XHCN thì lãnh đạo ĐCSVN nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch. Họ lo chống phá thù địch để bảo vệ chế độ là quan trọng và cấp thiết hơn việc bảo về đạo đức con người.

Chính quyền theo Duy vật, quá coi trọng quyền lợi vật chất, quan tâm đến đạo đức cách mạng mà coi nhẹ đạo đức làm người. Đạo đức cách mạng chủ yếu là lòng trung thành, là lập trường và lòng thù hận giai cấp v.v…, trong đó có một số điều ngược lại với đạo đức nhân bản.

Tôn giáo là nơi vun trồng đạo đức, thế mà chính quyền duy vật bài bác hoặc tìm cách lợi dụng để củng cố sự thống trị.

Những năm 1980, vì lãnh đạo sai lầm mà đất nước kiệt quệ. Việc mở cửa để phát triển kinh tế là rất cần. Thế rồi người ta đề lên quá cao việc phát triển kinh tế, chạy theo và tôn sùng đồng tiền, quá quan tâm đến tăng trưởng,  bất chấp việc phá hoại môi trường và đạo đức. Đó là một sự chệch hướng.

Để xẩy ra sự suy thoái đạo đức trong thời gian dài, trong diện rộng  thì cả người dân và chính quyền đều  chịu trách nhiệm, nhưng  trách nhiệm của chính quyền nặng hơn, chiếm phần quan trọng hơn.

Về 5 đức tính tốt. Đó là điều có thật và cần thiết, có giúp phần nào vào việc hình thành và phát triển đạo đức, nhưng chưa phải là  gốc rễ của đạo đức.  Người ham học, yêu lao động, yêu nước  vẫn có thể vi phạm đạo đức khi quyền lợi hoặc tự ái cá nhân bị xâm phạm. Gốc của đạo đức ở hai nguồn chính. Một là lòng yêu thương và tôn trọng mọi người mà trước hết là hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Hai là có niềm tin vào thế giới tâm linh mà quan trọng là biết tôn thờ Thượng đế và các Đấng Anh linh. Thế mà đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh lại coi thường hoặc phủ nhận những gốc rễ đó.

Về bốn biện pháp, tôi cảm thấy A (biết phân biệt tốt xấu) và C (nêu gương) là loại tầm phào. Về A- Trừ một số rất ít, còn đại đa số  người vi phạm đạo đức biết rõ họ đang làm việc xấu, biết nhưng vẫn làm. Về C- Phải chăng người trên cần làm việc tốt, giữ đạo đức để nêu gương cho người dưới. Đảng có ra Nghị quyết như vậy. Quan niệm như thế có gì đó sai sai. Theo tôi, mọi người làm việc tốt, giữ đạo đức là trách nhiệm, nghĩa vụ, là làm theo lương tâm. Không nên nghĩ rằng làm thế để nêu gương. A làm việc tốt nhằm nêu gương cho B, thế khi không có mặt B thì A có làm tốt hay không?. Khi B thấy A làm việc tốt, học theo thì đó là noi gương. Noi gương là rất cần, còn việc nêu gương là một tác dụng phụ, nó tự động xẩy ra khi A làm được việc tốt và có ai đó (B) noi theo. Nếu  A làm việc tốt với mục đích để nêu gương thì trong việc ấy đã ẩn chứa điều xấu. Vì vậy phải chăng nên hiểu rằng A cần làm việc tốt, giữ đạo đức là theo lương tâm, vì trách nhiệm, việc đó có tác dụng nêu gương. Trong cuộc sống người ta vẫn thường nói làm để nêu gương, nhưng nên bớt đi chứ không phải tạo thành nguyên lý. Trong việc dạy nghề, người dạy cần làm mẫu, đó không phải là nêu gương.

Biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự xuống cấp và nâng dần nền đạo đức  như ông Đam đã trình bày là kết hợp giữa giáo dục và luật pháp. Cả hai lĩnh vực này đang bị thể chế chi phối. Việc kết hợp không phải chỉ là ban hành các văn bản, việc này chính quyền cộng sản làm quá thành thạo, mà phải tổ chức thực hiện. Nhưng để thực hiện thì có lẽ việc đầu tiên là cải cách thể chế để lập ra được một chính quyền liêm chính, vững mạnh mới đủ sức xoay chuyển tình thế, phục hưng được đạo đức nhân bản.