Nov 21, 2020
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cơ Quan Điều Tra Bộ Công An xác định nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội “có vai trò chủ mưu cầm đầu để lấy cắp nhiều tài liệu mật, là tài liệu điều tra đại án Nhật Cường” vì có người nhà liên quan đến vụ án.
Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội. (Hình: Giang Huy/VNExpress) |
Ngày 21 Tháng Mười Một, Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đã hoàn tất kết luận, đề nghị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao truy tố ông Nguyễn Đức Chung (53 tuổi), nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội, về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước,” với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.
Cùng lúc, tài xế riêng của ông Chung là Nguyễn Hoàng Trung và ông Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi), cựu phó trưởng Phòng Thư Ký Biên Tập Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội, cũng bị đề nghị truy tố tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.”
Theo báo Tuổi Trẻ, kết quả điều tra xác định ông Chung “giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu” khi kết nối và hối lộ $10,000 cho ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, để tuồn tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường.”
Theo đó ngày 14 Tháng Năm, 2019, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An khởi tố, điều tra vụ án hình sự “Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu” xảy ra tại công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (vụ án “công ty Nhật Cường”), trong đó có việc điều tra về những người liên quan đến gia đình ông Nguyễn Đức Chung.
Vụ án này sau đó được xếp vào “đại án” thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng CSVN.
Thông qua giới thiệu của ông Phan Huy Lệ, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Hà Thành, ông Chung làm quen với bị can Phạm Quang Dũng, đặt vấn đề thu thập một số tài liệu của vụ án, được ông Dũng đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án “công ty Nhật Cường.”
Sau đó, ông Dũng lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án “công ty Nhật Cường,” đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của cấp trên lẻn vào lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc vào phòng làm việc của cán bộ khác để chụp tài liệu.
Kết quả điều tra xác định, từ Tháng Bảy, 2019 đến Tháng Sáu, 2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án. Hai lần chuyển cho ông Chung sáu tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật.”
Đối với hai bị can Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, đã có một lần nhận ba tài liệu thông qua Viber là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” từ ông Chung, và chuyển tiếp cho nhau in ra, đưa lại cho Nguyễn Đức Chung.
Kết luận điều tra cho rằng vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bi mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội “có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp, tài liệu chiếm đoạt của vụ án tham nhũng, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng, theo dõi và chỉ đạo.
Các bị can là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó có thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi, triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che dấu tội phạm nên đã gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án.”
Liên quan vụ án “công ty Nhật Cường,” báo Zing cho biết đến nay công an đã khởi tố hơn 20 bị can về các tội danh khác nhau gồm “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.” Trong số này có các bị can Nguyễn Tiến Học, nguyên phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội; bà Phạm Thị Kim Tuyến, trưởng Phòng Đăng Ký Kinh Doanh Sở Kế Hoạch và Đầu Tư; Lê Duy Tuấn, giám đốc kinh doanh công ty Đầu Tư và Phát Triển Đông Kinh…
Riêng ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Nhật Cường, được xác định cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Ông Huy bị khởi tố cùng lúc ba tội “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền,” hiện đã trốn khỏi Việt Nam và đang bị truy nã quốc tế.
Báo VNExpress dẫn tiểu sử cho biết ông Nguyễn Đức Chung quê Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế, được phong danh hiệu “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang” khi mới 37 tuổi.
Nhiều năm làm việc tại Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Trật Tự Xã Hội, Công An Hà Nội, ông Chung lần lượt giữ chức phó phòng rồi trưởng phòng, phó giám đốc Công An thành phố, thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra. Tháng Chín, 2012, ông Chung được bổ nhiệm làm giám đốc Công An Hà Nội.
Cơ quan công an khám nhà ông Nguyễn Đức Chung hồi Tháng Tám vừa qua. (Hình: Việt Hùng/Zing) |
Cuối năm 2015, Thiếu Tướng, giám đốc Công An Hà Nội Nguyễn Đức Chung được bầu làm chủ tịch thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân thành phố giữa năm 2016, ông Chung tái đắc cử chủ tịch Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu cao.
Phát biểu hôm nhậm chức chủ tịch, ông Chung cam kết “hành động kiên quyết, sáng tạo, sâu sát với cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, nghiêm túc lắng nghe tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.” (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ong-nguyen-duc-chung-chu-muu-vu-danh-cap-tai-lieu-mat-dai-an-nhat-cuong/