27/11/2020
VOA Tiếng ViệtApple của Mỹ đề nghị các hãng chế tạo chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam |
Việt Nam đang rút ruột khu vực xuất khẩu của Trung Quốc, làm cho các quan chức địa phương nước này phải cầu cứu Bắc Kinh đưa các chính sách mới nhằm giữ chân doanh nghiệp và việc làm giữa lúc các nhà sản xuất nối đuôi nhau ra đi, còn nguồn thu từ thuế thì sụt giảm, một phóng sự của Asia Times cho hay hôm 26/11.
Samsung đã lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất của hãng tại các thành phố Thiên Tân và Huệ Châu ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào cuối năm 2018 và 2019.
Sau 27 năm sản xuất, hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc đã đóng cửa dây chuyền sản xuất ở Huệ Châu vào tháng 9 năm ngoái và cho nghỉ việc khoảng 6.000 công nhân.
Samsung rút khỏi Thiên Tân và Huệ Châu kéo theo việc đóng cửa một loạt nhà máy ở các thành phố khác từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn giá rẻ và siêu thị phục vụ công nhân cũng bị vạ lây.
Giờ đây, hơn một nửa số thiết bị cầm tay hàng đầu mới nhất của Samsung, bao gồm cả điện thoại có thể gập lại tiên tiến của hãng, được lắp ráp tại các thị trấn nhỏ ở các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam, Asia Times cho biết.
Samsung cũng sản xuất màn hình phẳng và các loại màn hình khác tại Việt Nam.
Vẫn Asia Times viết rằng các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam, một đất nước đang nổi lên trong lĩnh vực chế tạo, hiện đang bắt chước các chiến lược của các đồng chí Trung Quốc và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài với các khoản ưu đãi thuế lớn, giá thuê đất cực thấp và lực lượng lao động lương thấp rất dồi dào.
Từ đầu năm nay cũng có nhiều tin tức nói rằng Apple sẽ bắt đầu thực hiện các bước chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm đình đám của họ sang Việt Nam, bắt đầu với các thiết bị ngoại vi như AirPods, vẫn bản tin của Asia Times cho biết.
Dẫn lại báo Nikon Keizai của Nhật Bản, Asia Times nói Apple đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm AirPods ở Việt Nam thông qua các nhà sản xuất là Goertek và Luxshare trong quý 1/2020 và sản lượng hàng năm có thể là 15% tổng lượng hàng toàn cầu của hãng.
Cũng liên quan đến Apple, Reuters đưa tin hôm 26/11 rằng đối tác sản xuất linh kiện lớn nhất của Apple là Foxconn đang chuyển một phần việc lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dẫn lời một nguồn tin không muốn nêu tên, Reuters cho hay việc dịch chuyển này là do yêu cầu của Apple, vào lúc công ty Mỹ muốn đa dạng hóa các cơ sở sản xuất để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.
Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay vẫn khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các thiết bị điện tử sản xuất tại Trung Quốc và đánh thuế nhập khẩu cao hơn, đồng thời cũng hạn chế cung cấp các linh kiện được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc mà Mỹ coi là chứa đựng nguy cơ về an ninh quốc gia.
Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy của Foxconn ở tỉnh Bắc Giang của Việt Nam để đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021.
Sunny Optical, nhà cung cấp lớn của Apple về linh kiện camera có trụ sở ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, gần đây cũng đã mở nhà máy ở Việt Nam, bản tin hôm 26/11 của Asia Times cho hay.
Ninh Nam Sơn, một nhà phân tích thuộc Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng là một nhà bình luận tài chính nổi tiếng, nói với Asia Times rằng việc các nhà máy và công nhân Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm phức tạp của Samsung và Apple là bằng chứng cho thấy Việt Nam có năng lực sản xuất đang phát triển nhanh chóng và chuỗi cung ứng hoàn thiện.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 264,3 tỷ đô la vào năm 2019, từ mức chỉ có 72,2 tỷ đô la vào năm 2010, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam hiện cao hơn mức của Trung Quốc.
Một mặt cố gắng giữ chân các nhà sản xuất, nhiều chính quyền địa phương trên khắp đất nước Trung Quốc cũng đang kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh phải hành động.
Một công văn của Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang gửi Bộ Thương mại Trung Quốc, mà Asia Times xem được, có đoạn viết rằng để duy trì công ăn việc làm và thu nhập tài khóa, Bắc Kinh cần phải đưa ra các biện pháp mới và cấp thêm các khoản trợ cấp trong bối cảnh “đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngành chế tạo nhắm đến xuất khẩu đang bị rút ruột”.
Các địa phương cũng thúc giục Bắc Kinh phải làm an lòng hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có định hướng xuất khẩu khi hiện nay Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến đưa nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển khỏi xuất khẩu và thương mại quốc tế với chủ trưởng mới của ông là ưu tiên “lưu thông nội địa” để tạo ra nhu cầu trong nước.
China Business News trích dẫn một nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc trong tháng 11 đã viết và trình lên lãnh đạo trung ương một báo cáo về tình trạng mới, đáng chú ý, đó là các nhà sản xuất rời đi ở một số tỉnh.
Báo cáo nêu các khuyến nghị về chính sách chính, bao gồm cần giao nhiều quyền hơn cho các chính quyền địa phương khi họ xây dựng các chính sách mới để giữ chân doanh nghiệp, cũng như phải đặt ra các quy định về trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc cao hơn để khiến việc sa thải hàng loạt sẽ gây ra tốn kém hơn.