09 novembre 2020

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Một sự cố đau lòng

Giáo sư Chu Hảo

GDVN- Cần dừng ngay các Dự án đổi mới giáo dục tiêu tốn tiền thuế của Dân kiểu này trước khi tiến hành một cuộc Tổng kiểm tra giáo dục một cách độc lập, khách quan.

LTS: Xung quanh những ồn ào, tranh cãi về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới vừa triển khai, Giáo sư Chu Hảo gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện góc nhìn của mình. Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và mong muốn tiếp tục nhận được các bài viết phân tích, trao đổi, phản biện, ngõ hầu làm sáng rõ các vấn đề để giáo dục đổi mới thực sự căn bản, toàn diện.


Hết sức đau lòng vì lại thêm một lần nữa sự cố Giáo dục hành hạ con cháu chúng ta đang làm hoảng loạn xã hội. Sự cố này là kết quả tất yếu của các cuộc cải cách giáo dục hơn hai mươi năm gần đây nhằm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học…đều không dựa trên một triết lý, một tư tưởng hay một lý luận giáo dục rõ ràng và nghiêm chỉnh nào. Tất cả chỉ là các Dự án, đổi mới mang tính chắp vá, tiền thuế của Dân phải trả cho các Dự án này biết bao nhiêu mà đến giờ cuốn sách giáo khoa lớp 1 dạy tiếng mẹ đẻ cho con em mình vẫn làm không được.

Giáo sư Chu Hảo, ảnh do tác giả cung cấp.

Chúng tôi cho rằng, lúc này cần dừng ngay các Dự án đổi mới giáo dục tiêu tốn tiền thuế của Dân kiểu này trước khi tiến hành một cuộc Tổng kiểm tra giáo dục một cách độc lập, toàn diện và khách quan để biết rõ thực trạng nền giáo dục nước nhà, và trên cơ sở đó Nhà nước giao cho một Ủy ban (cũng phải độc lập) nghiên cứu đề xuất một Chương trình Cải cách toàn diện và triệt để giáo dục, trình Quốc hội thông qua và giao cho Chính phủ thực hiện.

Còn đau lòng hơn cho những người thực lòng muốn thực hiện Phản biện xã hội (mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng khẳng định: Không có nó thì xã hội đã chết lâm sàng) một cách nghiêm túc. “Phản biện” như được thấy trên các phương tiện truyền thông chính thống cũng như trên các mạng xã hội trong sự cố sách giáo khoa lần này kinh hoàng quá! Nó đi quá xa khỏi tinh thần học thuật, nó có vẻ bạo lực hơn cả bạo lực theo nghĩa đen. Có lẽ chúng ta phải cùng nhau học hỏi lại cách đối thoại ôn hòa, tử tế và trung thực mà Socrate đã dậy cho giới trẻ ở Athen-Hy lạp ngay từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. “Phản biện” với cung cách này thì làm triệt tiêu luôn cả mọi nỗ lực xây dựng một Xã hội công dân lành mạnh mà chúng ta hằng mong muốn .

Tôi cũng rất lấy làm tiếc cho nhóm chủ biên hình như đã không lường trước được hết các hậu quả của cách ứng xử mà theo tôi là chưa thích hợp trước phản ứng gần như chỉ có một chiều “lên án” của một số nhỏ có chuyên môn và một số rất đông những người đang hết sức bức xúc. Với một sản phẩm giáo dục có một số lỗi không thể tranh cãi và nhiều điều còn phải tranh luận thì nên chăng các tác giả tỏ rõ hơn tinh thần cầu thị chấp nhận những phản bác có lý lẽ và thiện chí, với một lời xin lỗi chân thành công khai trước cộng đồng. Nếu không, tôi e rằng sự việc còn bị đẩy đi xa hơn nữa, không ai mong muốn và cũng chẳng ích lợi gì cho xã hội. Bởi tôi ngờ rằng đằng sau sự om sòm này có hơi hướng của sự cạnh tranh không lành mạnh thị trường sách giáo khoa, và không loại trừ có cả sự tham gia của các nhóm lợi ích quyền lực đi đôi với quyền lợi.

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020

Giáo sư Chu Hảo