29 novembre 2020

Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?

27/11/2020

Nhiều người dân ở Sài Gòn mong muốn có cuộc sống ổn định và được cải thiện hơn cùng với sự phát triển của thành phố -
Nguồn hình ảnh, Getty Images

Báo chí và truyền thông Việt Nam cuối tuần đăng tin về việc đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ và đối thoại với người dân khiếu nại xung quanh vụ tranh cãi đất đai đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn thành phố đông dân nhất Việt Nam.


Hôm thứ Sáu, 27/11/2020, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, trước hết đưa ra bình luận khái quát của ông về diễn biến mới này và điều gì có thể thấy và nên lưu ý khi nhìn vào diễn biến đó.

Thanh tra chỉ là một bên hay quyết định hết?

"Tôi có nghe thông tin về việc Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn và Phó chủ tịch UBND Thành phố, ông Võ Văn Hoan đối thoại với hai chục người đại diện cho người dân Thủ Thiêm hôm nay.

"Nhận xét đầu tiên của tôi là việc đối thoại này như thế là giữa những bên nào, giữa hai bên, hay là giữa ba bên trong diễn biến này - Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố tức chính quyền địa phương và người dân, thì đó là một câu chuyện quan trọng phải nhận thức, làm rõ, vì khi đưa ra công khai như thế thì phải làm sáng tỏ vị trí của các bên, bởi nó có thể liên quan và dẫn tới một cái kết như thế nào.

"Bởi vì theo luật Thanh tra, thanh tra là cơ quan của Chính phủ, và sau khi tiến hành thanh tra thì kết luận của thanh tra có giá trị pháp lý để xem xét như một nguồn, nhưng phải lưu ý ở đây có phải là một thanh tra độc lập, như tiến hành bởi một cơ quan, tổ chức độc lập khác không.

"Mặt khác, nếu đã đưa Thanh tra Chính phủ vào và "đối thoại" như thế, thì trong cuộc đối thoại này, phải có vai trò lớn hơn là chính bản thân Chính phủ, cơ quan cấp trên của Thanh tra Chính phủ.

"Và tôi nhấn mạnh lưu ý rằng nếu Chính phủ giải quyết hay làm không xong thì đôi khi dẫn đến Tòa án, và tôi cho rằng vụ này cũng có thể trở thành một vụ án điển hình.

"Trước đó đã có vụ Đồng Tâm ở miền Bắc cũng đã lớn chuyện, cũng đưa Thanh tra Chính phủ vào và sau đó diễn biến tiếp, kết cục ra sao, mọi người đã biết rồi.

"Còn vụ Thủ Thiêm này về thời gian, quy mô có thể còn kéo dài và lớn hơn vụ Đồng Tâm, đối với nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng biết vụ này cả, và cả nước cũng biết, nhưng giải quyết như thế là đã để kéo dài.

"Cần xem xét kéo dài là do đâu, ở đâu và theo tôi như vậy phải có một phán quyết, thẩm định, kể cả thẩm định những bằng chứng, tư liệu của quan chức hay cựu quan chức có chức có quyền đưa ra, chứng cứ của ông Võ Viết Thanh, nguyên phó rồi lãnh đạo UBND Thành phố, là người quan trọng, có chức, có quyền, nhưng cũng có phải giám định thực, giả hay không, thì cứ khách quan mà làm và phải giám định mọi thứ cần thiết, liên quan.

"Theo tôi, qua cách làm gặp gỡ, đối thoại như hôm nay, thì không ai có thẩm quyền buộc tội, phán quyết cuối cùng trong vụ này và khi thẩm định, thì cần lưu ý xem cơ quan thẩm định có khách quan và đủ năng lực hay không, nếu không thị sẽ rơi vào tranh cãi tiếp và sẽ dẫn tới cái kết vô hồi, tức là tranh cãi liên miên không hồi kết."

"Tôi nghĩ đến này phải đưa ra thành một vụ kiện tại Tòa án và nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở đây, kể cả pháp luât hình sự, thì phải truy tố và xử lý những người vi phạm, buộc tội những ai hữu trách gây ra vi phạm và vụ việc theo đúng pháp luật."

Nguyên nhân chính của việc kéo dài?

Sài Gòn là thành phố đông dân nhất Việt Nam hiện nay - Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi được hỏi vì sao vụ việc Thủ Thiêm bị kéo dài và tại sao không thể được xử lý, giải quyết sớm hơn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:

"Tôi nghĩ là có nhiều chuyện uẩn khúc đằng sau đó, và trong số đó có chuyện giá đất đã tăng rất nhiều, có nơi tăng đến mấy chục lần, như có người nói với tôi có chỗ 1 mét vuông lên giá tới trên 200 triệu đồng Việt Nam, trước đây nhiều chỗ đất đai còn là sình lầy, bây giờ đều thành đất đô thị có thể quy hoạch đắt giá và có thể những ai đó đang nắm những chỗ đó họ rất biết giá trị của nó.

"Thành ra khi họ đưa ra chứng cứ từ nguồn của ông Võ Viết Thanh, thì cũng phải xem xét cụ thể chứng cứ đó có đúng không và kết luận theo tôi phải cụ thể, không thể trung trung trên trời được.

"Tôi nghĩ chuyện này nếu mà điều tra rốt ráo, có thể biết đâu sẽ thấy cả vấn đề hình sự và đó là chuyện lớn, và nhân dân, cán bộ thành phố Hồ Chí Minh đều đang chờ đợi, nhưng trở lại với vấn đề, tôi nghĩ nguyên nhân rất lớn là vấn đề giá đất và giá trị toàn khu đất đã lên rất cao, người ta khó từ bỏ.

"Trước đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi mới về lại thành phố và thay ông Đinh La Thăng bị chuyển và sau bị bãi chức chiếc ghế Bí thư Thành ủy, ông Nhân năm đó có hứa là đến tháng 11/2018 sẽ giải quyết xong, nhưng rõ ràng là đến bây giờ vẫn chưa xong.

"Tôi cho rằng ở đây có những uẩn khúc đằng sau và nó đến từ những thế lực ngầm có quyền lực, sức mạnh và tiền bạc, theo tôi nếu điều tra cẩn thận, phát hiện vấn đề, có thể và cần truy tố, làm nghiêm, còn nếu không, không khéo sẽ để dẫn tới kết cục như vụ Đồng Tâm rất phức tạp, mà đã giải quyết được căn gốc, thấu đáo, thuyết phục đâu."

"Ông Nên liệu có làm nên?"

Ông Nguyễn Văn Nên là tân Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh - Nguồn hình ảnh, Cổng thông tin Chính phủ VN

Khi được hỏi liệu Tân bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên có thể giải quyết được vụ việc Thủ Thiêm hay không và vị lãnh đạo đảng bộ địa phương này có thể và nên làm gì, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp:

"Tôi đã từng nói với BBC từ trước và tôi nhắc lại vụ Thủ Thiêm chính là một phép thử thẩm định năng lực của ông Bảy Nên.

"Theo tôi, với tư cách là Bí thư thành ủy, lãnh đạo toàn đảng bộ thành phố, ông có cách gì, có quyền lực gì, thì ông nên phải dùng tất cả để đem ra giải quyết cho dứt điểm, nếu không Thủ Thiêm có thể trở thành một đốm lửa lớn làm bùng lên ngọn lửa.

"Có người hỏi tôi về vai trò, trách nhiệm thời của ông Bí thư Lê Thanh Hải và những người trong ban lãnh đạo đảng, chính quyền thành phố thời ông ấy, tôi xin nói vấn đề này nay với ông Bảy Nên là một thử thách lớn và có thể là lớn nhất tới nay của ông ấy.

"Mặt khác, Trung ương cũng có quyết tâm làm đến nơi, đến chốn không? Ông Nên từng làm việc và tham mưu cấp cao ở trung ương, hiểu rõ ngõ ngách quyền lực và cách thức thực thi quyền lực của các ban ngành trên trung ương, liệu ông có dám làm và liệu Trung ương có hỗ trợ ông Nên làm việc đó hay không?"

Nâng cao đời sống, chất lượng sống của người dân vẫn là một ưu tiên của nhiều tỉnh, thành, địa phương Việt Nam -
Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhân dịp này, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng bình luận về chiến dịch chống tham nhũng mà đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang tiến hành, trong đó có việc thực hiện ở một số thành phố lớn, đại phương trọng yếu tại Việt Nam.

"Tôi nhắc lại vụ Thủ Thiêm này lâu nay bị cản trở rất nhiều bởi các thế lực ngầm, họ có quyền lực, phe cánh, có tiền bạc, nếu không dám xử lý, rõ ràng đã trưng ra những vùng cấm, khoảng trống mà cán bộ, nhân dân, mọi người sẽ thấy và nhìn vào đó và nghi ngờ thực tâm, quyết tâm giải quyết của đảng.

"Đang có ý kiến trong cán bộ, nhân dân, người ta so sánh và đặt câu hỏi tại sao ở Hà Nội, Đà Nẵng, trung ương xử lý mạnh tay thế, tại Hà Nội người ta đang xử lý với ông Nguyễn Đức Chung như thế nào, mà ở thành phố Hồ Chí Minh, những ai lãnh đạo liên quan vụ Thủ Thiêm mà có trách nhiệm để xảy ra sai trái vẫn chưa bị xử lý, và người ta hỏi như thế có bên trọng, bên khinh không, có thuyết phục, công bằng không?

"Tôi thấy là nếu không dám xử lý những chỗ bị cho là vùng cấm, lỗ hổng với cán bộ kim, cựu như trọng vụ Thủ Thiêm này, thì sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của trung ương, của bên trên cả thành ủy TP Hồ Chí Minh. Người ta còn hỏi tại sao trung ương không bật đèn xanh để xử lý, thì tôi nghĩ nên đặt câu hỏi này cho ông Bảy Nên và cho cả những người trên ông ấy nữa."

Ông Nhân từng nói "khó cỡ nào"?

Ông Nguyễn Thiện Nhân từng trải qua nhiều chức vụ cao cấp tại các ban ngành ở trung ương tại Việt Nam và tại TP Hồ Chí Minh - Nguồn hình ảnh, Getty Images


Luật sư Trần Quốc Thuận chia sẻ thêm với BBC về những gì ông từng được nghe từ một cựu lãnh đạo thành ủy TP Hồ Chí Minh về khó khăn trong xử lý vụ Thủ Thiêm, ông nói:

"Tôi nhớ có lần ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bí thư thành ủy TPHCM, có trả lời tôi khi tôi hỏi thăm về vụ Thủ Thiêm.

"Ông ấy nhỏ hơn tôi 9 tu và xưng là "em" với tôi, ông nói đại là em gắng lắm, nhưng còn nhiều cái khó lắm."

Khi được hỏi "cái khó" mà ông Nguyễn Thiện Nhân có thể cảm nhận được và nói ra đó là gì, Luật sư Thuận đáp:

"Thì đó, như tôi đã nói, nó có một thế lực quyền lực ngầm mà nếu động vào thì nguy hiểm thành ra ông Nhân phải nói là chuyện này "khó" và nhiều người người ta nói là ông Nhân đã phải "né'.

"Tôi thấy rằng nếu có gì ngăn cản trong đây, thì thế lực quyền lực đó phải lớn lắm, nó phải lớn cỡ nào thì mới phải làm cho cỡ ông Bí thư thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị phải nhận là khó, tức là nó phải lớn hơn và phải ở cả trên cỡ ủy viên Bộ Chính trị đó."

Bài học gì từ Thủ Thiêm và lời khuyên cho tân Bí thư?

Cần tránh để vụ Thủ Thiêm dẫn tới kết cục như tại Đồng Tâm, Hà Nội, theo Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi được hỏi có thể rút ra bài học gì trong xử lý vụ Thủ Thiêm từ thời điểm Đại hội 13 của ĐCSVN chỉ còn vài tháng, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói:

"Tôi cho rằng quyền lực và thực thi quyền lực phải cụ thể, và đã giao quyền lực cho người ta thì phải giao thực quyền, để người ta có thể giải quyết dứt điểm như trong vụ Thủ Thiêm này.

"Đó là cái người ta mong chờ ở Việt Nam, nếu không thì sẽ hết Bí thư này đến Bí thư khác không thể giải quyết và sự việc đi đến bế tắc kéo dài.

"Mặt khác, được giao quyền mà anh không làm, không làm được thì xin mời anh đi chỗ khác cho người khác người ta làm, có đổi mới như thế thì mới hiệu quả được, và đó là những câu chuyện về những con người, việc làm cụ thể và cơ chế, trong đó có cơ chế quyền lực để giải quyết tham nhũng, vi phạm pháp luật, vô trách nhiệm v.v...

"Nhân đây, tôi cũng có một điều chia sẻ, tạm gọi là một lời tư vấn hay lời khuyên cũng được cho ông Bí thư Bảy Nên, theo tôi có lẽ nên báo cáo cấp có thẩm quyền, cấp trên và nên khởi tố thành một vụ án và phải điều tra.

"Điều tra mọi góc độ, khía cạnh, xem xét sai trái, sai phạm ở đâu, rồi tại sao từ trước đến nay không phát hiện, không xử lý được, rồi phải làm cho rõ thiệt hại thức tế là bao nhiêu.

"Bây giờ gần hết năm 2020 rồi, hy vọng năm tới những việc này được giải quyết đến nơi đến chốn, và như thế quyền lực của những người có quyền lực mà những lời hứa, cam kết, phát biểu đã được nói ra, thì sẽ phải được thực hiện đến nơi, đến chốn," Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC từ Sài Gòn trên quan điểm riêng.

Tin từ truyền thông chính thống Việt Nam cho hay chiều 27/11, tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận II, thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi đối thoại "về ranh quy hoạch Thủ Thiêm" giữa 20 đại diện người dân và đại diện Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố.

"Trong buổi đối thoại, Thanh tra Chính phủ thông qua báo cáo kiểm tra về các vấn đề ở Thủ Thiêm mà người dân khiếu nại lâu nay. Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành Trung ương, chính quyền TP.HCM... làm rõ thêm các vấn đề mà người dân khiếu nại," báo VietnamNet thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông tường trình

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55103508