01 septembre 2014

Nhân tài mùa thu và nhà nước mùa thu


Đức Thành
 

Ở cái thời cách mạng tháng 8 năm 1945 cách nay ngót nghét 70 năm, khi mà cả nước nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Tuyệt nhiên từ trong cội nguồn gốc rễ cách mạng chẳng hề gợn lên ý thức hệ nào chi phối hay mong muốn làm át chủ bài của cách mạng. Lúc ấy ý thức hệ cộng sản ở đâu đó , xa lắc xa lơ . Toàn dân tộc chỉ biết đến duy nhất là một mặt trận Việt Minh, một khối đại đoàn kết dân tộc. Bao gồm cả các văn nhân ,chí sĩ, thậm chí cả quan lại trong triều đình  nhà Nguyễn  tham gia  đông đảo trong cái mặt trận ấy  và đã làm nên một cuộc cách mạng “ long trời lở đất” ầm ầm như thế nước vỡ bờ.

Khi thành lập nước Việt Nam độc lập chính thức đầu tiên, chẳng ai khác chính vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn làm Quốc trưởng.

Một ông vua từng bị chính quyền cộng sản bêu riếu là thối nát, ươn hèn, sa đọa, nhưng thử hỏi ở giai đoạn lịch sử ấy liệu ông vua “sa đọa, ươn hèn” kia không đứng ra nhận trọng trách làm quốc trưởng thì thử hỏi có thu phục được lòng dân Việt lúc bấy giờ. Nếu vậy  chính quyền cách mạng non trẻ liệu  có tồn tại được mấy nỗi.

Thời điểm khó khăn ngặt nghèo nhất của cách mạng, khi kêu gọi kháng chiến, tại sao Hồ Chí Minh lại không lấy danh nghĩa chủ tịch đảng  cộng sản Đông Dương để kêu gọi 5000 đảng viên  của mình đứng lên kháng chiến kiến quốc mà Người lại kêu gọi toàn thể “đồng  bào” cả nước rằng  “ không phân biệt già trẻ gái trai…” miễn là đồng bào Việt Nam, không phân biệt địa vị sang hèn… đứng lên trường kỳ kháng chiến. Rồi tuần lễ vàng nếu không có thứ tài sản của tầng lớp giàu có  đóng góp nuôi quân, mua sắm vũ khí, mở công  xưởng thì  làm sao lấy đâu nguồn lực để kháng chiến kiến quốc đến thành công.

 Ấy vậy mà  sau khi thành công vì đâu nên nỗi Đảng lại đem những người giàu có này đi đấu tố để giết hại, tù đày rồi tịch thu tài sản của họ mà bao thế hệ gia đình họ đã chắt chiu dành dụm mới có được. Với họ tình yêu tổ quốc thiêng liêng ,khi tổ quốc lâm nguy họ không hề tiếc xương máu bảo vật của mình dâng hiến cho cách mạng với một nghĩa duy nhất làm sao cho Việt Nam thực sự hòa bình giàu mạnh dân chủ văn minh.

Tại thời điểm ấy xã hội Việt Nam có bao nhiêu đảng phái? -  Chắc chắn rằng có rất nhiều chứ không chỉ là 3 đảng tồn tại mãi đến năm 1984 hay độc đảng CS như hiện nay. Cái dễ nhận thấy nhất tinh thần đoàn kết nhất trí cao làm nên cách mạng của dân tộc đi đến  thành công hay kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Kể cả trong giai đoạn chống Mỹ về sau này Việt Nam vẫn là một nước đa đảng, đa chính kiến. Do đó có thể khẳng định rằng, lịch sử chiến thắng của cách mạng dân tộc là lịch sử của đa đảng đa nguyên, đa chính kiến trong cộng đồng dân tộc Việt.

Cái đa nguyên, đa đảng ấy nó đã làm phong phú thêm hơn tinh thần yêu dân tộc, yêu đất nước quê hương. Chính nó đã làm lên những dòng thác cách mạng, và là nòng cột của khối đại đoàn kết dân tộc Việt nam và cũng là sức mạnh vô song làm biết bao nhiêu kẻ thù phải khiếp sợ.

Những ngày này trong tinh thần tưởng nhớ, ôn lại tinh thần cách mạng tháng tám và quốc khánh  của năm xưa nhưng sau một loạt biến cố xảy ra cho dân tộc mà chính ông bạn vàng bốn tốt của đảng luôn được đảng bợ đỡ đề cao quá mức lại là thủ phạm chính gây ra. Khiến cho toàn thể dân tộc chợt như bừng tỉnh về mối hiểm họa Hán hóa từ ngàn đời nay  vẫn hiển hiện trước nhỡn tiền dân tộc, cho dù nó được ngụy trang bằng bất cứ hình thức che đậy nào.

Cái bừng tỉnh của dân tộc mình dường như cũng đã đánh thức và làm bừng tỉnh mọi dân tộc khác về một nước lớn Trung Hoa đang trong trạng  thái  “mê sảng, lảm nhảm” trong cơn ngủ dài đầy mộng mỵ  mà có một vài kẻ thần hồn nhát thần tính cứ tưởng “con rồng cộng sản Trung Hoa đã thức giấc”.

Nhân loại tiến bộ ngày nay đã không chỉ bừng tỉnh mà ngày càng nhân thức sâu sắc rằng ai còn dùng thứ bùa ngải có tên gọi “ cộng sản” kẻ đó còn chìm trong trạng thái mộng mỵ  thậm chí lú lẫn hôn mê sâu.

Hãy đem quá khứ cách mạng mùa thu tháng tám năm xưa để chiêm nghiệm thực tại hiện nay để xem thế và thời của Việt Nam hơn kém như thế nào so với thời cách mạng tháng tám mùa thu 1945, từ đó mà  đúc rút, định hình tương lai cho dân tộc mình.

Với vài phép so sánh giản đơn dưới đây sẽ thấy thê và lực của tổ quốc độc đảng toàn trị hiên nay:

1. Cách mạng mùa thu  của ngót 70 năm về trước ,đảng đã thu phục nhân tâm bằng “ cướp lấy chính quyền về tay nhân dân để hiện thực hóa ước mơ “ người cày có ruộng”. Còn mùa thu năm nay Đảng đã thêm một lần khẳng định “Đất đai (ruộng đất) do nhà nước thống nhất quản lý”.(không có chuyện đa sở hữu).

2. Công lao giành được chính quyền  là công lao của toàn dân tộc mà nòng cột là tập hợp đa nguyên đa đảng đại diện cho mọi tầng lớp giai cấp của xã hội Việt Nam trong mặt trận Việt Minh. Thì ngày nay Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội , nhất nguyên, tập quyền,toàn trị, phi dân chủ. Đảng càng củng cố quyền lực đảng càng trở nên thất bại trong mọi trong mọi đường lối phát triển đất nước. Vì nhất nguyên, toàn trị nên  tình hình tranh ăn độc quyền đã làm phát sinh tệ phe nhóm bè cánh trong đảng ngày càng phát triển và đang có bằng chứng người của đảng đã câu kết cùng với thế giới ngầm xã hội đen làm khuynh loát xã hội. 

3. Một chính quyền non trẻ đã xây dựng một quân đội theo phương châm “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ” thời chính quyền còn trong trứng nước. Ngày nay quân đội được đảng xây dựng “ Quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, do đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện”.

4. Nhà nước non trẻ  đã khéo léo xua đuổi được hàng vạn quân Tàu tưởng về nước, ngay  khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa có một chính thể nào công nhận  chính quyền này. Còn  ngày nay  đảng luôn tự hào  rằng đã  có quan hệ với hầu khắp các quốc gia trên thế giới, là đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn . Nhưng chính bằng thói xu nịnh bợ đợ của mình, và sự yếu kém của mình, không chịu học hỏi đúc rút từ những bài học xương máu của dân tộc. Đảng đã mất cảnh giác để chính ông bạn Tàu cộng đồng minh ý thức hệ của mìnhn ngang nhiên xâm lấn biển đảo quê hương mà không dám ho he nổi một câu rằng sẽ “nhờ tòa án quốc tế phân xử” để hòng lấy lại tài nguyên công thổ quốc gia mà cha ông đã dựng xây, giữ gìn và bảo vệ đã bị chính  người bạn vàng của đảng cướp mất của dân tộc mình.

5. Bằng gậy tầm vông, giáo mác, bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng  dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tập hợp đa nguyên đa đảng trong toàn thể “ quốc dân đồng bào”. Ở ngay cái thời kỳ cả mấy triệu đồng bào chết đói năm 1945, chẳng có Trung Cộng hay Liên xô giúp đỡ nhưng dân ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Vậy mà tại sao khi có Liên Xô, khối XHCN giúp đỡ mà đảng ta chẳng lấy nổi Hoàng Sa, lại còn để giặc Tàu cộng cưỡngchiếm nốt cả một số đảo Trường sa.

6. Về giáo dục chỉ trong vài tháng bằng bình dân học vụ từ  95% dân mù chữ đã xóa mù cho 70 % dân số  nhưng  sau bao nhiêu  năm cải cách đổi mới giáo dục vẫn loay hoay không biết chọn thi cử  kiểu nào để đánh giá đúng chất lượng giáo dục. Chẳng có trường đại học nào lọt tốp 500  trường trên thế giới.

7. Chính quyền non trẻ đã tập hợp được những trí thức lớn đứng ra phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc. Những  Hồ Đắc Di, Dương Quảng Hàm, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa… Còn  ngày nay  Đảng đã tập hợp được những ai  nếu không phải là xung quanh mình ngoài những kẻ chỉ chăm lo cho bè cánh, lợi ích nhóm của mình, củng cố đặc quyền đặc lợi.

Phải làm gì khi “nhân tài như lá dụng mùa thu” hiện nay?

“Anh hùng hào kiệt đời nào cũng sẵn”  nhưng sẽ  không bao giờ  họ chịu cùng đứng chung trong một ổ nhóm (hay một tổ chức) bất tài háo danh, hãnh tiến (dù trước đây họ nhất thời bị lường gạt lừa phỉnh thì họ cũng dần xa lánh, thoát ly). Do đó nếu chỉ chọn người tài trong cái ổ nhóm ấy sẽ chẳng bao giờ có được người tài .

Người tài của dân tộc chưa hẳn đã là người tài của đảng vì những người tài ấy chưa chắc đã là đảng viên cộng sản mà chưa phải là đảng viên thì chảng bao giờ được công nhận là người tài.

Bởi thế nhân tài vẫn cứ như “lá rụng mùa thu” còn nhà nước cộng sản thì được bắt đầu vào mùa thu tháng tám!.

ĐT