03 septembre 2014

SUY NGHĨ VẪN VƠ

Nguồn: Theo Blog Huỳnh Ngọc Chênh

 

 
Huỳnh Ngọc Chênh: "Để có một nền văn hóa vững mạnh thì trước mắt phải cởi trói cho giới sáng tác. Bây giờ tìm đâu ra một Phạm Quỳnh, một Tản Đà, một Phan Khôi, một Trần Trọng Kim, một Hoàng Xuân Hãn, một Tự Lực Văn Đoàn, một Văn Cao, một Phạm Duy, một Trịnh Công Sơn...
Tìm đâu ra một nền văn hóa Việt Nam khi mà nó đang bị trói cột trong một thứ chủ nghĩa xa lạ và vô cùng sai trái."




Đang rộ lên tranh cãi về chuyện thoát Trung,
Tôi nghĩ rằng cái chính cần thoát là thoát ra khỏi vòng kìm kẹp đang thít dần vào của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. Muốn thoát ra khỏi cái vòng đó thì phải thoát sự lệ thuộc chính trị và sự lệ thuộc kinh tế.


Về chính trị, Tàu cộng đã bám sâu vào tận đầu não các cấp lãnh đạo của nhà cầm quyền Việt Nam thông qua chủ nghĩa Mao trộn lẫn vào chủ nghĩa Mác Lenin
Về kinh tế, Tàu cộng đã có những bước đi tính toán cặn kẻ từ sau hội nghị Thành Đô để đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc mà đến ngày nay khó tìm lối thoát ra nếu không có một bước đột phá dũng cảm.

Sau 24 năm mở cửa, hòa nhập với thế giới, làm ăn theo cơ chế thị trường, Việt Nam với những ưu đãi về tài nguyên, với sự trợ giúp hàng trăm tỉ đô la của quốc tế, với sự góp về hàng trăm tỉ đô la kiều hối, đã hoàn toàn không bức phá vươn lên để trở thành một quốc gia giàu mạnh như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và một số nước Asean khác đã làm với hạn định thời gian như vậy. (Năm 1953 mới thoát ra khỏi chiến tranh thì đến năm 1975 Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế).  Một nền kinh tế què quặt đến bây giờ vẫn chưa sản xuất được cái nắp nhựa của điện thoại di động, chưa sản xuất hoàn chỉnh môt chiếc xe đạp...

Đáng lẽ lo định hướng thị trường thì những người điều hành đất nước lại lo định hướng XHCN một cách mơ hồ để cuối cùng tự nguyện lọt vào cái bẫy lệ thuộc kinh tế Tàu cộng một cách hết sức nghiêm trọng.

Định hướng thị trường là gì? Là quy hoạch và định hướng sản xuất kinh doanh theo chiến lược phát triển dài hạn, là tư vấn và hướng dẫn cho người kinh doanh sản xuất nên khai phá và đẩy mạnh đầu tư vào đâu, nên điều tiết đầu tư ở lãnh vực nào...thông qua các chính sách vĩ mô, thông qua các chính sách về tài chính và ngân hàng...

Nhà nước không làm được điều đó nên người kinh doanh sản xuất bị thả nổi, tự do muốn làm gì thì làm, đầu tư và cạnh tranh một cách hoang dã, thấy cái gì trước mắt kiếm ăn được thì ào ào theo bầy đàn nhào vô, thấy khủng hoảng thừa lại ào ào rút ra...tạo nên một sự rối loạn triền miên cho nền kinh tế nước nhà. Khủng hoảng thị trường nhà đất và chứng khoán đã nói lên điều đó. Khủng hoảng về sản xuất nông sản đã nói lên điều đó...

Trong khi đó nhà nước lo định hướng XHCN bằng cách duy ý chí cho rằng kinh tế quốc doanh là chủ đạo, bằng cách duy ý chí lập ra các tập đoàn kinh tế quốc doanh, bằng cách duy ý chí kéo dài sự sống của các quốc doanh thua lỗ...loay hoay vào những chuyện phản quy luật để rồi mọi thứ rối bung lên, để rồi nền kinh tế què quặt, để rồi rơi vào bẫy lệ thuộc kinh tế Tàu cộng một cách tự nguyện.

Kinh tế vừa yếu vừa lệ thuộc, chính trị thì hoàn toàn lệ thuộc, thì làm sao nói chuyện thoát Tàu. Cay đắng là mỗi khi đụng chuyện với Tàu cộng, thì các tầng lớp lãnh đạo đất nước từ trên xuống dưới luôn giở ra một giọng: "Họ mạnh quá, họ là con voi, ta yếu quá, ta chỉ là con chuột nên phải thế nầy, nên phải thế kia...". Những người lãnh đạo đất nước không mảy may thấy trách nhiệm của họ trước thực trạng đắng lòng do họ gây ra như hiện nay.
Về văn hóa cũng có rất nhiều bàn cãi nên thoát hay không thoát và thoát ra sao. Rồi cũng có ý kiến có nên đặt vấn đề thoát Trung về mặt văn hóa hay không? Tôi nghĩ rằng cũng chẳng cần thiết đặt ra vấn đề thoát Trung về văn hóa. Văn hóa là cái gì đó nó đến tự nhiên khi giao lưu với nhau, nền văn hóa nào mạnh thì ảnh hưởng lên nền văn hóa yếu hơn. Bên cạnh đó, kinh tế mạnh cũng giúp văn hóa của mình chinh phục ra thế giới. Mỹ có bề dày văn hóa là bao nhiêu nhưng kinh tế Mỹ đứng đầu thế giới nên "lối sống Mỹ" đang lan ra khắp thế giới. Phần lớn thế giới đang thích xem phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ, yêu thích các ngôi sao Mỹ, yêu thích các chính trị gia Mỹ,  mặc quần áo theo kiểu Mỹ, ở theo kiểu Mỹ, ăn theo kiểu Mỹ, buôn bán theo kiểu Mỹ, sản xuất theo kiểu Mỹ, quy hoạch giao thông và đô thị theo kiểu Mỹ...

Nước Nhật chưa hề bị Trung Hoa cai trị nhưng người Nhật vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và văn hóa Trung Hoa đã chuyển hóa thành văn hóa Nhật. Việt Nam ta bị lệ thuộc Trung Hoa cả ngàn năm thì việc bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa là chuyện đương nhiên. Vấn đề là ta "chế biến" sự ảnh hưởng đó thành cái của ta đến mức độ nào.

Không cần thiết phải lăn tăn chuyện thoát văn hóa Tàu, mà nên tập trung vào chuyện ta phát triển văn hóa của ta lên như thế nào. Văn hóa ta mạnh, kinh tế ta mạnh thì chẳng dễ gì ta bị ai xâm lăng trên lãnh vực nầy.

Văn hóa mạnh thì trước hết phải dựa vào những nhà văn hóa lớn, những nghệ sĩ tài năng...Nhưng từ năm 1945 đến nay hầu như những nhà văn hóa, những tài năng văn nghệ đã bị hủy diệt bởi vòng kim cô định hướng văn hóa văn nghệ của đảng CSVN. Sức sáng tạo bị kìm hảm thì không thể phát tiết ra những tài năng.

Để có một nền văn hóa vững mạnh thì trước mắt phải cởi trói cho giới sáng tác. Bây giờ tìm đâu ra một Phạm Quỳnh, một Tản Đà, một Phan Khôi, một Trần Trọng Kim, một Hoàng Xuân Hãn, một Tự Lực Văn Đoàn, một Văn Cao, một Phạm Duy, một Trịnh Công Sơn...
Tìm đâu ra một nền văn hóa Việt Nam khi mà nó đang bị trói cột trong một thứ chủ nghĩa xa lạ và vô cùng sai trái.


2.9.2014