Tô Văn Truờng |
Tô Văn Trường: "Từ góc nhìn của ông Trần Xuân Bách, có thể thấy sự bảo thủ và coi thường dân là tự sát. Hay nói cụ thể hơn, vấn đề số 1 bây giờ của đất nước chính là cải cách thể chế toàn trị hiện nay sang chế độ pháp quyền dân chủ; để thực hiện được nhiệm vụ này phải đồng thời thay đổi hẳn Đảng Cộng sản Việt Nam từ đảng cai trị trở thành đảng của dân tộc và dân chủ và đảng này cần phấn đấu để trở thành đảng cầm quyền trong chế độ dân chủ như ở mọi nước văn minh & phát triển. "
Con người thuộc loài linh trưởng
là động vật có xương sống cao cấp nhất. Xương sống của chúng ta có đến 33 đốt
chồng lên nhau ở giữa các đốt sống có một đĩa đệm. Do đó, cột sống gần như một
đoạn thân cây trúc. Xương sống là cột chống duy nhất cho con người để đứng
thẳng trên mặt đất.
Thoái hóa cột sống đã rất đau
nhưng nặng hơn là gãy cột sống thật sự là tai họa theo cả nghĩa đen lẫn bóng,
cả y học lẫn thực tế cuộc sống thường ngày. Từ đau cột sống, nhìn rộng hơn, đau
cuộc sống quả là thứ bệnh... làm đau, hành hạ hàng tỷ người!
Ông Trần Xuân Bách, cựu ủy viên
Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng giai đoạn 1986-1990. Khi đang tại chức,
cuối năm 1989 ông đã công khai phát biểu về “Chủ nghĩa xã hội là gì”, nội dung
yêu cầu đa nguyên chính trị, đổi mới đồng bộ, tổng thể cả cơ chế kinh tế và lẫn
cơ chế chính trị (quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của
Đảng và quyền lực của nhân dân). Kết quả, ông phải trả giá, nhận kỷ luật của
Đảng và về hưu từ tháng 8/1990 và mất vào năm 2006. Tư duy mẫn tiệp, đi trước
thời đại, ông dám hy sinh quyền lực, thẳng thắn bảo vệ quan điểm, lập trường
chính trực của mình như bảo vệ chân lý.
Ông Trần Xuân Bách có nhận định
rất xác đáng: “Đảng lấy quyền lực thay cho năng lực nên dẫn đến thất bại”. Ông
Bách còn có hai câu thơ, nhiều người rất thích:
“Tai trái để nghe lời nói phải,
Trái tai, tai phải để ngoài tai”.
GS Phạm Gia Khải kể lại có lần
gặp ông Trần Xuân Bách xuống Viện lão khoa tại Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh,
ông Bách nói nửa đùa, nửa thật: “Tôi bị thoái hóa cột sống lại nặng tai, nên
không nghe người ta nói gì, cổ lại cứng, không cúi được.”
Lãnh đạo Đảng ta, đã phục hồi vị
thế ông Trần Xuân Bách sau khi ông qua đời, và ông được an táng tại nghĩa trang Mai D ịch. Nếu chịu
nghe ông và không bị giáo điều làm hốt hoảng, có thể đã có đa nguyên, chưa nói
tới đa đảng, và sự chọn lựa người xứng đáng vào các vị trí then chốt sẽ khách
quan hơn. Không có thay đổi theo hoàn cảnh là thái độ cứng đơ như xác chết,
không phải là trung thành với dân, có lẽ chỉ với quyền lợi ích kỷ của mình mà
thôi.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu
chuyện “cười ra nước mắt” của một vị thuộc thế hệ đàn anh kể rằng: “Cách đây
khoảng bốn chục năm, bà cụ thân sinh ra lũ con mình, một lần đi khám bệnh về
rầu rĩ đưa cho coi cuốn sổ khám bệnh. Mình coi rồi, thản nhiên trao lại sổ và
bảo: “Bệnh này thì ai mà chẳng bị, lo gì !”, bà trố mắt nhìn mình. Mình chậm
rãi giải thích: “Thì coi đây nè, em là cô giáo kia mà!”. Bả săm soi nhìn vào
những dòng chữ ghi trong sổ khám bệnh và chợt nhận ra lỗi chính tả của cách
viết tháu (chữ bác sỹ mà): “đau cuộc sống” (!) – đúng ra là “đau cột sống”. Đau
cuộc sống quả là thứ bệnh... làm đau, hành hạ hàng tỷ người!”.
Việc ông Trần Xuân Bách đưa vào
nghĩa trang Mai D ịch
là xui chứ đâu phải hên vì mấy lẽ. Chắc gì ở đó không lốm đốm có cả những “gương mặt mốc” và phải... nằm chung! Đó
cũng là bậc tột cùng của sự phân biệt “đẳng cấp” kể cả khi đã về cõi vĩnh hằng.
Tôi được nghe vị trưởng thượng kể
lại, khi ông Trần Đại Nghĩa qua đời, cũng mai táng ở loại ”nghĩa trang đẳng
cấp” ấy, bà Khánh (vợ ông Trần Đại Nghĩa) khóc tức tưởi khôn nguôi! Mấy cô cậu
loi choi bèn xúm lại úy lạo: “Thôi, dì ơi, bề nào chú cũng mất rồi! Dì nín và
đi về cùng bọn con thôi”. Bả quắc mắt: “Bọn bay thì biết gì, khi nãy tao khóc
vì xót thương ông; còn bây giờ... tao khóc cho tao!”. Đám trẻ há hốc miệng và
thầm nghĩ: “Bả, còn đang sống nhăn mà” nhưng không dám nói ra. Bà Khánh thủng
thẳng nói: “Bọn bay thấy đó, xưa rày ở ta có lệ chồng đâu, vợ đó cả khi sống
lẫn khi chết. Bây giờ, ông nằm ở đây, mai mốt đến lượt tao, sức mấy tao được
nằm bên ông (!). Làm sao có đủ tiêu chuẩn để dzô nằm chỗ này”!!! Phải chăng đây
cũng là một dạng của nỗi đau cuộc sống.
Người Pháp nói: “Quyền lực làm hư
con người”. Không ít người ở nước ta, một thời gian sau khi họ được đặt ở một
vị trí cao trong bậc thang chính quyền, có những thay đổi mà bản thân đương sự
cũng chưa ý thức được ngay đâu! Trường hợp ông Trần Xuân Bách bị huyền chức,
ông Trần Độ bị theo dõi, ông Nguyễn Hữu Đang và nhiều người bất đồng chính kiến
bị cầm tù, gia đình cũng bị khổ sở, đó là nỗi đau cuộc sống.
Ngay cả trường hợp đơn giản, có
một ông quan chức tâm huyết, góp ý rất thẳng thắn, chân tình, xác đáng với lãnh
đạo cấp cao: “Ta nên lấy ra vài ứng cử
viên, sau đó người được tập thể bầu chọn có lẽ hay hơn là chỉ định.” Sau
đó, người góp ý kia không được làm công tác cán bộ nữa, làm người ta thấy một
số nguyên tắc của chúng ta rất không ổn, vì bị người có ảnh hưởng nhiều nhất
thao túng, làm hỏng việc chung, nhưng không ai dám mở miệng ra phê phán, sai
này chồng lên sai khác, đến mức không ai có thể nhận ra tổ chức ban đầu nữa!
Người ta đã thần thánh hóa tổ
chức, và người có quyền lực cao nhất cũng tự thần thánh hóa mình, tệ sùng bái
cá nhân sinh ra từ mất dân chủ, bi kịch là ở chỗ đó. Cần phải có cơ chế dân
chủ, giám sát lẫn nhau, nhưng không phải là tổ chức o ép. Bên Mỹ, Tổng thống
Clinton có quan hệ ngoài giá thú vẫn bị ra tòa như dân thường. Tổng thống Nixon
không dám ra tranh cử Tổng thống lần thứ hai vì sai phạm trong vụ Watergate.
Nhà nước pháp quyền là như thế,
chỉ có pháp luật mới được thượng tôn, có nghĩa là thể chế được thượng tôn, Nhà
nước được bảo vệ trên cơ sở những nguyên tắc mà mọi người dân công nhận. Nếu
chúng ta không tự sửa một cách nghiêm túc, thì chính chúng ta đã tự làm hại
mình hay nói cách khác đó là nỗi đau cuộc sống!
Từ góc nhìn của ông Trần Xuân
Bách, có thể thấy sự bảo thủ và coi thường dân là tự sát. Hay nói cụ thể hơn,
vấn đề số 1 bây giờ của đất nước chính là cải cách thể chế toàn trị hiện nay
sang chế độ pháp quyền dân chủ; để thực hiện được nhiệm vụ này phải đồng thời
thay đổi hẳn Đảng Cộng sản Việt Nam từ đảng cai trị trở thành đảng của dân tộc
và dân chủ và đảng này cần phấn đấu để trở thành đảng cầm quyền trong chế độ
dân chủ như ở mọi nước văn minh & phát triển.
Nỗi đau cuộc sống chẳng phải của
riêng ai, nó “tra tấn”, hành hạ từ những vị công thần của đất nước đến người
dân bình thường. Ngẫm suy, quả thật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã SINH VI TƯỚNG, TỬ VI THẦN, ông cụ chẳng
những thao lược khi cầm quân mà còn thao lược cả trong cuộc đời – nằm lại ở quê
nhà, chồng đâu, vợ đó và là người Anh cả của quân đội nhân dân – sự tôn vinh
cuối cùng, cũng do NHÂN DÂN tôn
vinh, chằng chờ ai phục hồi hay khôi phục! Võ Đại tướng vĩnh viễn trong LÒNG DÂN.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.