08 septembre 2014

"Bó tay" trước lời mời của Samsung: Vì quen... làm thuê!?

Nguồn: Theo Đất Việt
 
Bích Ngọc (thực hiện)

(Doanh nghiệp) - Lâu nay chúng ta không chú ý tới khâu phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp lớn có điều kiện thì lại thuộc diện doanh nghiệp nhà nước...

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích dưới góc nhìn của mình trước câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam lắc đầu với yêu cầu của Samsung đưa ra khi muốn Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm điện thoại thông minh của hãng này.


Theo TS Lê Cao Đoàn: Lâu nay cũng có DN muốn đầu tư để tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng họ không có đủ điều kiện. Ngược lại với các doanh nghiệp lớn có điều kiện thì lại thuộc diện doanh nghiệp nhà nước nên họ có những nhiệm vụ lớn hơn đó là phát triển cả một ngành lớn như là điện hay đóng tàu... thành ra khâu hỗ trợ, trung gian chúng ta đang bỏ ngỏ.

Không đầu tư nên không làm được là đương nhiên

PV: -Thưa ông thời gian gần đây dư luận khấp khởi mừng khi nghe tin về mô hình hợp tác giữa Samsung và doanh nghiệp Việt Nam, kỳ vọng vào sự phát triển của các DN Việt khi tham gia chuỗi sản xuất công nghệ cao. Thế nhưng phía bạn đã đưa ra danh sách 170 linh kiện Việt Nam có thể hợp tác thì câu trả lời là cái lắc đầu, bó tay của DN Việt. Điều này được xác nhận bởi chính Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương. Ông bình luận gì về điều này?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Chúng ta có thể hiểu một nền sản xuất muốn tham gia vào bất cứ cuộc chơi nào đều phải có đủ năng lực. Khi chúng ta không lo đầu tư thì không thể sản xuất được là chuyện đương nhiên.

Điều rõ ràng là các doanh nghiệp tham gia sản xuất của chúng ta còn kém cộng với hệ thống hỗ trợ giúp cho sự phát triển này lại không có. Trong khi đó với Samsung chúng ta mở cửa, đưa vào các trình độ cao nhưng từ trước tới nay với các dạng mặt hàng tương tự thì, chúng ta chỉ làm một vài khâu nhưng chỉ lắp ráp là chủ yếu còn lại họ đã làm sẵn hết rồi. Thành ra bây giờ khi cần đến đều bỡ ngỡ, thấy trong tay không có gì.

Từ trước tới này chúng ta chỉ gia công là chủ yếu nên nền kinh tế của chúng ta rất ít hoặc có thể nói là không có khi nhập sản phẩm trình độ cao. Khi hợp tác hoặc các nền kinh tế khác gia nhập vào chúng ta không có đủ điều kiện để học hỏi và tham gia vào các chuỗi sản xuất các sản phẩm trung gian.

Điều này cho thấy nền kinh tế của chúng ta thể hiện sự què quặt, trình độ phát triển thấp. Cho nên khi chúng ta hợp tác với các nền kinh tế khác hiện đại hơn rõ ràng càng thể hiện sự yếu kém khi chúng ta không thỏa mãn được các yêu cầu mà cuộc chơi đưa ra.


Tuy Samsung đưa ra yêu cầu nhưng DN Việt không đáp ứng được thì chứng tỏ nền sản xuất của chúng ta ở trình độ rất thấp

Có vì lợi ích nhóm?

PV: - Không chỉ với các doanh nghiệp thông thường mà cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm kinh nghiệm cũng trả lời là chưa làm được kể cả với những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... Ông có nhận xét khi khi Việt Nam thu hút vốn FDI lâu đến như thế, ưu đãi chồng ưu đãi nhưng cái mà họ mang đến cho chúng ta vẫn chỉ là sử dụng một phần nhỏ nhân lực lao động phổ thông giá rẻ, ép các DN Việt ngay từ chính sách bất công bằng khiến cho đến giờ phút này các DN Việt Nam vẫn bất lực, bó tay đứng nhìn họ sản xuất, thu lợi? Lỗi do đâu?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Như tôi đã phân tích ở trên có thể nhà quản lý cho rằng thiếu cái này cái kia nhưng cơ bản là do năng lực kinh tế của chúng ta thấp. Hệ thống thị trường, định chế tài chính kém cùng với sự định hướng không rõ ràng khiến mục tiêu bị lệch.

Từ xưa chúng ta không chú ý tới khâu phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong khi đó quy mô công nghiệp nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp không có điều kiện để đầu tư. Còn doanh nghiệp lớn có điều kiện thì lại thuộc diện doanh nghiệp nhà nước, bao cả một ngành thành ra độc quyền nên nó không phát triển các ngành sản xuất theo hướng phân công lao động để tạo ra động lực cho sự phát triển.

Khi có doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển thì có thể sự di chuyển vốn quá kém, hệ thống hỗ trợ vốn, chính sách còn yếu nên cuối cùng các doanh nghiệp mỗi khi đụng đến là thấy lỗ hổng. Trong khi đó quy hoạch hướng đến bao nhiêu ngành, nhưng lại không có người làm.

Khi câu chuyện Samsung đưa ra yêu cầu nhưng chúng ta thấy lúng túng một lần nữa chứng minh năng lực sản xuất thích ứng với thị trường của chúng ta rất thấp. Không đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Có thể thấy lỗi lớn nhất là bao nhiêu năm nay chúng ta cứ nói phát triển kinh tế thị trường nhưng lại không chú ý tới các doanh nghiệp năng động để đáp ứng yêu cầu của thị trường đó chính là các doanh nghiệp tư nhân có thể đáp ứng được yêu cầu của hệ thống công nghiệp.

Trong khi đó chúng ta không chỉ yếu về năng lực sản xuất và còn yếu cả về năng lực quản lý, thậm chí còn có những điểm trái với sự vận động của nền kinh tế thị trường.

Chúng ta từng nghe nhận định của các tổ chức thế giới đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam còn có cả lỗ hổng năng lực quản lý. Tức là có câu chuyện lợi ích nhóm thành ra nền kinh tế phát triển không theo trật tự và sự tiến hóa của nền kinh tế hiện đại.

Tức là câu chuyện trở nên rất hệ trọng khi hệ thống không chỉ yếu về năng lực mà còn kém về phẩm chất nên nó không thể phối hợp với nhau. Khi hệ thống thị trường không phát triển thì hệ thống quản lý, hành chính cũng không thích ứng với nó làm cho toàn bộ hệ thống đi xuống.

Ở đây bắt đầu hình thành các mối lợi phi kinh tế mà đã là các nhà kinh doanh thì họ rất nhạy bén với điều này. Họ sẵn sàng đầu tư để lợi dụng kẽ hở này để tăng hiệu quả kinh doanh của họ lên. Đây mới là cái đáng nói.

Không thay đổi nền kinh tế tiếp tục trật khớp

PV: - Giới chuyên môn vẫn kỳ vọng vào mô hình của Samsung nhưng với thực tế này theo ông ngành CNHT có thể chờ đợi được gì trong khi cái mà họ cần ngay là sự hợp tác làm ra sản phẩm còn chúng ta thì có thể giờ mới bắt đầu khởi động từ chính sách đến sự chuẩn bị của doanh nghiệp. Mặt khác, thời điểm WTO sắp có hiệu lực toàn phần chỉ còn 2 năm nữa, với tình trạng này thì lúc đó các DN Việt sẽ ra sao, nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Nền kinh tế thị trường quan trọng là cung cầu. Khi chúng ta không đáp ứng được thì đương nhiên họ sẽ phải tìm nguồn cung ứng phù hợp để phục vụ cho sự phát triển của họ.

Và khi đó đương nhiên chúng ta sẽ không được hưởng lợi khi kéo họ vào trong nước và sự mong đợi học hỏi thông qua việc cùng tham gia vào chuỗi sản xuất là không thực hiện được.

Nếu một nền kinh tế đủ mạnh thì hoàn toàn có thể thích ứng, thị trường sẽ giúp tự phân bổ nguồn lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sang các lĩnh vực khác nhau để đáp ứng nhu cầu. Nhưng chúng ta không làm được điều đó thì một lần nữa các doanh nghiệp nước ngoài sẽ điền tiếp vào các vị trí còn thiếu đó vì họ đáp ứng được yêu cầu và khi đó chúng ta sẽ thua thiệt thêm một lần nữa.

Chính vì vậy hơn lúc nào hết các nhà làm chính sách cần tận dụng cơ hội này tạo điều kiện để có những doanh nghiệp muốn bứt phá thì cũng cần có môi trường thể chế phát triển bình thường cho họ. Nếu được thì cũng nên tạo điều kiện để họ có thể bắt nhịp với cuộc chơi.

Nếu chúng ta không làm được thì có một điều chắc chắn là nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt và tiếp tục bị trật khớp!

Xin trân trọng cảm ơn ông!