Theo Quê Choa
Viết nhân dịp ngày 2/9.
Luật sư Trần Vũ Hải
Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam |
Ai cũng biết Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Ái Quốc) mất ngày 2/9/1969, đúng 24 năm sau khi Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Tuy nhiên, ít người biết có một luật sư người Anh đã công bố Nguyễn Ái Quốc (NAQ) chết năm 1933 tại Hồng Công nhằm tránh truy đuổi của thực dân Anh lẫn thực dân Pháp.
Vụ án NAQ tại Hồng Công năm 1931 đã quá nổi tiếng, xin tóm tắt như sau:
Năm 1929, thực dân Pháp kết án vắng mặt NAQ tử hình. Năm 1930 tại Hồng Công, NAQ đã thành công hợp nhất các phái cộng sản tại Việt Nam thành một Đảng cộng sản. Đến ngày 16/6/1931, mật thám Anh kết hợp với mật thám Pháp bắt NAQ tại Hồng Công, dự định trả NAQ cho thực dân Pháp về Việt Nam để thi hành án tử hình. Nhưng luật sư Loseby và đồng sự đã ngăn chặn được âm mưu này, kiện ra Tòa án của Anh tại thuộc địa Hồng Công, buộc Tòa án tuyên lệnh bắt NAQ là trái luật và trả tự do cho NAQ. Mặc dù vậy, Tòa án Anh vẫn ra lệnh trục xuất NAQ ra khỏi Hồng Công. Để tránh lệnh trục xuất này và che giấu NAQ trước mật thám Pháp, luật sư Loseby đã “diệu kế” tung tin NAQ đã mất vì bệnh và tổ chức cho NAQ rời khỏi Hồng Công an toàn.
Có thể nói không quá, không có luật sư tài ba người Anh, không có tên Hồ Chí Minh xuất hiện (được đặt tên sau vụ án trên nhiều năm). Không có Hồ Chí Minh, không có VNDCCH. Công sức của luật sư Loseby đối với Hồ Chí Minh và VNDCCH là rất lớn.
Nhiều người biết đến công của luật sư Loseby, nhưng ít người biết đến công của một luật sư khác đối với NAQ và cách mạng Việt Nam. Đó là ông Phan Văn Trường (1876 – 1933), luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ngày 18/6/1919, một yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam đã được gửi đến những nhà lãnh đạo đồng minh chiến thắng trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, đang họp tại Pháp. Tên ký dưới yêu sách nổi tiếng này là NAQ. Lần đầu tiên tên NAQ vang vọng trên chính trường Quốc tế và vang đến Việt Nam. Yêu sách này được khởi xướng bởi 4 nhà hoạt động người Việt trên đất Pháp là Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó có chí lớn, nhưng chưa rành tiếng Pháp, đang được ông Trường trợ giúp về nhiều mặt. Trong khi đó ông Phan Văn Trường đã là một tiến sỹ luật, mở văn phòng luật sư tại Pháp, hoạt động nhiều năm tại đây cho phong trào người Việt yêu nước (ái quốc). Một văn bản cô đọng và có nội dung pháp lý vẫn còn giá trị đến ngày nay như yêu sách 8 điểm này đòi hỏi một trình độ tuyệt hảo về Pháp ngữ và pháp lý, chỉ có thể được chấp bút cuối bởi một người Việt uyên thâm về tiếng Pháp và luật học như luật sư Phan Văn Trường tại thời điểm đó. Vì vậy, luật sư Phan Văn Trường được đánh giá là kiến trúc sư cho yêu sách 8 điểm này, sự kiện làm nên cái tên NAQ. Mặc dù vậy, sau sự kiện này chỉ Nguyễn Tất Thành được mang tên NAQ và được chí sỹ Phan Chu Trinh và luật sư Phan Văn Trường thừa nhận (xem thư của Phan Chu Trinh gửi Phan Văn Trường ngày 11/4/1923). Như vậy, luật sư Phan Văn Trường là người góp phần quan trọng khai sinh và đem lại tiếng vang cho cái tên NAQ, đặt nền móng uy tín cho nhà cách mạng NAQ.
Khi VNDCCH được thành lập, Hồ Chí Minh biết rõ lợi ích của những luật sư và người đã học luật, vì thế trong Chính phủ 15 thành viên đầu tiên của VNDCCH có tới 5 vị Bộ trưởng là luật sư hoặc cử nhân luật. Đó là các ông: Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dương Đức Hiển – Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Nguyễn Mạnh Hà – Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Vũ Đình Hòe – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong đó ông Vũ Trọng Khánh đã là luật sư danh tiếng. Ngay sau khi VNDCCH ra đời, nhiều luật sư danh tiếng khác của Việt Nam đã nhận những trọng trách trong chính quyền và đoàn thể như các luật sư Phan Anh (Bộ trưởng Quốc phòng), Phạm Văn Bạch (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ), Trần Công Tường (Thứ trưởng Bộ tư pháp), Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Mạnh Tường…Ngày 10/10/1945 Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cho duy trì các đoàn luật sư bên cạnh tòa án.
Đáng tiếc sau năm 1954, khi VNDCCH thiết lập chính quyền ở miền Bắc, không rõ vì lý do gì trường Đại học luật ở Hà Nội bị giải tán và đến sau năm 1975 mới có việc dạy luật ở cấp đại học. Luật sư danh tiếng Nguyễn Mạnh Tường đã bị thất sủng sau vụ Nhân văn Giai phẩm, không còn giữ chức Giám đốc Đại học luật và Chủ tịch Hội đồng luật sư Hà Nội. Các luật sư làm việc như những viên chức bào chữa của tòa án, không còn có các đoàn luật sư. Phải nhiều năm sau 1975, đoàn luật sư mới hình thành trở lại (Đoàn luật sư Hà Nội được lập mới từ năm 1984).
Giờ đây, có khoảng 8.000 luật sư hành nghề ở Việt Nam, nhưng có rất ít những luật sư danh tiếng và được chính quyền trọng vọng như thời kỳ đầu của VNDCCH.
Bản yêu sách 8 điểm năm 1919 ký dưới tên Nguyễn Ái Quốc và do Phan Văn Trường, luật sư đầu tiên của Việt Nam, chấp bút vẫn còn có nhiều giá trị đòi hỏi đối với thực tiễn Việt Nam.
Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm:
1- Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị.
2- Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lí như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam.
3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận.
4- Tự do lập hội và hội họp
5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.
6- Tự do họp tập, thành lập các trường kĩ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ.
7- Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
8- Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.