(GDVN) - Nhiều quan chức sau khi nghỉ hưu
tìm mọi cách không trả nhà công vụ, nhưng cho tới giờ chưa có một chế tài nào
xử lý dứt điểm câu chuyện này.
Sáng nay (10/9), các ĐBQH chuyên trách thảo
luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi),
trong đó vấn đề quản lý nhà ở công vụ tiếp tục được đề cập.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ nên
áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp
dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị chỉ đầu tư xây
dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được
điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào
tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải.
Ý kiến khác đề nghị quy định chế độ nhà ở
công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
Nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vào luật để siết chặt quản lý nhà công vụ. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho
các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên,
bác sĩ làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện
kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện
cho những người này yên tâm công tác, đây cũng là một trong những chính sách
cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của
Luật nhà ở hiện hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh
việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành
thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở
công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà
công vụ trong dự thảo luật.
Đại biểu Lê Như Ti ến – Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói:
"Nhiều tài sản quốc gia là nhà công vụ đã biến thành tư vụ, vì vậy đề nghị
tại kỳ họp Quốc hội này Chính phủ có báo cáo để Quốc hội biết và đưa ra quyết
định".
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thì
cho rằng, thời gian qua việc quản lý nhà công vụ còn yếu kém, tạo nhiều dư luận
xã hội và thông tin đại chúng đã nêu và chứng minh một số nơi không nghiêm. Dự
thảo luật thiết kế vẫn thiên về những người có điều kiện, còn nhóm khó khăn
hơn, đặc biệt là người có công là chưa được rõ. Nên có nhà công vụ nhưng phạm
vi thu hẹp lại.
Để tránh tình trạng khi hết điều kiện ở nhà
công vụ nhưng không chịu trả nhà như hiện nay, đại biểu cho rằng chế tài xử lý
vi phạm và thời hạn thu lại nhà, phải được quy định rõ để không gây khó khăn
cho đơn vị cũng như người được điều động, luân chuyển nhận công tác mới.
Trong khi đó Đại biểu Lê Nam (Phó trưởng đoàn Đại biểu
Thanh Hóa) đặt vấn đề luật phải làm rõ cán bộ cấp nào thì được hưởng chế độ sử
dụng nhà ở công vụ.
"Quản lý lâu nay không rõ ràng, đây là
công sản nên phải dứt khoát về sử dụng, cán bộ đã nghỉ hữu phải trả lại cho nhà
nước hoặc bàn giao lại cho cán bộ thay thế. Nếu cán bộ vẫn gặp khó khăn về chỗ
ở thì nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để đảm bảo cho họ có chỗ
ở", ông Nam nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo Thường kỳ của
Chính phủ vào cuối tháng 3/2014, đề cập tới thực trạng nhiều cán bộ sau khi
nghỉ hưu nhưng vẫn không chịu trả lại nhà công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên bày
tỏ: "Đến giờ này, theo tôi nghe phản ánh chung thì nhà công vụ không nhiều
lắm, mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn, Hà Nội là nhiều nhất và tập trung ở
Hoàng Cầu. Những người ở nhà công vụ khi hết thời gian công tác thì không còn
tiêu chuẩn ở nhà công vụ nữa. Theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều
người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng
không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại
là những người khác ở lại…".
Theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ
trước đó đối với nhà công vụ, đơn giản chỉ là làm nhà công vụ để ở, quy định,
chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng. Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn
là tự giác. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định
615 năm 2013 quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách
nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý. Bộ Xây dựng thành lập một tổ chức chuyên trách.
Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo
trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ
chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho
rằng, cần có chế tài cụ thể để thu hồi nhà công vụ vì đó là tài sản công, nếu
cố tình trây ì thì công khai danh tính trên báo chí và tổ chức cưỡng chế. Bộ trưởng
Nên nhấn mạnh: "Bản thân cán bộ phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy
định về nhà công vụ".