13 avril 2016

Hành trình ngược chiều

Bùi Tín
 

Cô Phạm Thanh Nghiên.
Phạm Thanh Nghiên là một nữ chiến sỹ dân chủ kiên cường. Từ năm 2008, khi 30 tuổi, nghe tin đồng bào ngư dân Thanh Hóa bị tàu Trung Quốc hãm hại trong vùng biển Việt Nam, cô đã một mình từ Hải Phòng vào thăm tận nơi để an ủi bà con ngư dân, tố cáo bọn bành trướng và tham gia các cuộc xuống đường. Từ đó cô bị công an hạch sách, đe dọa.
 

Cô tự đề ra một cách đấu tranh độc đáo. Đó là khi diễn ra các cuộc xuống đường, cô ngồi thiền trong nhà, trước một băng vải có ghi dòng chữ ‘’Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!‘’. Các bạn thân gọi đó là ‘’tọa kháng’’, ngồi để tự rèn luyện ý chí đấu tranh. Vì những hành động này, cô bị bắt hồi tháng 9/2008 và sau đó bị kết án tù 4 năm. Mẹ cô mất trong thời gian đó do thương xót con gái yêu. Cô ra khỏi tù tháng 9/2012, tuy gầy yếu - cân chỉ dưới 40 kg – nhưng vẫn lập tức tuyên bố tham gia đấu tranh quyết liệt hơn.

Mới đây Phạm Thanh Nghiên thực hiện một cuộc hành trình độc đáo. Được một người không quen ở nước ngoài cho biết rằng trong trại giam Ba Sao ở Nam Hà có một miếu hay am nhỏ thờ anh em tù cải tạo, phần lớn là sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa bị tra tấn, đày đọa đến chết, và rằng có thể có bia và danh sách. Tự nhủ đây là việc tốt, cần làm, không thể giao cho ai khác, cô lặn lội lên Nam Hà, tìm cách đến thăm rại tù Ba Sao rộng lớn, một việc làm khó khăn, nguy hiểm. Sau nhiều cố gắng, cô đã đến được ngôi chùa nhỏ, gặp được vị sư và thuyết phục được ông chỉ cho miếu thờ nói trên, nằm kín đáo ở một góc rừng. Phạm Thanh Nghiên được biết đây là công sức tâm linh của một phật tử tên là Thu Hương cùng với một giám thị trại giam chung sức xây nên. Cô chụp được bức ảnh quý ghi rõ tấm bia có 4 dòng chữ: “Bia thờ, 626 linh hồn tử vong , Trại Ba Sao, (1975 – 1988)”.
 
Hết sức vui mừng, Phạm Thanh Nghiên cố tìm danh sách của 626 vị oan hồn nói trên. Nhưng thật đáng buồn, vị sư cho biết tập danh sách dày đã bị bà con phật tử đốt thành tro mới đây sau một buổi lễ cầu siêu cho 626 vong linh. Tuy nhiên, cô vẫn còn hy vọng là trong trại chắc chắn còn bản gốc được giữ kín, nghĩ rằng trong hàng ngũ các giám thị, nếu đã có một người có thiện tâm lén lút bỏ công sức ra xây bia thì có thể còn có những người tốt nữa để tiếp tục giúp cô trong việc thiện này. Họ có thể vì lương tâm mách bảo, còn lo sẽ bị trừng phạt do tham gia việc hỏi cung, tra tấn, bản thân và cả gia đình sẽ bị Trời Phật trừng phạt về tội ác nhúng tay vào máu đồng bào mình, do bị bọn lãnh tụ Cộng sản đã mất hết đạo lý, tính người thúc ép.

Phạm Thanh Nghiên là một cô gái tuyệt vời, thánh thiện, dám thực hiện bằng cả tâm huyết, trí tuệ mình chủ trương ‘’hòa giải và hòa hợp dân tộc’’ theo cách riêng, điều mà đại biểu đảng Cộng sản Việt Nam (CSViệt Nam) trưng ra trong đề nghị lập ‘’Hội đồng Hòa giải Dân tộc’’ tại hội nghị Paris đầu năm 1973 rồi nuốt chửng một cách đê hèn. Để thay vào đó là hàng trăm trại Ba Sao kinh khủng đày đọa tiếp hàng chục vạn đồng bào ruột thịt.

Trong khi cô Phạm Thanh Nghiên cao quý làm một cuộc hành trình thánh thiện vì quan niệm dân tộc ta Bắc Nam là một, thì có một cuộc hành trình ngược chiều diễn ra đúng lúc này.

Đó là hành trình của một nhân vật từng là người cầm đầu cao nhất của hàng trăm trại Ba Sao, người tham gia đắc lực nhất vào việc thủ tiêu 626 oan hồn đã bất đắc kỳ tử nói trên và hàng chục vạn oan hồn khác rải rác trong các trại giam khắp cả nước. Nhân vật ấy sau khi khai gian 6 năm trong hồ sơ lý lịch - sinh năm 1950 sửa thành 1956 - để được lên chức trở thành trùm Công an, ủy viên Bộ Chính trị, rồi leo lên chức Chủ tịch Nước vài ba hôm nay. Cũng chính nhân vật đó - Đại tướng Trần Đại Quang - trước khi leo lên tột đỉnh chức quyền đã ra lệnh cho tòa tuyên án anh Ba Sàm 5 năm và cô Minh Thúy 3 năm tù giam.

Xin hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tại sao muốn đất nước an bình và phát triển lại đi chọn tay trùm cai tù số một làm Chủ tịch nước? Phải chăng đây là âm mưu của Bắc Kinh nhằm phá hoại triệt để ý thức Hòa hợp và Hòa giải? Nhân vật này là Béria của đảng CS Việt Nam, là Khang Sinh của đảng CS Việt Nam khi cuối mùa, khi đảng này đã là quá khứ đen mà không chịu ra đi.

Phải chăng chúng ta phải chờ một cú đấm nảy lửa của lịch sử, do những người như cô Phạm Thanh Nghiên đang chung sức tạo nên?

Bùi Tín