07 avril 2016

Không còn dư địa ngân sách!

Vũ Thành Tự Anh (*)
 

Chính phủ hiện nay đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Để duy trì tăng trưởng thì không thể không đầu tư, nhưng càng đầu tư thì ngân sách càng thâm hụt và nợ công càng tăng. Ảnh: Minh Khuê

(TBKTSG) - Trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ. Chi thường xuyên tăng nhanh bất thường, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2012, khiến cho toàn bộ thu ngân sách hầu như chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên.
 

 
Điều này cũng có nghĩa là để đầu tư phát triển buộc phải đi vay, và kết quả tất yếu là thâm hụt ngân sách triền miên, cả nợ chính phủ và nợ công đều đã vượt trần.

Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ

Với sự năng nổ của ngành tài chính, tốc độ tăng thu ngân sách danh nghĩa của Việt Nam khá cao, trung bình 16% trong giai đoạn 2003-2015 (số liệu của 2014 và 2015 là ước tính), trong khi chỉ số giá tiêu dùng trung bình trong cùng giai đoạn chỉ là 8,8%. Thế nhưng ngay cả với tốc độ tăng nhanh như thế mà ngân sách hiện nay cũng không đủ để bù đắp chi thường xuyên và trả nợ.

Như minh họa trong hình 1, trong giai đoạn 2003-2011, chênh lệch giữa một bên là thu ngân sách (gồm cả viện trợ) và bên kia là chi thường xuyên và trả nợ (bao gồm cả nợ gốc và lãi) liên tục tăng. Thế nhưng trạng thái này thay đổi đột ngột từ năm 2012: từ mức thặng dư khá lớn là 112.000 tỉ đồng, thu ngân sách bị hụt so với chi thường xuyên và trả nợ tới 14.000 tỉ đồng. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục và ước tính mức hụt của năm 2015 sẽ lên tới gần 100.000 tỉ đồng.

Khi thu ngân sách không đủ bù đắp cho chi thường xuyên và trả nợ thì hệ quả tất yếu là để có ngân sách cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay. Điều này có nghĩa là Chính phủ cứ đầu tư thêm đồng nào thì ngân sách sẽ thâm hụt thêm và nợ công sẽ tăng thêm đồng ấy.

Vì thế, Chính phủ hiện nay đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Để duy trì tăng trưởng thì không thể không đầu tư, nhưng càng đầu tư thì ngân sách càng thâm hụt và nợ công càng tăng. Tình thế này càng trở nên nghiêm trọng khi ngân sách thâm hụt ở mức rất cao (trung bình 5,3%) trong một thời gian rất dài (từ năm 2000-2015), và khi mức nợ công (nếu tính đúng, tính đủ) đã vượt trần 65% từ lâu rồi. Nói tóm lại, tình trạng tài chính công hiện nay rất bấp bênh, vừa hết dư địa vừa chứa đựng nhiều bất trắc.

Chi thường xuyên tăng chóng mặt

Tại sao mức thiếu hụt của ngân sách so với chi thường xuyên và trả nợ ngày càng trở nên nghiêm trọng? Nguyên nhân chắc chắn không phải do thu ngân sách kém vì như đã chỉ ra ở trên, tốc độ tăng thu ngân sách của Việt Nam khá cao. Nguyên nhân cũng không hẳn đến từ việc trả nợ gốc và lãi, vì tốc độ tăng trả nợ danh nghĩa trong giai đoạn 2003-2015 là 15,8%, thấp hơn một chút so với tốc độ tăng thu ngân sách.
Nguyên nhân chính của tình trạng ngân sách hụt hơi là do chi thường xuyên danh nghĩa tăng với tốc độ chóng mặt, trung bình lên tới 19,6% trong giai đoạn 2003-2015. Với tốc độ tăng nhanh như thế này, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) đã tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên đến 80% theo ước tính lần đầu của ngân sách 2015 (hình 2).

Đáng lưu ý là cho đến năm 2011, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách vẫn chỉ là 52,3%, tức là thấp hơn đáng kể so với năm 2003. Thế nhưng chỉ trong vòng một năm, từ 2011-2012, tỷ lệ này tăng vọt lên 58,3% và vẫn tiếp tục tăng nhanh trong các năm sau đó.

Nếu nhìn vào hình 2, có thể có ý kiến cho rằng tỷ lệ chi thường xuyên thực ra tăng không quá cao, mà lý do có thể là các khoản chi chuyển nguồn đang được “tạm tính” trong thành phần của chi thường xuyên. Điều này hoàn toàn có thể, song cần nhớ hai điều. Thứ nhất, tỷ lệ chi thường xuyên giảm từ 57,4% năm 2003 xuống đáy 49,3% năm 2009, song tăng liên tục lên tới 60,4% năm 2013 (là năm gần nhất có quyết toán ngân sách). Thứ hai, tỷ lệ chi thường xuyên và chi đầu tư đã tăng liên tục từ mức 1,7 lần vào năm 2003 lên tới gần 3 lần vào năm 2013 và có thể lên tới 4 lần vào năm 2015.

Tựu trung lại, tất cả bằng chứng hiện nay đều cho thấy chi thường xuyên đang tăng rất nhanh trong năm năm trở lại đây, và đó là lý do chính khiến cho ngân sách hụt hơi và làm cho tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Chính phủ ngày càng trở nên trầm trọng.

Ngân sách quốc gia đang rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến nỗi Bộ trưởng Bộ Tài chính phải thốt lên “mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”, còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm thán rằng với vẻn vẹn 45.000 tỉ đồng ngân sách còn lại sau khi trừ đi chi thường xuyên thì “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.

Những cảnh báo như vậy là hết sức cần thiết, song cần thiết hơn là phải nhanh chóng thiết lập được kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả chi tiêu. Ngân sách quốc gia hiện nay đã hết dư địa, hoàn toàn không còn chỗ cho những dự án “ngàn tỉ” nằm đắp chiếu, hay cho hàng loạt tượng đài “vung tay quá trán,” và cho cả những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro như mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là điều không thể tránh khỏi.

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright