Huỳnh Ngọc
Chênh
Thời bây giờ mà đầu óc cứ luẩn quẩn mãi chuyện "tôi trung" với
"minh quân" thì đất nước còn tiếp tục chìm đắm vào tối tăm lạc hậu,
khó mà vươn lên ngang bằng với các láng giềng Đông Nam Á chứ đừng nói với các
quốc gia tiên tiến cao xa khác.
Cụ Chu Văn
An sống trong thời đại phong kiến thì tư duy của cụ cũng chỉ là tôn sùng minh
quân, xây dựng lực lượng tôi trung, tiêu diệt gian thần để kéo dài tuổi thọ cho
một thế lực phong kiến đã đến lúc phải suy tàn theo quy luật.
Nhìn ra bên
ngoài thời đó, Chu Văn An cũng chỉ thấy một cơ chế phong kiến của Trung Hoa
không có gì khác hơn, nhìn lui lại lịch sử nước nhà cũng một cơ chế phong kiến
tồn tại trên cơ sở đức trị mà vận nước phải gắn vào hưng suy theo triều đại. Cụ
không thấy được cơ chế nào khác tốt đẹp hơn nên cứ bám theo đó ra sức giúp nước
bằng cách giúp vua thành minh quân, bằng cách dâng sớ xin chém gian thần để
thanh lọc bộ máy cai trị lúc nhúc quan tham của cái thời nhà Trần mạt vận.
Liệu ngày đó
vua nghe lời trung thần Chu Văn An chém đầu 7 gian thần thì triều đình nhà Trần
có tốt đẹp hơn lên vào lúc đã suy tàn theo quy luật? Liệu 7 gian thần đó bị
chém đầu, thì các quan khác lên thay có tốt đẹp hơn không? Chưa nói là cá nhân
cụ Chu Văn An không khỏi bị chủ quan khi đánh giá ai là gian thần ai là trung
thần. Cụ dựa trên cơ sở pháp lý nào, quy chuẩn công chức nào để phán xét kẻ
đúng người sai?
Không. Ngoài
cái tài học rộng và đức cao ra, chúng ta của thời đại ngày nay không học được
điều gì từ cụ Chu Văn An trong vấn đề hưng quốc.
Đọc lại lịch
sử để rút ra bài học là các triều đại phong kiến thiết kế chế độ và quản lý
quốc gia trên cơ sở đức trị, hoàn toàn dựa vào đạo đức của người đứng đầu là
ông vua. Vua tài đức thì triều đình hưng thịnh, đất nước bình an, vua tệ hại
thì triều đình mạt vận, đất nước suy vong. Cơ chế chọn ra ông vua kế vị thì
hoàn toàn độc đoán, chủ quan cá nhân và dựa vào mệnh trời may rủi, không có gì
bảo đảm người được chọn sẽ là vị minh quân.
Do vậy tất
cả các triều đại phong kiến trong lịch sử VN đều đi theo một quy luật, hưng
thịnh nhờ vào một vài ông vua đầu còn sáng suốt, sau đó lụn tàn sụp đổ vì các
ông vua sau suy thoái.
Học lại lịch
sử là học cái điều đó để đừng lặp lại vì chuyện thịnh suy của một triều đại,
một giòng họ, một bè nhóm cai trị mà đưa đến thịnh suy của đất nước.
Ngày nay,
cánh cửa ra thế giới rộng mở, chúng ta nhìn thấy thực tế tốt đẹp của cả trăm
quốc gia phát triển, học hỏi được giải pháp quản lý và phát triển của họ, hiểu
biết thể chế nào là tối ưu mà họ chọn lựa để đưa đất nước họ vươn lên mang lại
hạnh phúc ấm no thực sự cho người dân.
Thể chế
chính trị hiện nay cai trị đất nước chẳng khác gì với các triều đại phong kiến
ngày xưa, cũng "vua" trước truyền ngôi lại "vua" sau, tổng
bí thư trước chuẩn bị người cho chức TBT sau, bộ chính trị trước lo người kế
thừa BCT sau, quan đầu tỉnh trước chuẩn bị truyền chức lại cho quan đầu tỉnh
sau... tất cả đều trên cơ sở chủ quan cá nhân, độc đoán và được bảo vệ bằng
nghị quyết đảng chứ chẳng dựa trên cơ sở pháp lý và phương pháp tuyển chọn dân
chủ khoa học nào.
Mà thể chế
tuyển dụng và đề bạt lãnh đạo hiện nay còn tệ hại hơn thời phong kiến. Ngày
trước chỉ duy nhất một "chức" vua là được truyền lại, còn tất cả các
quan chức khác từ tể tướng trở xuống đều không được tự ý truyền lại cho người
sau. Cơ chế tuyển dụng quan cũng tốt hơn bây giờ, nghĩa là mọi thành phần xã
hội đều được tham gia ứng tuyển thông qua các kỳ thi nghiêm khắc.
Đọc lại lịch
sử để biết vượt qua cái hạn chế của tổ tiên chứ không phải học theo các phương
cách cổ xưa luẩn quẩn mãi trong chuyện minh chúa hay lú chúa, trung thần hay
gian thần.
Liệu bây giờ
chém đến cả trăm tham quan thì lấy gì bảo đảm không có cả ngàn tham quan khác
lên thế chỗ trong cái cơ chế lỗi thời nầy? Đồng thời với việc chém đầu các tham
quan thì phài chém ngay cái thể chế phát sinh ra đám tham quan nhung nhúc như
hiện nay thì việc chống tham nhũng mới thực chất và hữu hiệu.
Cái đất nước
đang cần bây giờ là minh chế chứ không phải minh quân.
Nếu ông
Trương Tấn Sang có lòng với dân với nước, như ông bày tỏ, thì ông hãy dũng cảm
lên tiếng kêu gọi đổi mới thể chế như ông Võ Văn Kiệt đã từng làm, ngay khi ông
còn đương chức và tiếp tục vận động sau khi đã nghỉ hưu.
Huỳnh Ngọc
Chênh