Nguồn: Gordon
Chang, “Xi Jinping’s Debt
Trap“, The
National Interest, 16/10/2018.
Biên dịch: Văn
Cường
Cuộc chiến thương
mại của Tổng thống Donald Trump – việc áp đặt thuế quan – có khả năng làm rung
chuyển nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Tháng 12/2018 đánh dấu dịp kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra
phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc khóa XI, vốn mang ý nghĩa lịch sử to lớn và được coi là khởi đầu của cái
gọi là “thời kỳ cải cách” của Trung Quốc. Như mọi người đều biết, cải cách đã
thúc đẩy Trung Quốc vươn tới những tầm cao phi thường.
Tuy vậy, đất nước này đã đạt tới đỉnh cao của mình.
Ban lãnh đạo chính trị của Trung Quốc, được dẫn dắt bởi một Tập Cận Bình đầy ý
chí, giờ đây đang phủ nhận chính những chính sách theo đường lối cải cách vốn
là nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên của nước này.
Và khi Trung Quốc tiến gần tới dấu mốc kỷ niệm này, sự
tự tin tột bậc của nhiều người Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển thành nỗi lo
âu sâu sắc. Tập Cận Bình có thể vẫn tin chắc vào tiến trình thụt lùi và quyết
liệt mà ông đã đặt ra, nhưng nếu là như vậy thì ông chỉ có một mình.
Cách đây không lâu, người dân Trung Quốc chẳng có lý
do gì mà không hy vọng. Hầu hết mọi người đều tin rằng Trung Quốc sẽ lấy lại vị
thế của mình trên đỉnh cao của hệ thống quốc tế. Nhiều người gọi kỷ nguyên này
là “Thế kỷ Trung Quốc”, và sự thống trị của Trung Quốc được coi là “không thể
tránh khỏi”, “không thể lay chuyển” và “không thể chối cãi”.
“Giấc mộng Trung Hoa” về “sự phục hưng vĩ đại của dân
tộc Trung Hoa”, khẩu hiệu đặc trưng của Tập Cận Bình, đã được nhắc lại nhiều
lần không ngớt trong giới quan chức, và ở Bắc Kinh, đất nước Trung Quốc chỉ có
thể có một tương lai duy nhất. Dẫn lời hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã vào
tháng 10/2017, “Trung Quốc đã sẵn sàng lấy lại sức mạnh của mình và trở lại
đỉnh cao của thế giới”. Tham vọng ngông cuồng có ở khắp mọi nơi. Tháng 3/2018,
khi đề cập tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Arthur Waldron thuộc Đại học
Pennsylvania nói với tác giả bài viết: “Họ thực sự tin rằng họ là quốc gia hùng
mạnh nhất trong lịch sử thế giới”.
Trung Quốc vẫn luôn là một nước lớn, nhưng cũng có lúc
yếu kém do sự quản trị nghèo nàn. Cách đây 4 thập kỷ, tại phiên họp toàn thể
lần thứ ba lịch sử của đảng, Đặng Tiểu Bình đã khuất phục được những người kiên
quyết ủng hộ chủ nghĩa Mao Trạch Đông, và kế hoạch “cải cách và mở cửa” của ông
đã được thông qua. Cách tiếp cận này đã giải phóng tinh thần doanh nghiệp, năng
lượng và lòng nhiệt tình mà chủ nghĩa Mao Trạch Đông kéo dài hơn một thế hệ đã
không thể triệt tiêu. Sau đó, Đặng Tiểu Bình đã phải định kỳ vượt qua sự phản
kháng trong đảng đối với việc tự do hóa kinh tế, nhưng tiến trình của Trung
Quốc đã được ấn định sau cuộc thị sát miền Nam của ông vào năm 1992 – một
chuyến đi tới Thượng Hải và các thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, và là dấu hiệu
cho thấy những nhà cải cách kinh tế cuối cùng đã chiến thắng.
Người kế nhiệm ngay sau Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch
Dân cũng có nhiều điểm tương đồng với một nhà cải cách. Chu Dung Cơ, vị thủ
tướng không khoan nhượng dưới thời Giang Trạch Dân, đã buộc các doanh nghiệp
nhà nước phải giải thể và đàm phán để Trung Quốc bước vào nền thương mại toàn
cầu với việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12/2001. Giang
Trạch Dân và Chu Dung Cơ cũng bảo đảm cho sự phát triển và sự thịnh vượng của
các thị trường tài chính mới của Trung Quốc.
Hồ Cẩm Đào, người kế nhiệm Giang Trạch Dân, là người
nắm quyền trong suốt giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài hơn một thập kỷ mà
hầu như không có thay đổi gì về cấu trúc. Thời kỳ ông cầm quyền, bắt đầu từ năm
2002, giờ đây được nhìn nhận một cách đúng đắn là thời kỳ bỏ lỡ cơ hội. Các nhà
quan sát cho rằng lập trường chính trị yếu kém của Hồ Cẩm Đào đã cản trở các nỗ
lực cải cách vì một số lý do, trong đó có việc ông không thể vượt qua thái độ
quả quyết chống đối của các nhóm lợi ích vốn đã có thể làm giàu và ăn sâu bám
rễ trong những năm đầu của thời kỳ cải cách.
Do đó, những người lạc quan đã vui mừng trước việc Tập
Cận Bình, tổng bí thư tiếp theo của Đảng Cộng sản, hứa hẹn sẽ là một nhà lãnh
đạo mạnh mẽ hơn hẳn. Câu chuyện chung là nhà lãnh đạo tối cao mới sẽ có thể
thực hiện những thay đổi, và nhiều nhà quan sát đã tuyên bố rằng phiên họp toàn
thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương khóa XVIII vào tháng 11/2013 là một
sự kiện có ảnh hưởng sâu rộng khác. Trong kết luận của mình, đảng cộng sản
Trung Quốc đã công bố những cải cách về cấu trúc và, bằng ngôn từ thu hút sự
chú ý, tuyên bố rằng từ nay trở đi, thị trường sẽ đóng “vai trò quyết định”
trong việc phân bổ nguồn lực. Theo nguồn tin chính thức sau phiên họp, “vai trò
quyết định” có nghĩa là “các thế lực khác có thể gây ảnh hưởng và định hướng
việc phân bổ nguồn lực, nhưng nhân tố quyết định không gì khác chính là thị
trường”.
Hãy quên thị trường đi. Nhân tố quyết định trong kỷ
nguyên Tập Cận Bình đã được chứng tỏ chính là Tập Cận Bình. Năm 2017, Scott
Kennedy thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở ở Washington
đã viết: “Thủ phạm là sự can thiệp rất lớn của nhà nước”. Trong suốt nhiệm kỳ
của Tập Cận Bình, nhà nước đã “tiến bước” và thị trường đã “rút lui”, theo cách
nói thường được sử dụng. Tập Cận Bình đã buộc Trung Quốc quay trở lại tình
trạng mà chắc hẳn Mao Trạch Đông sẽ cảm thấy quen thuộc.
Chẳng hạn, Tập Cận Bình đã và đang bận bịu với việc
tái kết hợp các doanh nghiệp nhà nước, vốn đã có quy mô lớn, trở lại thành các
bên tham gia thị trường vượt trội và trong một số trường hợp là các công ty độc
quyền chính thức của nhà nước. Ông tăng cường các khoản trợ cấp của nhà nước
dành cho những bên tham gia được ưu ái và thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn
đã chặt chẽ, thường thực thi các quy định không được thông báo.
Tập Cận Bình cũng chú trọng hơn nữa vào chính sách
công nghiệp. Đáng chú ý nhất trong số này là sáng kiến “Made in Chine 2025” của
ông, được công bố vào năm 2015. CM2025, tên gọi của sáng kiến này ở Trung Quốc,
nhắm tới việc làm cho đất nước gần như tự cung tự cấp trong 11 ngành công
nghiệp trọng yếu, tính đến cả ngành thông tin liên lạc không dây 5G mới được bổ
sung, trong đó có các ngành máy bay, robot, xe điện, công nghệ thông tin, sản
phẩm y tế và thiết bị bán dẫn.
Đồng thời, Tập Cận Bình đã đóng cửa các thị trường của
Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài bằng những hành động thực thi pháp
luật mang tính phân biệt đối xử, các cuộc tẩy chay được truyền thông nhà nước
thúc đẩy và bằng luật pháp, vốn phần nào được thiết kế nhằm gây thiệt hại cho các
đối thủ cạnh tranh ngoài nước.
Hơn nữa, Tập Cận Bình đã gia tăng đáng kể sự kiểm soát
của nhà nước đối với các thị trường chứng khoán. Mùa Hè năm 2015, các cổ đông
nắm quyền kiểm soát đã bị cấm bán cổ phần, các bên bán “có ý đồ xấu” đã bị điều
tra, các thể chế nhà nước và các tổ chức khác đã bị buộc phải mua cổ phiếu và
ngân hàng bị buộc phải gia hạn các khoản vay chứng khoán. Những biện pháp này
đến nay đã được nới lỏng, nhưng nhà nước hiện vẫn có sức ảnh hưởng lớn hơn so
với khi Tập Cận Bình tiếp quản quyền lực vào năm 2012.
Cuối cùng, Tập Cận Bình đang thúc đẩy việc quốc hữu
hóa phần nào lĩnh vực công nghệ bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp nhà
nước mua cổ phần của các công ty khởi nghiệp.
Các mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo như mô hình
của Tập Cận Bình có thể huy động nguồn lực và tạo ra sự tăng trưởng trong ngắn
hạn – Stalin và Mao Trạch Đông đã tạo ra những kết quả vượt trội sau lần đầu
tiên nắm quyền và Kim Nhật Thành cũng đã làm được điều này sau Chiến tranh
Triều Tiên – nhưng không một mô hình nào như vậy có thể duy trì được sự tăng
trưởng. Điều không may đối với Tập Cận Bình là ông đã lên nắm quyền khi chu kỳ
kinh tế của Trung Quốc rõ ràng sắp chấm dứt. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia,
hiện tượng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm sút so với cùng kỳ năm trước diễn
ra gần đây nhất là vào năm 1976, năm mà Mao Trạch Đông qua đời. Và các nhà phân
tích kinh tế không nhận thấy gì ngoài rắc rối trước mắt đối với Trung Quốc, bắt
đầu là tình trạng tích lũy nợ chưa từng thấy của nước này. Hồ Cẩm Đào và thủ
tướng dưới thời ông là Ôn Gia Bảo đã kích thích nền kinh tế quá mức thông qua
việc cho vay để tránh các tác động của cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008, và giờ
đây dưới thời Tập Cận Bình, nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành một “con
nghiện” không thể tăng trưởng nếu không cho vay với khối lượng lớn.
Hiện tại, nước này đang tích lũy nợ nhanh hơn tăng
trưởng, “ăn sống chính mình” theo cách mô tả của Anne Stevenson-Yang thuộc công
ty nghiên cứu J Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, trong những lời bình luận với
tác giả bài viết. Khi tính đến cái được gọi là “nợ ẩn”, nước này đang gánh số
nợ có lẽ gấp khoảng 1,5 lần GDP danh nghĩa mà nước này tạo ra, nếu số liệu
chính thức về GDP là chính xác.
Chúng không hề chính xác. Bắc Kinh cho biết tăng
trưởng trong nửa đầu năm 2018 đạt 6,8% và tuyên bố rằng tăng trưởng trong 12
quý liên tiếp duy trì trong khoảng 6,7%-6,9%. Mức tăng trưởng trên thực tế thấp
hơn nhiều. Số liệu của nước này không nhất quán với các chỉ số cơ bản. Chẳng
hạn, Bắc Kinh tuyên bố đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016. Tuy nhiên, vào
giữa năm 2017, ngân hàng thế giới đã công bố một biểu đồ cột cho thấy vào năm
2016, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,1%. Con số gây sốc 1,1% gần với chỉ
số tổng thể chính xác nhất về hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đó là tổng mức
tiêu thụ năng lượng căn bản. Theo các nguồn tin chính thức, năm 2016 tổng mức
tiêu thụ năng lượng căn bản đã tăng, nhưng chỉ ở mức 1,4%. Năm 2017, nền kinh
tế đã tăng tốc – mức tiêu thụ năng lượng đã tăng 2,9% trong năm đó – nhưng GDP
hẳn không thể tăng trưởng ở mức 6,9% như tuyên bố.
Sự trì trệ rõ ràng này giải thích nỗi lo lắng có thể
nhận thấy được ở Bắc Kinh khi các quan chức nhận ra rằng họ không thể tăng
trưởng để thoát khỏi khó khăn như trong những giai đoạn trước. Tháng 10/2017,
trong một khoảnh khắc khiến người ta phải giật mình, Chu Tiểu Xuyên, khi đó là
người đứng đầu ngân hàng trung ương của nước này, đã công khai cảnh báo về tình
trạng tích lũy nợ gia tăng khi nói rằng đất nước này đang tiến gần tới “thời
điểm Minsky” mà ở đó, giá trị tài sản sẽ sụp đổ. Dường như ông đã đúng. Những
nỗ lực nửa vời của Bắc Kinh trong việc “giảm nợ” đã tạo ra một làn sóng vỡ nợ
trái phiếu và vỡ nợ khác trong năm 2018, và để duy trì tăng trưởng, các quan
chức Trung Quốc giờ đây đã từ bỏ nỗ lực đó.
Các nhà lãnh đạo đất nước có khả năng trì hoãn các
cuộc khủng hoảng nợ ở mức độ nào đó. Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ người vay,
người cho vay, thị trường, tòa án và hầu hết mọi thứ. Tuy vậy, bất chấp sự kiểm
soát chặt chẽ của ban lãnh đạo trung ương, Tập Cận Bình không thể quyết định
kết quả mãi mãi. Ông chỉ có thể trì hoãn cái mà các nhà kinh tế gọi một cách
giảm nhẹ là “sự điều chỉnh”, nhưng bằng cách trì hoãn nó, ông chỉ càng mở rộng
thêm cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi. Và khi cuộc khủng hoảng rốt cuộc
cũng tới, nó sẽ chôn vùi Trung Quốc. Theo những gì mà Michael Pettis thuộc Đại
học Bắc Kinh đã chỉ ra vào tháng 12/2017 tại Diễn đàn toàn cầu của tạp chí
Fortune ở Quảng Châu, sự khác biệt giữa tình hình Trung Quốc hiện nay và khủng
hoảng nợ ở các nước khác là trong các cuộc khủng hoảng trước đây, tình trạng
mất cân bằng không đến nỗi nghiêm trọng và nợ không ở mức cao đến vậy. Do đó,
qua thời gian, các khoản nợ ngày càng tăng nhanh hơn so với nguồn lực và những
sự hỗn loạn bên dưới trở nên ngày càng lớn. Những cuộc suy thoái, điều mà Trung
Quốc hết sức né tránh vì cảm thấy bất an về mặt chính trị, là rất cần thiết,
cho phép có những sự điều chỉnh khi chúng vẫn còn tương đối nhỏ.
Ngày càng có nhiều người nhận thức rằng cuộc suy thoái
tiếp theo của Trung Quốc sẽ rất nghiêm trọng. Điều đã trở nên rõ ràng là các
nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngăn chặn những sự điều chỉnh cho tới khi họ không
còn khả năng làm vậy. Và khi thời khắc định mệnh đó đến, hệ thống của họ chắc
chắn sẽ rơi tự do.
Tập Cận Bình đã né tránh khủng hoảng bằng cách gia
tăng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, nhưng mặc dù một nửa thập
kỷ đã trôi qua, ông vẫn chưa vạch ra được giải pháp cho vấn đề cơ bản của một
nền kinh tế đang chậm lại. Giải pháp dài hạn duy nhất là đảo ngược xu hướng
hướng tới sự thống trị của nhà nước; nói cách khác là cho phép các lực lượng
của thị trường phân bổ nguồn lực, giống như những gì Đặng Tiểu Bình đã làm tại
phiên họp toàn thể thứ ba vào năm 1978.
Vậy tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc không làm điều
đã phát huy tác dụng cách đây 4 thập kỷ và là điều mà hầu như tất cả mọi người
đều biết là lối thoát duy nhất hiện nay? Việc gia tăng sự kiểm soát của nhà
nước phù hợp với quan điểm của Tập Cận Bình rằng Trung Quốc phải có một người
cai trị mạnh mẽ và ông đã dành nhiệm kỳ của mình trên cương vị người đứng đầu
Trung Quốc. Nhiều người đã so sánh Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông, người cai
trị đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng ông cũng được so sánh
– một cách phù hợp hơn – với Tần Thủy Hoàng, vốn được coi là vị hoàng đế đầu tiên
của Trung Quốc thống nhất.
Bằng việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh của các vị hoàng
đế Trung Quốc trong những tuyên bố của mình, Tập Cận Bình đã mời gọi những sự
so sánh như vậy. Đây không phải là điều ngẫu nhiên khi mà Tập Cận Bình còn được
biết đến là “Chủ tịch của mọi thứ, mọi nơi và mọi người” – lại tìm cách ganh
đua với những vị hoàng đế.
Kiểm soát tập trung là nền tảng của “thiên hạ”, hay
“mọi thứ dưới bầu trời”, một khái niệm của Trung Quốc trong thời kỳ đế quốc.
Các hoàng đế Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ là người cai trị hợp pháp duy
nhất trên thế giới, và để thực thi hệ thống đó, họ ngăn cách phần Trung Quốc
trong vương quốc của mình khỏi cái mà họ coi là những vùng lãnh thổ khác của
họ. Trong cuốn sách “Trật tự Trung Quốc: Trung Quốc bản thổ, đế chế thế giới và
bản chất của sức mạnh Trung Quốc”, Wang lưu ý rằng đây không phải là công thức
dẫn đến thành công, và viết rằng hệ thống thiên hạ không có được những thành
tích tối ưu, với sự quản trị chuyên chế, nền kinh tế trì trệ trong thời gian dài,
khoa học và công nghệ bị bóp nghẹt, hoạt động tinh thần chậm phát triển, nguồn
lực không được phân bổ hợp lý, phẩm giá và mạng sống của con người bị coi
thường, mức sống của công chúng ở mức thấp và ngày càng đi xuống, cái chết và
sự tàn phá diễn ra định kỳ và thường xuyên.
Wang cũng chỉ ra rằng xen kẽ giữa sự quản trị khủng
khiếp kéo dài hàng thiên niên kỷ là 3 giai đoạn vàng: vài thế kỷ ngay trước
thời kỳ cai trị của Tần Thủy Hoàng; thời nhà Tống, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII;
và giai đoạn bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX. Cả 3 giai đoạn đều được ghi dấu bởi sự
cởi mở tương đối của Trung Quốc và việc bác bỏ khái niệm “thiên hạ”.
Trong hơn một thập kỷ, Tập Cận Bình đã bác bỏ sự cởi
mở, phát biểu như thể ông là một vị hoàng đế và thường viện dẫn những chủ đề có
liên quan đến “thiên hạ”. Theo tuyên bố của ông trong thông điệp đầu năm mới
vào năm 2017, “Trung Quốc luôn cho rằng thế giới là thống nhất và mọi thứ dưới
bầu trời đều là một gia đình”.
Sự suy giảm kinh tế là một trong những động cơ thúc
đẩy tình trạng bất ổn. Chẳng hạn, vào tháng 8, những người biểu tình đã đến
những nơi xa xôi để tập hợp tại văn phòng của các công ty vỡ nợ, chẳng hạn như
tập đoàn HNA ở Hải Nam, hay ở trung tâm quyền lực của Trung Quốc. Ở thủ đô,
hàng trăm cảnh sát đã phải phong tỏa trung tâm tài chính của thành phố trước
các cuộc biểu tình phản đối những nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) bị thất
bại. Hàng trăm nghìn nhà đầu tư trên toàn quốc đã mất tiền vì những công cụ cho
vay “P2P” này, và họ có lý do để đổ lỗi cho nhà nước về những tổn thất đó. Do
vậy, họ tập hợp tại văn phòng của Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung
Quốc, cũng như một cơ quan trọng yếu của Đảng Cộng sản: Ủy ban kiểm tra kỷ luật
trung ương, cơ quan giám sát chống tham nhũng.
Họ tự nhận mình là những người “tị nạn tài chính”,
khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ. Những cuộc biểu tình kiểu này đặc
biệt gây quan ngại, vì sự yếu kém trong quản lý tăng trưởng, cụ thể là lạm
phát, chính là yếu tố ban đầu thúc đẩy các cuộc biểu tình năm 1989 ở Bắc Kinh
và 370 thành phố khác. Lần này, thái độ bất mãn còn khiến Trung
Quốc quan ngại hơn, vì hai thế hệ vốn không biết gì khác ngoài những
điều kiện sống ngày một đi lên đang phải đối mặt với viễn cảnh về một cuộc suy
thoái nghiêm trọng.
Những cuộc biểu tình này diễn ra gần như đồng thời với
các cuộc biểu tình trên đường phố của các phần tử khác trong xã hội vì những
vấn đề kinh tế. Vào tháng 5 và tháng 6/2018, hàng nghìn cựu chiến binh Quân
giải phóng nhân dân đã tập hợp ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp đất nước –
đặc biệt là ở Trấn Giang và tỉnh duyên hải Giang Tô – để phản đối vụ một cựu
chiến binh bị đánh đập. Tuy nhiên, giống như các cuộc biểu tình của cựu chiến
binh vào năm 2016, điều kích động họ đổ ra đường là triển vọng yếu kém về công
ăn việc làm, phúc lợi không thỏa đáng và những lời hứa hẹn mà chính phủ đã
không thực hiện được.
Các nhà chức trách đã xoa dịu được những đợt biểu tình
này – cũng như các cuộc biểu tình khác về những vấn đề không mang tính kinh tế,
như tình trạng pha trộn vắcxin cho trẻ em – nhưng tin xấu đối với Tập Cận Bình
là các cuộc biểu tình giờ đây diễn ra từng đợt, cho thấy sự bất hạnh căn bản
trong xã hội Trung Quốc.
Sự bất hạnh này phần nào tồn tại là do giới tinh hoa
của Trung Quốc giữ quá nhiều nguồn lực cho chính mình. Trước hết, tình trạng
tham nhũng đã và đang diễn ra với mức độ gần như không thể tin nổi.
Stevenson-Yang chỉ ra rằng “nền kinh tế Trung Quốc đang kết thúc một thập kỷ mà
trong thời gian đó giới tinh hoa tài chính đã ngấu nghiến khoản nợ hàng nghìn
tỷ. Tình trạng bòn rút diễn ra với mức độ đáng kinh ngạc”.
Điều cũng đáng kinh ngạc là các cam kết của Tập Cận
Bình, chẳng hạn như những suy tính trong “dự án thế kỷ” của ông, “Con đường tơ
lụa trên biển thế kỷ 21” và “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” – hai thành
phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được nhiều người nói tới của ông.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một cam kết trị giá hàng nghìn tỷ USD về
cơ sở hạ tầng mà thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của Tập Cận Bình nhằm vạch
ra tuyến đường thương mại toàn cầu đi qua Trung Quốc, nhưng bị khu vực tư nhân
xa lánh vì phi kinh tế.
Hơn nữa, Tập Cận Bình có những tham vọng lớn khác đòi
hỏi phải có những cam kết lớn về tiền mặt. Một ví dụ là hàng trăm tỷ USD dành
cho việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và hàng chục tỷ USD cho viện trợ
nước ngoài và các khoản vay sẽ vĩnh viễn không được hoàn trả. Nhiều người lo
lắng về việc “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc gài bẫy các quốc gia không thể
trả nợ và do đó đẩy họ vào quỹ đạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, hậu quả của việc
đó là Trung Quốc đang phải gánh các khoản vay không chắc chắn trong sổ sách của
mình, như khoản nợ khoảng 23 tỷ USD mà Venezuela vẫn chưa hoàn trả.
Một vài trong số những dự án này có thể đem lại lợi
tức trong tương lai, nhưng trong khi chờ đợi, Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu chi
phí duy trì chúng. Nói tóm lại, Tập Cận Bình đã mở rộng Trung Quốc quá mức, và
nước này giờ đây phải đối mặt với những yêu cầu về kinh tế, cả trong và ngoài
nước, mà họ không thể đáp ứng nổi.
Khi Tập Cận Bình theo đuổi mô hình kinh tế đóng, vốn
nhiều lần gây thất bại cho Trung Quốc trong quá khứ, ông phải đối phó với 3
nhân tố sẽ kiềm chế sự tăng trưởng trong tương lai. Thứ nhất là tình trạng suy
thoái môi trường nghiêm trọng. Việc theo đuổi tăng trưởng suốt nhiều thập kỷ,
đặc biệt là trong những năm 1950 và thời kỳ cải cách kéo dài 4 thập kỷ, đã để
lại cho đất nước bầu không khí độc hại, nguồn nước ô nhiễm và đất đai nhiễm
độc. Nước trở nên khan hiếm, ngay cả ở những nơi từng có nguồn nước dồi dào.
Trung Quốc có thể tiếp tục tàn phá môi trường để cho phép các nhà máy sản xuất
ồ ạt, nhưng người dân đang đòi hỏi phải có môi trường xung quanh sạch sẽ hơn.
Với đòi hỏi như vậy, kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất thường bị trì hoãn,
đôi khi bị thu hẹp, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp.
Thứ hai, tình hình nhân khẩu học sẽ kiềm chế sự tăng
trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong
thời kỳ cải cách phần lớn do “lợi ích nhân khẩu học” – sự gia tăng bất thường
của lực lượng lao động, có được là nhờ việc Mao Trạch Đông thúc đẩy người Trung
Quốc sinh sản nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, giờ đây dân số
nước này đang tiến gần tới sự sụt giảm nhanh chóng do chính sách 1 con của Đặng
Tiểu Bình. Lực lượng lao động đã thu hẹp lại, lần đầu tiên ở mức cao nhất vào
năm 2011 theo các số liệu chính thức. Hiện tại, Bắc Kinh khăng khăng cho rằng
tổng số dân sẽ đạt mức cao “vào khoảng năm 2030”. Trên thực tế, dân số có lẽ sẽ
đạt mức cao nhất trước đó nhiều năm, có thể là ngay trong năm 2020 theo phát
biểu công khai của một quan chức cấp cao cách đây vài năm. Bất luận thế nào,
dân số Trung Quốc cũng đang trên đà giảm hơn 400 triệu người trong thế kỷ này,
phản ánh tình trạng giảm tỷ lệ sinh đáng lo ngại đang diễn ra ở Nhật Bản, Đài
Loan, Singapore và các khu vực khác ở Đông Á.
Việc Bắc Kinh chuyển sang chính sách 2 con, có hiệu
lực từ đầu năm 2016, đã không chặn đứng được những xu hướng đáng báo động về
nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc tiếp tục giảm, với 17,23 triệu ca sinh
trong năm 2017, thấp hơn con số 17,86 triệu ca sinh trong năm 2016.
Không điều nào trong số này đồng nghĩa với việc các
nhà kỹ trị của Trung Quốc không thể làm cho nền kinh tế của họ tăng trưởng
trong tương lai. Nhưng chúng nói lên rằng họ sẽ phải tìm cách làm điều đó bất
chấp tình trạng giảm tỷ lệ sinh, chứ không phải được tỷ lệ sinh thúc đẩy. Trung
Quốc đã cho thấy họ có thể làm giảm số ca sinh – các quan chức tự hào tuyên bố
rằng sự cưỡng chế của chính sách 1 con đã ngăn chặn 400 triệu ca sinh – nhưng
cho đến nay, họ đã thất bại trong việc gia tăng khả năng sinh sản, nỗ lực gần
đây nhất của họ.
Thứ ba, Trung Quốc không còn nhận được sự hỗ trợ của
Mỹ, hay thậm chí là của Liên minh châu Âu (EU). Những hành động trục lợi trong
thương mại của Bắc Kinh kéo dài nhiều thập kỷ, cũng như những động thái địa
chính trị quá hung hăng và hiếu chiến của Tập Cận Bình đã làm thay đổi suy nghĩ
ở các thủ đô nước ngoài. Cho tới gần đây, Trung Quốc đã tiến bộ rất nhanh phần
lớn vì các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau mong muốn nước này thành công. Giờ đây,
Mỹ đã trở nên hoặc thù địch, hoặc thờ ơ. Do các chính sách của Mỹ hoặc có ý
định làm suy yếu Trung Quốc hoặc không tính đến các lợi ích của Bắc Kinh, nên
nền kinh tế và hệ thống tài chính ngày càng cứng nhắc của Trung Quốc đang phải
chịu sức ép. Các quốc gia và các nhóm nước khác, đặc biệt là EU, đang theo chân
Mỹ thách thức Bắc Kinh.
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump –
việc áp đặt thuế quan – có khả năng làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc vốn
phụ thuộc vào xuất khẩu. Vấn đề đối với Bắc Kinh là họ đã trở nên phụ thuộc sâu
sắc vào thị trường Mỹ. Năm ngoái, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc
từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 88,9% tổng thặng dư hàng hóa của nước
này, một con số ấn tượng. Thêm vào đó là thặng dư hàng hóa của Trung Quốc với
Mỹ lên đến 375,6 tỷ USD trong năm 2017; rõ ràng Trump đang nắm trong tay những
quân bài có giá trị cao.
Cho đến nay, không giống như những người tiền nhiệm
của ông trong 40 năm qua, Tổng thống Mỹ đã cho thấy thái độ sẵn sàng sử dụng
sức mạnh của Mỹ để làm suy yếu Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc đang
bắt đầu hiểu ra rằng vì nhiều lý do, đất nước họ không thể duy trì một cuộc đấu
tranh lâu dài với khách hàng quan trọng nhất của mình. Việc các thị trường
chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc đều sụt giảm mạnh trong năm 2018 khi cuộc
chiến thương mại bắt đầu là điều không đáng ngạc nhiên.
Tập Cận Bình đã mất đi sự hỗ trợ của nước ngoài, còn
trong nước, đơn giản là ông đã lệch nhịp với xã hội. Có lẽ hệ quả quan trọng
nhất của 40 năm cải cách kinh tế của Trung Quốc chính là tính hiện đại.
Tập Cận Bình có thể làm theo ý mình vì ông chỉ huy
quyền lực. Tuy nhiên, ông lại gặp rắc rối trong việc buộc người ta phải phục
tùng. Vì có công cuộc hiện đại hóa nên ông không có khả năng thuyết phục. Hãy
nhìn vào cái được gọi là những chiến dịch theo phong cách Cách mạng Văn hóa của
Tập Cận Bình, chẳng hạn như nỗ lực của ông trong mùa Hè năm 2018 nhằm thúc đẩy
“tinh thần đấu tranh yêu nước” trong giới trí thức. Nhiều người nhạo báng ông,
nhưng thực tế quan trọng hơn cả là giới trí thức Trung Quốc – và người dân
Trung Quốc – đơn giản là đang không chú ý.
Sam Crane, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học
Williams, đã nói với tạp chí The National Interest khi sắp kết thúc công việc
của mình tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh: “Những sự so sánh với Cách
mạng Văn hóa thực sự không nắm bắt được điều đang diễn ra ở đây lúc này”. Ông
nói: “Sau một tháng làm việc trong khuôn viên trường Đại học Nhân dân, có thể
nói tôi không hề nhận thấy dấu hiệu gì của việc sùng bái cá nhân Tập Cận Bình.
Hơn nữa, ở khắp nơi trong thành phố, những dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của
“sức mạnh mềm” của Mỹ – trong sở thích tiêu dùng, trong dòng người xếp hàng bên
ngoài Đại sứ quán Mỹ, trong những thông điệp cá nhân được in trên những chiếc
áo phông, trong văn hóa của giới trẻ, trong các quán bar và các câu lạc bộ –
vẫn còn rất mạnh mẽ.
Sức mạnh của Trung Quốc – và cũng là điểm yếu tột cùng
– là người dân Trung Quốc thường không chịu phục tùng, phần lớn vô trách nhiệm và
luôn ồn ào. La Kiến Ba, giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Trung Quốc
thuộc Trường đảng trung ương, viết vào tháng 9/2017: “Tôi nhớ lại một chủ đề
tranh luận nóng bỏng giữa những người dùng Internet trẻ tuổi: Ai mới thực sự là
kẻ thù của Trung Quốc? Có phải là Mỹ không? Hay là Nhật Bản? Nga? Nếu chúng ta
bình tĩnh suy nghĩ về mọi việc, thì có lẽ câu trả lời không nằm trong số đó. Kẻ
thù của Trung Quốc là chính mình”.
Gordon G. Chang là
tác giả cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”.