Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
25 novembre 2018
Tòa Đại Sứ Trung Quốc bị Chiến binh Balochistan tấn công tại Pakistan.
Hanh Nguyen
Vụ tấn công vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở Pakistan xảy ra lúc 09:30 giờ địa phương (11:30 giờ Hà Nội).
Ba tay súng tấn công, hai cảnh sát Pakistan và hai người nữa bị giết.
Tất cả 21 nhân viên ngoại giao Trung Quốc trong lãnh sự quán an toàn.
Nhóm chiến binh ly khai Quân đội Giải phóng Balochistan (Balochistan Liberation Army), phản đối các dự án đầu tư của Trung Quốc ở vùng Miền Tây Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
"Chúng tôi coi người Trung Quốc như kẻ áp bức,cùng với các lực lượng Pakistan," phát ngôn viên của nhóm Balochistan nói với hãng tin AFP.
Những người nổi dậy Balochistan cũng cáo buộc Trung Quốc "cướp" tài nguyên của họ.
Trong những năm qua, các dự án xây dựng và công nhân Trung Quốc ở Balochistan nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm chiến binh nầy.
Nhưng hôm 23.11.2018, lần đầu tiên một cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Pakistan bị tấn công.
Balochistan nằm ngay trong vùng có dự án đầy tham vọng của Trung Quốc gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).
Đây là chuỗi đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các dự án giao thông và năng lượng và phát triển cảng biển sâu để liên kết phía tây tỉnh Tân Cương với cảng Gwadar của Balochistan.
Balochistan là khu vực dân cư thưa thớt, giàu trữ lượng khí đốt và than đá, cũng như khoáng sản đồng và vàng.
Tuy nhiên, đây vẫn là vùng nghèo nhất ở Pakistan và người Baloch từ lâu đã cáo buộc chính quyền trung ương khai thác và phủ nhận quyền sở hữu khoáng sản của họ.
Asif Farooqi của BBC Urdu giải thích thêm về vấn đề này:
"Gas được sử dụng trong mọi gia đình ở Pakistan nhưng nhiều hộ gia đình ở Balochistan lại không có để sử dụng. Điều đáng nói là gas theo cách gọi của người Pakistan là Sui Gas, tức là được đặt tên theo vùng Sui thuộc Balochistan - là nơi khai thác gas."
"Do sự thiếu thốn này, sự chống đối có thể dễ hiểu khi mà đây là nơi nguồn tài nguyên được khai thác nhưng người dân bản địa lại chỉ nhận được một phần nhỏ trong đó.
"Giới quan sát chính trị Pakistan không cho rằng người dân Balochistan sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự cùng với CPEC.
"Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Balochistan nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng CPEC, mà Trung Quốc và chính quyền liên bang đang chiếm tài nguyên của họ.
"Và dân địa phương không có cơ hội để tận dụng tài nguyên của họ. Đó là lý do tại sao nhóm nổi dậy Balochistan gọi CPEC là kế hoạch chiếm dụng tài nguyên của họ."
Nhóm chiến binh Balochistan cảnh báo chính phủ Trung Quốc nên chấm dứt tiếp quản tài nguyên thiên nhiên và đất đai của Balochistan dưới vỏ bọc CPEC nếu không nó sẽ tiếp tục là mục tiêu bị tấn công.
Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan,đã đổ hàng tỷ USD vào quốc gia này. Vụ tấn công khiến giới chức Pakistan vô cùng lo lắng vì muốn hy vọng đầu tư của Trung Quốc giúp tạo thay đổi lớn, phóng viên Secunder Kermani của BBC tại Islamabad nhận định.
Năm 2015, Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư 46 tỷ USD vào Pakistan, tập trung chủ yếu vào hành lang kinh tế từ Gwadar ở Pakistan tới Kashgar thuộc vùng Tân Cương của Trung Quốc.