Thiện Tùng
Cãi
hay Phản biện khác âm nhưng đồng
nghĩa, dùng phản biện nghe có vẻ văn minh hơn. Cãi hay Phản biện khác ngôn từ
nhưng cùng tính chất, là sự biểu hiện trái chiều về sự việc gì đó chớ chưa nói
rõ nội dung.
Ảnh minh họa |
Chữ Việt
gẫm ra cũng phong phú, tùy ngữ/hoàn cảnh, chỉ cần thêm sau từ cãi một từ thôi
thì có ngữ nghĩa khác nhau. Thuận chiều: cải cách, cải biên, cải tạo, cải tiến,
cải táng… Nghịch chiều: cãi cọ, cãi vã… mang tích chất phản biện.
Xã hội
phải khuyến khích cãi mới tìm ra chân lý, mới phát triển được. Trong giao tiếp,
phàm là người, ai cũng có quyền cãi những gì mình cho là không đúng. Luật sư
chuyên nghiệp khi tranh cãi chủ yếu dựa vào pháp lý; những người không chuyên (tay
ngang) khi tranh cãi chủ yếu dựa vào chân/đạo lý.
Sư
có nghĩa là Thầy. Luật sư là Thầy cãi
chuyên nghiệp. Muốn được công nhận luật sư, ít nhứt người ấy phải tốt nghiệp Đại
học luật, am hiểu pháp luật hiện hành một cách tường tận để làm cơ sở trong
tranh tụng. Những người không chuyên nghiệp, tranh cãi những gì trái với cảm nhận
chủ quan của mình để góp phần tìm ra chân lý, chớ không phải cãi để quậy phá.
Do hiểu vậy, Tùng tôi luôn động não, ưa cãi những gì mình cho là sai trái. Xin
kể một số việc còn đọng lại trong tôi – moi ra từ trong ký ức:
1/ Trong chiến tranh chống
Mỹ, cường độ khốc liệt, không có vùng căn cứ nào được xem là an toàn, ông Nguyễn
Minh Đường, Bí thư Khu ủy Khu Trung Nam bộ chủ trì cuộc họp phát động phong
trào thanh niên 3 khoan: khoan yêu, nếu đã yêu khoan cưới, nếu đã cưới
khoan có con”. Đến phần đóng góp ý kiến, tôi phát biểu:“Khoan cưới, khoan có con có thể thực hiện
được, còn khoan yêu là vô duyên, không thể thực hiện, bởi vì yêu là bẩm sinh của
con người, không phân biệt nam nữ, khi bắt đầu thành niên là họ đã rậm rật
yêu, nếu không được đối phương đáp lại thì họ có quyền yêu đơn phương nữa kìa.
Không cho yêu thể hiện ra ngoài thì họ để trong lòng ai mà biết được?.
Cả đám
đông bụm miệng cười không biết họ hoan hô hay đả đảo tôi.
2/ Trong cuộc vận động “Cần,
kiệm, liên, chính, chí công vô tư”. Sau bước diễn giả dẫn giải, tôi
phát biểu:
- “Chí công vô tư” có nghĩa là không vì lợi ích
riêng, nói thế không thuyết phục. Làm không công sao? Vậy đấu tranh để làm gì?.
”Phạm trù chung riêng” – trong cái chung có cái riêng, triệt tiêu hết những cái
riêng thì đâu còn cái chung. “Nước mất nhà tan”, sợ nhà tan nên chúng ta mới đấu
tranh giữ nước (yêu nước), sợ bị nô lệ chúng ta mới dấn thân?.
- Đó là
lời dạy của cụ Hồ đó ông ơi ! - người ngồi cạnh nói nhỏ vào tai tôi.
- Sao tôi
lại không biết, không vừa ý nói ra để tham khảo vậy thôi – tôi nói lại.
Cả hội trường im thinh thít.
3/ Năm 1984, kinh tế tuột tận
đáy, nhân dân đói khổ, tại hội trường Ba Đình, kết thúc bài phát biểu, ông Trần
Phương động viên bằng câu khẩu hiệu “Vì tương lai con em chúng ta”. Khi
thảo luận tổ tôi nói:
-
Nên cải sửa câu khẩu hiệu ấy vì nó không thiết thực: Con em chúng ta
đang ăn theo chúng ta, không lo cho chúng ta thì chết chùm?.
- Theo anh thì đổi nó thế nào cho thiết thực – Tổ trưởng vặn hỏi.
- “Cho hôm nay và cho mai sau” - tôi nói
Thế là
ông ấy ghi ghi gì đó chẳng nói chẳng rằng.
4/ Cuối 1985, dịp ra Hà nôi
dự hội nghị, Ông chín Tố Hữu, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó Thủ
tướng),rủ tôi và anh Ba Dần tối đến nhà Ông chơi – chúng tôi nhận lời. Đêm ấy, sau
chuyện thăm hỏi qua lại, ông Tố Hữu than:
- Giá cả
vọt lên quá…!.
- Giá
lên hay tiền xuống? – tôi hỏi lại ngay rồi dẫn dụ: Xe chạy, người ngồi trên xe nhìn xuống đường thấy đường chạy ngược chiều
xe rồi nói đường chạy là “thầy chạy”. Thử dừng xe lại xem. Vậy giá lên hay tiền
xuống? Tiền in phát ra đầy đàng, hàng vắng bóng. Bắt mạch không đúng trị ẩu là
chết ngưới. Chính Ông và ông Trần Phương
bày ra vụ “Giá, Lương, Tiền” còn than
cái nỗi gì !?. Ai đời đổi tiền 1 mới đổi 10 cũ, sau đó chỉ đạo tăng giá hàng
lên 10 lần – giá trị đồng tiền mới có khác chi đồng tiền cũ – ăn gian lộ liễu.
Ông Tố
Hữu không rầy tôi nhưng ông không vui. Thấy mình nói thẳng như thế là bất kính,
phạm thượng, tôi khều anh Dần rồi xin cáo lui.
5/ Họp giao ban hàng tuần do Tỉnh ủy tổ chức tại
hội trường Chương Dương, anh Phạm Huấn cao hứng báo:
- Đám đĩ
điếm gọi đoạn cuối lộ Lý Thường Kiệt về hứng bến xe là “Dốc sương mù”, gọi Xóm
Tre là “Thung lũng Tình yêu”. Mới đêm qua đây, lực lượng Công an bắt quả tang 1
con đĩ hành dâm với 3 thằng điếm. Đã nhốt con đĩ vào trại giam, công an đang
điều tra”.
- Cớ sao không bắt 3 thằng điếm, làm như thế
liệu có công bằng không? – tôi hỏi.
- Ở các lĩnh vực khác còn không có sự công bằng hà huống
lĩnh vực nầy - Một ai đó xen vào.
Anh Phạm Huấn chỉ còn cười trừ.
Một
xã hội văn minh, mọi người phải “sống và hành động theo pháp luật” (Hiến pháp
và những luật cụ thể hóa Hiến pháp). Để buộc mọi người sống và hành động theo
pháp luật, ngoài Tòa án, còn cần có đội ngũ luật sư để góp phần tranh biện nhằm
hạn chế đến mức thấp nhứt án oan sai.
Cũng
đường đường như ai, ở Việt Nam không
những đủ mà có thừa pháp luật, có đội ngũ luật sư hùng hậu. Theo luật sư Lê
Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Đến cuối năm 2014, tổng số luật sư của cả nước là 8.928
luật sư (Hà nội 2.379, TP HCM 3.756).
Thế tại sao, ở VN án oan sai ngày một nhiều đến thế. Theo người viết dọ: Dưới thể chế Độc tài Đảng trị, pháp luật để cai trị dân,
còn những thành viên của Đảng (đảng viên) sống ngoài vòng pháp luật, họ có luật
riêng đó là Điều lệ Đảng. Lập pháp, Hành Pháp, Tư pháp và lãnh đạo các Đoàn thể
gần như hầu hết là đảng viên, đó là những cánh tay nối dài của Đảng.Trong việc
xử án, Đảng thủ vai đạo diễn, Tòa án hay luật sư chỉ là những viễn viên phải
phục tùng tuyệt đối những gì đạo diễn hướng dẫn - ai cả gan làm trái :
“trảm”.
Không cãi được
trước Tòa, luật sư hay những “tay ngang”
ức quá ra ngoài cãi. Đứng dưới đất cãi chưa đã lên không gian mạng cãi. Đũ gan
ghi rõ chính danh, yếu gan thì ngụy danh
– thế thôi, đời mà?.
Thay
lời kết
Ông Vua có đôi tai Lừa, luôn đội nón che tai. Khi hớt tóc phải lột nón ra, còn giấu gì
được với thợ hớt tóc. Thế rồi Vua dặn thợ hớt tóc không được tiết lộ ông có đôi
tai Lừa. Không nói được sự thật,
ức quá, thơ hớt tóc đào cái hố sâu rồi xuống đó mở hết công suất “Ông Vua có đôi
tai Lừa!”. Không
ngờ trên miệng hố có người trộm nghe. Thói thường, chuyện lạ truyền theo cấp số
nhân, lộ mẹ hết ráo.
19/11/2018
T.T