19 novembre 2018

Sự thất bại của Y Tế Việt Nam


FB Võ Xuân Sơn
16-11-2018

Khoảng 10 năm trước, một bác sĩ Mỹ qua Việt nam thăm dò cơ hội làm ăn, có gặp tôi để bàn việc hợp tác. Xin nhấn mạnh, đó là một bác sĩ thực thụ, chứ không phải “bác sĩ” như mấy ông đang có cơ sở tại đây.
Vị bác sĩ đó hỏi tôi, rằng một ngày tôi khám bao nhiêu bệnh nhân, và tỉ lệ bệnh nhân mổ trong số bệnh nhân tôi khám là bao nhiêu. Tôi trả lời, rằng một ngày tôi giới hạn số lượng khám bệnh là khoảng 25 bệnh nhân, tỉ lệ bệnh nhân mổ khoảng 1/10 số khám bệnh.

  Vị bác sĩ đó nói, rằng điều đó hoàn toàn không tốt. Theo ông, tôi, một bác sĩ chuyên khoa sâu, chỉ nên khám khoảng 10 bệnh nhân mỗi ngày, và tỉ lệ bệnh nhân có chỉ định mổ (thực sự), phải khoảng 50% trở lên. Cơ sở để ông ấy có con số như vậy, là vì ông cho rằng, tôi, một bác sĩ chuyên khoa sâu, không nên khám bệnh ban đầu, mà chỉ khám bệnh nhân do các bác sĩ nơi khác chuyển đến.
Và tỉ lệ chỉ định mổ sẽ đánh giá khả năng của các bác sĩ được coi là “vệ tinh” của tôi. Ông bác sĩ ấy cho rằng, các bác sĩ gia đình sẽ là người khám và điều trị bệnh nhân ban đầu. Khi vượt quá khả năng của họ, họ sẽ quyết định gởi cho các bác sĩ chuyên khoa, nội hoặc ngoại. Tất nhiên, các bác sĩ chuyên khoa lại sàng lọc lại một lần nữa. Nếu thấy có chỉ định mổ, bác sĩ nội có thể chuyển cho bác sĩ ngoại, và ngược lại.
Cuối cùng thì ông quyết định không hợp tác với EXSON. Đến tận bây giờ ông cũng vẫn chưa đặt cơ sở tại Việt nam.
Theo tôi, thông tin mà Bộ trưởng Bộ Y tế cung cấp “Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khám 8.000 bệnh nhân/ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai đều khám 5.000 – 6.000 bệnh nhân/ngày”, thể hiện sự thất bại của y tế Việt nam. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế: “Bệnh viện trung ương bớt số lượng khám, tập trung thực hiện kỹ thuật cao, hẹn giờ bệnh nhân khám bệnh, quyết liệt cải cách hành chính”

Khi mà các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành phải bận bịu với khám bệnh chữa bệnh ban đầu, còn các bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu thì bận bịu với việc mua bán bất động sản, làm vườn, bán hàng trên mạng, và các dược tá ở các tiệm thuốc, cùng các ông lang vườn thì lại làm thay cho các bác sĩ được đào tạo hẳn hoi, thì nền y tế đó thất bại hoàn toàn.
Có ý kiến cho rằng, theo kinh tế thị trường, nếu bệnh nhân đông thì mở thêm cơ sở, thuê thêm bác sĩ, giải quyết nhu cầu. Nghe thì có vẻ hợp lí. Nhưng không. Y tế có cách vận hành riêng của nó. Thì cũng vẫn là vấn đề cung cầu muôn thuở. Nhưng nó không đơn giản như mớ rau, con cá.
Nếu chỉ giải quyết bế tắc cho một bệnh viện, thì giải pháp mở rộng cơ sở, thuê thêm bác sĩ là phù hợp. Nhưng nhìn trên bình diện của cả một nền y tế, một đất nước, thì người ta phải làm sao cân đối các nguồn lực và mang lại hiệu quả cao cho cả nền y tế. Nếu mỗi bệnh viện tự phát triển theo kiểu nước chảy đâu bịt đấy, thì vấn đề sẽ chỉ ngày càng trầm trọng mà thôi.
Những bước đi của Bộ Y tế cách đây vài năm đều rất đúng hướng, để giải quyết những tồn tại của y tế Việt nam. Đó là, đưa giá khám chữa bệnh về với giá trị thực, xóa bỏ phân tuyến, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống bác sĩ gia đình.
Tuy nhiên, song song đó, đảng và nhà nước cố gắng chứng minh sự ưu việt của chế độ, dẫn đến sự can thiệp sâu của BHYT vào chuyên môn y khoa, bất chấp tất cả các qui luật thị trường cũng như các qui định bắt buộc của chuyên môn y khoa, miễn là bảo đảm có BHYT, có chi trả.

Cùng với đó, các lợi ích nhóm đã làm biến tướng quá trình xã hội hóa. Người ta chỉ tập trung xây dựng các tập đoàn y tế mang lại lợi ích cho một nhóm người chi phối quá trình xã hội hóa y tế, nhưng đi ngược lại với xu hướng phát triển y tế cần có.
Ai sẽ được hưởng lợi khi xây thêm những Bạch Mai, Chợ rẫy, Việt Đức… bằng vốn xã hội hóa (hoặc xây bằng ngân sách, nhưng ruột là xã hội hóa), rồi người dân từ xa hàng mấy trăm cây số đùm nhúm nhau đến để khám nhức đầu sổ mũi?
Ai sẽ được hưởng lợi khi hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, được khai thác tối đa công suất để khám chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện thuộc các tập đoàn hùng mạnh, trong khi ở các địa phương, bác sĩ phải khám chay, đoán mò?

Sẽ chẳng thể nào giải quyết được nạn quá tải bệnh viện, khi mà quá tải chính là lợi nhuận, quá tải chính là nguồn sống, quá tải chính là lí do chính đáng để mở rộng xã hội hóa. Tiếc rằng, giải pháp đúng đắn của Bộ Y tế, là đưa giá trị khám chữa bệnh về giá trị thực, đã thất bại.
Cũng sẽ chẳng thể nào xây dựng được một hệ thống bác sĩ gia đình khi mà lợi ích nhóm vẫn đang chi phối việc xã hội hóa các bệnh viện công kiểu như bây giờ, và BHYT, vẫn được Đảng và Nhà nước giao cho cái quyền đứng trên ngành y.