24 novembre 2018

DỊCH VỤ BẢO KÊ


Mạnh Quân 



Vụ đường dây đánh bạc ngàn tỷ, nghĩ về chuyện "bảo kê" phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến có qui mô hàng chục ngàn tỷ đồng tuần qua đã cho thấy, tính chất của hoạt động "bảo kê" đã được nâng lên mức độ đỉnh cao, thật khó tưởng tượng.





Trong những từ Hán-Việt dễ hiểu, thông dụng nhất ở ta, có lẽ là từ "bảo kê". Trong vô vàn các hoạt động: Kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke, bán hàng quán... ai cũng hiểu, "bảo kê" là hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp cho những hoạt động ít nhiều cũng bất hợp pháp hoặc trái pháp luật.

Tất nhiên muốn bảo kê phải có thế lực nhất định. Ở cấp thấp, như những hoạt động kinh doanh nhà nghỉ trái phép, karaoke, vũ trường, cầm đồ, cho vay nặng lãi... thì "bảo kê" có khi chỉ là những người hay được gọi là thành phần "xã hội đen", sẵn sàng ra tay đâm, chém... để bảo vệ cho người thuê chúng bảo vệ cho các hoạt động kinh doanh ít nhiều có tính bất hợp pháp của mình.

Nhưng ở những hoạt động kinh doanh có qui mô, lợi nhuận cao hơn, người hay tổ chức bảo kê thường phải có thế lực lớn và không có thế lực nào lớn hơn là những người, những tổ chức có quyền lực được pháp luật công nhận.

Ở vụ đường dây đánh bạc trực tuyến có qui mô hàng chục ngàn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu mà Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xét xử, những lời khai của Phan Sào Nam, cựu Tổng giám đốc Công ty VTC Online đã cho thấy, người này đã hoàn toàn tin tưởng vào việc được Công ty CNC do Dương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị "bảo kê" cho mọi hoạt động tổ chức chơi game bài.

Và quả thật, như kết luận điều tra, cáo trạng đã ban hành, tất cả các hoạt động cấp phép, tổ chức đánh bạc, kinh doanh trái phép game Rikvip đã được VTC Online và Công ty CNC "hợp tác" trót lọt, chỉ 27 tháng vận hành đã thu được số tiền cực lớn: 10.000 tỷ đồng.

Và những kẻ phạm pháp đã chia nhau mỗi người hàng trăm, ngàn tỷ đồng, trong đó, có những phần rất to dành cho những người bảo kê ở Công ty CNC.

Một biểu hiện rõ khác của việc "bảo kê" cho đường dây này là trong quá trình vận hành game, đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra vào hoạt động này nhưng các đoàn kiểm tra đều không có kết luận xử lý. Phan Sào Nam nói trước tòa: "Nếu ngay ở giai đoạn đầu khi các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra mà có cảnh báo về việc game không được cấp phép thì sẽ không có hậu quả như vụ án hôm nay".

Nhưng đâu chỉ có vụ việc đường dây đánh bạc khủng khiếp trên, trong thời gian gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác mà trong các vụ án đó, tính chất "bảo kê" của một số cán bộ ở một số ngành, địa phương cho thấy, nếu không có những hành vi che chắn, bảo vệ của một số quan chức trong bộ máy, không thể có những cá nhân làm liều, khuynh đảo luật pháp đến như vậy.

Dễ dàng có thể kể ra các vụ như Vũ "nhôm", "Út trọc" Đinh Ngọc Hệ... nếu không có một số cán trong ngành và quan chức lãnh đạo một số địa phương thì những phạm nhân hiện đã bị Tòa án xét xử, kết tội này đã không thể nào tự tung, tự tác gây ra những vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng ở một số địa phương. Và cũng đáng mừng thay, khi mở rộng điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã công khai truy tố, xét xử, ban hành các bản án đích đáng cho nhiều cá nhân ấy.

Nhìn toàn cục, cả cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện quyết liệt đang giáng những đòn mạnh mẽ, đập tan thứ "chủ nghĩa bảo kê" đang hoành hành ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và quan trọng hơn là đánh thẳng vào những tổ chức, những kẻ "bảo kê"- đã đem quyền lực của nhà nước, của nhân dân giao cho vào việc che chắn, bảo vệ cho những kẻ tội phạm để cùng ăn chia, hưởng lợi phi pháp.

Mong rằng, sự quyết liệt ấy còn kéo dài và triển khai sâu rộng, quét sạch nạn "bảo kê" vốn tưởng như căn bệnh đã ăn quá sâu ở trong nhiều ngành, lĩnh vực lâu nay.

Mạnh Quân
Nguồn Dantri