19 novembre 2018

Tận cùng của khốn khổ: Người dân phải tưới xăng lên người để kêu oan tại trụ sở Thanh tra Chính phủ!


Bức xúc vì Thủ tướng 5 lần chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ 6 lần ra văn bản yêu cầu phải giải quyết nhưng không có kết quả, chiều nay bà Lê Thị Hồng Phượng đã đến trụ sở Thanh tra Chính phủ phía Nam (Cục III) và tưới xăng lên người đòi tự thiêu.

Tưới xăng giữa trụ sở Thanh tra

Chiều 12/11/2018, ông Nguyễn Hồng Điệp -Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương cho biết: “Chỉ trong vài ngày đã có hai phụ nữ khi đi khiếu nại tự tưới xăng lên người đòi tự thiêu. Trường hợp thứ nhất là một người không biết chữ sống ở Trà Vinh, ra tận Hà Nội khiếu nại. Bà đổ xăng lên người và được ngăn chặn kịp thời nên chưa thể bật lửa.
Trường hợp thứ hai vừa diễn ra chiều nay, là bà Lê Thị Hồng Phượng. Bà Phượng mang theo hai chai xăng, vừa đổ hết chai đầu tiên lên người thì được ngăn lại. Bà Phượng chính là người đi khiếu nại đòi đất suốt 40 năm nay mà Làng Mới đã có nhiều bài phản ánh. Vụ việc của bà Phượng được Chính phủ đặc biệt quan tâm khi đã có 5 lần chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng, 6 lần Văn phòng Chính phủ ra văn bản yêu cầu giải quyết”.
Lần gần đây nhất, ngày 29/10, Thanh tra Chính phủ nhận được văn bản 10476/VPCP-V.I do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng ký đôn đốc việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng. Văn bản nêu: “Về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng liên quan đến quyền sử dụng đất tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM , Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5892NPCP-V.I ngày 7/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, nhưng đến nay Thanh tra Chính phủ chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại văn bản trên, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng phải báo cáo trước ngày 1/9/2017, ông Đặng Công Huẩn -Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chờ đến 4 tháng sau, khi thời hạn phải báo cáo đã hết từ lâu mới chịu ký Quyết định 2498/QĐ-TTCP thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường và Thanh tra TP.HCM, thời hạn kiểm tra là 15 ngày.
Sau quyết định của ông Huẩn, Thanh tra Chính phủ phía Nam đã vào cuộc ngay để làm rõ. Thực tế thì liên quan đến vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã có một báo cáo vào năm 2009 gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ các sai phạm của cán bộ xung quanh việc chiếm đất dân (từ 2009 trở về trước). Lần thanh tra này chẳng qua chỉ là làm rõ thêm các sai phạm từ 2009 trở về sau. Do đó, Đoàn thanh tra đã làm rất khách quan và nhanh chóng. Đoàn đã tiếp xúc với vợ chồng bà Phượng nhiều lần và làm rõ rất nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, chuyện đơn giản nhất để giải quyết là phải có chữ ký của ông Huẩn để gửi báo cáo cho Thủ tướng thì ông Huẩn… chưa ký. Khiếu nại nhiều lần ông Huẩn vẫn không ký nên vợ chồng bà Phượng đòi tự sát làm áp lực (việc bà Phượng đòi tự sát có văn bản báo cáo Thủ tướng vào năm 2017).
Tháng 4/2018, chồng bà Phượng qua đời trong đói nghèo. Bà Phượng khiếu nại liên tục nhưng hết Thanh tra Chính phủ phía Nam đến Ban Tiếp Công dân Trung ương ở Hà Nội cũng chỉ hứa mà không có cách nào để làm cho ông Huẩn ký.
Ngày 29/10, bà Phượng lại ra Hà Nội đòi gặp bằng được ông Huẩn nhưng chỉ được gặp bảo vệ ngoài cánh cổng. May mắn cho bà khi Văn phòng Chính phủ nắm được vụ việc, và ngay trong ngày 29/10 đã ra văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải báo cáo theo quy chế làm việc của Chính phủ.

Người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất nghẹn ngào nhắc lại những nỗi cay đắng, tủi nhục mà gia đình bà đã phải trải qua.
Sai phạm đã rõ

Theo hồ sơ, Cục III Thanh tra Chính phủ (phụ trách phía Nam) đã kết thúc thanh tra và có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại địa phương. Đồng thời, do bà Phượng khiếu nại nhiều lần nên Ban Tiếp Công dân Trung ương cũng đã có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trong các báo cáo, đáng chú ý là việc bà Phượng có hành động tự đâm mình và tự thiêu. Các sai phạm của TP.HCM không phải đến bây giờ Thanh tra Chính phủ mới phát hiện, mà thực tế đã có một báo cáo khá chi tiết, rõ ràng từ năm 2009 do Phó Tổng thanh tra ký. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM chưa có bất kỳ động thái nào sửa sai mà lại còn tiếp diễn những cái sai khác.
Như Làng Mới đã thông tin, bà Nguyễn Thị Đê (mẹ bà Lê Thị Hồng Phượng) có chồng là ông Hà Văn Tài, tham gia kháng chiến ở Cái Bè, Tiền Giang. Ông Tài bị mất tích trong kháng chiến. Do chồng mất sớm nên gia đình bà Đê bán hết gia sản về Sài Gòn sinh sống. Bà Đê mua 16.000m2 đất mặt tiền đường Kinh Dương Vương ở Bình Chánh (nay là Q.Bình Tân) để xây thương xá.
Sau năm 1975, chính quyền địa phương không hề ra quyết định quản lý đất gia đình bà Đê mà tự ý chia cho ông Nguyễn Văn Nhờ (lãnh đạo Công an H.Bình Chánh -về sau làm Viện trưởng Viện KSND Bình Chánh) và Bến xe Miền Tây (Mitaco) sử dụng.
Theo hồ sơ, số đất mà ông Nhờ được cấp và tự chiếm tương đương 60 – 80 nền nhà. Riêng đất mặt tiền, theo cung cấp của UBND P.An Lạc A, ông Nhờ và các con được sở hữu toàn bộ nhà từ số 466 đến hết số 500 đường Kinh Dương Vương (18 căn); và từ số 6 đến số 16 đường Tên Lửa (6 căn). Do đất ở đã có quá nhiều nên toàn bộ nhà mặt tiền ông Nhờ và các con cho thuê thu nhiều tỷ đồng/năm.
Cho đến nay, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tư pháp đã phát hiện hàng loạt sai phạm xung quanh việc chiếm đất của gia đình bà Phượng. Thực hiện văn bản đôn đốc của Văn phòng Chính phủ, ngày 7/11 ông Đặng Công Huẩn đã tổ chức cuộc họp với nhiều Bộ, ngành để giải quyết. Tuy nhiên, sau cuộc hợp, vẫn chưa có báo cáo gửi Thủ tướng.
Vì sao một vụ việc đơn giản, các sai phạm của địa phương cũng như của cán bộ Nguyễn Văn Nhờ đều được báo cáo quá rõ ràng mà đến nay ông Đặng Công Huẩn vẫn không ký báo cáo, đến mức Văn phòng Chính phủ phải ban hành văn bản nhắc nhở.

Theo Chính trị VN