26 novembre 2018

Chống tham nhũng – “lực bất tòng tâm”


Thiện Tùng


Dầu ông Trọng thực sự chống tham nhũng hay mượn danh nghĩa chống tham nhũng để loại trừ phe phái đối lập đi chăng nữa thì, đàng nào, Ông cũng rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”.
Chiều 23/10, sau khi biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước, các

 đại biểu Quốc hội đã chứng kiến tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.


Tương quan lực lượng 

Lực lượng chống tham nhũng mỏng hơn lực lượng tham nhũng: Dầu “Tổng Chủ” (1) dẫn đầu lực lượng chống tham nhũng, nhưng số lượng xem mòi hẻo lắm. Đáng nói hơn, liệu trong số họ có bao người tay đã nhúm chàm mà chưa chưa bị lộ?  Đối lại, nạn tham nhũng trong Đảng CSVN (Đảng) đã lan tràn, hình thành những băng nhóm cánh hẩu. Cầm đầu băng nhóm tham nhũng là những quan chức cấp cao đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu. Nếu kiểm/thanh tra đến nơi đến chốn thì, giới cầm quyền trong  hệ thống chính trị từ cấp Trung ương cho đến địa phương, phải đốt đuốc mới may ra tìm được người trong sạch. Chính vì vậy, Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Chủ đang lâm vào cảnh “bằng lòng thì ít, bằng mặt thì nhiều” -  bằng lòng là tự sát, họ đâu có dại. Vì thế, lực tấn công vào tham nhũng không đủ mạnh, khó đạt  kết quả như mong muốn?  

Lực bất tòng tâm

-  Tham nhũng lan tràn như thế , càng chống càng thêm thù bớt bạn. Người cầm đầu chống tham nhũng trở thành địch thủ số 1 của bọn tham nhũng. Bạo mồm như Nguyễn Bá Thanh: “Gặp hốt liền không nói nhiều”. Chưa hốt được chúng, chúng hốt Ông gởi về cho Diêm Chúa.

 -  “Mi không đánh ta ta không đánh mi”, đó là luật chơi của bọn tham nhũng giang hồ. Họ cắt máu uống thề che chắn cho nhau để cùng tồn tại. Nhiều vụ án vừa khui ra bị tịt ngòi bởi có những “Lê Lai liều mình cứu Chúa”. Tính ra, cho đến giờ nầy, chỉ mới có một vụ đâm lao theo lao” đối với ngành Công an, thằng nhỏ khai cho thằng lớn, thằng lớn khai cho thằng lớn hơn, khi vào tận hang thì con “Cọp Chúa” đã từ trần.

- Thử hỏi, ông Trọng moi đâu ra người không tham nhũng để chống bọn tham nhũng. “Vừa ăn cướp vừa la làng” không còn là hiện tượng. Thằng ăn cướp mà đi xét xử thằng ăn trộm, thật buồn cười – xem diễn hài hoài cũng chán?

 -  “Tổng Chủ Bình” bên Trung Quốc, mới 65 tuổi đời, đường quan lộ của ông ta còn dài, còn ông “Tổng Chủ Trọng” tuổi đời đã 74, tóc không còn sợi đen, mắt nhướng muốn hết lên, nói đôi khi như hụt hơi, cố lắm hết nhiệm kỳ nầy (2021) cũng phải “de”. Gẫm lại xem, đối với tham nhũng, suốt thời gian dài, ông mòn hơi mõi sức cố đẩy mà nó không lùi, cố chặn mà nó không đứng, cứ rấn tới;  với thời gian ngắn ngủi còn lại liệu Ông làm được gì hơn? Chắc rồi đây Ông cũng làm theo Ông Phiêu, ông Mạnh “hết xôi rồi việc” về thủ phủ “vui thú điền viên”, an hưởng thân già. Nếu người thay Ông không “cứng cựa” như Ông thì lũ tham nhũng sẽ lợi d…, chúng chống tham nhũng theo kiểu cà lăm “chống chống tham nhũng” -  chống người chống tham nhũng thì sao? - Chỉ có chết thôi Lượm ơi!.

-  Tham nhũng trong Đảng như căn bịnh ung thư:  giai đoạn 1 còn có thể cứu chữa, giai đoạn 2 sống tính theo năm tháng, giai đoạn 3 sống tính theo tháng ngày. Tham nhũng trong Đảng hiện nay ước tính nằm ở giữa giai đoan 2 của bịnh ung thư, đã di căn vào lục phủ ngũ tạng. Giải phẫu càng mau chết, không giải phẫu có khi còn kéo dài thời gian hơn.

-   Tham nhũng bắt đầu lộ diện lan tràn trên cả nước, làm cho Đảng gần như mất hết uy tín.  Qua tiếp xúc  đảng viên thường hay đảng viên hưu trí, họ an phận thủ thường, ai nói gì cũng mặc kệ. Dầu có muốn, họ cũng không dám công khai nói tốt cho Đảng. 


Trong việc chống tham nhũng hiện nay, người ta có cảm nhận ông Trọng đang lâm vào cảnh “tấn thối lưỡng nan”. Nếu thối thì  đâu còn uy tín đối với dân, còn tấn thì khác chi nhảy vào lữa. Nếu chống tham nhũng triệt để  thì còn gì Đảng, lấy ai lãnh đạo, nếu không chống thì dân chúng nổi loạn. Vô hình trung “chống cũng chết, không chống cũng chết” (tới số). Không còn cách nào khác, chống “nửa vời” để xoa dịu lòng dân, cầm cự được ngày nào hay ngày ấy - vừa chống vừa run.

26/11/2018

     T.T



Chú thích

(1)Tổng Bí  thư Đảng và Chủ tịch Nước chỉ là một người. Nếu viết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước người ta sẽ hiểu là 2 người. Để cho gọn ghép 2 chức danh thành đôi từ “Tổng Chủ”. Để phân biệt gọi “Tổng Chủ Trọng”, “Tổng Chủ Bình” chẳng hạn.