23 novembre 2018

Chuyện “tình” của trí thức với Đảng.


( Suy nghĩ thêm từ vụ Chu Hảo mới đây và một chuyện bỏ Đảng và Đảng bỏ 30 năm trước.)


Tiêu Dao Bảo Cự



Mới đây, sau vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kết luận và đề nghị xử lý kỷ luật GS Chu Hảo, một số nhân vật là trí thức, văn nghệ sĩ  tiếng tăm như nhà văn Nguyên Ngọc, TS Mạc Văn Trang, nghệ sĩ Kim Chi… đã tuyên bố từ bỏ đảng, kể cả chính GS Chu Hảo. Việc này làm tôi nhớ lại một vụ bỏ Đảng và Đảng bỏ 30 năm trước mà tôi là người trong cuộc.


Cuối năm 1988, sau khi Hội Văn nghệ Lâm Đồng xuất bản 3 số tạp chí Langbian, tạp chí bị đình bản. Ban Thường trực của Hội gồm anh Bùi Minh Quốc và tôi đã tổ chức một chuyến đi xuyên Việt vận động các Hội bạn và anh em trí thức, văn nghệ sĩ lên tiếng đòi tự do sáng tác, xuất bản, báo chí và ủng hộ đổi mới. Chuyến đi đã gây tiếng vang trong giới văn nghệ sĩ, trí thức liên quan đến lãnh vực này và các cơ quan Đảng, Nhà nước về văn hóa, tư tưởng. Sau chuyến đi, chúng tôi bị kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Cơ quan Hội Văn nghệ lúc đó chỉ có 3 đảng viên gồm anh Quốc, tôi và một ông Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều qua, hình thành một chi bộ, gọi là để lãnh đạo Hội Văn nghệ. Vì có 2 đảng viên sai phạm (mà chúng tôi không công nhận), chi bộ không thể quyết định kỷ luật được, nên đã đưa lên cấp trên là Đảng ủy Dân Chính Đảng để xét xử và thi hành kỷ luật. Đây là một tiền lệ chưa từng có trong Đảng do tình thế của chúng tôi tạo nên. Sau 6 tháng đấu tranh gay gắt, chúng tôi bị khai trừ Đảng và cách chức trong Hội Văn nghệ, riêng tôi còn bị trục xuất ra khỏi cơ quan Hội. Lúc đó anh Quốc đã có 22 và tôi 15 tuổi Đảng.

Chúng tôi là những người đã gia nhập Đảng trong thời kỳ chiến tranh (Quốc ở miền Bắc và tôi ở Miền Nam). Thuở đó, chúng tôi, và rất nhiều người khác, vào Đảng chỉ để chiến đấu cho hòa bình, thống nhất, độc lập tự do cho đất nước chứ không vì mục đích nào khác. Bây giờ đã có độc lập, thống nhất nhưng dân chủ tự do, công bằng xã hội, hạnh phúc của nhân dân ngày càng thu hẹp và xuống dốc. Bộ máy Đảng ngày càng suy thoái, xa rời lý tưởng ban đầu.

Trong chuyến đi xuyên Việt nói trên, ở nhiều nơi, Bùi Minh Quốc đọc những bài thơ chính luận mới nhất của mình:



Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi những thằng đểu còn trong Đảng

 …


Ta đau sự nghiệp này
hơn hết mọi niềm đau
Thưa mẹ
Đau cùng cực
như đất trời vò xé
Như thuở nào quằn quại mẹ sinh con
Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom
Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng
Con xin nói
với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản

Mẹ chẳng phải đảng viên
Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng máu ứa
Chính mẹ chứ không ai - mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.

(Những ngày thường đã cháy lên)


Cũng trong chuyến đi này, tôi viết bút ký thơ “Mở cuộc giao tranh”, trước khi viết bút ký văn xuôi “Hành trình cuối đông” sau này:

Lẽ nào ta hiến mình đổ máu bao năm

Cho một lũ cường quyền ngồi chễm chệ

Lẽ nào ta cúi đầu khuất phục

Uốn mình ca ngợi lũ lưu manh

Lẽ nào ta chỉ biết nhỏ máu trong thơ

Khi tiếng cười ma sặc mùi hoan lạc


Chân lý Đảng chói ngời sự thật

Mắt nhân dân xuyên thấu lũ gian tà

Ai cộng sản và ai giả danh cộng sản

Phân tuyến ra và mở cuộc giao tranh.



Khi  Bùi Minh Quốc viết “Con xin nói / với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản” hay tôi viết “Chân lý Đảng chói ngời sự thật” (mà sau này tôi sửa lại là “Chân lý chói ngời sự thật”),   trong lòng chúng tôi có một đảng khác, thực ra là một lý tưởng, lý tưởng cộng sản trong ý nghĩa đẹp nhất: phản kháng trước những bất công áp bức. Lý tưởng này không trùng khớp với thực tế sau này của Đảng Cộng sản. Đảng CS đã từng đưa ra nhưng càng về sau càng phản bội lại lý tưởng này.

Trong chuyến đi, trên đường từ Hà Nội trở về, tôi đã viết một bản dự thảo tuyên bố từ bỏ đảng, đề nghị anh Quốc và tôi cùng ký. Anh Quốc không đồng ý. Lý lẽ của anh: Chúng ta nên ở trong Đảng để chiến đấu. Giả dụ có bị khai trừ, việc khiếu nại cũng là một cách đấu tranh để liên kết với những người còn tốt trong Đảng. Theo điều lệ Đảng, việc khiếu nại sẽ lên đến Ban Kiểm tra Trung Ương và ra tới Đại hội Đảng. Đó là một quá trình dài để đấu tranh.

Mặc dù rất muốn tuyên bố ra khỏi đảng, tôi không thể làm một mình, vì trong hoàn cảnh lúc đó, anh Quốc và tôi đang cùng một cuộc chiến đấu, cùng chung số phận, không tiện tách ra, nên tôi nghe theo anh.

Thực tế sau 6 tháng kiểm điểm và đấu tranh trong nội bộ Đảng bộ Tỉnh Lâm đồng, chúng tôi bị khai trừ. Anh Quốc tiếp tục việc của mình và cuộc đấu tranh của anh đã gây tiếng vang, được sự ủng hộ của một số người tốt trong Đảng như anh đã viết trong bài “Ba mươi năm giấc mơ Việt”. Riêng tôi, không lâu sau tôi không còn quan tâm nữa vì đã đi đến dứt khoát, đoạn tuyệt.

Việc vào Đảng đối với chúng tôi, và có thể cùng với một số người cùng hoàn cảnh, có ý nghĩa đặc biệt. Đó là sự gặp gỡ và gắn bó với những người đồng chí hướng trong cuộc chiến đấu có tính cách sinh tử vì một lý tưởng trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Điều này rất khác với việc vào Đảng ở thời bình hay ở các nước có tự do dân chủ.

Sau này khi xuất bản cuốn “Nửa đời nhìn lại” (NXB Thế Kỷ, Hoa Kỳ, 1994), một số nhà văn hải ngoại đã có nhận xét về chuyện này:

Nửa đời nhìn lại, hắn chỉ thấy toàn những chuyện không đâu vào đâu, nhưng bi đát, cho chính bản thân hắn và cho đất nước hắn. Tại sao? Có lẽ câu trả lời nằm ngay ở đầu cuốn sách qua lời của bí thư: “Nếu đồng chí hết lòng với đảng…” Tại sao lại có chuyện “hết lòng với đảng”? Đảng Cộng Sản, hay đảng Tự Do, hay đảng gì gì đi nữa thì cùng lắm cũng chỉ là một công cụ để thực hiện một lý tưởng. Dụng cụ đã hư hỏng thì vứt bỏ, tại sao lại phải hết lòng với dụng cụ? Cái nhảm là ở chỗ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với đảng. Và đó là cội nguồn của mọi nhảm nhí bắt buộc sau đó.

Phù Du (Thông Luận 5/1994)



Nhận xét này chỉ đúng một phần. Đảng đối với chúng tôi không đơn thuần chỉ là một công cụ. Người khác lý giải vấn đề một cách “cận nhân tình” hơn:

Trong cuốn Paroles d’homme, ông Garaudy kể lại cái đêm cuối cùng của ông với đảng cộng sản Pháp. Trí thức cấp bự của đảng, ông đã công khai phê bình đường lối của đảng. Hậu quả tất yếu là kỷ luật và khai trừ. Nhưng hồi đó cũng đã có “đổi mới”: ông được phép phát biểu trước hội nghị đảng. Ông đọc bài diễn văn dài của ông trong một bầu khí lạnh ngắt im lặng. Diễn văn ông chấm dứt: không một lời phản đối, không một cử chỉ tán đồng, không một cái nhìn. Ông đi ra khỏi phòng hội nghị. Cô độc. Lần đầu tiên trong đời, ông nghĩ đến tự vẫn.

Rồi không hiểu do một thứ linh cảm nào, ông lái xe như trong cơn mê. Chiếc xe đưa ông tới căn phòng người vợ cũ đã ly dị từ nhiều năm. Đêm khuya. Ông gõ cửa. Cửa mở. Bàn đã sắp. Mâm đã đặt. Cơm đã dọn sẵn cho hai người. Người tình cũ biết ông sẽ tới đêm nay.

Đối với một số đảng viên đảng cộng sản, chuyện đảng là chuyện tình và chuyện thất tình. Trong Nửa Đời Nhìn Lại, Bảo Cự viết Tâm trạng của anh phải chăng là tâm trạng của một kẻ có người tình phản bội?”. Đó là tâm trạng của Hoài khi nghĩ tới chuyện bỏ đảng. Sau khi bị khai trừ, Hoài–Bảo Cự thú nhận: “Minh Hương và tôi đã lường trước mọi điều, lý giải chúng đến tận cùng, kể cả tình huống bị khai trừ đảng. Nhưng điều gì đó khác thường vẫn xảy ra trong lòng Minh Hương và tôi […] Một chút nao lòng. Một cơn đau nhẹ. Thấm dần, thấm dần. Len giữa những lý luận. Len giữa những cuộc gặp gỡ bạn bè…” ( tr 287). “Len giữa những lý luận!” Hiểu rồi. Người ta tống ra khỏi đảng mà còn thế, huống chi trước kia! Trước kia rõ ràng là “len át những lý luận”. Le coeur a ses raisons. Ôi cái lý của tình, khéo là trói buộc cái lý của lý. Muốn thông cảm với những người như Hoài nên nghĩ tới cái gì “ xảy ra trong lòng” trước khi “lý giải” cái gì diễn ra trong đầu. Mây Đầu Non nói đúng: Hoài là anh “cộng sản dỏm”. Vợ Hoài cay chua: “ Em không có lý luận bằng anh nhưng rồi anh sẽ sáng mắt ra”. Thâm lắm nàng Vy. Hoài sẽ sáng mắt ra khi nào anh bớt lý luận để biện hộ cho đảng như một kẻ si tình. Tốt nhất là anh đừng lý luận, lý giải, chỉ mở to đôi mắt nhìn vào thực tại sẽ thấy ngay cái đảng anh quý mến là một ảo tưởng hoàn toàn xa lạ và trái ngược với cái đảng có thực. Anh sẽ nhận ra ngay rằng mối tình giữa anh và đảng cộng sản là một sự lầm lẫn thảm hại: anh đã yêu thương một guồng máy vô nhân đạo, anh đã khoác vào cỗ máy đảng tất cả lý tưởng trong sáng và mãnh liệt của đời mình để rồi anh tôn vinh nó và để nó nghiền nát anh. Anh phải mất đảng để mất hết: mất hết ảo tưởng và lấy lại được lý tưởng, tìm lại được chính mình…

“Hoài đặt cây đàn  xuống, nhìn qua cửa kính, cơn mưa đang ào ạt bên ngoài:

- Thế mà có lúc, hồi mới giải phóng, khi làm công tác đoàn, nói chuyện với thanh niên, anh đã phê phán những bài hát này và cả những người hát nó[…]. Anh đã cuồng tín và cực đoan khi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, ngược lại, anh cảm thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những bản tình ca, những lời yêu thương, những nỗi muộn phiền riêng tư vẫn mãi mãi bất tử vì đó chính là con người. Con người cao hơn và trường cửu hơn chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ chủ nghĩa nào”

Đỗ Mạnh Tri (Thông Luận tháng 7-8/1984)


Nếu thừa nhận có một thứ lý tưởng gọi là “lý tưởng cộng sản” và có những người gọi là “cộng sản chân chính”, khác với các đảng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản ở những nước độc tài toàn trị mà lịch sử đã chứng minh là tội ác của nhân loại, đáng vứt vào sọt rác lịch sử, thì cách nhìn nhận vấn đề vào đảng, bỏ đảng sẽ đầy đủ, sâu sắc hơn và có thể mở ra một hướng đi. Khái niệm này có lẽ sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi và ý kiến nghịch chiều.

Đảng CSVN hôm nay rõ ràng không còn gì chung cùng với những người cộng sản chân chính như thế cả. Nếu không có sự phân ly, tất cả lý do đều không còn chính đáng hay được biện minh.

Dù thế nào, cho đến tận hôm nay, tôi vẫn còn bị lôi cuốn bởi lời bài Quốc tế ca:

“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian.

Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”

Bao nhiêu người trên trái đất này còn bị đọa đày. Ở Việt Nam, người dân bị bóc lột, cướp đoạt đến cùng quẫn không những chỉ bởi bộ máy cường quyền và các nhóm lợi ích trong giai cấp thống trị mới mà còn bởi không ít các doanh nghiệp tư bản ngoại quốc chỉ vì lợi nhuận.

Tuy nhiên tôi không đồng ý với câu “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình” hẹp hòi ích kỷ và càng không đồng ý “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc khi còn loài người, còn bất công áp bức nhưng nên là cuộc đấu tranh không đổ máu và hận thù chứ không phải bằng chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng đầy máu và nước mắt như các Đảng Cộng sản đã tiến hành nhưng không bao giờ thực hiện được lý tưởng cộng sản.

(20/11/2018)