16 novembre 2018

TS Lê Đăng Doanh: «Vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục nhanh hay chậm phụ thuộc phong bì nhẹ hay nặng»

LĐO 


TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ nhiều nhận định khi nói về hiệu quả của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh tại Hội thảo "Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị" diễn ra hôm nay tại Hà Nội.
TS Lê Đăng Doanh


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại kỳ họp Quốc hội mới đây đã phát biểu rằng: "Theo Luật Đầu tư, có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện rà soát có 6.191 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Như vậy, có thể nói, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn khi gia nhập thị trường do rào cản từ giấy phép «con», giấy phép «cháu», có khi đến cả «chắt» mang lại."
Trao đổi với Lao Động tại Hội thảo "Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị", ngày 14.11, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng ông hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
TS.Nguyễn Đình Cung -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Đồng thời, TS. Cung cũng nói thêm, cần phải luôn luôn nỗ lực cải cách và sự cải cách phải liên tục, nhất quán. Các Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì vậy việc thay đổi cắt giảm ĐKKD phải rà soát, nghe ngóng tình hình, mong mỏi của doanh nghiệp (DN).
"Giấy phép «con», giấy phép «cháu», giấy phép «chắt» không chỉ cản trở hàng hóa ra thị trường mà nó còn có thể khiến thị trường méo mó hơn, từ đó sai lệch phân bố nguồn lực, giảm hiệu quả nguồn lực, làm gia tăng sự cản trở gia nhập thị trường" - ông nói.

Cũng trong Hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cắt giảm ĐKKD hoàn toàn phù hợp với nghị định 139 mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký ngày 9.11, nghị quyết về việc cắt giảm các chi phí điều kiện kinh doanh.
"Nếu chúng ta nhìn vào các báo cáo về môi trường kinh doanh, thì tôi nghĩ điều này thật sự lo ngại, bởi vì số DN mới đăng ký tăng lên 2,8%, nhưng số DN đóng cửa đã tăng lên 47%.
Nếu trừ số doanh nghiệp đóng cửa khỏi số DN mới đăng ký thì số DN đang hoạt động tăng lên rất thấp, mục tiêu của DN hoạt động có lẽ rất khó, việc các DN đóng cửa như vậy chứng tỏ môi trường kinh doanh vẫn đang có vấn đề."

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương.


Ông giải thích, Việt Nam đang hội nhập rất sâu, thị trường trong nước không còn là thị trường riêng DN Việt Nam, mà là thị trường của các nước cộng đồng kinh tế ASEAN và sắp tới đây, từ 31.12 là cộng đồng CPTPP.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0 có một cách gọi khác là nền kinh tế tự do, mà ở Mỹ, khoảng 34,5% số người lao động làm theo mô hình đó, tức là họ ở nhà, làm việc qua công nghệ thông tin, họ giải quyết phần mềm, số liệu, cùng lúc làm được rất nhiều việc. Từ đó, DN sẽ tiết kiệm được chi phí, không cần phải xây thêm trụ sở hay thuê văn phòng.
Ông Doanh cũng nhận định:
«Nhiều khi chỉ sai một dấu phẩy đủ khiến DN mất đi chi phí, cơ hội kinh doanh, kéo giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Có DN nói với tôi, trước kia chỉ phải chi phong bì 200.000-500.000 đồng để hoàn thiện một thủ tục. Nhưng giờ phải trên 500.000 đồng mới xong. Và còn cả tình trạng phong bì «nhẹ» thì 3 tháng nữa, phong bì «nặng» thì chiều nay đến lấy...».


Đỗ Phương