máy bay ném bom H-6K |
(PL)- Việc Trung Quốc đang đối diện với nhiều
khó khăn và mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh bị vạch trần tạo thời cơ vàng cho
các nước ở Biển Đông.
Biển Đông trong những ngày qua tiếp tục nóng lên
khi Mỹ, Trung
Quốc (TQ) liên tục có những hành động đối đầu. Hai cường quốc đều điều hải
quân đến, tập trận, đồng thời liên tục chỉ trích nhau gây rối ở Biển Đông.
Trong khi đó, các nước ASEAN lần lượt phản đối cách hành
xử bắt nạt,
đe dọa của TQ ở khu vực thông qua đường ngoại giao, mặt khác đệ trình công hàm
lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách của Bắc Kinh.
Biển Đông nóng và nhộn nhịp
Có thể thấy chưa thời điểm nào vấn đề Biển Đông
thu hút đông đảo sự tham gia của các bên như thời điểm hiện tại. Ngoài Mỹ, TQ,
ASEAN thì nay có Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và một số nước châu Âu tham gia.
Trên thực địa, những quốc gia này hoặc cùng Mỹ
tập trận ở Biển Đông hoặc gần khu vực Biển Đông. Gần nhất (từ ngày 19 đến
21-7), nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cùng một số tàu chiến của Nhật
Bản và Úc đã tiến hành diễn tập chung tại vùng biển Philippines, gần Biển Đông.
Theo truyền thông quốc tế, động thái này nhằm thể hiện cam kết của ba quốc gia
này trong việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi
mở.
Phía Mỹ cũng tăng cường bán và viện trợ vũ khí;
hỗ trợ tăng cường năng lực cảnh sát biển và hải quân một số quốc gia ASEAN. Qua
đó, Washington mong muốn gia tăng kết nối và niềm tin với khu vực; củng cố cam
kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và tự do trước sức ép rất
rõ ràng từ TQ.
Trên mặt trận pháp lý, “cuộc chiến công hàm” đang
diễn ra sôi động. Gần nhất, hôm 29-7, phái đoàn thường trực của Malaysia tại
LHQ gửi công hàm để phản đối nội dung công hàm CML/14/2019 của TQ, qua đó khẳng
định yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là
Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trước đó, các nước ASEAN khác, bao gồm
Philippines, Việt Nam, Indonesia cũng liên tục gửi các công hàm lên LHQ phản
đối các yêu sách phi pháp của TQ, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ UNCLOS và các cam
kết trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn
pháp luật. Thậm chí, quốc gia bị đánh giá là hiếm khi phát biểu như Brunei cũng
đã lên tiếng ủng hộ UNCLOS và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Một diễn biến khác cũng rất quan trọng chính là
Mỹ gần đây đã tỏ ra quyết liệt hơn với TQ khi: (i) Gửi công thư lên LHQ phản
đối các yêu sách của TQ; (ii) Tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách của TQ ở
Biển Đông; (iii) Ủng hộ các phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 vụ Philippines
kiện TQ. Những động thái này thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hôm 23-7,
Úc gửi công hàm lên LHQ phản đối các yêu sách của TQ, ủng hộ tòa 2016, bày tỏ
(dù không trực tiếp) sự đồng thuận với lập trường trong công hàm của các
nước ASEAN.
Trung Quốc đã cử các máy bay ném bom tập trận ở Biển Đông sau khi nhóm tàu Mỹ tập trận tại đây vào đầu tháng 7 . Ảnh: REUTERS |
Trung Quốc bị bủa vây nhiều mặt trận
Biển Đông không phải là “chuyện riêng” của Mỹ và
TQ, vậy nên các nước ASEAN phải hết sức chủ động. Phải khẳng định Mỹ can dự
Biển Đông, dù trực tiếp giúp các nước ASEAN hay tự tăng cường hiện diện thì
Washington luôn kỳ vọng đảm bảo lợi ích của họ tại đây. Vậy nên, phối hợp nhịp
nhàng với Mỹ để cả ASEAN lẫn Mỹ đều có lợi chính là mục tiêu chung ở Biển Đông.
Xét về mặt ngoại giao, ASEAN đang được Mỹ và các
nước đồng minh, đối tác lớn của Mỹ như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, khối EU ủng hộ. Tất
cả đều có điểm chung là bác bỏ yêu sách của TQ, ủng hộ phán quyết của tòa và
dựa vào UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Sau Mỹ, Úc, rất có khả năng nhiều quốc
gia khác, điển hình là Nhật Bản, EU cũng có công hàm phản đối yêu
sách TQ.
Xét về mặt an ninh, không chỉ Mỹ mà các nước lân
cận như Nhật Bản, Ấn Độ hay xa hơn là EU cũng ngày càng cảm nhận rủi ro từ sự
trỗi dậy của TQ. Đó không chỉ là sự “lấn sân” của TQ ra các chuỗi đảo (từ Đài
Loan, Nhật Bản, Indonesia đến các vùng biển của Ấn Độ), mà còn là tham vọng
“Made in China 2025” với những tập đoàn chủ chốt gây tranh cãi như Huawei.
Trung Quốc tiếp tục
leo thang
Một số máy bay ném bom Trung Quốc, trong đó có
hai máy bay ném bom H-6G và H-6J của quân đội nước này, đã tiến hành tập trận
trên Biển Đông. Trước đó không lâu, phía Mỹ cũng tiến hành tập trận tại vùng
biển nhộn nhịp này. Những động thái quân sự của Mỹ và Trung Quốc diễn ra
trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn tiếp tục điều các tàu thăm dò tiếp cận gần các
vùng đặc quyền kinh tế của một số nước ở Biển Đông, tạo sức ép lên các hoạt
động kinh tế khu vực.
|
Những toan tính này của TQ đang gặp trở ngại bởi
cuộc chiến thương mại và đối đầu Biển Đông với Mỹ. Kéo theo đó là sự tham gia
của nhiều quốc gia đồng minh Mỹ vào xu hướng “bài Trung” ở LHQ, tẩy chay công
nghệ 5G của TQ.
Đã có ý kiến cho rằng cuộc đối đầu Mỹ - TQ là
không thể tránh khỏi, bất kể Tổng thống Mỹ Donald Trump có tiếp tục thắng cử
hay không. Việc Mỹ liên tục tấn công TQ thời gian gần đây, dù phục vụ cho chiến
dịch tranh cử của ông Trump hay mục tiêu quyết hạ bệ TQ của phe diều hâu TQ ở
Mỹ thì đều khiến TQ gặp khó khăn. Mặt khác, dịch COVID-19 và đường lối “ngoại
giao y tế”, “ngoại giao chiến lang” của TQ thực tế đang gây tổn thương cho Bắc
Kinh hơn là tạo đà cho TQ xây dựng lại trật tự thế giới hậu COVID-19.
Tổn thương lớn nhất của TQ chính là uy tín của
nước này đang tỉ lệ nghịch với sự hoài nghi của các quốc gia khác, nhất là các
nước tầm trung và nước lớn. Điều đó khiến cộng đồng quốc tế dường như đang “xét
lại” sự trỗi dậy của TQ: Chính sách hướng biển, Một vành đai - Một con đường
hay chính sách xuất khẩu. Hệ quả là phản ứng của cộng đồng quốc tế cho thấy
rằng: Hoặc là các nước chọn Mỹ, hoặc là chọn khối không liên kết (nhưng lấy
luật pháp quốc tế làm kim chỉ nam), hoặc im lặng thay vì công khai đứng về phía
TQ.
Ở Biển Đông, các diễn biến trên dự báo TQ sẽ sớm
gặp phải những làn sóng phản đối tập thể. Trong đó, ASEAN sẽ là trọng tâm để
điều phối quan hệ giữa một bên là Mỹ với đồng minh, bên còn lại chỉ là một mình
TQ. Điều đó đồng nghĩa vai trò ASEAN có thể gia tăng, vị thế của ASEAN trong
quá trình “mặc cả”, buộc TQ phải tuân theo luật chơi chung của quốc tế cũng cao
hơn nhiều.
TQ vốn rất giỏi trong việc chớp thời cơ nước khác
gặp khó khăn để dùng vũ lực chiếm đóng trái phép ở Biển Đông hoặc có những bước
leo thang tương tự ở Biển Đông. ASEAN cũng cần cách tiếp cận “thiên thời, địa
lợi” nhưng khác TQ, ASEAN có thêm yếu tố “nhân hòa”. Cụ thể, “nhân hòa” ở đây
chính là việc cộng đồng quốc tế đang nhất trí cao về cách tiếp cận giải quyết
Biển Đông: Dựa vào luật pháp và công lý quốc tế. Đó là chìa khóa then chốt để
ASEAN thúc đẩy các hoạt động tập thể nhằm đối phó một TQ hung hăng và vô lý.
Bối cảnh thế giới ảnh
hưởng Việt Nam
Đối đầu Mỹ - TQ có thể khiến Việt Nam trở thành
bên gặp nhiều rủi ro. Không đơn thuần là vấn đề an ninh mà còn các vấn đề
giao thương kinh tế, ngoại giao tại khu vực với các nước và với TQ. Nếu nhìn
vào khó khăn, Mỹ - TQ phân cực có thể đẩy Việt Nam vào thế phải “chọn bên
nào” - một bài toán không dễ giải quyết. Ngoài ra, nếu Mỹ - TQ xung đột, khu
vực mất ổn định thì niềm tin vào môi trường đầu tư có thể suy giảm, ảnh hưởng
hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt lợi thế thì việc Mỹ
và các nước tham gia vào Biển Đông ở chừng mực cho phép - dưới mức kích động
xung đột - thì Việt Nam (và ASEAN) sẽ có lợi thế về dư luận và đầu tư. Muốn
thế, phải tiếp tục duy trì đường lối ngoại giao “bốn không” (nói như Đại sứ
Nguyễn Hồng Thao) tức là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết
với nước này chống nước kia; không để nước khác đặt căn cứ quân sự hoặc sử
dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
trong quan hệ quốc tế. Bên cạnh nguyên tắc bất di bất dịch “chủ quyền là tối
thượng” thì thượng tôn pháp luật, ưu tiên hợp tác và giải quyết bằng biện
pháp hòa bình cần tiếp tục được tuyên truyền, đẩy mạnh, thu hút cộng đồng
quốc tế tham gia.
|
ĐỖ THIỆN
Thứ Bảy, ngày 1/8/2020