07 octobre 2020

Hội nghị Trung ương 13: ‘Đảng lo nhân sự, dân chỉ mong thay đổi đường lối’

Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam -
Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images


Hội nghị Trung ương 13 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 05/10 và dự kiến bế mạc ngày 10/10/2020.

Tại Hội nghị này, Trung ương ĐCSVN thảo luận, cho ý kiến và xem xét về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam, cũng như tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của đảng dự kiến họp vào đầu năm sau.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị được truyền thông Việt Nam loan tải rộng rãi, kêu gọi các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý kiến sâu sắc về phát triển kinh tế - xã hội và công tác nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được xác định tại Hội nghị là một nội dung trọng yếu bên cạnh một số vấn đề khác, tuy nhiên, ý kiến từ trong giới quan sát chính trị Việt Nam trong dịp này đặt câu hỏi với BBC rằng 'nhân sự mạnh, nhưng đường lối vẫn yếu' thì sẽ ra sao.

Ba nhà quan sát từ Hà Nội và Sài Gòn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cái nhìn tổng quan ban đầu của họ về đâu là câu hỏi mà người dân và các giới có thể chờ đợi từ Hội nghị 13 của đảng cầm quyền.

Kỳ vọng, mong đợi thực sự là gì?

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ Hà Nội) chỉ ra 4 nội dung mà Hội nghị 13, khóa XII của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN sẽ thảo luận:

  • Nội dung văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng;
  • Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII;
  • Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020;
  • Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

"Theo thông lệ Việt Nam, văn kiện mỗi kỳ đại hội đảng đều là "kim chỉ nam" cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo. Vì thế, đây luôn là nội dung được đông đảo người dân quan tâm nhiều nhất."

"Và câu hỏi mà tôi đang rất nóng lòng muốn biết: trong 5 năm tới, "các đột phá chiến lược" sẽ là gì?"

Còn từ Sài Gòn, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang muốn xem liệu Đảng có đưa ra chủ trương, thay đổi gì về chính sách đối nội, đối ngoại không.

"Chứ còn về nhân sự, như Hội nghị này và có thể sau Hội nghị này có thể bàn và còn bàn tiếp nếu chưa xong."

"Nhiều vị lão thành cách mạng thì quan tâm, còn người dân, như tôi nghe thấy, họ nói 'anh nào lên thì cũng như thế thôi, ông bà nào cũng thế cả'."

Phó Giáo sư Mạc Văn Trang nói dân đang mong đợi thay đổi thực sự và có ý nghĩa về mặt chủ trương, chính sách, đường lối từ dân chủ hóa cho đến thuế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước v.v…

"Hiện nay, người ta thấy còn rất nhiều người dân, đồng bào khó khăn, nhất là ở những vùng yếu kém, yếu thế, họ còn rất khổ. Do đó người ta hy vọng có những cải thiện cụ thể, kể cả về y tế, giáo dục nữa."

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh (nguyên Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì muốn biết liệu Đảng có bàn luận và đưa ra được một bản dự thảo kinh tế - chính trị "sáng suốt".

"Việt Nam liệu có trở thành một quốc gia vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định chính trị, dân chúng tin vào đảng, chính quyền. Đó là con đường tốt nhất từng bước thoát Trung và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia," ông Sinh xác định.

"Thế nhưng, điều này tùy thuộc vào việc Ban lãnh đạo Đảng có nhận ra họ cần phải, nhất định phải thực thi chế độ dân chủ trong đảng và tiến tới dân chủ hóa nền chính trị đất nước."

Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách -
Nguồn hình ảnh, EPA

Nhân sự 'mạnh' nhưng đường lối 'yếu'?

Khi được hỏi đâu là điều được quan tâm nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Hội nghị TƯ này, các nhà quan sát nói với BBC.

Ông Mạc Văn Trang thì nói "chả có gì mới".

"Vẫn là những loay hoay về đường lối chính sách đối nội, đối ngoại và đặc biệt là vấn đề nhân sự. Xem ra họ đang lo lắng nhất về vấn đề nhân sự, nhưng thực ra đó dù thế nào vẫn chỉ là lo lắng ở trong đảng, còn dân người ta chẳng quan tâm mấy."

"Các vị đó đang lo lắng làm sao cân đối giữa các phe phái, giữa các vùng miền, giữa các lứa tuổi, rồi giữa các nhánh quyền lực dọc, ngang, trung ương, địa phương, rồi răn đe nhau về chạy chức, chạy quyền, phe phái."

"Xem ra trong nội bộ họ rất lo lắng chuyện nhân sự vì nếu không dàn xếp, mặc cả khéo, có thể đổ vỡ, bất ổn, lộ ra nhiều thứ, còn đối với người dân, tôi thấy họ chẳng quan tâm tới chuyện nhân sự đó."

Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5 -
Nguồn hình ảnh, EPA

Ông Lê Văn Sinh lại quan tâm hai vấn đề:

"Thứ nhất là liệu trong 5 ngày làm việc, BCHTW Khóa XII có chọn ra được một ban lãnh đạo mới (hơn 200 người ) thực sự là tinh hoa không chỉ của đảng, mà của dân tộc Việt Nam? Liệu các vị có phát hiện và loại bỏ những kẻ cơ hội, chạy chức chạy quyền, chạy cơ cấu?"

"Và thứ hai, liệu Hội nghị 13 có đưa ra được các dự thảo văn kiện chính trị tiến bộ, thoát khỏi sự giáo điều, cũ kỹ, lạc hậu và lạc điệu?"

Nếu không đạt kết quả, sẽ có thêm hoài nghi?

Trước câu hỏi liệu những câu hỏi đặt ra và điều được quan tâm trên có thể được đáp ứng với kết quả thỏa đáng hay không ở Hội nghị này hay còn phải đợi tiếp đến hội nghị sau, hoặc tới khai mạc Đại hội, các ý kiến bình luận.

Ông Mai Thanh Sơn không quan tâm nhiều đến việc Hội nghị này có thể giải quyết được cả 4 vấn đề mà Tổng Bí thư nêu ra hay không.

"Tuy nhiên, theo tôi biết, các tiểu ban đã có thời gian khá dài để chuẩn bị cho văn kiện cũng như nhân sự để trình đại hội. Thời gian từ nay đến ngày khai mạc Đại hội XIII không còn nhiều, sự thống nhất trong BCHTW đảng lúc này là cần thiết."

"Nếu Hội nghị 13, khóa XII không đạt được kết quả như ông Tổng bí thư chỉ đạo và mong đợi, tôi e rằng dư luận sẽ có những câu hỏi hoài nghi về sự đoàn kết trong Ban chấp hành."

Ông Mạc Văn Trang tin rằng chắc phải họp độ hai lần nữa trước Đại hội.

"Đặc biệt với các đảng Cộng sản, về vấn đề nhân sự họ rất sợ hãi, vì về bản chất họ không có tự do, dân chủ, không có tự do ứng cử, tự do bầu cử, mà thay vào đó là những dàn xếp, sắp đặt, cò kè, mặc cả nội bộ, nên ra Đại hội chỉ là 'diễn' lại thôi."

Ông Lê Văn Sinh e rằng những vấn đề được nêu ra ở trên như kỳ vọng, hay quan tâm, không thể được giải quyết rốt ráo trong Hội nghị 13 này.

"Đơn giản là vì chưa thấy một triệu chứng nào phản ánh sự đổi mới trong đường lối chính trị và tư duy cầm quyền của những người nắm giữ quyền lực của Đảng, tương tự như đêm trước của đổi mới kinh tế ở Đại hội VI."

Việt Nam được khen vì thành công chống Covid-19 -
Nguồn hình ảnh, Reuters

Những tháng cận kề Đại hội, ngay trước và giữa các Hội nghị cuối khóa XII, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã có một số bài viết trình bày quan điểm của ông, trên tư cách nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cầm quyền.

Trong các bài viết, Tổng Bí thư đã thể hiện một số 'trăn trở' theo truyền thông nhà nước, khi ông đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu, trách nhiệm của ban lãnh đạo đảng CS, Trung ương đảng và Đại hội 13 là "chúng ta phải xây dựng được một BCHTW, một Bộ Chính trị và một Ban Bí thư mạnh, thực sự đoàn kết".

Khi được hỏi liệu phát biểu hay thông điệp này có hàm nghĩa, ẩn ngữ gì không và liệu có thực hiện được không như 'trăn trở' của nhà lãnh đạo ĐCSVN, cũng như có thể và đạt được như thế nào, các nhà quan sát nói với BBC.

Ông Mai Thanh Sơn cho rằng ông Tổng Bí thư đã "rất chân thành và thẳng thắn khi ngụ ý rằng Bộ Chính trị và BCHTW khóa XII không thực sự mạnh và đoàn kết".

"Các thành phần cơ hội thời nào cũng có. Bên cạnh đó là tình trạng bè phái/lợi ích nhóm, địa phương chủ nghĩa, diễn biến tâm lý theo chiều hướng tiêu cực của một số cá nhân khi được ngồi lên chiếc ghế quyền lực."

"Tất cả các yếu tố đó đều có thể tạo nên những thách thức rất lớn trong công tác cán bộ đảng. Thay vì chỉ "đốt lò", tức là xử lý các cán bộ khi "tội trạng đã hoàn thành" như những năm qua, đảng CSVN cần tăng cường công tác theo dõi/giám sát, mở rộng dân chủ trong dân (chứ không chỉ trong đảng), có cơ chế phản hồi và trách nhiệm giải trình linh hoạt, nhạy bén, và kịp thời hơn nữa."

Cuối cùng, các nhà bình luận thời sự và chính trị từ Hà Nội và Sài Gòn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt dự phóng của mình về kết quả của kỳ Hội nghị TƯ 13, khóa XII.

Ông Mai Thanh Sơn không kỳ vọng gì nhiều ở điều căn cốt nhất.

"Hội nghị có thể chốt được một chủ trương mang tính đột phá trong tư duy hay tư tưởng và mô hình phát triển kinh tế-xã hội hợp lý hơn trong tương lai gần."

Ông Mạc Văn Trang nghĩ là Hội nghị này vẫn chưa xác định được.

"Hội nghị này vẫn chỉ là thảo luận, cân nhắc thôi và trong quá trình thảo luận, thì vẫn còn phải nghe ngóng rất nhiều dư luận, cũng như nhiều chiều hướng, cho nên chắc là vẫn chưa thể rõ ràng hết được."

"Tôi nhấn mạnh là đảng cộng sản làm Đại hội, thì họ thường nhắm vào mục tiêu là thật chắc ăn, khi đã đưa ra thì coi như phương án đã đóng khung rồi, chỉ bỏ phiếu hình thức thôi, không thể thay đổi, hoặc rất ít thay đổi."

Ông Lê Văn Sinh nghĩ Hội nghị Trung ương 13 rồi cũng đạt những kết quả mà TBT Nguyễn Phú Trọng mong muốn.

"Nhưng tôi không hy vọng một cuộc thay đổi tích cực về công tác chuẩn bị văn kiện chính trị có tính đột phá sẽ được trình Đại hội ĐCSVN XIII, kể cả một Ban lãnh đạo mạnh mẽ, đoàn kết, trí tuệ để kết thúc một trường đoạn trong lịch sử Việt Nam."

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54437732