09 septembre 2014

Quyền được biết.



LM Phê-rô Phan Văn Lợi

          
            Ngày 28 tháng 9 mỗi năm được gọi là Ngày quốc tế Quyền được biết (International Right to Know Day). Ngày này đã được đề nghị từ năm 2002 trong một cuộc mít-tinh của các Tổ chức Tự do Thông tin khắp thế giới tại SofiaBulgaria vào chính tháng 9 ngày 28. Các tổ chức này và những người ủng hộ họ trên toàn cầu đã đánh dấu ngày đó bằng nhiều hoạt động nhằm tán dương và khơi dậy ý thức về quyền thông tin (theo Wikipedia).


            Quyền được biết hẳn nhiên bắt nguồn từ quyền được sống của con người. Hiểu theo nghĩa rộng, quyền được sống là quyền tồn tại như một hữu thể có hồn có xác, có yếu tố thể chất và yếu tố tâm linh mà cần phải được thường xuyên cung cấp thực phẩm, thường xuyên chăm sóc bồi dưỡng. Thực phẩm vật chất cho xác và thực phẩm tinh thần cho hồn. Xác nhận thực phẩm vật chất chủ yếu qua việc dinh dưỡng ăn uống và hồn nhận thực phẩm tinh thần chủ yếu qua việc học hỏi tìm hiểu. Và việc đó làm nên hai quyền cơ bản của con người: quyền được ăn và quyền được biết. Giam người ta trong đói khát và giữ người ta trong ngu dốt là hai trọng tội, nhất là đối với những kẻ có quyền lực và trách nhiệm.
            Nay xin nói về quyền được biết.
            Vì mỗi cá nhân vừa là một con người tồn tại trong trời đất vừa là một công dân tồn tại trong xã hội, nên quyền được biết cũng có hai khía cạnh: quyền được biết trong tư cách con người và quyền được biết trong tư cách công dân:       
            1- Quyền được biết trong tư cách con người
            a- Trước hết là quyền được biết để có khả năng tồn tại. Điều này đòi hỏi con người phải được truyền đạt kiến thức và kỹ năng qua việc giáo dục học đường và giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ phải biết chữ để tiến bộ trong tri thức, biết cách giữ gìn và gia tăng sức khỏe để sống an vui yên hàn, biết một nghề nghiệp để sinh nhai mà sống no đủ. Thành ra một nhà cầm quyền không tạo điều kiện để người dân có được một kiến thức văn hóa tối thiểu (ví dụ chẳng những không cung cấp giáo dục miễn phí cơ bản mà còn chặt chém phụ huynh và học sinh mọi cấp với học phí và phụ phí đủ kiểu, khiến cho hàng triệu thanh thiếu nhi không thể đến trường hoặc phải sớm rời trường…), không tạo điều kiện để người dân được có một nghề nghiệp vững chãi và sống được bằng nghề đó (ví dụ đào tạo ồ ạt để rồi không dùng, tốt nghiệp xong thì đành thất nghiệp, có bằng đỏ vẫn phải thua hay phải có thêm bằng vàng, làm việc không đúng với khả năng đã được đào tạo, lấy đất nông dân nhưng không giúp họ chuyển nghề…), một nhà cầm quyền như thế rất đáng lên án.
            b- Thứ đến là quyền được biết để có khả năng ứng xử. Ứng xử đây, trước hết là phản ứng tốt đẹp trong những vấn đề liên quan tới người khác, theo chuẩn mực đạo đức nhân nghĩa lễ trí tín (nói kiểu Đông phương). Thành ra một nền giáo dục thay vì giúp hiểu biết và thấm nhuần các giá trị đạo đức chuẩn mực này, lại dạy dỗ hay dung túng cho học sinh ngay từ nhỏ thói gian dối, bạo hành, vô lễ, thói đạt thành tích giả, thói theo dõi để báo cáo về thầy và bạn… hoặc nhồi nhét những điều dối trá, dạy bảo những kiểu ngụy biện, đưa ra cho học sinh lý tưởng sống hư ảo (ví dụ xã hội chủ nghĩa), những tấm gương giả tạo, không bao giờ hiện hữu thật hay không bao giờ đạo đức thật (vì dù có được tô vẽ, các em rồi đây vẫn khám phá ra được đó là những kẻ gian hùng, tàn độc…) hòng tạo nên những ngu trung cho chế độ, một nền giáo dục chính trị hóa như thế thật tai hại và đốn mạt, vì giết cả bao thế hệ con người, gây hiểm nguy cho tương lai lâu dài của dân tộc.


            Ứng xử còn có nghĩa là phản ứng chính đáng trong những vấn đề liên quan tới bản thân, nghĩa là biết được tất cả các nhân quyền cơ bản mà mình phải được thụ hưởng và nếu chưa có thì phải đòi hỏi. Các nhân quyền cơ bản này, nhân loại văn minh đã trình bày trong các Tuyên ngôn lẫn Công ước quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và được tóm tắt thành 26 quyền: 8 quyền về thân thể, 6 quyền về an cư, 8 quyền về lạc nghiệp, 4 quyền về tự do dân chủ. Khốn nạn thay một nhà nước, vì những toan tính chính trị, đã ký nhận hết mọi văn kiện quốc tế đó như ai, nhưng chẳng bao giờ phổ biến cho quốc dân của mình biết, thậm chí còn ra tay đàn áp những công dân phổ biến chúng, tổ chức hội thảo hay học hỏi về chúng. Có lúc lại còn cho tay chân lếu láo biện bạch: luật quốc gia hơn luật quốc tế, quyền đất nước cao hơn quyền con người, văn hóa nước ta khác với văn hóa thiên hạ !?!
            Nhưng vì con người, ngoài hai chiều kích thể chất và trí tuệ, còn có chiều kích tâm linh, nghĩa là có quan hệ với thế giới siêu việt, với các hữu thể thiêng liêng (gọi chung là thần thánh, Trời Phật…), để tìm ra ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống, nỗi khổ lẫn cái chết của mình, từ đó làm cho kiếp đời mình hạnh phúc, xã hội mình tốt đẹp. Thành ra con người còn có quyền được biết về các tôn giáo là nơi giới thiệu, trình bày cũng như giúp tiếp xúc gặp gỡ thế giới ấy, các hữu thể siêu việt ấy. Thế nhưng cái chế độ vô thần toàn trị đã luôn tìm cách tước quyền biết đạo và sống đạo của con người: hoặc cấm cản tiêu diệt, hoặc xuyên tạc vu khống, hoặc công cụ hóa các giáo hội. Không cho tôn giáo có phương tiện truyền thông đại chúng lẫn góp phần vào giáo dục (chỉ dạy mẫu giáo), đưa ra chiêu bài “đạo pháp và xã hội chủ nghĩa” hay “Phúc Âm hòa hợp với ý thức hệ”, cắt xén Thi văn giáo lý của Đức Huỳnh Giáo chủ, cấm sử dụng cơ bút (thông linh học) Cao Đài… là một vài thí dụ.
            2- Quyền được biết trong tư cách công dân
            Nhân dân với tư cách là người làm chủ toàn thể đất nước, là người ủy nhiệm công việc cho giới lãnh đạo chính trị, là người đóng thuế nuôi bộ máy cầm quyền, đương nhiên có quyền được hiểu biết và được can dự vào những gì liên quan tới việc biên soạn luật pháp, việc dự thảo chính sách, việc quản lý kinh tế, việc điều hành quốc gia, việc bang giao quốc tế, việc bảo vệ bờ cõi, việc thực thi pháp luật…
            Đảng và nhà cầm quyền muốn cho dân biết rằng mình cũng ý thức chuyện này nên đã không ngừng giương cao các khẩu hiệu: “Nhân dân là chủ, cán bộ là đầy tớ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Đảng CSVN… chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (Hiến pháp đ. 4). Rồi thì dùng vô số chữ “ủy” (có lẽ hơn mọi chế độ trong lịch sử loài người): “đảng ủy”, “chính ủy”, “quân ủy”, “ủy ban”, “ủy viên”, “tỉnh ủy”, “huyện ủy”, “xã ủy”… Nhưng trong thực tế, họ hành xử như những đầy tớ, kẻ thừa ủy, hay như những chủ nhân, lãnh chúa, chủ tể, chẳng thèm nói cho dân biết, chẳng thèm đáp lời dân hỏi, chẳng hề chịu trách nhiệm trước dân thì ai nấy đều rõ.   
            a- Trước hết là quyền được biết sự thật, sự thật lịch sử Dân tộc và sự thật xã hội Việt Nam.  Việc trình bày các loại sự thật này đòi hỏi một nền học thuật nghiên cứu vô tư và một nền báo chí truyền  thông liêm chính, không bị đảng hóa, chính trị hóa, công cụ hóa. Mọi bộ sách sử, giáo khoa sử, mọi bộ bách khoa nổi tiếng và giá trị của thế giới văn minh dân chủ đều là của tư nhân, chẳng hạn William và Ariel Durant với bộ “Câu chuyện của nền văn minh”, Arnold Toynbee với bộ “Nghiên cứu lịch sử”, chẳng hạn bộ bách khoa Britannica tại Anh quốc, bộ Compton’s tại Hoa Kỳ... 
Đang khi đó thì Viện Sử học VN được Ban chấp hành Trung ương đảng rồi Thủ tướng ra quyết định thành lập và nay trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. UB này có ra một bộ Lịch sử VN 2 cuốn tổng cộng 799 trang (ấn bản 1976) nhưng phần về ông Hồ Chí Minh và đảng CS đã dày tới 219 trang rồi. Trong cuốn 1, trang 261, UB lại dám bỏ câu cuối cùng trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi: “Thế là nhờ trời đất, tổ tông, khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy”. Bộ Từ điển Bách khoa VN (4 cuốn, khoảng 4000tr.) “được biên soạn với sự tổ chức và chỉ đạo của Nhà nước” thì đã bị vô số học giả và độc giả phê bình nát bét (x. Wikipedia). Còn sách giáo khoa thì che giấu lịch sử (chẳng biết Hai Bà Trưng chống kẻ thù nào) hay xuyên tạc lịch sử (Hoàng Sa Trường Sa là của Tàu cộng)! Ngày 08-09 hôm nay, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) có trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất năm 1946-1957” trong đó có mục “Sai lầm và sửa chữa sai lầm; Hoàn thành thắng lợi”. Phải chăng nhà cầm quyền lại sắp tuyên truyền xuyên tạc về vụ việc long trời lở đất này? Sau hơn nửa thế kỷ, phải chăng CS vẫn cố chấp không nhận cái tội tày đình giết nông dân tài giỏi, diệt nhân sĩ uy tín và cướp bóc ruộng đất của dân cho đảng? Thành ra, quyền được biết sự thật lịch sử của dân đòi hỏi không được đem tiền thuế của dân để kiến tạo cái gọi là viện sử học nhà nước, một hệ thống báo chí công cụ và một dàn dư luận viên đầy tớ, không được ra những sách nghiên cứu và giáo khoa “dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước” đầy xuyên tạc sự thật.
            b- Tiếp đến là quyền được biết và được dự vào những vấn đề của đất nước xã hội, cách trực tiếp hoặc cách gián tiếp qua các đại biểu đích thực của mình (dân biểu chứ không phải đảng biểu). Cụ thể, đó là những gì liên quan tới việc biên soạn luật pháp, việc dự thảo chính sách, việc quản lý kinh tế, việc điều hành quốc gia, việc bang giao quốc tế, việc bảo vệ bờ cõi…
            Về luật pháp, chính sách, nhân dân cần phải được biết (có thể tham dự các phiên họp của quốc hội như tại các nước dân chủ), được hỏi ý kiến, được quyền đồng thuận, như trong Kiến nghị của nhóm 72 trí thức về HP mới đây: “Quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành hiến pháp là nhân dânThế nhưng trong chiến dịch lấy ý kiến nhân dân cho bản Hiến pháp mới rồi, chúng ta đã thấy cả một trò hề lừa đảo, một màn cưỡng bức trắng trợn và cuối cùng là việc bỏ xó mọi ý kiến xây dựng của người dân… Không ai quên được vào tháng 9-2009, viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã tự giải thể để phản đối quyết định 97 của Thủ tướng nhằm giới hạn việc nghiên cứu và phản biện công khai các chính sách của nhà cầm quyền. Còn các Luật đất đai, Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng, phải chăng đã có sự hỏi ý và đồng thuận của nông dân, tín đồ?
            Về kinh tế, tài chánh, nhân dân có quyền được biết việc thu chi tiền thuế của nhân dân, việc lời lỗ của các công ty quốc gia, tập đoàn nhà nước, việc xử lý và khắc phục các hậu quả tai hại do các tổ chức kinh tế này gây ra cho công quỹ. Thế nhưng, từ ngày cầm quyền đến nay, đảng và nhà cầm quyền CS đã có khi nào công bố chi tiết chi tiêu hàng năm của chính phủ? đã giải trình đúng đắn các khoản vay quốc tế và việc sử dụng tiền viện trợ? đã trả lời công khai rành mạch cho dân về những thất thoát tài chánh? những món nợ công mà mỗi người dân đang phải gánh? Việc nhiều quan chức cao cấp nhận hối lộ trong vụ tiền polymer vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với công luận.
            Về bang giao quốc tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ bờ cõi, từ lâu người dân đã mong mỏi đảng và nhà nước trình bày rõ ràng về công hàm Phạm Văn Đồng, về hiệp định biên giới năm 1999, hiệp định vịnh Bắc bộ năm 2000, nhất là về nội dung hội nghị Thành Đô năm 1990 vốn đang làm toàn dân hoang mang và sợ hãi. Nhiều cá nhân và tập thể công dân đang lên tiếng về vấn đề này, cụ thể là Thư ngỏ của 61 đảng viên ngày 20-07-2014, chiến dịch “Tôi/Chúng tôi muốn biết” của Mạng lưới Blogger VN ngày 02-09 và kiến nghị của 20 tướng tá quân đội nhân dân trong cùng ngày. Nhìn thấy nhiều sự kiện chứng tỏ sự lệ thuộc, sợ hãi, nhượng bộ, thậm chí toa rập, đồng lõa của Hà Nội với Bắc Kinh từ sau hội nghị ấy, người dân tự hỏi phải chăng đảng CS đã quyết tâm biến VN thành tỉnh tự trị của Tàu cộng sau thời điểm 2020?
            c- Cuối cùng là quyền được biết về việc nhà nước thực thi pháp luật. Điều này trước hết bao hàm quyền được tham dự các phiên tòa, nhất là các phiên tòa xử các vụ án chính trị. (Các nước văn minh dân chủ đã cho người dân thực hiện quyền này từ lâu). Nhưng một sự mỉa mai trắng trợn là mọi phiên tòa chính trị tại VN đều tự tuyên bố là “công khai” nhưng nhân dân đều bị từ cấm cản ngăn chận đến hành hung giam nhốt, chứng nhân có khi còn bị tống cổ dẫu có giấy mời của tòa án, còn thân nhân bị can thì hiếm khi được có mặt đầy đủ, điển hình như vụ xử bà Bùi Minh Hằng mới rồi. Bên cạnh quyền dân được biết việc thực thi luật pháp như một chứng nhân, còn quyền được biết như một can nhân. Nghĩa là khi vừa bị bắt hay trước khi bị thẩm vấn, công dân nghi phạm có quyền được biết theo điều gọi là “Lời cảnh báo Miranda” từ miệng cảnh sát: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ đợi sự có mặt của luật sư”. Trong cái chế độ luôn tự xưng là “của dân, do dân, vì dân” rất ưu việt với “nền pháp chế xã hội chủ nghĩa đầy tính nhân đạo”, có bao giờ được nghi phạm được
nghe những lời ấy? Nói gì đến việc các lời ấy tiếp đó được thực hiện hay không thực hiện?
            Kết luận: Cộng sản là một chế độ ngu dân
            Qua những điều trình bày ở trên về quyền được biết của con người và của công dân cũng như hiện tình thực thi quyền ấy tại nước CHXHCNVN, ta thấy rõ Cộng sản là một chế độ ngu dân. Ngu dân bằng cách tổ chức một nền giáo dục học đường và giáo dục cộng đồng tạo con người thành những thần dân và công cụ cho đảng. Ngu dân bằng cách tổ chức một nền thông tin đầy bưng bít che giấu, dối trá lọc lừa và vu khống ngụy biện, để chỉ còn đảng nổi lên như một chuẩn mực sự thiện, suối nguồn sự thật và quan tòa công lý. Ngu dân bằng cách tổ chức một nền chính trị loại công dân ra ngoài tất cả mọi hoạt động của đảng cầm quyền, mọi vấn đề của đất nước mà công dân có quyền hiểu biết và can dự, để đảng tự do tung hoành hầu nắm chắc mãi mãi quyền lực và quyền lợi, túi bạc và ngai vàng, dẫu với giá trở thành thái thú cho kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc.
            Huế ngày 08-09-2014
            Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, thành viên Khối 8406, Hội đồng LTVN, Hội NBĐL, Hội CTLT.
            Bài viết hưởng ứng chiến dịch “Chúng tôi muốn biết” của Mạng lưới Blogger VN