Sinh viên đụng độ
với cảnh sát trong một
cuộc biểu tình
chống chính phủ
ở Trường ĐH Tehran
hôm 30-12-2017 Ảnh: EPA
|
Đài truyền hình quốc gia Iran ngày 1-1 cho biết đã có
10 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố trong đêm trước
đó, nâng tổng số nạn nhân tử vong sau 4 ngày biểu tình lên 12 người.
Theo Reuters, trên mạng xã hội bùng nổ
nhiều thông điệp khuyến khích người dân Iran tiếp tục xuống đường ở thủ đô
Tehran và 50 trung tâm đô thị khác.
Như vậy, những lời kêu gọi bình tĩnh và
cam kết "có thêm không gian chỉ trích" của Tổng thống Hassan Rouhani
trong đêm 31-12-2017 đã không có tác dụng.
Cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay
không chỉ đánh dấu phép thử lớn nhất đối với Tehran kể từ các cuộc tuần hành
ủng hộ cải cách vào năm 2009 mà còn báo hiệu nguy cơ bất ổn kéo dài.
Các video đăng tải trên mạng xã hội cho
thấy cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán nhóm biểu tình tại Quảng
trường Enghelab ở thủ đô Tehran đêm 31-12-2017. Hãng thông tấn ILNA cùng ngày
cho biết 2 người biểu tình bị bắn chết tại thị trấn Izeh, Tây Nam Iran và một
số người khác bị thương.
Trước đó, truyền hình đưa tin 2 người
biểu tình thiệt mạng ở Dorud sau khi va chạm với một chiếc xe chữa cháy bị đánh
cắp trong khi cảnh sát địa phương phủ nhận bắn chết 2 người này. Người biểu
tình ở thị trấn phía Đông Bắc Takestan phóng hỏa trường học dành cho các giáo
sĩ và các tòa nhà chính quyền. Ít nhất 200 người đã bị bắt giữ ở Tehran.
Biểu tình bạo lực bắt nguồn từ cuộc tuần
hành ôn hòa hôm 28-12-2017 ở Mashhad - thành phố đông dân thứ hai Iran. Cuộc
tuần hành lúc đầu chỉ bày tỏ bức xúc về kinh tế khó khăn và tham nhũng nhưng
nhanh chóng chuyển sang màu sắc chính trị với những khẩu hiệu không chỉ chống
tổng thống nước này mà cả lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Người dân Iran cũng tức giận trước việc
nước này tham chiến sâu rộng ở Syria và Iraq nhằm tranh giành ảnh hưởng với Ả Rập
Saudi. Theo Reuters, dân Iran muốn lãnh đạo tạo ra việc làm hơn là tham gia các
cuộc chiến ủy quyền tốn kém.
Iran đã áp đặt lệnh giới hạn tạm thời
đối với các mạng xã hội Telegram và Instagram nhằm "duy trì sự yên ổn và
an ninh xã hội", một nguồn tin nói với đài địa phương IRIB. Theo đài BBC,
Thiếu tướng Esmail Kowsari, một chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, hôm
31-12-2017 cảnh báo người biểu tình sẽ đối mặt "quả đấm sắt" nếu tiếp
tục ngoan cố nổi loạn.
Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình
nhà nước, Tổng thống Rouhani khẳng định người dân Iran hoàn toàn được tự do chỉ
trích chính phủ và biểu tình song ông nhấn mạnh: "Chỉ trích khác với bạo
lực và phá hoại tài sản công".
Người đứng đầu Iran cũng không đồng tình
với bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông chủ Nhà Trắng
thể hiện sự ủng hộ cuộc biểu tình của người Iran. "Người đàn ông ở Mỹ này
đang thể hiện sự cảm thông với người dân chúng ta mà quên mất rằng chính ông ta
đã gọi Iran là những kẻ khủng bố vài tháng trước. Người đàn ông luôn quyết liệt
chống lại Iran này không có quyền đồng cảm với người Iran" - ông Rouhani
nói.
Thu Hằng