06 septembre 2014

Buổi Tọa Đàm về UPR (Kiểm điểm định kỳ phổ quát) diễn ra tại số 38 Kỳ Đồng



Theo VRN



VRNs (05.8.2014) – Sài Gòn – Để ‘phổ biến kết quả Kiểm điểm định kỳ phổ quát 2014 (Universal Periodic Review – UPR) của Việt Nam’, và để áp dụng cơ chế nhân quyền này nhằm ‘chuyển tiếng nói [đối lập] ra diễn đàn quốc tế’, liên minh 3 tổ chức xã hội dân sự bao gồm Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Phong trào Con đường Việt Nam, Văn phòng Công Lý-Hòa Bình đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề: “UPR Việt Nam: Tiến trình – Tiềm năng và Thực tiễn”.


Buổi tọa đàm diễn ra hôm nay, thứ Sáu, 5/9 tại số 38 Kỳ Đồng quận 3 Sài Gòn (DCCT), với sự tham gia của các đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ, các tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) và các chức sắc tôn giáo.
Sự kiện diễn ra chỉ hơn hai tháng sau khi Việt Nam hoàn thành kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát (UPR) nhân quyền lần 2 tại Geneva hôm 20/6/2014.
Diễn giả của buổi tọa đàm bao gồm những nhân vật đã tham dự các kỳ UPR Việt Nam như tiến sĩ Nguyễn Quang A, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Phạm Lê Vương Các và ông Bùi Tuấn Lâm.
Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (The Universal Periodic Review – UPR) là một tiến trình độc nhất trong đó các thành tích nhân quyền của tất cả 193 thành viên Liên Hợp Quốc sẽ được kiểm điểm định kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong 4 người thuyết trình tại buổi tọa đàm
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong 4 người thuyết trình tại buổi tọa đàm
Khoảng 40 người tham dự buổi tọa đàm
Khoảng 40 người tham dự buổi tọa đàm
Cơ hội chuyển tiếng nói nhân quyền ra quốc tế
Trong kỳ UPR 2014 vừa qua, Việt Nam chấp nhận 182 trong tổng số 227 kiến nghị của 106 nước. Tuy nhiên ông Phạm Lê Vương Các, một blogger cho biết, “trong thời gian vừa qua, chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất ít của nhà nước trong việc phổ biến kết quả [UPR] này” vì thế qua buổi tọa đàm “chúng tôi hy vọng rằng công chúng sẽ biết đến UPR nhiều hơn”.
Ông Các nhấn mạnh: “theo tôi đánh giá, cái cơ chế để mình có thể chuyển tiếng nói nhân quyền từ trong nước ra đối với quốc tế, không gì khác hơn ngoài việc tham gia vào tiến trình UPR này.”
Ông Các giải thích thêm: “ở trong nước, giữa nhà nước và các tổ chức XHDS có một khoảng cách chênh lệch rất lớn, tuy nhiên khi tham gia diễn đàn quốc tế [UPR] thì chúng ta [các XHDS] bình đẳng với nhà nước”, đây cũng “là cơ hội để các nhóm XHDS phát biểu trước Hội đồng nhân quyền LHQ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc tổ chức Diễn Đàn XHDS cũng đồng thuận với ý kiến trên và cho rằng: “sự hiện diện của các tổ chức XHDS” tại các diễn đàn quốc tế là điều quan trọng.
Ông nói: “ở trong nước, các tổ chức XHDS chưa được đăng ký bị chính quyền coi là tổ chức thù địch và phản động. Sự hiện diện của họ tại LHQ, EU, các bộ ngoại giao … chứng tỏ họ là một đối tác được quốc tế công nhận, tôn trọng” vì “quy định của quốc tế là một tổ chức có được đăng ký hay không là không quan trọng, miễn là nó hoạt động như thế nào… và trách nhiệm của nhà nước là phải để họ được đăng ký”
“Các tổ chức XHDS hiện nay chưa có cơ hội đối thoại với chính quyền nên phải thông qua sự hiện diện như thế để đối thoại một cách gián tiếp,” ông nói tiếp: “chúng tôi kỳ vọng sẽ dần dần, [các XHDS] có thể đối thoại trực tiếp” vì các tổ chức ”XHDS rất cần cho chính hoạt động của chính quyền và xã hội.”
‘Một thông điệp gửi tới chính phủ’
Buổi tọa đàm về UPR cũng có sự tham gia của các đại diện đại sứ quán nước ngoài.
Ông Andrej Motyl, Đại sứ Thụy sĩ, chia sẻ, ông đến để ‘học hỏi và tìm hiểu’ những gì đang xảy ra.
Ông còn cho biết, sự hiện diện của ông như là ‘một thông điệp’ gửi tới chính phủ Việt Nam về sự ủng hộ của Ông đại sứ đối với hoạt động của các tổ chức XHDS. Quá trình UPR còn cần đến các XHDS chứ không chỉ của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tuy không đưa ra phát ngôn chính thức nào, nhưng Charles Sellers thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng cho biết, ông đến “để học hỏi và quan sát.”
Ông khẳng định, Hoa Kỳ muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và mong muốn Việt Nam thi hành đầy đủ các hiệp ước về quyền con người, trả tự do vô điều kiện các tù nhân chính trị.
Bên cạnh việc thừa nhận tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng lưu ý không nên kỳ vọng quá nhiều.
Ông nhận định thêm, tuy Việt Nam Việt Nam chấp nhận 182 trong tổng số 227 kiến nghị của các nước trong kỳ UPR vừa qua, nhưng các kiến nghị bị bác bỏ đều là ‘những khuyến nghị hết sức cốt lõi về nhân quyền’ về ‘đa nguyên, quá trình dân chủ, tự do biểu đạt.’
Các tổ chức XHDS cần tìm ra những điểm tích cực mà Việt Nam đã chấp nhận để đối thoại, ông kết luận.