08 septembre 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ CỐ GIÁO SƯ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG


Khải Nguyen

 
Dân quyền nhận được bài viết này do chính tác giả gửi. Bài này đã được tác giả đăng trên báo Văn Hóa Nghệ An. Xin giới thiệu với bạn đọc
Dân Quyền

 

cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường
Tôi đã viết một bài nhớ về thầy Nguyễn Mạnh Tường, và các thầy khác ở trường Dự bị Đại học hồi kháng chiến chống Pháp, trong tập “Có những mái trường …”, nay có đôi điều cần nói nhân đọc cuốn “Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của tác giả Thụy Khuê trên mạng, đoạn nói về cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, thấy có những chỗ chưa đúng, do nhớ nhầm, ghi sai hoặc suy diễn. Cũng có thể có chỗ nào đó bị chi phối một cách vô thức bởi lòng ưu ái đối với giáo sư và sự ác cảm đối với chế độ CS. Sai lệch kiểu nào thì cũng không nên, một khi ta khẳng định niềm tin chân lí.

Thầy Nguyễn Mạnh Tường được cử về dạy trường Dự Bị Đại Học, mở ở bắc liên khu Bốn vào tháng 2 năm 1952. [Không như trong cuốn sách của Thụy Khuê thuật lại, học sinh trường này không “do địa phương giới thiệu”, mà là: nếu không có bằng “tốt nghiệp phổ thông” hoặc học bạ “đệ tam chuyên khoa” –sắp thi tú tài, thì phải vượt qua thi tuyển]. Thầy về đấy chẳng phải vì “không còn được làm luật sư nữa” và “bị chuyển sang ngành giáo dục” sau một cuộc “đấu tranh tư tưởng với cộng sản”. Thật ra, chẳng có “cuộc đấu” nào vào thời gian này, quãng 1951, cả! Như đã kể ở bài trước, sau khi ông được mời nói chuyện về văn nghệ ở một trường Trung học, có hai bài báo phê phán ông nặng nề. Có người hỏi ông thấy thế nào, ông nói: “Nghĩ gì là quyền của các ông ấy”. Còn trên báo chí thì cũng chỉ có thêm một nhận xét rằng với một người “lạc hậu” như thế sao phải phí đến hai bài báo trong khi còn biết bao vấn đề cần viết mà báo thiếu chỗ! Vậy thôi. Sau đó, ông vẫn được cử vào đoàn đại biểu Việt Nam dự các cuộc họp quốc tế về hòa bình ở Bắc kinh năm 1952 và ở Viên năm 1953. Và, cũng thật ra, ông vẫn làm luật sư. Một tối, chừng giữa nửa cuối năm 1953, chúng tôi đang học Sư phạm cao cấp được thầy Tường dẫn đi xem xử một vụ án “làm gián điệp cho giặc Pháp” mà ông là một trong hai “luật sư chỉ định” biện hộ cho bị cáo. Phiên tòa đặt ngoài trời gần Rừng Thông một địa danh buôn bán nổi tiếng của Thanh Hóa thời kháng chiến chống Pháp sau khi Cầu Bố bị thả bom. Chúng tôi được đưa đến ngồi xế bên bục xử. Trong phần mở đầu bài biện hộ, thầy Tường nói đến hai cuộc họp quốc tế về hòa bình mà thầy đã dự, cái ý mà ông hào hứng đưa vào các bài giảng, bài nói nhiều lần, cả khi về Hà Nội sau hiệp định Giơnevơ (Đâu phải “năm 1951, lần cãi cuối cùng” của ông! Cũng nên nói thật rằng ở ta việc cãi của luật sư chẳng có mấy tác động đến phán quyết của tòa án, ngày ấy cũng như ngày nay).

Cuốn sách nói trên nhấn mạnh rằng: thầy Tường được cử đi dự mấy hội nghị quốc tế là do “đảng vẫn phải nhờ Nguyễn Mạnh Tường trong công tác đối ngoại” vì “tài hùng biện” của ông. Thật ra thì những cuộc hội này là do phe cộng sản chủ trương hoặc tác động, “tài hùng biện” của ông ít có đất dụng võ ở đây. Thầy kể lại rằng trong hai cuộc họp về hòa bình nói trên, đoàn phân công mỗi người nhận một phần việc theo nội dung chương trình nghị sự; thầy được giao “phụ trách chung”, làm việc theo rõi, tập hợp tình hình, -không phải làm trưởng đoàn, lãnh đạo mọi việc; cũng chẳng phải “làm phát ngôn viên” như cuốn sách kia đã đưa-, bởi sự thực thì ai nắm vấn đề cụ thể nào đảng đã cử sẵn rồi. Bức thư “tha thiết” gửi nhân dân Pháp do ông viết (theo chủ trương của đoàn) mà cuốn sách đăng lại không phải là văn kiện đại hội. Không như lần dự hội nghị Đà Lạt năm 1946, lần này người ta cử thầy tham gia đoàn “đại biểu Việt Nam” tất nhiên là nhằm trưng ra với thế giới “chủ trương đoàn kết dân tộc”, “tính chất toàn dân” của cuộc kháng chiến. Vậy nên trong đoàn còn những vị khác tỏ rõ tính “mặt trận”, như linh mục Vũ Xuân Kỉ, một ông già chất phác (Trong bữa tiệc do các thầy chiêu đãi tiễn sinh viên SP tốt nghiệp ra trường, thầy Tường kể vui mấy mẩu chuyện về vị thầy tu này. Ở Liên xô, người ta đưa đoàn VN thăm trường đại học Lômônôxôp vừa xây xong và cho biết có tới bốn vạn phòng, cụ Kỉ lầm bầm: “Thế mà chẳng thấy phòng thứ bốn vạn linh một đâu cả!” Thì ra ông già đang mót đái. Thấy mấy vị khách đang nén cười với nhau, chủ nhà thấy lạ, sau khi biết chuyện họ cười vui và cho người dẫn cụ đi. Ở nước Áo, cụ vừa từ phòng vệ sinh ra đã thấy một anh chàng Tây chìa cái đĩa đòi tiền dịch vụ; về phòng, cụ chửi: “Đồ tư bản có khác, đi đái cũng phải trả tiền!”).

Thầy Tường đưa vợ con tản cư ra “vùng tự do” và trụ lại cho đến khi kháng chiến thắng lợi, năm 1954, trong khi không ít người “dinh tê”, chứng tỏ lòng yêu nước của ông. Bảo rằng ông ở lại với kháng chiến là “muốn thay đổi chế độ từ bên trong bằng sức mạnh ngôn từ” e rằng “oan” cho ông. Thời gian này, có thể ông không ngả theo chủ thuyết cộng sản song vẫn tôn trọng những người cộng sản, những người đang lãnh đạo kháng chiến. (Có thể nhận biết điều đó qua “Lời tựa” ông viết cho truyện “Chiếc va ly” của Nguyễn Đình Lạp, 28-2-1951). Được đi dự hai cuộc họp về hòa bình, thầy thật tình hãnh diện. Nhân kể chuyện họp ở Bắc kinh, ông có nhận xét rằng văn của người Trung quốc lòng thòng nhưng tỏ ý thiện cảm với cách tổ chức hội nghị, -ít lâu sau đến thăm thầy chúng tôi thấy trong nhà còn treo cái phù hiệu đeo ngực dành cho đại biểu dự họp có hàng chữ Hán viết dọc “Nguyễn Mạnh Tường tiên sinh”; nói đến Mao, ông bảo “có vẻ mặt Phật” (Ngày ấy người ta biết Mao qua truyền tụng; ngày nay ai cũng biết ông ta là kẻ như thế nào rồi!). Thầy có đọc cho chúng tôi nghe tại lớp học bài ông phát biểu trên đài phát thanh Matxcơva bằng tiếng Pháp nói những cảm nhận tốt đẹp khi đến Liên xô. Chúng tôi hỏi đoàn có gặp Stalin không, ông nói: “Mình có là gì mà được gặp” (Về nhà độc tài này, phải gần chục năm sau, mới bắt đầu quá trình “giải thiêng” !).

Hồi Nhân Văn-Giai Phẩm, thầy chẳng thuộc “nhóm” nào. Ông, cũng như một số trí thức khác trong đó có ông Đào Duy Anh, đưa ra một số ý kiến phản biện chừng mực, chẳng hạn bài nói về sai lầm trong cải-cách-ruộng-đất và sự lãnh đạo mà cuốn sách của Thụy Khuê nói tới. Bài “Vừa khóc vừa cười” (viết ngày 04-10-1956) đăng trong một tập Giai Phẩm ám chỉ việc thiếu tự do phản biện, có một chỗ ông viết đại ý: chủ trương “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” rộ lên ở Bắc Kinh đã bốn tháng rồi mà mãi mới đăng lên báo ở Hà Nội! (Hẳn ông cho rằng: một, với chủ trương này, Trung cộng thực sự cởi trói cho văn nghệ sĩ, cho trí thức, -chứ không phải là cái bẫy, là “mồi nhử rắn rết ra khỏi hang” và “thả cho cỏ dại mọc lên” rồi tận diệt như chính Mao Trạch Đông tiết lộ với người thân tín ; hai, việc gì VN cũng rập theo TQ, -kể ra cũng còn may là không hoàn toàn như vậy, ví như cái vụ “trăm hoa” này và cái vụ “đại cách mạng văn hóa vô sản” về sau). Những ý kiến của thầy không được tiếp nhận mà thầy lại còn bị “treo miệng” (thầy giáo và thầy cãi), cả “treo bút”. Chính trong những năm dài bị “thất sủng” và buộc “nằm co” trong túng thiếu, ông âm thầm suy ngẫm, ngoài những công trình nghiên cứu, ông thai nghén, và viết khi có điều kiện, tự truyện, tiểu thuyết và những tác phẩm ghi dấu bi kịch xã hội thời ông sống. Những tác phẩm này, chủ yếu viết bằng tiếng Pháp, phần nhiều chưa in; những cuốn đã in tôi chưa được đọc. Riêng cuốn tiểu thuyết “Une voix dans la nuit” (TK dịch là “Tiếng vọng trong đêm”) được viết trong thời gian sau “đổi mới” ở Việt Nam và sau khi Liên-xô cùng các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, Thụy Khuê trích giới thiệu khá kĩ. Qua đó, có thể thấy nghệ thuật viết truyện không được chú trọng mấy, tác giả chỉ mượn cách hư cấu để minh họa ý mình. Nhiều nhân vật, dẫu định ám chỉ người này người nọ, đều là “hóa thân” của tác giả từ ngôn phong cho đến ý tưởng. Tác phẩm có rất nhiều đối thoại dài mang khẩu khí hùng biện của vị tiến sĩ luật và tiến sĩ văn chương được đặt vào miệng nhân vật. Với nhân vật trí thức thì đã vậy. Lời lẽ và lí lẽ của cán bộ CCRĐ ở địa phương cũng na ná như của tổng bí thư đảng ở chóp cao quyền lực, nghĩa là đều “hùng biện trên lí thuyết” cả. Dưới ngòi bút của tác giả, CS tàn bạo nhưng tỏ ra thô thiển, sống sượng. Họ thuyết giảng trước bần cố nông cũng y như trước trí thức; cả khi họ bàn luận với nhau cũng thế. [Trong điều kiện bình thường hồi còn ở vùng tự do thầy ít viết. Chỉ thấy cuốn “Một cuộc hành trình” in năm 1954. Trên trang bìa cuối cuốn “Biện chứng pháp” của Trần Văn Giàu in năm 1952 có giới thiệu một số sách sẽ in (đang viết) trong đó có cuốn “Victor Hugo, nhà văn tiến bộ” của Nguyễn Mạnh Tường, mà cuốn này về sau chẳng thấy in ra và thầy Tường cũng chẳng bao giờ nhắc đến]. Cũng như nhiều người có lương tri khác, ông dần dần và ngày càng ngộ ra những bất cập của chế độ, từ sau những sai lầm cải-cách-ruộng-đất ở Việt Nam và cuộc nổi dậy ở Hunggari năm 1956.

Còn không ít chỗ trong cuốn sách của Thụy Khuê khiến người ta ngờ ngợ; chẳng hạn với trường hợp thầy Tường, chỗ trích lời ông bảo rằng ở Nho Quan hồi ông tham gia cải-cách-ruộng-đất “chúng tôi được học tập theo lệnh từ trên là tại địa phương này có cả thảy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ”. Chắc là: hoặc thầy Tường nhớ nhầm, hoặc người ghi nghe nhầm, chứ hồi CCRĐ với “chỉ tiêu trên giao” phải tìm đủ 5% dân số là địa chủ, “cán bộ đội” đã khốn khổ rồi và nông thôn đã kinh lắm rồi, nói chi 80% !

Người ta nói: một nửa sự thật chưa phải là sự thật, đúng vậy! –nhất là khi có sự bóp méo hoặc cắt xén của quyền thế, nhẹ hơn thì do ác cảm, chí ít cũng là do thiên vị. Tuy nhiên, sự thật chấp nhận được, tin được bao giờ cũng chỉ “gần sự thật” thôi. Bởi những hạn chế của phản ánh, của tiếp nhận; nói chung, tính khách quan chỉ là tương đối, người ta nói mãi rồi.

 

31 – 7 - 2014