Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và Colombia Juan Manuel Santos trong buổi ký hiệp định hòa bình ngày 26-9 tại Havana (Cuba). Ảnh: AP |
(PLO)- Trao giải Nobel Hòa bình cho
Tổng thống Santos là “thông điệp đúng lúc” cho những nỗ lực hòa giải quốc gia,
tuy nhiên không chắc sẽ mang lại hòa bình cho Colombia.
Sự kiện Tổng thống Colombia Juan Manuel
Santos được vinh danh giải Nobel Hòa bình chỉ vài ngày sau khi hiệp định hòa
bình ông ký với tổ chức phiến quân Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC)
(bị cử tri Colombia bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý) đã thu hút quan tâm của
cộng đồng thế giới.
Nhận tin lúc còn đang ngủ
Tổng thống Santos cho biết ông được con
trai báo tin lúc ông còn đang ngủ trên giường.
“Tôi nhận tin với cảm xúc ngập tràn.
Giải thưởng là một sự công nhận rất, rất lớn với đất nước tôi. Tôi thật sự biết
ơn” Tổng thống Santos trả lời phỏng vấn của Quỹ Nobel Foundation.
“Vinh dự này không phải dành cho tôi, mà
cho tất cả nạn nhân của cuộc xung đột”. Với ông, giải thưởng Nobel Hòa bình là
sự khích lệ cho tất cả người dân Colombia, đặc biệt những nạn nhân đã chết
trong cuộc xung đột dài đằng đẵng này.
Ông kêu gọi người dân Colombia ủng hộ và
hỗ trợ ông để đất nước Colombia đạt được giải thưởng cao quý nhất: Hòa bình cho
Colombia.
Thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez cũng chúc
mừng Tổng thống Santos trên mạng xã hội Twitter “Hòa bình sẽ không thể đạt được
nếu không có nỗ lực của ông Santos cùng sự bảo trợ của Cuba và NaUy, cũng như
sự tham gia của Venezuela và Chile”.
Lời chúc mừng đáng chú ý nhất có lẽ là
của cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe - người dẫn đầu cuộc vận động nói
không trong cuộc trưng cầu dân ý về hiệp định hòa bình. Tổng thống Santos vốn
là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ ông Uribe, tuy nhiên sau đó hai người
xuất hiện bất đồng trong quan điểm chính trị.
Tổng thống Santos, đừng từ bỏ hy vọng!
“Tổng thống Santos, đừng từ bỏ hy vọng!”
là lời kêu gọi của nhà hoạt động nhân quyền Rigoberta Menchu (Guatamala) với
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos sau khi ông được giải Nobel Hòa bình
ngày 7-10.
Bà Menchu đoạt giải Nobel Hòa bình 1992
vì nỗ lực chấm dứt ba thập niên nội chiến ở Guatamala. Phải đến bốn năm sau
thời điểm bà được vinh danh với giải thưởng này cuộc nội chiến mới kết thúc
(1996).
Bà Menchu kêu gọi Tổng thống Santos đừng
từ bỏ nỗ lực và theo bà, giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ giúp Tổng thống Santos
dễ kêu gọi hỗ trợ từ quốc tế hơn với tiến trình hòa bình của ông và chắc chắn
cuối cùng hòa bình cho Colombia sẽ thành hiện thực.
Với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, giải
thưởng Nobel Hòa bình cho Tổng thống Santos là một “thông điệp đúng lúc” gửi
đến tất cả những người đang nỗ lực vì hòa giải quốc gia.
Tối 7-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã
đích thân gọi điện thoại chúc mừng Tổng thống Santos, khẳng định Mỹ luôn ủng hộ
tiến trình hòa bình ông Santos theo đuổi.
Trước đó khi hay tin Tổng thống Santos
được đoạt giải, Tổng thống Obama đã hoan nghênh Ủy ban Nobel NaUy đã có “lựa
chọn đúng”. Theo ông, giải thưởng Nobel Hòa bình là một sự ghi nhận của thế giới
đối với quá trình theo đuổi đầy dùng cảm và không từ bỏ của Tổng thống Santos
trong cuộc thương lượng đầy khó khăn, phức tạp của ông với FARC để có được hiệp
định hòa bình chấm dứt nửa thế kỷ nội chiến.
Tổng thống Obama cho rằng giải thưởng
Nobel Hòa bình năm nay là thông điệp chuyển đến mọi người rằng hòa bình là điều
luôn cần được ủng hộ và khuyến khích, đặc biệt trong một thế giới đầy xung đột
như hiện nay.
Trả lời phỏng vấn AP (Mỹ), bà Ingrid
Betancourt người Colombia gốc Pháp từng bị FARC bắt cóc trong sáu năm cho rằng
người xứng đáng nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay không chỉ là Tổng
thống Santos mà cả lãnh đạo FARC.
“Để nói ra như vậy là điều khó khăn với
tôi nhưng tôi phải nói thế vì đó là điều đúng đắn, dù họ từng là kẻ bắt cóc
tôi.” Theo bà Betancourt, bà Betancourt bị FARC bắt cóc khi đang vận động tranh
cử tổng thống Colombia năm 2002, được thả năm 2008.
Chủ tịch Ủy ban Nobel NaUy Kaci Kullman
Five cũng đồng tình dù giải thưởng chính thức thuộc về Tổng thống Santos nhưng
đó cũng là một sự khích lệ rất lớn với FARC.
Colombia liệu sẽ có hòa bình thật sự?
Đã có 260.000 người chết, 45.000 người
mất tích và 6,9 triệu người phải sơ tán trong cuộc nội chiến dài nhất khu vực
tây bán cầu - 52 năm - giữa chính phủ Colombia và FARC.
Thất vọng vì hiệp định hòa bình không
được chấp nhận trong cuộc trưng cầu dân ý nhưng chính phủ Colombia không bỏ
cuộc mà nhanh chóng quay trở lại tiếp tục với công việc tìm kiếm hòa bình.
Colombia liệu sẽ có hòa bình như mong muốn của cậu bé này? Ảnh: AP |
Trong tuần, một đội thương lượng riêng
của nội các Tổng thống Santos cũng đã xúc tiến gặp cựu Tổng thống Uribe thuyết
phục ông Uribe bàn bạc về việc ký hiệp định hòa bình với FARC.
Theo báo CS Monitor (Mỹ), hai điểm chính
mà chiến dịch nói không của cựu Tổng thống Uribe khai thác là: Một là hiệp định
hòa bình cho phép các lãnh đạo FARC - vốn bị cáo buộc là tội phạm chiến
tranh chịu một hình thức trừng phạt khác mà không phải bị tống giam, hai là cho
phép FARC tham gia vào bầu cử chính trị Colombia.
Vì vậy nhiều chuyên gia trong đó có Giáo
sư chính trị Michael Weintraub tại ĐH Andes (Colombia) nhận định bất kỳ một
hiệp định nào trong tương lai giữa chính phủ Colombia và FARC nếu không thay
đổi hai điểm này thì vẫn sẽ không được phe đối lập do cựu Tổng thống Uribe chấp
nhận.
Theo GS Michael Weintraub, có một cách
mà chính phủ Colombia có thể làm hòng tăng khả năng hiệp định hòa bình trong
tương lai giữa chính phủ và FARC sẽ được chấp nhận là làm sao mời được phe của
cựu Tổng thống Uribe tham gia vào quá trình thương lượng với FARC tạo ra một
hiệp định mới.
Tuy nhiên theo Cố vấn cấp cao về tiến
trình thương lượng hòa bình Virginia Bouvier tại Viện Hòa bình Mỹ, thậm chí một
khi người dân Colombia thông qua hiệp định hòa bình mới thì hòa giải dân tộc có
thể vẫn chưa chuyển biến ngay lập tức.
“Ít nhất trong hai năm đầu hai bên phải
xây dựng lòng tin lẫn nhau, hiểu được lo ngại cũng như quyền lợi của mỗi bên” -
bà Bouvier nói với CS Monitor.
Thế nên theo CS Monitor, việc Tổng thống
Santos được giải Nobel Hòa bình và việc Colombia có hòa bình thực sự là hai vấn
đề hoàn toàn khác. Không ai chắc giải Nobel Hòa bình của Tổng thống Santos sẽ
mang lại hòa bình thật sự cho Colombia.
THIÊN ÂN
Nguồn: Theo PLO