31 octobre 2016

VIẾT TIẾP VỀ “ĐỒNG BÀO CỐT NHỤC, NGHĨA CÀNG BỀN”


Mênh mông thế sự 50


Tương Lai



Chính vì cái nghĩa ấy mà những ông bạn già U.80 của tôi, Lê Công Giàu, Võ Văn Thôn, Bùi Tiến An đã nhất quyết đòi phải có mặt trong đoàn cứu trợ bà con mình trong cơn hoạn nạn ở Quảng Bình.

Các anh càng quyết liệt đòi đi thì tôi càng quyết liệt phản đối vì lo cho sức khỏe các anh. Trong ba ông bạn thì anh Mười Thôn tuổi cao nhât, lại vừa bị cảm, nhưng tôi lại thấy ít lo hơn. Bùi Tiến An thì đang trong giai đoạn phải điều trị trọng bệnh. Lê Công Giàu thì đã từng bị “biểu quyết” là phải nghỉ, ít nhất là đi đâu đó tĩnh dưỡng tối thiểu một tháng. Vì sau chuyến đi ra Nha Trang theo lời mời của anh Tiến An đang nghỉ dưỡng tại nhà riêng ngoài đó về thấy “phong độ” hẳn lên, dù chỉ nghỉ có bốn hôm.
 


 Ấy thế nhưng, cuối cùng “lá phiếu phủ quyết” của tôi bị bác bỏ: “Anh không hiểu Giàu bằng tôi đâu”, Huỳnh Kim Báu, cũng là một bệnh nhân vừa đi tái khám trở về với những thông tin không mấy khả quan về sức khỏe của mình đã nói to “cứ để Lê Công Giàu đi, đi về anh ấy sẽ khỏe lên cho mà coi, còn bắt anh ấy ở nhà thì hắn sẽ bệnh hơn nữa đấy”.

Và quả đúng thế thật. Máy bay hạ cánh sau khi phải bay xà quần nhiều vòng trên trời đợi cơn mưa giảm bớt, giọng Lê Công Giàu vẫn đầy sảng khoái và sung sức qua điện thoại: “Chúng tôi khỏe. Mà khỏe vì chuyến đi có kết quả rất tốt”. Ra vậy! Vượt ngưỡng “cổ lai hy”, sức mạnh nào khiến các anh làm được như vậy?

Nếu là đi du lịch hay đi công chuyện thì chắc chắn là chúng tôi không sao lết nổi chứ đừng nói chuyện đi. Nhưng vì đến với bà con trong cơn hoạn nạn, chúng tôi cứ đi băng băng để sao cho tiếp cận được nhiều hộ, gặp gỡ được bà con để trao món quà tình nghĩa của chúng ta”, Lê Công Giàu mở đầu cho buổi gặp mặt của cả nhóm trở về từ chuyến đi nghĩa tình. Chậm rãi, anh Mười Thôn bổ sung “đúng là quên cả mệt mỏi khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con mình. Mà đã là hơn một tuần trôi qua rồi đấy. Tuy đã cố gắng, biết vậy, nhưng chúng ta đã đến chậm so với các đoàn đi trước, đặc biệt với sức trẻ Phan Anh kịp thời có mặt ngay khi lũ dâng ngập mái nhà dân kia. Còn bây giờ, tuy nhà cửa xác xơ, nhưng thời điểm ngặt nghèo nhất đã trôi qua. Nhưng dù sao, trao món quà tình nghĩa vào lúc này nhằm thực hiện tâm nguyện “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong chừng mức nào đó thì vẫn kịp thời, vì thật sự bà con mình đã “no” đâu!

Anh cười trả lời một bình luận chen ngang “nhìn anh đang bước lên cầu thang ngôi nhà sàn để trao món quà cho hai mẹ con đang đợi mà thấy xúc động quá”: “ngôi nhà xập xệ, xơ xác, có gì đâu, đồng bào mình khổ quá, món quà tình nghĩa của mình cũng chỉ là muối bỏ bể thôi, còn nhiều việc phải làm. Nghĩ vậy thấy quên cả mệt”!

 
 


Mà quả vậy, đúng như lời của vị cha xứ mà anh Ngãi nhắc lại: "Ở vùng này dân không có ruộng, đất đai khô cằn, người dân biết chỉ bám vào mảnh vườn đắp đổi qua ngày. Ai cũng nghèo như nhau nên quả thật khó tìm ra ai nghèo hơn khi cơn lũ không chừa một ai cả", vì thế khó mà lọc ra trong số 500 hộ đó khoảng 400 hộ khó khăn nhất để đủ trao 400 phần quà. Và rồi, Kha Lương Ngãi, người năng nổ, hào phóng nhất trong nhóm các bạn thường xuyên có mặt trong các sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, cũng là người có mặt cùng với Lê Công Giàu, Võ Văn Thôn, Bùi Tiến An, những cán bộ kỳ cựu của Phong trào hoạt động nội thành trước 1975 trong nhóm Huỳnh Tấn Mẫm tham gia cứu trợ hôm nay, lại cũng năng nổ quyết định góp ngay thêm 20 triệu đồng để có thêm 100 phần quà trao đủ cho bà con.

Không có điều kiện đi cùng nhóm cứu trợ, chị Thiều Thị Tân đột nhiên đẩy cửa bước vào, đi thẳng vào bếp tìm bát đĩa bày những cái bánh đang còn nóng để “khao” chuyến đi thành công của các bác cao tuổi. Rồi khi đoàn râm ran kể chuyện chuyến đi, chị ngồi đếm số tiền mà các cháu võ sinh tuổi thiếu niên nhi đồng gom góp nhờ chị chuyển đến Qũy cứu trợ. Chị xếp ngay ngắn từng tờ giấy 500đ, một ngàn đồng, hai ngàn đồng, năm ngàn đồng, nhẩm tính và gộp lại số tiền là 3.807.000đ để trao ngay cho kỹ sư Tô Lê Sơn đang có mặt.

Anh Huỳnh Kim Báu, người khởi xướng và đã dồn hết mình lo cho chuyến đi nghĩa tình này, đã nói to giữa mọi người trong cuộc gặp gỡ: “chính số tiền hơn ba triệu này của các cháu có ý nghĩa hơn cả ba tỷ đồng nữa đấy các ông bà ơi”.

Càng hiểu lòng anh hơn khi nghĩ đến câu anh trả lời sau tái khám đột ngột vì trở bệnh: “Sức khỏe anh sao rồi, biết anh tái khám cấp tốc chúng tôi lo quá, gọi mãi cho anh không được”? Nói như quát trong điện thoại, Báu dằn giọng: “Thôi chuyện đó bỏ, hãy tính ngay chuyện cứu trợ bà con mình đi đã. Từ sáng tới giờ tôi chạy đi lo chuyện này, thấm mệt phải về nhà nằm một chốc và gọi điện cho anh đây. Làm sao gom được tiền để lên đường ngay, đừng bàn bạc vòng vo, chẳng “chính chị chính em” gì sất, hãy làm thế nào đến được nơi bà con mình sớm lúc nào hay lúc ấy. Không làm nổi như cậu MC Phan Anh thì cũng phải huy động ngay một hai trăm triệu để giúp bà con, phải cứu trợ như cứu hỏa, bức xúc lắm rồi”.

Chính sự sục sôi của Báu đã giục giã tiến độ công việc cứu trợ được quyết liệt khẩn trương đẩy tới. Thế là, vừa gom góp ngay trong một số anh chị em, vừa theo sáng kiến của Huỳnh Tấn Mẫm ra lời kêu gọi các thân hữu, những nhân sĩ trí thức quen biết thường cùng nhau gặp gỡ và mở rộng ra trong bà con ở thành phố “của ít lòng nhiều” gửi vào tài khoản đứng tên “Nhóm Huỳnh Tấn Mẫm” để kịp chuyển gấp đến bà con vùng lũ ở Miền Trung.

Hoàng Kim Báu cho người đặt vé, rồi tuy ai đó đã cản, nhưng sau khi điều xe,anh vẫn trực tiếp đưa nhóm cứu trợ ra sân bay đi Quảng Bình và rồi lại trực tiếp đưa xe ra rước anh chị em trở về. Máy bay về trễ, Báu vẫn đợi ở sân bay hơn mấy tiếng đồng hồ để chào đón mọi người. Gọi điện cho chúng tôi, giọng anh hồ hởi “thôi thế là mừng rồi, đấy anh thấy tôi nói đúng không, ông Giàu khỏe ra, ông Tiến An khỏe ra, ông Thôn rất phong độ vì chuyến đi thành công”. Thật ra thì Tiến An sau khi về đã phải gượng đến gặp mặt để rồi sau đó sốt lại phải nằm. Còn lúc này đây thì anh Báu ngồi yên lặng trong râm ran chuyện giữa mọi người.

Huỳnh Tấn Mẫm đến muộn, vừa cười vừa xin lỗi mọi người đang đợi anh. Mới sáng qua chúng tôi vừa gặp nhau tại phòng khám Bệnh viện Tâm Đức, trông nét mặt hơi sạm đen nhưng anh vẫn cười động viên trước thái độ tỏ vẻ ái ngại của tôi: “không sao đâu, hơi mệt tí thôi vì nhiều việc quá”. Với mấy cái “xì ten” trong ngực từ lần đột quỵ dạo nọ vì những lần căng thẳng do “được” những người “bạn dân” tận tình áp sát “chăm sóc đặc biệt” trên đường, cả khi về nhà, lúc đến cơ quan, may mắn được cấp cứu kịp thời đưa ngay vào viện, hôm nay Mẫm vẫn phóng xe đến cho dù biết là sẽ tới muộn. “Thấy các anh khỏe cả thế là mừng rồi. Lại biết là chuyến đi suôn sẻ không gặp trở ngại gì càng mừng nữa”.

Anh giải thích nỗi mừng ấy do câu chuyện người ta đã hỏi anh ngay khi nhóm cứu trợ chuẩn bị lên đường. Xem ra, những chuyện loại “thường ngày ở huyện” này không mấy ý nghĩa, cũng chẳng mấy tác động đến mục tiêu mà chúng tôi đang dồn hết tâm sức cho việc đi, thì chẳng thuật lại làm chi để mất vui cuộc gặp mừng chuyến đi thấm nghĩa tình!

 




Vả chăng, theo lời răn dạy của Ức Trai mà thấm hiểu cái nghĩa đồng bào cốt nhục thì bận tâm làm gì những chuyện nhiễu nhương ấy. Đến như người có “lòng dạ sáng tựa sao Khuê” mà Lê Thánh Tông phục dựng một cách quá muộn mằn và đau đớn để chiêu tuyết cho nhân cách và sự nghiệp cao cả của Nguyễn Trãi, thì chính Ngôi Sao Khuê ấy đã từng chiêm nghiệm “sự kham thế lệ phi ngôn thuyết”, việc đời đang rơi nước mắt không thể nói thành lờiđược [Thù hữu nhân kiến ký]để chọn lấy cách ứng xử “Quân tử hãy lăm bền chí cũ, Chẳng âu ngặt, chẳng âu già[Ngôn chí, Bài số 17].

Cũng chính con người ấy, cho dù biết cái hữu hạn của một đời người, một sự nghiệp cũng chỉ như là chiếc lá bay theo dòng sông thời gian bát ngát trôi “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc, Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu[Vãn hứng] thì vẫn một lòng vì dân vì nước “Bui một tấc lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước chầu đông[Thuật hứng. Bài số 5] để rồi gánh chịu một số phận thảm khốc vì lý tưởng “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược[Bảo kính cảnh giới. Bài số 132] của người trí thức số một trong lịch sử dân tộc!

Vậy thì, những nhiễu nhương tệ hại mà lũ chúng ta hôm nay đây gặp phải nào có thấm tháp gì! Vậy thì, hãy kết thúc bài viết vội này bằng cách trở lại với tác giả của câu thơ nôm bất hủ được lấy làm đề từ cho bài đã viết và bài viết tiếp “Đồng bào cốt nhục, nghĩa càng bền” hôm nay.

Liệu lịch sử có lặp lại khi “thuyền mọn còn chèo, chăng khứng đỗ. Trời ban tối, ước về đâu”? Con đường phía trước mờ mịt, Nguyễn Trãi bơ vơ giữa một triều đình đầy rẫy sự dối trá lọc lừa bởi những kẻ lòng dạ “khó hiểu hơn vực sâu” và cái lưỡi đưa đẩy ngôn từ thì “sắc nhọn hơn chông mác”? Người quyết lui về không chỉ vì “lưng khôn uốn, lộc nên từ”, mà còn vì thấy ra được rằng “thành trung hiên miện tổng trần sa”, cái đám xe mũ ngôi cao chức trọng kia chẳng qua cũng chỉ là cát bụi mà thôi. Cát bụi vèo tan khi cơn lũ của lòng dân dâng trào thuở ấy và hôm nay?

Còn chúng ta nay thì sao? Chúng ta đến với dân tình đang trong thảm trạng nước lũ nhấn chìm khúc ruột Miền Trung.  Nếu so sánh với những đóng góp lớn lao của những đoàn cứu trợ mà Phan Anh là một biểu tượng thì món quà nghĩa tình của chúng ta quả là nhỏ nhoi thật. Nhưng làm sao đo đếm được nghĩa tình nhỉ. Bỗng liên tưởng đến chiếc “thuyền mọn” của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi xưa kia và cơn lũ của lòng dân đang dâng trào hôm nay. Chúng ta nay, thuyền mọn vẫn chèo.

Biết rằng dòng sông chảy xiết lúc ào vào khúc ngoặt bất ngờ, bản lĩnh không vững dễ bị cuốn theo những rác rưởi nổi dồn lên mặt nước đang nhan nhãn kia kìa. Nhưng sức cuộn chảy từ bên dưới chẳng mấy chốc sẽ xua tan rác rưởi cùng bèo bọt váng bẩn đang nháo nhào tung tóe khắp nơi đó thôi. Lịch sử tưởng như lặp lại, thật ra là đang trên một vòng xoáy trôn ốc. Mà lịch sử thường đi tới bằng những bước ngoặt bất ngờ rất khó lường.Cùng tắc biến, biến tắc thông. Bầu trời đúng là đang tối, tối lắm rồi.

Nhưng chính lúc trời sầm tối là lúc sắp rạng đông.

29. 10. 2016