TTO - Công ty Long Sơn tự chuẩn bị người, phương tiện trấn áp cưỡng chế đất của dân, còn người dân cũng thủ súng chờ "nghinh chiến" nên đã khiến 3 người chết, 16 người bị thương trong vụ xô xát này.
Các vũ khí dao rựa, gậy gộc, khiên đỡ mà cơ quan chức năng thu giữ từ nhóm công nhân của Công ty Long Sơn và cả người dân - Ảnh: TRUNG TÂN |
Chị Vy Thị Vân, một hộ dân có rẫy sát nhà ông Đặng Văn Hiến (40 tuổi, dân tộc Nùng, có rẫy nơi xảy ra án mạng, vừa bị khởi tố, truy nã về tội giết người), cho biết dù chuyện tranh chấp, ẩu đả giữa Công ty Long Sơn và người dân xảy ra nhiều lần nhưng vụ nổ súng này khiến chị vô cùng hoảng hốt.
"Nằm
im" tránh để xảy ra xung đột
Ngay trong
chiều 24-10, một ngày sau khi vụ việc xảy ra, hai chị em chị Vân đã vội
thu xếp đồ đạc để tạm đi nơi khác ở. Nhiều hộ dân khác cũng trong tình
trạng cửa đóng then cài vì những lo lắng mơ hồ.
Ông Nguyễn
Hữu Huân - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho biết ông đã ký văn bản khẩn
gửi các ban ngành, xã, thị trấn, doanh nghiệp trên địa bàn về việc túc trực
24/24 để đề phòng tình huống xấu.
Các đơn vị
công an, quân đội luôn trong tinh thần phản ứng nhanh nhất để không tiếp tục
xảy ra các vụ đụng độ tương tự.
Trong văn
bản, chính quyền cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang có đất tranh chấp phải
"nằm im" tránh để xảy ra xung đột với người dân.
Về phía Công
ty Long Sơn, theo ông Huân, chủ doanh nghiệp nhắn tin cho biết nhiều công nhân,
nhân viên bảo vệ đã bỏ việc vì lo sợ.
Ông Nguyễn
Thành - một người dân có rẫy trồng điều tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực)
- kể ông cùng hàng trăm hộ dân đã vào canh tác, trồng điều, cao su hoa màu
từ 10-15 năm nay.
Năm 2008,
công ty vào nói là đã được nhà nước giao đất nên sẽ lấy lại đất để làm dự
án, đồng thời tuyên bố không bồi thường vì “đất là do người dân lấn chiếm”.
Cùng tuyên
bố trên, công ty thường xuyên tổ chức đưa lượng hàng chục người cứ nửa đêm,
mờ sáng đi san ùi, giành lại các diện tích rẫy mà người dân đang canh
tác.
Còn chị Vy
Thị Huệ - người trồng cây điều tại khu vực này - cho biết thêm cách đây
không lâu, khoảng 2g sáng, Công ty Long Sơn cho người, máy ủi vào phá vườn điều
của ông Hoàng Văn Thắng.
Lúc này
người dân đến phản ứng rất đông nên nhóm công nhân cùng nhiều trang bị máy
móc phải rút lui.
"Đất
chúng tôi đang trồng cây, công ty đòi lấy mà chẳng bồi thường gì cả còn tổ chức
côn đồ, đầu gấu đến lấy đất nên ai cũng bức xúc” - chị Huệ nói.
Mới đây,
trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ việc, công an đã phát hiện hàng
chục khiên đỡ (giống loại của cảnh sát cơ động), gậy gộc, dao rựa
mà nhóm công nhân Công ty Long Sơn đã mang theo khi vào “cưỡng chế” đất
gia đình ông Thắng lúc mờ sáng.
Ngoài ra,
công an cũng thu giữ 10 khẩu súng trong nhà ông Hiến, chứng tỏ người
chủ rẫy này cũng đã chuẩn bị phương tiện để “chống trả” doanh
nghiệp mà người dân ở đây cho là đang "cướp đất”.
Không được
tự ý tổ chức lực lượng
Chính ông
Nghiêm Xuân Thiên Sửu - phó giám đốc Công ty Long Sơn - thừa nhận khoảng
5g30 ngày 23-10, công ty điều động 28 công nhân đi bảo vệ máy vào san ủi vườn
điều của ông Hoàng Văn Thắng.
“Đội bảo vệ”
được phân công rõ ràng: một nhóm bảo vệ xe ủi, các nhóm khác đi chốt chặn các
con đường khu dân cư, không cho người dân đến khu vực rẫy ông Thắng.
Ông Sửu cho
rằng việc mình tổ chức lực lượng cưỡng chế đất của ông Thắng là “lấy lại đất
nhà nước đã giao, không nhất thiết phải báo chính quyền địa phương, người dân”
(!?).
Cơ quan công an điều tra tại hiện trường vụ án mạng là nhà ông Đặng Văn Hiến (tiểu khu 1535, xã Quảng Trực) - Ảnh: TRUNG TÂN |
Ông Nguyễn
Hữu Huân - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho biết nguyên nhân dẫn
đến vụ nổ súng sáng 23-10 là do Công ty Long Sơn đưa lực lượng đi giành lại đất
đang có tranh chấp với người dân nhưng không hề báo cáo với chính quyền
và nhân dân địa phương.
Ông Huân cho
rằng việc doanh nghiệp không thỏa thuận, nôn nóng giành lại đất và tự tổ
chức lực lượng đi cưỡng chế là sai.
Cũng theo
ông Huân, trước đây Long Sơn từng nhiều lần tổ chức người đi san ủi đất
mà người dân đang trồng cây, huyện đã mời lên yêu cầu hai bên phải thỏa thuận
rồi.
“Mỗi lần như
vậy, doanh nghiệp đã hứa sẽ thỏa thuận với dân để bồi thường, hỗ trợ nhưng đùng
một cái họ tự ý đi cưỡng chế nên xảy ra án mạng” - ông Huân nói.
Được biết,
để tránh tình trạng mất an ninh trật tự tại các dự án và chuẩn bị cho đề án thí
điểm ổn định dân cư tại các vùng đất lấn chiếm, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu
các doanh nghiệp không để xảy ra các tranh chấp dẫn đến xô xát.
Trước khi vụ
xô xát dẫn đến án mạng trên xảy ra, UBND tỉnh đã từng có văn bản yêu cầu
các doanh nghiệp đang có tranh chấp với dân “giữ nguyên hiện trạng, chờ cơ quan
chức năng xử lý”.
Theo luật sư
Nguyễn Quynh - Đoàn luật sư TP Hà Nội - việc công ty tự tổ chức đi cưỡng
chế đất còn đang tranh chấp với người dân là trái pháp luật.
Việc ra các quyết định thu hồi đất, cưỡng chế, kiểm đếm tài sản trên đất tranh
chấp thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện.
“Trong mọi
trường hợp, doanh nghiệp không được tự ý tổ chức lực lượng với gậy gộc, dao rựa
đi cưỡng chế, làm thay việc chính quyền” - luật sư Quynh phân tích.
Cũng theo
ông Nguyễn Hữu Huân - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, trong đợt khảo
sát tại xã Đắk Ngo và Quảng Trực mới đây, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã
yêu cầu địa phương nghiên cứu quy hoạch một đơn vị hành chính mới.
“Một đoàn
công tác của huyện đang khảo sát, kiểm đếm, đánh giá về diện tích cây trồng,
vật kiến trúc của người dân, đã làm được 5 điểm (tương đương 5 thôn) để
chuẩn bị lập xã mới. Khu vực xảy ra vụ xô xát đau lòng trên là nơi huyện
dự định thành lập thôn Hạnh Phúc” - ông Huân chua xót nói.
Theo UBND
huyện Tuy Đức, tháng 4-2008, Công ty Long Sơn được giao 1.079ha (hơn 507ha là
đất rừng) đất để thực hiện dự án nông lâm kết hợp.
Đến nay,
công ty này đã trồng được 93ha điều, trong đó tự trồng hơn 85ha, thỏa thuận
với dân thu lại đất chỉ 7,9ha. Hiện Long Sơn đang bị lấn chiếm 979ha/1.079ha
được giao.
TRUNG TÂN
Nguồn:
Theo Tuổi Trẻ