25-10-2016
WASHINGTON, DC (NV) – Dù đến Mỹ từ hôm Chủ Nhật 23 tháng Mười, nhưng sáng Thứ Ba, 25 Tháng Mười ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực ban bí thư đảng CSVN, mới chính thức xuất hiện tại buổi đón tiếp tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì.Tại cuộc họp báo kéo dài hơn 7 phút, cả hai ông John Kerry và Đinh Thế Huynh đã có bài phát biểu tuy mang tính xã giao nhưng cùng nhấn mạnh đến việc làm ‘sâu sắc thêm’ mối bang giao giữa hai nước, tiến về phía trước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống chính trị, và sự phát triển chiến lược của nhau.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng John Kerry điểm lại lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhắc đến việc Việt Nam nay có nền kinh tế theo tư bản chủ nghĩa, vấn đề tôn trọng hòa bình và các quy tắc của luật pháp ở biển Đông. Ông Kerry cũng không quên nhắc đến vấn đề tôn trọng nhân quyền và tự do của người dân Việt Nam, quyền của người lao động và cam kết về việc Hoa Kỳ tham gia TPP,…
Về phần mình, ông Đinh Thế Huynh coi ngoại trưởng John Kerry ‘như một người bạn’ của Việt Nam đồng thời nói rằng hai bên sẽ có cuộc hội đàm rất thẳng thắn về mối quan hệ giữa hai nước. Vẫn theo lời ông Huynh, là cả Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thảo luận về cách thức để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia và thắt chặt mối quan hệ ‘vì lợi ích của nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.’
Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh và theo dự trù sẽ kéo dài 7 ngày. Ngoài thủ đô Washington DC ông Huynh sẽ đến New York và Boston với nhiều cuộc họp và gặp gỡ khác nhau.
* Chiến thuật ‘đu dây’
Trước khi đến Hoa Kỳ, ông Đinh Thế Huynh, nhân vật được xem là số hai trong đảng CSVN sau tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có chuyến thăm Bắc Kinh 3 ngày kéo dài từ 19 đến 21 Tháng Mười, 2016.
Chiến thuật ‘đu dây’ thăm Trung Quốc trước khi đến Hoa Kỳ luôn được các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN áp dụng từ trước đến nay nhằm cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc mà Việt Nam xem trọng nhất hiện nay.
Tuy nhiên với chuyến thăm này của ông Huynh, đảng CSVN, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, muốn gởi ra một thông điệp quan trọng, mà theo bình luận của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là mang tính ‘quyết định’ trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đại học George Mason University ở Arlington, Virginia, và cũng là một học giả của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington, DC, có bài viết trên trang web của CSIS hôm 21 Tháng Mười, nhận định, ông Huynh ‘là lãnh đạo cao thứ nhì trong đảng, ông là một ứng cử viên có thể thay thế Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi ông này quyết định nghỉ hưu trong hai năm, theo như dự trù.’
Vì thế, ông Huynh được coi là người “có đủ tư cách” nói chuyện với Washington, theo Giáo Sư Hùng.
Trong nhiều năm, thủ tục ngoại giao của Mỹ không bao giờ tiếp lãnh đạo đảng trong một hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý,” vị giáo sư viết. Sự kiện mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington, DC, cách đây hai năm đã phá bỏ thủ tục này.
Cũng trong chuyến thăm này, theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trọng đưa ra hai tuyên bố quan trọng: Việt Nam sẽ làm mọi cách có thể để tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng và Mỹ là “lãnh vực ngoại giao quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.”
Vẫn theo giáo sư, chuyến thăm của ông Huynh cũng có thể được xem như một phần trong chính sách “đu dây” của Việt Nam giữa các cường quốc. Là một quốc gia nhỏ nằm cạnh ông hàng xóm khổng lồ, với những tham vọng thế giới và khu vực, Việt Nam phải hòa giải với Trung Quốc, nhưng không tới mức làm mất sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Thành ra, chuyện Hà Nội tranh thủ xây dựng quan hệ với các cường quốc có khả năng và ý muốn để cân bằng với Trung Quốc là điều bình thường. (KN)
_____
Mời xem lại: Ông Đinh Thế Huynh muốn thăm dò những gì trong chuyến đi Mỹ (RFA/ BS). – Sau Trung Quốc, ‘nhân vật số 2’ của Việt Nam đi Mỹ (VOA). – Ông Đinh Thế Huynh đi thăm Hoa Kỳ (BBC).