03 octobre 2016

“Nhắm thẳng người dân… đánh!”



Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.
 

Hàng ngày trong cuộc sống, người dân Việt luôn có cảm giác rờn rợn là chính quyền và công an cứ “nhắm thẳng vào người dân…đánh!”

Thời còn học sinh, một trong những người được bọn trẻ hâm mộ như một anh hùng, là Nguyễn Viết Xuân. Với sự can đảm, dù đang bị thương, anh vẫn: “Nhắm thẳng quân thù. Bắn!”.



Thời ấy, cần phải xác định thật rõ ràng minh bạch đâu là ta, đâu là địch, đâu là bạn, đâu là thù, đâu là mục tiêu cần tiêu diệt và nhất định phải diệt, thì người ta mới yên lòng.

Hơn ba chục năm qua, Việt Nam tương đối “hoà bình”, bởi Đảng Cộng sản và nhà cầm quyền luôn “tạo ảo giác” cho người dân về cảnh thanh bình, hoà bình và ổn định chính trị để phát triển đất nước, với mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nếu có các cuộc xung đột, tranh chấp, hoặc lạm quyền, làm trái luật từ trong nội bộ đảng và chính quyền hoặc trong mối quan hệ với các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc, thì người dân cũng hãy yên lòng, vì “đã có đảng và nhà nước lo”.

Và, điều này thật nguy hiểm, cả hệ thống tuyên truyền của nhà nước đã khéo “dỗ dành”, khiến cho người dân Việt “yên lòng và ngủ vùi”, hay chí ít là, việc xấu, sai ấy chưa đến với mình. Hậu quả là, tuy vẫn tồn tại những cái sai, cái xấu, và ngày càng có chiều hướng gia tăng,  nhưng đó chỉ là hiện tượng, nhất thời, cục bộ, do vài người, vài bộ phận suy thoái đạo đức, mất cảnh giác, mất tính đảng, mất thái độ “công bộc” của dân. Đảng và nhà nước đã thành công trong việc “tẩy não” người dân luôn biết “binh vực” cho đảng, vốn là “cuộc sống, là lương tâm, đỉnh cao của trí tuệ loài người”.

Thế nhưng, khi thông tin đa chiều của các trang web nở rộ trên mạng internet, cùng với mạng lưới Facebook, người dân Việt dần hiểu ra sự thật của tất cả các vấn đề từ chính trị đến đời sống đã bị bưng bít, đánh bóng, bóp méo và thập chí là giả trá nữa.

Mắt được mở, tai được thông, trí não được phục hồi, người dân Việt thấy được các mặt của vấn đề, đã biết nhận định, đánh giá, phê phán độc lập, không để bị “xỏ mũi” dẫn đi nữa.

Những suy nghĩ phản biện, những cuộc tranh luận trái chiều, những quan điểm hiện sinh, những sự thật bị phơi bày khi những chiếc mặt nạ của những sự gian dối rớt ra, người dân Việt thấy rằng, những mỹ từ mà đảng và nhà nước luôn “rêu rao” như “ổn định chính trị, lãnh đạo tài tình, thành công thắng lợi…”, thậm chí những tiêu cực bị phanh phui, kẻ biến chất bị trừng trị, cũng thuần là gian dối, bởi chúng đã được “định hướng”.

Người dân Việt có ý chí phản kháng không sợ sẽ bị liệt vào hạng phản động, bị quy chụp là thành viên của những thế lực nước ngoài “không không thấy”, bị ghép tội chống phá nhà nước, kích động nhân dân.

Hôm nay, người dân Việt vẫn còn nghe thấy những mỹ từ “ổn định chính trị, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nhưng họ đã hiểu ngược lại, vì ngược với sự gian dối và sự thật, và chẳng ai tin kẻ dối trá, dù hắn nói sự thật, đừng nói đến nửa sự thật.

Thứ “ổn định chính trị, giữ gìn trật tự trị an” ấy thực chất là chủ trương đảng trị trong một thể chế độc tài, mà chính phủ chỉ là tay sai. Đảng ở trên cả pháp luật, vì đảng, qua chính phủ, có “quyền” tạo ra, sửa đổi, vô hiệu hoá bằng những văn bản dưới luật, chi phối hệ thống toà án, việc kiểm soát, điều khiển lực lượng hùng hậu công an, quân đội, an ninh, trật tự, dân phòng, cựu binh, dư luận viên, và “định hướng” cho cả hệ thống tuyên truyền, báo chí, khiến người dân “cô độc” trong chính quốc gia mình.

Để có thể phát triển kinh tế, đảng và nhà nước không ngần ngại “hy sinh” người dân, những quyền chính đáng của người dân, sự ổn định đời sống, hạnh phúc của người dân, và sử dụng cả bộ máy chính trị ấy để sách nhiễu, đàn áp, nếu người dân không theo những chủ trương, chính sách phi nghĩa và bất nhân ấy. Vì thế nảy sinh ra tình trạng cưỡng chế bằng bạo lực, để thu hồi nhà đất, chợ búa, công viên, chùa chiền… là nơi ở và phương tiện sinh hoạt, sinh sống của người dân cho những dự án, mà đàng sau những dự án “béo bở” đó là lạm quyền và tham nhũng.

Như thế chẳng khác gì đảng và nhà nước “nhắm thẳng người dân… đánh!”.

Bị “đánh nhiều và đánh mãi” trong các lãnh vực của đời sống như vậy, người dân dần mất niềm tin vào nhà nước, vì luôn sống trong tình trạng bất an, do thấy được sự bất lực của nhà nước và sự thối nát của hệ thống chính quyền trước mọi vấn đề quản trị và điều hành đất nước, bảo vệ an toàn và tính mạng của người dân. Những vấn đề của người dân, từ đời sống, việc làm, giáo dục, an sinh, sức khoẻ, đến tình trạng mất an ninh, an toàn do các tệ nạn xã hội và sự huỷ hoại môi trường sống, thay vì được nhà nước quan tâm đúng mức để chứng tỏ mình phục vụ dân, lại trở nên “miếng mồi” để nhà nước trục lợi, hoặc trở nên vô cảm, thậm chí là “nguồn” gây ra nỗi sợ hãi và kinh hoàng cho người dân.

Mới đây, anh phóng việc báo Tuổi Trẻ bị đánh ở Hà Nội, chị bán hàng rong bị túm tóc đánh ở Sài Gòn, mà những người đánh là công an, những người mang danh là thực thi pháp luật và “bảo vệ” dân, chỉ là “chuyện nhỏ, không mới”. Nhưng cái đáng nói ở đây là thói lạm quyền và côn đồ, ham tiền và cửa quyền, vô cảm và hèn nhát, coi thường danh dự và ý nghĩa của hai chữ đồng bào của công an ngày càng nhiều và rộng, nhất là sự binh vực ngang ngược bất chấp tính logic của vấn đề, những từ ngữ diễn tả và đạo lý của những người lãnh đạo đã đẩy sự cuồng nộ của người dân lên đỉnh điểm.

Bởi vậy hàng ngày trong cuộc sống, người dân Việt luôn có cảm giác rờn rợn là chính quyền và công an cứ “nhắm thẳng vào người dân…đánh!”.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.