17 octobre 2016

“Nhân tai” không phải chỉ là Formosa hay nhà máy thủy điện, mà là một chính quyền không đủ tâm và tầm


FB Nguyễn Thị Oanh

17-10-2016

Hình ảnh người dân miền Trung sống với lũ. Nguồn: Facebook

Những hình ảnh lũ lụt tang thương ở Hà Tĩnh và Quảng Bình trong tuần qua khiến những ai vô tình nhất cũng không thể cầm lòng. Chưa kịp chia sẻ với bà con, nay cơn bão số 7 lại tràn tới…
Trời như thách đố phận nghèo. Vùng đất vốn đã xơ xác sau “nhân tai” Formosa giờ đây lại tiếp tục nhận thêm cơn “nhân tai” mới từ thủy điện và cơn thịnh nộ ắt phải đến của Mẹ Thiên Nhiên.

Một câu hỏi quay quắt là tại sao, năm nào cũng thế, cái đòn gánh thân thương gánh cả hai đầu đất nước lại luôn phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên và những hình ảnh thương tâm thế này cứ lặp đi lặp lại? Nếu bão, lũ là “đặc sản” do điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của vùng đất này thì phải tìm cách để chung sống được với nó. Nếu úng lụt là hậu quả do con người gây ra thì lại càng không thể bó tay mà phải tìm ra giải pháp khắc phục bằng được.



Tôi sang Israel. Tò mò thấy ở đâu cũng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Tìm hiểu thêm mới biết đó là phát minh đặc biệt đã có bản quyền khắp thế giới của người Israel. Hoàn cảnh vị trí địa lý khắc nghiệt của đất nước đã buộc con người ở đây phải nghĩ ra cách làm sao trồng được cây cỏ trên sa mạc cùng với giải pháp sử dụng nước tưới cho cây một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Có lần tôi đến thăm Edmonton – thành phố lớn thứ 6 đồng thời là thủ phủ tỉnh bang Alberta của Canada vào mùa Đông. Từ khách sạn, các bạn ở Đại học Alberta (UA) đến đón tôi đi thăm trường và bảo tôi nên bỏ bớt áo mũ ở nhà, chỉ cần mang theo một áo khoác nhẹ. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên vì ngoài trời đang là 22 độ âm, các bạn khoát tay bảo cứ đi rồi sẽ biết. Hoá ra là phần lớn các tòa nhà trong thành phố này được nối liền với nhau nên nếu đi bộ thì hầu như không phải bước ra ngoài đường (tất nhiên là chỉ hơi bị… “mệt quá đôi chân này”). Tất cả các văn phòng làm việc, siêu thị, cửa hàng ăn uống, dịch vụ… đều có nhiều đường qua lại kết nối bên trong các khu nhà hoặc kết nối bằng cả metro. Các bạn Canada giải thích do khí hậu vùng này rất lạnh và khô vào mùa Đông nên hệ thống đi lại trong thành phố được chính quyền cho thiết kế nhằm mục đích để giảm thiểu tối đa việc người dân phải đi bộ ngoài đường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông. Tất nhiên, đi bộ bên trong các toà nhà thì bao giờ cũng ấm áp bởi có máy sưởi ở mọi nơi!

Kể ra như vậy để thấy rằng nếu một chính quyền thật sự vì dân và có trách nhiệm với dân thì sẽ phải tự hình thành tầm nhìn cũng như xây dựng được những giải pháp cho quốc kế dân sinh. Chính quyền phải đóng vai trò quyết định trong việc mang lại cho người dân một môi trường sống an toàn và tiện nghi trong khả năng tốt nhất có thể. Chúng ta không thể đem miền Trung cất đi đâu để tránh bão lũ, lụt lội hàng năm. Lại cũng không thể bỏ trắng vùng đất này vì sợ thiên tai. Vậy thì không ai khác ngoài chính quyền (địa phương và trung ương) phải có trách nhiệm làm sao cho dân sống được ở nơi đó và phải là một cuộc sống bền vững chứ không phải là kiểu “bám đất” để sống.

Đã 41 năm chúng ta sống trong hòa bình rồi nên không còn có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Những gì thiên nhiên đang đối xử với miền Trung ngày nay là hậu quả của sự tắc trách và thể hiện trình độ yếu kém kéo dài trong công tác quản lý, điều hành của cả chính quyền trung ương lẫn địa phương. Vì thế mới duyệt cho quy hoạch thủy điện thả ga không cần cân nhắc. Vì thế mới buông lỏng quản lý cho rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ. Vì thế mới cho các dự án công nghiệp nặng và khai khoáng phát triển tràn lan, bất chấp hậu quả tác động môi trường… Ngây ngô và vô cảm đến độ như ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An còn phát biểu: “Khi xả lũ, chúng tôi chỉ tính đến an toàn của đập, còn hậu quả thì chưa nghĩ đến”. Bó tay!!!

Hồi tối nay, tôi vừa hỏi thăm một cậu thanh niên quen biết có gia đình sống ở Tuyên Hoá (Quảng Bình). Cậu bảo vùng nhà cháu chả có thủy điện mà năm nào cũng ngập. Trời thương thì cho ngập ít mà ghét thì cho ngập nhiều thôi. Nhưng mà cũng phải sống và cũng quen hết rồi, chứ bỏ đi đâu được hả cô?

Tất nhiên, những vùng có thủy điện thì còn khốn khổ hơn nữa. Nhưng mấy ông làm thủy điện lại bảo: Không xả nước mà để vỡ đập cũng chết cả nút! Mà một khi mưa bão lớn quá thì có báo trước khi xả nước, dân cũng chẳng đỡ nổi!!!

Tóm lại, chỉ có dân cứ phải tự loay hoay đối phó với thiên tai mà thôi! Hoặc phải chấp nhận “quen” với nó và chịu đựng bằng mọi khả năng có thể. Vai trò của chính quyền trong việc hoạch định chiến lược để giúp dân sống cùng và đối phó hiệu quả với thiên tai hầu như hoàn toàn mờ nhạt. Và như mọi khi, hễ cứ có thiên tai là lại có các cuộc vận động quyên góp nhân đạo trong dân. Tuy nhiên, người dân có thể tự nhường cơm sẻ áo cho nhau trong lúc tai ương khốn khó, nhưng không vì thế mà chính quyền có thể ung dung để mặc cho dân tự giúp nhau vượt khó và nghĩ rằng “tan bão là xong, nước rút là ổn”. Vai trò và bản chất của một chính thể cầm quyền đòi hỏi những người lãnh đạo cần thể hiện trách nhiệm đúng nghĩa là “cha mẹ của dân” trong lúc này để lo cho dân, chứ không cần phải là “đầy tớ” một cách thiếu thực chất nữa!

Năm nào tôi và cộng đồng nhỏ của tôi cũng tham gia đóng góp cứu trợ lũ lụt cho miền Trung. Tôi cũng vừa thấy mọi người đang chia sẻ trên mạng những đoạn video clip để kêu gọi cứu trợ, thậm chí có cả lời kêu gọi phải gửi cho thế giới biết những hình ảnh này để họ cùng tham gia giúp đỡ đồng bào ta. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chẳng lẽ cứ “đến hẹn lại lên” là lại phải tổ chức các đợt vận động quyên góp cứu trợ thế này? Ngay cả với bạn bè quốc tế, họ có thể chung tay chia sẻ, giúp đỡ một đất nước bị thiên tai đột ngột, nhưng cứ năm nào cũng kêu cứu thì người ta sẽ đánh giá về chúng ta ra sao? Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu giả sử có bạn bè cắc cớ hỏi rằng: “Tại sao năm nào ở đó (miền Trung) cũng bị bão và lũ, lụt mà nhà nước không có cách nào để giúp dân tránh? Tại sao lại không thể phòng ngừa được một chuyện mà ai cũng biết chắc rằng nó vẫn thường xuyên xảy ra?”…

Vì vậy, sâu xa mà nói, “nhân tai” ở đây không phải chỉ là những Formosa hay nhà máy thủy điện. “Nhân tai” lớn nhất đó là một chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả, không đủ tầm và cũng không có tâm để lo cho dân một cách căn cơ. Do vậy, cần lắm những thay đổi quyết liệt về tư duy và cơ chế điều hành bộ máy chính phủ để chính quyền này thực sự là một chính quyền vì dân.

Điều mà người dân miền Trung cũng như cả nước cần và ước, đó là có được một chính quyền đủ trình độ, năng lực cần thiết, hoạt động minh bạch và có hiệu quả. Đấy mới là điều cốt yếu để giảm thiểu ảnh hưởng của cả “nhân tai” cũng như thiên tai, đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định và bền vững cho mọi công dân.