Ngày 4/10/2016, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết
khiếu nại, tố cáo năm 2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bất ngờ đề nghị cơ
quan hành pháp xem xét sớm trình dự án Luật Biểu tình để “đảm bảo quyền công
dân và tạo hành lang pháp lý cho việc khiếu nại, tố cáo đông người”.
Lẽ nào Quốc hội, mà ai cũng hiểu rằng đứng sau đó là đảng “cầm tay chỉ
việc” lại muốn có Luật Biểu tình vì “nợ nhân dân đã quá lâu”?
Nhưng động tác đốc thúc Luật Biểu tình trên lại xảy ra ngay sau cuộc biểu
tình “chiếm Formosa” lên đến hàng chục ngàn giáo dân vào ngày 2/10. Đây là cuộc
biểu tình quy mô nhất, chuyên nghiệp nhất và hiệu quả nhất mà lực lượng giáo
dân - ngư dân tổ chức được ở miền Trung.
Rõ ràng là từ tháng 6/2016 đến nay, phong trào biểu tình miền Trung đã bùng
nổ và vượt thoát những chế áp của hàng rào cảnh sát, quân đội, và nếu muốn thì
hoàn toàn có thể “san bằng Formosa”. Tuy nhiên, các linh mục vẫn giữ cho khối
biểu tình tinh thần ôn hòa.
Nếu so sánh phong trào biểu tình chống Trung cộng vào năm 2011 với các cuộc
biểu tình hiện nay thì một sự thật hiển nhiên là trong vài năm gần đây, nhiều
đám đông biểu tình trên khắp các vùng đất nước đã không còn quan tâm đến việc
có luật về biểu tình hay không, trong khi bộ luật quyền dân này đã bị đảng và
Quốc hội treo suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Từ chỗ lấy Luật Biểu tình để trả treo, bố thí cho dân chúng, chính quyền
đang bị lâm vào tình thế gần như hoàn toàn bị động. Để một khi nỗi bức bối và
phản ứng của dân đã vượt giới hạn của chính quyền, não trạng giới cầm quyền bắt
đầu thay đổi sang một hướng đối phó mới.
“Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần
rần thế này thì lấy gì mà xử nó?” - có người thuật lại lời than của một
quan chức trong một cuộc họp “sơ kết” sau những cuộc biểu tình “cá chết
Formosa” lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành
khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh vào
tháng Năm năm 2016.
Bây giờ thì ngoài chuyện đe dọa bắt bớ, chỉ còn lại luật Biểu tình để ngăn
chặn.
Trong thời gian gần đây, một hiện tượng có vẻ đáng ngạc nhiên nhưng lại rất
hợp với trạng thái lo lắng đến phát sốt trong nội bộ là giới dư luận viên - vốn
hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến
dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc
- lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm luật Biểu tình”.
“Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng
trong xử lý” - một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra
đường trước đám đông phẫn uất.
Cho dù chỉ mới vào tháng 8/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội
đã bác Luật Biểu tình với lý do “làm rối loạn đất nước”, nhưng biết đâu đấy,
cũng chính bà Ngân sẽ nhiệt tình ủng hộ Luật Biểu tình vào cuối năm nay hoặc
trong năm tới.
Phải có luật mới “xử được nó”!
Lê Dung / SBTN