(Tiến sĩ, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội.)
Qua thực tế mới thấy "quy
trình" đang được tung hô đã đẻ ra những hiện tượng kỳ lạ: người biết việc
thợ sắt lại giao làm việc thợ nề, ông giỏi nghề nông trở thành người lãnh đạo
ngành chả liên quan gì đến việc nông tang, thậm chí trái nghề đến mức có ông
lên đọc bài người ta viết sẵn cũng đọc không xong vì trong bài có nhiều thuật
ngữ chuyên ngành ông... chưa học.
Trước hết, xin lỗi nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vì
đã đạo ý tưởng rất hay của chị để đặt tên cho bài viết nhỏ này vì nó đúng với
cái trường hợp mà tôi đang đề cập.
Chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan, bố tiến
cử con, chồng đề bạt vợ, anh em nâng đỡ nhau từng bước thành "lãnh
đạo" đã cũ lắm rồi. Giờ đã đến lúc đề bạt để tạo vây cánh, củng cố quyền
lực, thâu tóm lợi ích, lo cho cả sau khi đã nghỉ hưu, chả còn ở cái ghế
ấy nữa mà lợi ích vẫn còn. Thế mới có chuyện cơ quan cấp sở, 46 cán bộ mà
chỉ có 2 nhân viên, còn lại đều từ cấp phó phòng trở lên thì quả thực, chúng ta
(mạo xưng thế xin đừng cho là tôi khai man thành tích) đã hoàn thành từng bước
phổ cập "lãnh đạo hóa" cơ quan công quyền rồi.
Làm đường đội vốn lên 100%, báo cáo "đúng
quy trình"; xử án oan sai xong, kiểm tra lại, ai nấy ngơ ngác: tất cả đều
"đúng quy trình". Tổng bí thư giao cho 4 cơ quan xem xét việc thăng
chức, luân chuyển, tặng huân chương, trao danh hiệu cho đơn vị của Trịnh Xuân
Thanh... có gì sai để còn xử lý thì sau một thời gian nghiên cứu, các cơ quan
báo cáo lại tất cả đều "đúng quy trình". Việc Trịnh Xuân Thanh trốn
ra nước ngoài khiến nhân dân phẫn nộ, chất vấn các đại biểu quốc hội ở nhiều
nơi, nghi có tiêu cực. Té ra nhân dân nghi oan cho cán bộ. Báo cáo cho thấy mọi
việc đều được thực hiện " đúng quy trình"...
Lât các trang báo viết về chuyện này soi cực kỹ
mà chả thấy lỗ hổng nào. Phải công nhận cái quy trình bổ nhiệm nó khoa học và
chặt chẽ. Này nhé: muốn được làm lãnh đạo, phải giỏi, có đủ văn bằng chứng chỉ
chính trị, chuyên môn, phải thông thạo tin học, lương phải từ chuyên viên chính
trở lên, phải được đưa vào quy hoạch, mỗi năm các cấp có trách nhiệm xem xét, đánh
giá một lần..., nghĩa là kỹ lắm, chặt chẽ và đảm bảo lắm. Vậy cái chuyện chạy
nọ chạy kia như tin đồn không có đâu, toàn bọn xấu tung tin đấy. Cẩn thận
kẻo nghe hoang tin rồi tự diễn biến là lại nghĩ xa, nghĩ gần, vừa mất lập
trường, vừa thấy bức xúc.
Theo nguyên tắc và "đúng quy trình"
thì hàm đi liền chức, quyền đi liền lợi. Cơ chế nó đẻ ra tư duy ấy chứ lẽ ra
làm việc gì cũng phải tính hiệu quả. Cơ quan tôi đã có thời kỳ bội thực lãnh
đạo và nếu theo "đúng quy trình" thì một đơn vị cấp 2 của chúng tôi
sẽ có 1 cấp trưởng và 22 cấp phó. Chúng tôi đã không chọn cái "quy
trình" này để vui vẻ cả nhưng cũng vì thế mà có sự rạn nứt, bị ghét,
thậm chí không muốn nhìn mặt nhau. Những người khôn ngoan, họ lợi dụng cơ chế
để ban phát, kéo bè cánh, luôn núp bóng những nguyên tắc, quy định họ biết mười
mươi là sai, nếu theo chỉ có hỏng việc chung nhưng lại lợi cho mình. Thế là họ
thi nhau bổ nhiệm lãnh đạo để tạo vây cánh, kiếm lợi, còn có được việc hay
không, họ chẳng quan tâm. Họ dựa vào cái quy trình như bùa hộ mệnh, cắt gọt để
người họ định đưa lên lọt đúng vào cái ô quy trình là được. Chả ai bắt bẻ được
gì. Cái áo khoác vạn năng đã phù phép cho mọi thứ chưa đủ trở thành chuẩn mực.
Thế là cứ yên tâm mà cơ cấu, đưa nhau lên. Lại còn được tiếng quan tâm đến quyền
lợi anh em. Cái logic công việc đã bị loại bỏ. Logic quan hệ sẽ dẫn đến logic
lợi ích và nhóm lợi ích hình thành, khuynh đảo xã hội. Họ bao che cho nhau, tìm
cách gạt bỏ người không ăn cánh với mình, làm suy yếu đội ngũ công chức cũng từ
những việc này. Người có năng lực và tự trọng sẽ rời bỏ cơ quan nhà nước vì họ
thấy môi trường làm việc không còn phù hợp. Chất lượng công chức giảm có nguyên
nhân từ sự đề bạt không đúng này.
Nhưng, làm cán bộ bao giờ cũng hưởng lợi hơn
nhân viên. Nếu thay đổi quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm thì mới có cơ thay đổi
chất lượng đội ngũ công chức. Bởi ai cũng có quyền được làm lãnh đạo, ai cũng
thích mình trưởng thành nhưng chỉ có một số ít người có năng lực và phẩm chất
vượt trội mới có thể làm lãnh đạo được. Qua thực tế mới thấy "quy
trình" đang được tung hô đã đẻ ra những hiện tượng kỳ lạ: người biết việc
thợ sắt lại giao làm việc thợ nề, ông giỏi nghề nông trở thành người lãnh đạo
ngành chả liên quan gì đến việc nông tang, thậm chí trái nghề đến mức có ông
lên đọc bài người ta viết sẵn cũng đọc không xong vì trong bài có nhiều thuật
ngữ chuyên ngành ông... chưa học. Quy trình của ta không phải để chọn ra người
tài thực sự để làm lãnh đạo mà là tìm ra cơ chế để về mặt hình thức ai cũng có
thể thành lãnh đạo nếu họ lọt vào cơ chế nhưng trên thực tế lại là để cho một
số người lọt qua cửa này thôi. Vậy mà họ làm cho ai cũng tin rằng đó là chân lý
cho mọi người. Chỉ riêng cái việc đó thôi cũng đáng phục lắm rồi!
Vậy, chừng nào cơ chế lựa chọn chỉ cốt phù hợp
với quy trình ấy còn tồn tại thì ai cũng có thể nói: Nào, chúng ta cùng làm
lãnh đạo đi! Và tâm lý ấy không chỉ đầu độc xã hội mà còn làm cho chúng ta khốn
khổ mãi.
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới