28 octobre 2016

Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?


Tác giả Xuân Dương viết: "Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó".

Nhưng theo TBT Nguyễn Phú Trọng thì "cấm" vì như vậy là "ta diệt chính ta"

Xuân Dương
 

(GDVN) - Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó. Liệu có cơ chế nào hữu hiệu để cách ly quan trường và thương trường?

Trước đây, có nhiều ý kiến, rằng ở phương Tây khi giàu có người ta chuyển sang làm chính trị, kiểu như tỷ phú Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ, nước mình ngược lại, không ít người nhảy vào quan trường để lo “vườn-ao-chuồng” cho bản thân, con cháu.
 


Lo xa đề phòng lúc “hạ cánh” bất đắc dĩ chẳng bao giờ thừa, còn nếu mà “hạ cánh an toàn” thì càng tốt!

Nhận định đó bây giờ không còn đúng nữa, bây giờ “ta” chẳng khác gì “Tây”, sau khi làm doanh nhân kiếm cả đống tiền cất trong két, người ta nhảy ùm một cái là thành Phó Chủ tịch tỉnh mà Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.

Dẫu sao thì ông nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng chỉ là một con sâu trong tập đoàn sâu mà một vị nguyên cán bộ cao cấp bên tuyên giáo gọi là “nhóm lợi ích độc quyền kinh tế - chính trị”.

Khi trở thành “nhóm lợi ích” kết hợp kinh tế và chính trị, kết hợp doanh nghiệp và quan trường thì khả năng chi phối của nó là không có giới hạn, đó là sự lũng đoạn Nhà nước, bẻ cong pháp luật, đứng trên pháp luật và các nền tảng đạo đức xã hội.

Dân gian truyền miệng câu nói: “miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”. Ngày xưa tìm dẫn chứng minh họa cho câu miệng nhà quan có gang có thép không phải là quá khó, ngày nay thì quá dễ.


Tranh biếm phòng chống tham nhũng trên tuoitre.vn.
Đó là chuyện vị quan nho nhỏ cấp phó thị xã Kỳ Anh, sau vụ Formosa đầu độc biển đã mắng mỏ truyền thông và người dân, rằng “biển nhiễm độc từ cái mồm của các bạn”?

Mồm dân bị nhiễm độc thì lâu nay ai chả biết, từ thực phẩm đến thuốc men, đến cả không khí đều phải qua đó mà vào phổi, vào dạ dày; chỉ những mồm “có gang có thép” như ông quan nọ thì mới không bị “nhiễm độc”?

Đó là chuyện ông Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An bảo đề xuất của Chủ tịch Hà Tĩnh chuyển trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy  là “vớ vẩn”,  là "liên quan gì đến Hà Tĩnh"?

Cầu Bến Thủy được xây bằng tiền ngân sách – tức là tiền thuế của dân, thế nhưng không hiểu sao hai năm trước tỉnh Nghệ An đã cho ghép cây cầu này với "đường tránh thành phố" để thu phí BOT.

Mức “phí” ở đây cao hơn nhiều nơi khác không biết có phải do cầu này dùng toàn “thép” tốt hay nó liên quan đến Cienco4, một doanh nghiệp đã cổ phần hóa và (có thể) là sân sau của ai đó?

Nói “Nghệ An cho ghép cây cầu này vào với đường tránh thành phố" có lẽ không hoàn toàn chính xác, vì dù sao cũng phải có ý kiến Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, rồi còn hàng loạt đơn vị liên quan, có điều các văn bản cho phép (nếu có) thì dân làm sao biết được?

Thế nên dân chỉ có thể “minh bạch” đóng phí không thiếu một đồng dù đi trên cây cầu do mình bỏ tiền xây, dù không lạm vào đoạn đường BOT tí gì.

Chuyện ăn nói của doanh nhân như Bầu Đệ, ông chủ Tôn Hoa Sen, Hiệu trưởng Đại học tư thục Thành Tây hay Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội thì miễn bàn vì dù sao họ cũng là người kinh doanh, đã kinh doanh thì chẳng lẽ lại không dính tí “chợ búa”?

Điều đáng nói là dư luận hơi “choáng” sau phát ngôn của ông Phó Chủ tịch Nghệ An, Lê Ngọc Hoa với ông Chủ tịch Hà Tĩnh.

Một bước nhảy từ doanh nghiệp sang Phó Chủ tịch tỉnh đã khiến vị thế của ông trở nên khác lạ.

Ông ăn nói có “gang có thép” hơn có phải vì ông đường đường là Phó Chủ tịch tỉnh “to” nhất cả nước, to những 16.494 km vuông, còn Hà Tĩnh diện tích chỉ hơn 5.000 km vuông, chỉ là “muỗi” so với địa bàn mà ông Lê Ngọc Hoa tham gia quản lý?

Được biết năm 2013, ngân sách trung ương phải chi bổ sung cho Nghệ An tới 10.969 tỷ đồng (chỉ đứng sau Thanh Hóa 14.427 tỷ).

Cứ nghĩ lãnh đạo một tỉnh phải thường xuyên xin cứu trợ thì ngôn từ phải mềm mỏng, thế nhưng ông Phó Chủ tịch Nghệ An lại khác, bởi tỉnh có thể nghèo chứ ông và gia đình chắc chắn không cần “bổ sung, hỗ trợ” từ bất kỳ nguồn nào!

Sau khi ông Hoa rời bỏ Cienco4 về làm Phó Chủ tịch Nghệ An, báo An ninh Tiền tệ và Truyền thông [1] cho biết:

Vợ ông Lê Ngọc Hoa là bà Trương Thị Tâm hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời là một cổ đông lớn của Cienco 4.

Tính đến cuối năm 2015, bà Tâm đang nắm giữ 9.586.870 cổ phần – tương đương tỉ lệ 13,32%, ông Lê Ngọc Hoa cũng sở hữu 126.360 cổ phần; em vợ ông – ông Trương Hữu Thìn có 10.240 cổ phần tại đây”.

Tại thời điểm cổ phần hóa Cienco4, giá trị một cổ phần là 14.062 đồng.

Vậy thì khối tài sản của vợ chồng ông Phó Chủ tịch Nghệ An chỉ riêng tại Cienco4 đã ngót nghét 140 tỷ (chính xác là 136,587 tỷ đồng), đấy là chưa nói giá trị tăng thêm theo thời gian vì nghe nói Cienco4 làm ăn khá thuận lợi, đặc biệt là các vụ BOT giao thông.

Lại được biết thêm một điều nữa, Cienco 4 là doanh nghiệp sở hữu trạm thu phí cầu Bến Thủy, phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến ông Lê Ngọc Hoa “tức hộ” Cienco4, khiến ông phải bảo "cái này Hà Tĩnh vớ vẩn"?

Mà không chừng lãnh đạo Hà Tĩnh “vớ vẩn” thật!

Đáng lẽ trước khi kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phải biết cái trạm thu phí ấy do ai quản lý, nó liên quan đến những ai, nó mang lại tiền tỷ cho ai, đằng này lại tồ tồ kiến nghị lên tít tận cấp trên, bị “mắng” còn oan ức nỗi gì?

Mới là doanh nhân như Bầu Đệ, ngay giữa cuộc họp đã chỉ tay mắng Giám đốc Sở Thông tin Thanh Hóa “đừng có hỗn”, thế thì “quan doanh nhân” mắng “quan dân sự” có gì mà báo chí phải chộn rộn?

Mới đây ông Lê Ngọc Hoa đã có cải chính, rằng: “có thể trong lúc nói chuyện trên điện thoại, phóng viên nghe nhầm một từ ngữ nào đấy. Tôi khẳng định, mình không nói Hà Tĩnh hay ông Khánh vớ vẩn”! [2]

Đến đây thì vấn đề không liên quan đến Hà Tĩnh mà liên quan đến báo chí, ông Hoa “khẳng định không nói Hà Tĩnh hay ông Khánh vớ vẩn”, nếu sự thật đúng như ông “khẳng định” thì rõ ràng tin tức mà báo chí đưa thuộc dạng “đưa tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng”, còn nói theo cách lãnh đạo Thanh Hóa (trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội) là “bêu xấu, bôi nhọ các lãnh đạo tỉnh”.

Vậy ông Lê Ngọc Hoa, với cương vị Phó Chủ tịch tỉnh của mình cũng nên học tập lãnh đạo tỉnh bạn, như báo Nông nghiệp Việt Nam tường thuật:

Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin khách quan, trung thực, phản ánh đúng bản chất sự việc và kiên quyết không đăng các bài viết nhằm mục đích bêu xấu, bôi nhọ các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá mà không có căn cứ, không có cơ sở”. [3]

Còn nếu ngộ nhỡ phóng viên đã “trót” ghi âm lại cuộc nói chuyện với ông Hoa thì cũng nên công khai đoạn băng ghi âm đó để khỏi mất thời giờ của cơ quan chức năng, và cũng để nhắc nhở ai đó, rằng sở dĩ “miệng nhà quan có gang có thép” cũng là bởi vì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Từng có lúc chúng ta định nghĩa “gia đình là tế bào xã hội”, nói cách khác, mọi xã hội đều được cấu thành từ gia đình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tồn tại rất nhiều “nhóm lợi ích”, cỡ nhỏ như “nhóm lợi ích ngân hàng”, “nhóm lợi ích bất động sản”… to lớn hơn thì có “nhóm lợi ích độc quyền kinh tế - chính trị”, “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”…

Tổng hợp sự việc xảy ra hàng chục năm qua cho thấy, các nhóm lợi ích này đều được hình thành từ một nhóm lợi ích cơ bản mà ta tạm gọi là “nhóm lợi ích tế bào”.

Tế bào của xã hội “nhóm lợi ích” chính là “nhóm lợi ích Quan - Doanh”.

Nguồn năng lượng nuôi sống tế bào này là sự kết hợp của hai thành phần: “quan” tức là quan chức chính quyền, chính trị và “doanh” là doanh nhân có mối liên kết gia đình, dòng tộc với “quan”.

Vợ chồng vị lãnh đạo cao nhất cấp thành phố ở tỉnh Cà Mau trong 22 tháng đăng ký 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. [4] Một lãnh đạo tỉnh sở hữu gần trăm héc ta cao su khi đương chức hay vợ chồng lãnh đạo tỉnh sở hữu gần 10 triệu cổ phần ở doanh nghiệp… là những minh chứng không thể phủ nhận về vai trò của “tế bào” trong xã hội “nhóm lợi ích”.

Dưới sự “bảo trợ” của “quan chồng”, các bà vợ trở thành đại cổ đông, đại gia, và nhiều thứ “đại” khác ví dụ đại diện, đại biểu...

Chuyện ngược lại cũng không hiếm.

Các gia đình “quan – doanh” có bóc lột sức lao động của công nhân, nông dân và các tầng lớp bình dân không?

Câu trả lời là “không có”, “không” là vì họ không bóc lột kiểu “cổ điển” tức là bóc lột giá trị thặng dư, “có” là vì họ vét từng đồng xu của bất kỳ ai có thể vét chứ không chỉ người nghèo.

Đối tượng đầu tiên mà “quan - doanh” nhắm tới là “ngân sách”, ngân sách dành cho Giáo dục, Y tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, đầu tư phát triển… đều được “quan – doanh” chăm bẵm từ khi xây dựng phương án đến khi thực hiện.

Các doanh nghiệp sân sau của “quan – doanh” luôn biết trước thông tin và thường là người chiến thắng trong các cuộc đấu thầu đầy rẫy “quân xanh, quân đỏ”.

Thất thoát trong xây dựng mấy chục phần trăm là thất thoát ngân sách, người ta “bóc lột” ngân sách chứ không trực tiếp móc túi người đóng thuế.

Biếm họa về tham nhũng trên laodong.com.vn.

Thất thu ngân sách Nhà nước góp phần làm bội thu ngân sách các gia đình “quan – doanh” là thực tế hiển nhiên không cần chứng minh.

Đối tượng tiếp theo mà “quan - doanh” nhắm tới là “chính sách”.

Thông qua sự thiếu minh bạch, thông qua các mối quan hệ gia đình, thân hữu, đôi khi dựa vào những quyết định duy ý chí… để hình thành quyết định đầu tư, để vạch ra định hướng…

Một khi tiếp cận được thông tin chính sách, tác động điều khiển bộ phận hoạch định, các gia đình “quan – doanh” dễ dàng bao thầu tất cả.

Trở thành lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa như Sabeco, hay đã cổ phần hóa như Cienco4 đương nhiên sẽ được mua một số cổ phần ưu đãi, kết hợp với tiềm lực gia đình, việc mua thêm cổ phần để nắm quyền chi phối không phải là chuyện quá khó.

Cái khó là làm sao ngồi vào hội đồng quản trị thì đã có “gia đình” chuẩn bị!

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói: “Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. Sự “cay nghiệt, độc ác” thể hiện qua các loại “phí” mà “phí sử dụng đường bộ” như trường hợp cầu Bến Thủy chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.

Vì là “tế bào” nên “quan – doanh” không xuất hiện trước con mắt “trần tục”, chỉ có thể thấy nó dưới lăng kính minh bạch, công lý.

Nguồn năng lượng nuôi sống xã hội bị “tế bào quan doanh” thu hút về mình không trắng trợn, man rợ theo kiểu tư bản lũng đoạn.

Làm được điều đó bởi vì nó núp bóng kinh tế thị trường có định hướng, núp bóng các chủ trương, chính sách được pháp luật bảo hộ.

Liệu ai có thể khẳng định, rằng tiền chảy vào két của doanh nhân thông qua các hoạt động kinh doanh không minh bạch (đấu thầu thuốc chữa bệnh, đấu giá tài sản công, BOT…) không phải là tài sản của những quan chức chính quyền trong gia đình họ?

Công nhận “sự trong sạch” của những đồng tiền ấy tức là công nhận một kiểu bóc lột mới của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, tức là công nhận sự giả dối khi người ta khẳng định tài sản không mang tên mình, tức là công nhận một tầng lớp cường hào ác bá mới, còn “độc ác, man rợ hơn cả địa chủ, tư bản ngày xưa”.

Khi thương trường là chiến trường, ai có thể khẳng định, rằng một quan chức sẽ không hậu thuẫn cho bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu…  trong các thương vụ làm ăn?

Muốn tiêu diệt “xã hội nhóm lợi ích” thì phải tiêu diệt các “tế bào” tạo nên xã hội đó.

Liệu có cơ chế nào hữu hiệu để cách ly quan trường và thương trường?

Không diệt được “tế bào gốc” thì đừng mong tiêu diệt được xã hội “nhóm lợi ích”.

Tài liệu tham khảo:





Xuân Dương

 

Nguồn: Theo GDVN