31 octobre 2016

VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Huỳnh Ngọc Chênh 

Ở thôn Cồn Liệt, xã Quảng Trung, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đến nhói lòng. Trước ngôi nhà tuềnh toàng, nhem nhuốc bùn vàng từ trong ra ngoài, một cậu bé con, mặt buồn so đang ngồi một mình trông ra đường với chén cơm trắng chan chút xì dầu, cậu bé đang ăn bửa trưa sớm. Tôi hỏi: "Bố mẹ con đâu rồi?", cậu bé thưa: "Ra thôn làm vệ sinh". Tôi nhớ ra hôm nay là chủ nhật, cả làng tập trung tổng vệ sinh sau lũ, bố mẹ đi hết nên cậu bé phải ở nhà một mình. Tôi hỏi: "Ai lo cơm cho con ăn?", Cậu bé nói: "Con tự bới cơm trong bếp ra ăn"

 


Tôi bước vào nhà, nhìn vào bếp thấy đúng một nồi cơm nguội và một chai xì dầu gần hết. Nhóm cứu trợ trao cho cháu một phần quà là một phong bì có 200 nghìn đồng bên trong và dặn cháu nhớ mang cất để về đưa lại cho bố mẹ.

Rồi một thương binh phải lết từ trong một cái chòi lá ra để nhận quà. Tài sản quý giá của ông cũng là phương tiện đi lại là một chiếc xe ba bánh đã hư để phía trước cửa nhà.



Cơ ngơi của người thương binh

 
Ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, Nguyễn Thuý Hạnh, thành viên nữ duy nhất của đoàn cứu trợ, đã rơi nước mắt khi gặp người mẹ đã mất 4 đứa con trai và 2 chàng rể trong một tai nạn chìm tàu cá làm chết 14 người vào năm 2013. Bà Hoá, người mẹ 63 tuổi đáng thương đó vẫn phải sống, phải vật vả bám biển để lo cho đàn cháu nội ngoại, và những người còn lại trong gia đình. Nhưng tai hoạ giáng xuống, Formosa như một hung thần từ phương Bắc được rước vào phun nọc độc ra, phủ thảm hoạ xuống gia đình bất hạnh của bà một lần nữa. Bà trắng tay, ngồi trên bờ nhìn về phía biển từ mấy tháng nay. Cơn lũ khốc liệt tràn qua, có lẽ cũng không đẩy thêm bà vào thảm cảnh hơn được nữa. Bà đã trơ ra rồi.



Người mẹ 63 tuổi đã mất 4 người con trai và 2 người con rể trong một trận chìm tàu đánh cá của gia đình làm chết 14 người năm 2013

 
 
 
Tham gia với nhóm cứu trợ Nhân sĩ trí thức Sài Gòn, tôi đã về vùng lũ Quảng Bình, để tận mắt chứng kiến những cảnh đời sầu thảm như vậy.

Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe đi lên một vùng miền núi khá xa ở phía Tây Quảng Bình, nơi đã bị lũ quét tràn qua trong tích tắc, cuốn phăng đi tất cả. Đó là vùng Tam Trang, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch. Chúng tôi đến liên hệ với linh mục Trần Trung Năng cha xứ nhà thờ Tam Trang để nhờ hướng dẫn đến những hộ nghèo nhất và khó khăn nhất. Vị linh mục nầy nói: "Ở vùng nầy, vừa lương vừa giáo có 500 hộ nghèo đều và bình đẳng khó khăn,Thuý Hạnh đùa: "Chủ nghĩa cộng sản đã thành công ở vùng này rồi, ko có kẻ giầu người nghèo, tất cả đều như nhau... nghèo".Linh mục nói thêm: " Rất may là hôm qua chúng tôi được báo sáng nay có đoàn cứu trợ ở Vinh vào, nên đã tập trung tất cả họ về nhà thờ để chờ nhận quà cứu trợ".
 

Đại diện 500 hộ nghèo đều xếp hàng chờ nhận quà từ sáng sớm tại Tam Trang



 
 
Số tiền của các nhân sĩ trí thức Sài Gòn tự đóng góp với nhau trong đợt 1 chỉ được trên 160 triệu đồng chia ra làm 800 phong bì mang ra Quảng Bình cứu trợ. Trong ngày đầu, qua bốn địa điểm đã trao tặng tận tay từng gia đình khó khăn đến 500 phần quà, nên chỉ còn 300 phần. Rất may, trong thời gian đó, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhận được số tiền quyên góp của nhiều nhà hảo tâm là 20 triệu đồng, quyết định chuyển ra cho nhóm cứu trợ LHĐ. Như vậy, có thêm 100 phần quà nữa. Tuy vậy vẫn còn thiếu 100 phần.

Trưởng nhóm Lê Công Giàu nói với cha xứ: "Có thể lọc ra trong số 500 hộ đó khoảng 400 hộ khó khăn nhất được không?". Cha xứ lắc đầu nói: "Ở đây vùng miền núi, không có ruộng, đất đai khô cằn, người dân không có nghề nghiệp gì, chỉ bám vào mảnh vườn tự sản tự tiêu để đắp đổi qua ngày, nên cái nghèo được chia đều cho mọi người. Ai cũng nghèo bằng nhau nên khó tìm ra ai nghèo hơn"

Nhóm cứu trợ hội ý và cuối cùng, anh Kha Lương Ngãi quyết định ứng ra 20 triệu đồng tiền riêng của anh để thêm 100 phần quà cho đủ con số 500.

Thế là nhóm Sài Gòn và nhóm Vinh cùng nhau phát quà cho 500 hộ.

Nhìn dòng người xếp hàng hết cả một buổi sáng để hớn hở nhận được hai phần quà nhỏ nhoi trị giá tổng cộng 350 ngàn đồng mà không ai khỏi xót xa. Đồng bào đã quá nghèo khổ lại thêm thiên tai ập xuống.

Hầu hết người dân khi nhận quà ánh mắt đều hân hoan và nói lời cám ơn chân thật. Đặc biệt nhiều người tỏ ra quý mến và ngưỡng mộ các bác lớn tuổi đến từ miền Nam, luôn miệng nói các bác ấy là ân nhân.


 
 
 
 
 
 


Cha Tịnh và nhà thờ Cồn Sẻ đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc, nơi đã tiếp đón và cho chúng tôi chỗ ăn ở trong suốt hành trình của chuyến đi này. Có thể nói nơi đây là ngôi nhà chung ấm áp cho rất nhiều đoàn cứu trợ. Tại đây các đoàn đều được đón tiếp vô tư, tận tình và chu đáo, được cung cấp chỗ ăn ở, rồi từ đây mới toả đi các nơi để cứu trợ, dưới sự hướng dẫn và liên lạc trước của Cha xứ với các địa phương mà các đoàn sẽ đến.

Những ngày ở Cồn Sẻ chúng tôi được gặp gỡ giao lưu với nhiều đoàn thiện nguyện, thật dễ dàng tay bắt mặt mừng dẫu chỉ lần đầu gặp nhau, bởi tất cả cùng có chung nỗi quan tâm tới những bà con vừa gặp thiên tai.

 


Linh mục Tịnh đi cùng đoàn thăm viếng một người dân đang bị bệnh


Rời Cồn Sẻ, bên tai tôi như văng vẳng tiếng hát của các cháu thiếu niên đội Teresa, (các cháu tham gia nhặt rác) tập trung về nhà thờ đêm hôm trước:

"Vượt dốc cheo leo nay ta vượt đèo

Từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền...."...